'Bán cà phê thì nói cà phê, đừng treo đầu dê bán thịt chó'

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm trường ĐH Bách Khoa Hà Nội bức xúc chia sẻ tại buổi tọa đàm Cà phê bẩn – Thực trạng và giải pháp vừa diễn ra vào ngày 20-7 do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN và Tuổi Trẻ TP.HCM phối hợp tổ chức.

Việt Nam được xem là cường quốc cà phê trên thế giới khi mỗi năm xuất khẩu hàng triệu tấn cà phê. Tuy nhiên ngay tại xứ sở trồng cà phê trù phú mà khái niệm cà phê nguyên chất 100% được làm từ hạt cà phê lại không hề tồn tại. Gần như hầu hết các sản phẩm cà phê Việt đều phải pha trộn, tẩm ướp thứ gì đó không phải là cà phê. Tại sao nghịch lý này vẫn cứ tiếp diễn và trở thành một sự thật hiển nhiên mà cả người sản xuất, người bán, người mua đều “đồng thuận”? Vấn đề này đã được đem ra thảo luận sôi nổi tại buổi tọa đàm này.

Bán đậu nành, nói cà phê

Mở đầu tọa đàm là đoạn phóng sự video do phòng truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện ghi lại những hình ảnh sản xuất cà phê tại một số cơ sở trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, cà phê ở đây được trộn với số lượng lớn đậu nành, bắp, cùng rất nhiều loại hóa chất, hương liệu, phụ gia để ra thành phẩm cuối cùng là những bao cà phê mà phần lớn chỉ toàn ngũ cốc rang cháy. Đoạn phóng sự đã khiến nhiều người rùng mình khi tận mắt trông thấy quy trình chế biến gian dối, máy móc sơ sài, nhà xưởng bẩn thỉu của những cơ sở này. Được biết, cà phê ở đây được tiêu thụ tại những quán cà phê cóc, cà phê vỉa hè, xe đẩy...

Theo nguồn tin riêng của PV thì kết quả điều tra sơ bộ sau khi thanh tra bốn cơ sở sản xuất cà phê tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh trong ngày 15.7 đoàn thanh tra liên ngành TPHCM cho thấy tổng số lượng hàng hóa đoàn thanh tra quyết định tạm thu giữ tại 4 cơ sở lên đến hơn 25 tấn, trong đó bao gồm 19 tấn cà phê và đậu nành chưa rang, hơn 1 tấn hương liệu phụ gia thực phẩm, và hơn 4 tấn hỗn hợp bột cà phê thành phẩm, hạt cà phê và đậu nành rang tẩm hóa chất, hương liệu phụ gia các loại .

Giải pháp nào để "dẹp loạn" triệt để thực trạng “cà phê bẩn” hiện nay? Quy chuẩn nào cho một sản phẩm cà phê đúng nghĩa? Minh bạch thành phần có trong sản phẩm có được các doanh nghiệp thực thi và giám sát bới các cơ quan chức năng? Những câu hỏi đã được các khách mời phần nào giải đáp trong buổi tọa đàm, trong đó có đại diện của các thương hiệu Nescafé, Vinacafe, Mê Trang...

Có thể nói việc pha trộn ngũ cốc để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận nhưng khi công bố và trên bao bì sản phẩm luôn ghi là café 100% nguyên chất. Ít đơn vị nào công bố có thành phần đậu, bắp, hóa chất trong sả phẩm của mình. Đây được xem là một hành vi đánh lừa người tiêu dùng.

Đại diện Phòng 7, C49, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, cục Cảnh sát môi trường (cơ quan phía Nam) đã tiến hành rất nhiều đợt thanh kiểm tra phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, xử lý hơn 20 doanh nghiệp cơ sở sản xuất cà phê các loại, thu hàng trăm tấn trị giá hàng tỉ đồng. Về thực tế trong quá trình kiểm tra của chúng tôi, chúng tôi từng phát hiện một cơ sở sử dụng 100% đậu nành, không có hạt cà phê nào cả nhưng vẫn ghi bao bì là 100% cà phê nguyên chất, cà phê Tây Nguyên đặc sản”

Và người tiêu dùng chính là đối tượng hoang mang nhất, bởi họ là người trực tiếp uống cà phê giả mỗi ngày. Anh Nguyễn Tuân (sinh viên đại học Bách Khoa TP.HCM) cho biết: “Tôi và bạn bè vẫn hay uống cà phê ở các hàng quán ven đường vì giá rất rẻ, chỉ 7-10.000 đồng/ ly, lại rất tiện lợi. Nhưng dạo gần đây đọc báo thấy thông tin bắt quả tang những cơ sở làm cà phê trộn này nọ làm chúng tôi rất lo lắng”.

Cần một quy chuẩn quốc gia về cà phê

Dù là nước có sản lượng cà phê trong top đầu của thế giới, nổi tiếng về xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đồng thời thị trường trong nước cũng rất sôi nổi và sở hữu một lượng người tiêu dùng nội địa đông đảo, nhưng chưa hề có một hệ quy chuẩn quốc gia nào để đo lường và đánh giá chất lượng của cà phê VN. Trong khi đó, nước láng giềng Thái Lan đã có quy chuẩn cà phê của riêng họ.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng vụ pháp chế, Bộ Y Tế thì tuy hiện nay chưa có những quy chuẩn quốc gia liên quan đến cà phê nhưng đã có hệ tiêu chí liên quan đến vấn đề này, trong đó có các quy định về hàm lượng kim loại nặng, độc tố vi nấm, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, chỉ tiêu chất lượng liên quan đến cà phê bột. Ông nói thêm: “Chúng ta hay dùng từ cà phê bẩn độc trộn để thu hút sự quan tâm chú ý của mọi người, trong chừng mực nào đấy nó đúng nhưng nếu nói trường hợp cà phê hoàn toàn không có caffeine thì phải gọi đó là cà phê giả. Các loại cà phê sử dụng các phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, trong đó có hàm lượng kim loại nặng, độc tố vi nấm thì gọi là cà phê không đảm bảo chất lượng. Chúng ta phải phân biệt rõ đối tượng sản xuất. Đối với đối tượng các doanh nghiệp lớn có thương hiệu tại Việt Nam, thì sản phẩm của các thương hiệu này tương đối đảm bảo chất lượng. Nhưng chính lượng tiêu thụ tại các cà phê cóc, cà phê vỉa hè này chúng ta vẫn chưa kiểm soát được.”

Như vậy, để có thể quản lý được chất lượng của cà phê Việt giữa “ma trận” bát nháo của cà phê giả, trộn tạo chất không rõ nguồn gốc đang nhức nhối hiện nay, vấn đề vẫn là việc kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất cà phê đảm bảo minh bạch về thành phần, nguồn gốc xuất xứ của các chất phụ gia, công bố tỉ lệ hàm lượng. Trước mắt, giải pháp này cần sự ủng hộ và cam kết từ các hãng cà phê lớn - những “anh cả”của ngành cà phê VN như Trung Nguyên, Nescafé, Vinacafé…

Bên cạnh đó, cũng theo ông Quang thì các cơ quan chức năng bao gồm Bộ Y tế, bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ Công thương phải rà soát lại toàn bộ các quy định về pháp luật, xem có các quy định nào chưa phù hợp thì điều chỉnh, cái nào còn thiếu thì phải bổ sung, trong đó phải bao gồm các quy định liên quan đến việc xử phạt, xem lại các quy định này có đủ sức răn đe hay chưa. Và vấn đề quan trọng vẫn là việc xây dựng một bộ quy chuẩn quốc gia cho cà phê Việt nhằm tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn, bảo đảm chất lượng cà phê Việt, bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao uy tín của cà phê Việt cả ở thị trường nội địa lẫn quốc tế.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/ban-ca-phe-thi-noi-ca-phe-dung-treo-dau-de-ban-thit-cho-1030052.tpo