Bài văn gây sốc về đồng tiền: Lạc đề nhưng mà rất hay, rất xúc động...

(Phunutoday) Bài văn "lạ" của cậu học trò nghèo Hà Nội đã khiến nhiều độc giả xúc động và đồng cảm với em. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (nguyên giảng viên khoa tâm lý trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) về vấn đề này.

(Phunutoday) Bài văn "lạ" của cậu học trò nghèo Hà Nội đã khiến nhiều độc giả xúc động và đồng cảm với em. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (nguyên giảng viên khoa tâm lý trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) về vấn đề này.

TIN LIÊN QUAN
Bài văn gây sốc về đồng tiền: Lâu lắm rồi mới được khóc... Bài văn gây sốc đã đánh thức tình người... Bài văn gây sốc trả lời về vai trò của đồng tiền

PV: Rất nhiều độc giả đã không cầm được nước mắt khi đọc bài văn của cậu học trò Nguyễn Trung Hiếu, lớp 11 chuyên Lý, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams), ông có khóc vì xúc động?

Ông Nguyễn An Chất:- Tôi đã đọc bài văn này rất nhiều lần. Tôi hết sức ngỡ ngàng và ngạc nhiên. Tôi thực sự trân trọng tác giả của bài văn. Tôi đã in bài văn đó ra và mang về cho cả gia đình đọc. Vợ tôi đã xúc động nói "thương cho hoàn cảnh cậu bé đó quá.

PV:- Là một nhà giáo tâm lý, ông "chấm điểm" bài văn này như thế nào?

Ông Nguyễn An Chất: -Theo tôi, đây là một bài văn hay nhưng không phải bài văn lạ như người ta đã nói. Tôi nhận định đây là một bài văn rất hay, bố cục tốt dễ cảm nhận và dễ đồng cảm. Nó thể hiện ở cái tả thực, rất thực chứ không có một chút gì về hư cấu cả, không sáo rỗng. Bài văn không bị một công thức nào chi phối. Trong khi chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm văn như chấm toán. Em Hiếu không bị ràng buộc bởi quy chế, một người (giáo viên) nhà trường hay mẫu của một bài văn nghị luận. Em học sinh này không bị ảnh hưởng bất kỳ một bố cục cứng nhắc nào. Nó toát lên cảm xúc từ thực tiễn, hoàn cảnh, cuộc sống cụ thể của em. Suy nghĩ đúng từ con tim và khối khóc của một cậu bé 9X sống giữa thủ đô Hà Nội.

PV:- Trong bài văn có chi tiết lúc mẹ em Hiếu ở trong bệnh viện, một giường nằm 3 bệnh nhân, ngay cạnh đó chỉ có một người một phòng. Theo ông có phải em Hiếu đã nhìn thấy rõ sự bất bình đẳng trong xã hội?

Ông Nguyễn An Chất: - Bài văn lên tiếng cho biết thực tế cuộc sống của cộng đồng, một cuộc sống cần phải thực hiện mau chóng để tiến tới thành công mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bài văn của em Hiếu toát lên một điều là dân chưa giàu, vẫn có những gia đình nghèo nằm giữa thủ đô. Cuộc sống của gia đình em Hiếu phải chạy vạy từng bữa và em đã gày đi 8 kg. Vào bệnh viện thì 3 người 1 giường nhưng bên cạnh có những căn phòng của một bệnh nhân có quạt máy, ti vi. Điều này nói lên sự chưa công bằng trong xã hội. Em chưa nói rõ điều đó nhưng tự nó đã toát lên điều đó.

Vấn đề rất cần là để lớp trẻ có thể nói lên cảm xúc của chính mình với một góc nhìn trong sáng, không bị lệ thuộc vào một áp lực nào cả. Giúp người lớn có cái nhìn mới, đổi thay về đạo đức, lối sống. Đặc biệt là nhận thức của những người mới giàu tiêu tiền vô tội vạ.

PV: - Em Trung Hiếu đã "phá cách" một bài văn nghị luận, điều này có gợi mở về sự cần thiết phải thay đổi cách làm văn theo công thức trong nhà trường?

Bài văn gây xúc động của em Hiếu

Ông Nguyễn An Chất:- Tôi thấy bài văn rất sâu sắc, là một thông điệp gửi những người nghiên cứu soạn thảo chương trình, đội ngũ giáo viên cần có sự gợi mở cần thiết, lấy học sinh làm trung tâm chứ không phải dạy theo một công thức, lối mòn nhất định. Ngành giáo dục cần có những cải cách trong giáo dục nhất là môn văn học. Làm thế nào để văn học thực sự là văn học, thể hiện cảm xúc của mỗi cá thể, hướng tới chân thiện mỹ. Học sinh có thể biểu hiện được nhận thức của con người đối với ngũ thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Không chỉ đối với ngành giáo dục, tôi đã đọc những bình luận đặc biệt là của các em 9X, các em đã nói lên cảm xúc sâu đậm của mình. Nhiều em có cảm xúc cảm thông, coi đó là bài học của các em cùng trang lứa. Nó như một tiếng trống cảnh tỉnh một số người đặc biệt là lứa tuổi đồng trang lứa của em. Tôi thấy, từ lâu người ta nghĩ thế hệ trẻ là hư hỏng, thực sự không phải như vậy.

Với các em kể cả sống trong nhung lụa hay hoàn cảnh khó khăn thì vẫn có những người như em Trung Hiếu, dám nói lên suy nghĩ về của mình. Đây không chỉ còn là một bài văn lạ, đây còn là việc làm khá dũng cảm của em Trung Hiếu.

Ông Nguyễn An Chất

PV:- Là một nhà tâm lý học, ông có nhận thấy hiện tượng vô cảm đang chi phối mọi hành vi ứng xử trong xã hội hiện nay?

Ông Nguyễn An Chất: - Tôi nhận thấy sau khi có bài văn nhà trường và cộng đồng đã hướng cho xã hội một suy nghĩ mới. Cộng đồng có nhiều người lấy đồng tiền làm thước đo đã phải quay lại nhìn lại vai trò đồng tiền trong cuộc sống. Đồng tiền chỉ là phương tiện của cuộc sống còn giá trị của cuộc sống là trí đức.

Trong khi truyền thông đang đưa tin tội phạm trẻ hóa, một vấn đề xã hội đang lo ngại như vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang, lừa đảo của doanh nhân ở Hà Nội vừa rồi thì nhiều người lo lắng cho tương lai của xã hội, lo lắng về sự bình yên. Bài văn đã cảnh tỉnh cho những người như thế, họ sẽ thấy rằng thế hệ trẻ biết rõ cái thiện, cái ác như thế nào.

PV:- Bài văn của em Hiếu có phải là một việc làm "động trời" về lạc đề không thưa ông?

Ông Nguyễn An Chất: - Bài văn này hay thì rất hay nhưng lại là một bài văn lạc đề. Người giáo viên chấm bài cũng thật dũng cảm để chấm cho em một điểm 8 + 1. Nếu theo tâm lý của một người chấm bài, chấm theo công thức chấm văn như chấm toán thì bài của em Hiếu sẽ bị chấm vào lạc đề. Điều tôi trân trọng là khi em Hiếu làm lạc đề nhưng vẫn được các thầy cô bộ môn văn của trường công nhận là một bài văn lạ và họ đã đưa ra truyền thông như một điều gì đó muốn gửi gắm cho xã hội hiện nay, đặc biệt là tâm lý của thế hệ 9X.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Bảo Anh (thực hiện)

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xinhan/201111/Bai-van-gay-soc-ve-dong-tien-Lac-de-nhung-ma-rat-hay-rat-xuc-dong-2108750/