Bài toán đổi tấn ra giây: Giáo viên ẩu khó nắn học sinh

Nhiều độc giả bình luận giáo viên thiếu cẩn trọng trong công việc là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng dạy và học đi xuống.

Những ngày qua, bài toán yêu cầu học sinh lớp 4 đổi tấn ra giây trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội.

Đề bài tập về nhà được cho là vô lý với yêu cầu đổi các đơn vị tấn, km, thế kỷ ra... giây khiến không ít phụ huynh hoang mang. Sự cẩu thả trong quá trình soạn đề của thầy cô trở thành vấn đề gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn.

Đề toán đổi tấn ra giây gây tranh cãi. Ảnh: NVCC.

Câu chuyện muôn thuở: 'Giáo viên cũng là người'

Dĩ nhiên, câu chuyện giáo viên viết sai đề không phải trường hợp đặc biệt. Theo thành viên Quế Chi, bên cạnh việc lên lớp, giảng bài, giáo viên phải lo nhiều vấn đề cơm, áo, gạo tiền, gia đình... Thậm chí, vào những đợt cao điểm, luyện thi, thầy cô cũng vướng bận thêm nhiều công việc khác nên chuyện sai sót là khó tránh.

Nhiều tài khoản mạng cũng bày tỏ sự thông cảm khi cho rằng sai sót trên chỉ là sơ suất. Thầy cô có lẽ vì căng thẳng và quá bận rộn nên không xem lại đề trước khi giao cho học sinh.

"Giáo viên cũng là người, có sai một chút sao đã phải rùm beng, trách móc người ta nặng nề vậy", độc giả Anh Huy viết.

Bạn đọc Trần Minh Phước cũng đồng tình cho rằng thầy cô ngoài chuyên tâm dạy chính khóa cũng phải dạy thêm, quán xuyến gia đình... Không chỉ vậy, dù giờ lên lớp hay không, chỉ cần học sinh va vấp vấn đề xã hội, các thầy cô giáo cũng là người phải chịu trách nhiệm liên đới.

"Mọi người đừng nên chỉ trích cô giáo trước sai lầm nhỏ nhặt này, nên bỏ qua cho người ta đi", anh chia sẻ.

Giáo viên ẩu dạy học trò ra sao?

Bên cạnh câu chuyện bài toán lớp 4, vài ngày trước, trang confession một trường đại học tại TP.HCM cũng chia sẻ bài viết sinh viên bức xúc vì giảng viên ngoại ngữ của trường dạy sai kiến thức căn bản.

Theo chia sẻ của nhân vật có mặt tại hiện trường, bức ảnh do một sinh viên chụp lại trong giờ học ngoại ngữ bổ sung. Trong quá trình lấy ví dụ minh họa cách phát âm /ed/ kết hợp động từ bất quy tắc think, rob thêm /ed/ thành robed (theo quy tắc, think không chia quá khứ và rob từ b nhân đôi thành robbed).

Câu chuyện đã khiến các sinh viên hoang mang và đặt dấu chấm hỏi cho những gì đang học. “Sinh viên đã nghèo sao còn mất tiền oan cho việc học những thứ này!”, “Hôm trước, mình cũng học ở đây, có giáo viên còn viết sai chính tả những từ như little, bought, price...", sinh viên Huỳnh TriềuMinh Thi chia sẻ.

Nhiều sinh viên bức xúc vì giảng viên lấy ví dụ sai kiến thức nghiêm trọng.

Hai câu chuyện trên là điển hình cho những trường hợp giáo viên gặp sai sót trong quá trình giảng dạy. Dù rằng “ai cũng có lúc sai" nhưng những lỗi trên là không đáng có.

Bênh vực nhiều, trách móc cũng không hiếm, không ít độc giả tỏ rõ sự thất vọng về tình trạng giáo viên hiện nay qua 2 câu chuyện trên.

Góp ý cho cô giáo soạn sai đề bài tập, độc giả Đức Anh nhận xét: "Có đến 3 đơn vị không thể đổi được. Hơn nửa bài toán được trọn điểm nhờ bỏ trống, quả là đánh đố và không phù học sinh lớp 4".

Người này cũng cho rằng việc nhầm lẫn ở trên là do giáo viên cẩu thả, không thể đổ thừa cho bất cứ lý do nào khác.

Theo ý kiến của các phụ huynh, người dạy là "con tàu đưa lối" cho các em nhỏ. Không ít học sinh trong độ tuổi mầm non, tiểu học đều đặt niềm tin tuyệt đối vào thầy cô của mình.

Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ phát hiện lỗi sai trong bài tập của con cũng gặp phải sự phản biện của các cháu bé với quan điểm "ở lớp cô giáo bảo vậy".

Trước quan điểm này, độc giả Bùi Thị Mỹ Trà cho biết: “Nhiều khi, mình thấy cô sai, chỉ lại nhưng con không chịu, cứ bảo là cô dạy thế này, thế kia... Mẹ không đi học sao biết?”, chị viết.

Tương tự, độc giả Trần Hoan cũng khẳng định đôi lần lần kiểm tra kiến thức, phát hiện sai sót trong bài tập, anh và vợ góp ý sửa bài nhưng con không chịu nghe. Những lần như vậy, gia đình khá căng thẳng vì không thể giải thích và làm cho con tin vào cách giải của mình.

Nhiều độc giả cho rằng mỗi công việc đều có khó khăn nhất định. Các thầy cô không thể lấy khó khăn mà đổ lỗi cho sai lầm của mình. Đôi khi, chỉ vì một sai lầm nhỏ mà ảnh hưởng thế hệ tương lai đất nước.

"Giáo viên là những người xây dựng nền tảng, truyền đạt kiến thức, làm gương cho học sinh. Một số thầy cô ẩu như vậy trách sao học sinh không cẩn thận trong bài vở của mình?", nhiều bạn đọc bình luận.

Ngọc Nhi

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bai-toan-doi-tan-ra-giay-giao-vien-au-kho-nan-hoc-sinh-post691657.html