Bài toán hình khối (kỳ 17)

(HNM) - Bài toán 41. Có bao nhiêu cách sơn 3 mặt của một khối lập phương mà chỉ dùng hai màu xanh, đỏ?

Giải. TH1. Sơn 3 mặt của khối lập phương bởi 1 màu.

Có 2 cách chọn màu.

Có 2 cách chọn vị trí của 3 mặt là mặt trước, mặt trên và mặt sau hoặc mặt trước, mặt trên và mặt phải.

Ta có 2 × 2 = 4.

TH2. Sơn 3 mặt của khối lập phương bởi cả 2 màu.

Có 2 cách chọn màu sơn cho 2 mặt cùng màu và 1 cách cho mặt còn lại.

Nếu 2 mặt cùng màu đối diện nhau thì mặt thứ 3 có 1 cách chọn vị trí.

Nếu 2 mặt cùng màu chung cạnh nhau thì mặt thứ 3 có 2 cách chọn vị trí.

Ta có 2 × 1 × (1 + 2) = 6.

Tổng số cách sơn là 4 + 6 = 10.

Đáp số. 10 cách sơn.

Bài toán 42. Có bao nhiêu cách sơn 4 mặt của một khối lập phương mà chỉ dùng hai màu xanh, đỏ?

Giải. TH1. Sơn 4 mặt của khối lập phương bởi 1 màu.

Có 2 cách chọn màu.

Có 2 cách chọn vị trí của 4 mặt là bỏ đi 2 mặt đối diện nhau hoặc chung cạnh nhau.

Ta có 2 × 2 = 4.

TH2. Sơn 3 mặt cùng màu và 1 mặt bởi màu còn lại.

Có 2 cách chọn màu sơn.

Nếu 3 mặt cùng màu là mặt trước, mặt trên và mặt sau thì có 2 cách chọn vị trí cho mặt còn lại là mặt dưới hoặc mặt phải.

Nếu 3 mặt cùng màu là mặt trước, mặt trên và mặt phải thì mặt còn lại có 1 cách chọn vị trí.

Ta có 2 × 1 × (2 + 1) = 6.

TH3. Sơn 2 mặt màu xanh và 2 mặt màu đỏ.

Nếu 2 mặt màu xanh là trên và mặt dưới thì có 2 cách chọn vị trí cho 2 mặt đỏ là mặt trước và mặt sau hoặc mặt trước và mặt phải.

Nếu 2 mặt màu xanh là mặt trước và mặt trên thì có 3 cách chọn vị trí cho 2 mặt đỏ là mặt trái và mặt phải hoặc mặt sau và mặt dưới hoặc mặt sau và mặt phải.

Ta có 2 + 3 = 5.

Tổng số cách sơn là 4 + 6 + 5 = 15.

Đáp số. 15 cách sơn.

Bài toán 43. Có bao nhiêu cách sơn 3 mặt của một khối lập phương mà chỉ dùng ba màu xanh, đỏ, vàng?

Giải. TH1. Sơn 3 mặt của khối lập phương bởi 1 màu.

Có 3 cách chọn màu và 2 cách chọn vị trí của 3 mặt để sơn.

Ta có 3 × 2 = 6.

TH2. Sơn 3 mặt của khối lập phương bởi cả 2 màu.

Có 3 cách chọn màu sơn cho 2 mặt cùng màu và 2 cách chọn màu sơn cho mặt còn lại.

Nếu 2 mặt cùng màu đối diện nhau thì mặt thứ 3 có 1 cách chọn vị trí.

Nếu 2 mặt cùng màu chung cạnh nhau thì mặt thứ 3 có 2 cách chọn vị trí.

Ta có 3 × 2 × (1 + 2) = 18.

TH3. Sơn 3 mặt bởi cả 3 màu. Có 4 cách sơn.

Tổng số cách sơn là 6 + 18 + 4 = 28.

Đáp số: 28 cách sơn.

Kết quả kỳ trước:

TH1. Sơn 2 mặt của khối lập phương bởi 1 màu.

Có 2 cách chọn màu.

Có 2 cách chọn vị trí của 2 mặt là đối diện hoặc chung cạnh.

Ta có 2 × 2 = 4.

TH2. Sơn 2 mặt của khối lập phương bởi cả 2 màu.

Có 1 cách chọn màu và 2 cách chọn vị trí của 2 mặt.

Ta có 1 × 2 = 2.

Tổng số cách sơn là 4 + 2 = 6.

Đáp số. 6 cách sơn.

Kỳ này: Tương tự bài toán 42, thay 4 mặt bởi số 5 mặt.

Câu trả lời gửi về chuyên mục “Toán học, học mà chơi”, Tòa soạn Báo Hànôịmới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hoàng Trọng Hảo

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Thieu-nhi/852685/bai-toan-hinh-khoi-ky-17