Bài phỏng vấn gây rúng động nước Nga của cháu nội Stalin: Mẹ tôi không dám soi gương 14 năm

Trước ngày sinh lần thứ 75, Aleksandr Burdonsky, cháu nội của lãnh tụ Xôviết Iosif Stalin, đã lần đầu tiên quyết định dốc bầu tâm sự với nhà báo nổi tiếng người Ukraina, Dmitri Gordon, về cha mẹ mình và những ký ức đa chiều về quá khứ. Ông là con trai từ cuộc hôn nhân thứ nhất của tướng Vasili Stalin (1921-1962), người con út của lãnh tụ Xô viết Iosif Stalin.

Aleksandr Burdonsky.

Trong thời thơ ấu, Aleksandr Burdonsky chưa bao giờ được vuốt bộ ria lừng danh của ông nội, chưa bao giờ được chạm vào cái tẩu hút thuốc cũng như chưa một lần được cất tiếng gọi “Ông ơi!” – trong gia tộc này không có thói quen như thế. Aleksandr Burdonsky ngay từ năm 16 tuổi, khi bắt đầu có hộ chiếu, đã chỉ mang họ của mẹ. Phải chăng ông muốn bằng cách đó để bảo vệ mình khỏi những lời nguyền vô hình nào đó luôn đeo bám các hậu duệ của nhà lãnh đạo vĩ đại?

Dù thế nào thì Aleksandr Burdonsky cũng kiên quyết chối từ đi theo con đường chung của gia tộc mà tự chọn cho mình lối đến nghệ thuật sân khấu, sống và vui buồn cùng với bộ môn nghệ thuật này. Ngay lúc trẻ, bạn bè trong trường đã gọi Aleksandr Burdonsky là bá tước… Sau khi tốt nghiệp, Aleksandr Burdonsky đã rất nhanh chóng trưởng thành về nghề nghiệp. Hiện nay, ông là một trong những đạo diễn sân khấu hàng đầu ở Nga, NSND và hoàn toàn có thể khẳng định là tự ông đã tạo dựng cho ông sự nghiệp chứ không phải nương tựa vào ai. Hơn 40 năm qua ông đã làm việc trong Nhà hát Quân đội Nga…

“Tôi đã không nghĩ rằng cần phải mượn hơi cái họ Stalin để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật”

Dmitri Gordon: Aleksandr Vasilievich, ông là con trưởng của con trai út của Stalin. Ông sinh vào tháng 10/1941 tại Kuybyshev, nay gọi là Samara, vì khi đó quân phát xít Đức đã tấn công vào sát cửa ngõ Moskva và gia đình ông phải sơ tán xuống vùng hạ Volga. Xin ông cho biết, khi ấy, mẹ ông, Bà Galina Burdonskaya, làm công việc gì vậy? Nghề của bà ấy là gì?

Aleksandr Burdonsky: Mẹ tôi làm thơ, viết một số bài tiểu luận không hề tồi chút nào. Mẹ tôi từng học ở khoa biên tập xuất bản Trường đại học tổng hợp nhưng đã không tốt nghiệp được: thoạt tiên là vì tôi sinh ra rồi em gái tôi, rồi sau đó chiến tranh diễn ra và mọi sự đều đổ bể…

Mẹ tôi rời bỏ bố tôi vào năm 1945 và khi đó chẳng còn đầu óc đâu mà học, dù mẹ đã định vào học luật. Bà muốn trở thành luật sư để chiến đấu giành lấy sự thật, vì cha tôi đã không cho bà nuôi hai anh em chúng tôi… Tuy nhiên, chuyện học hành của mẹ tôi đã chẳng đi đến đâu cả. Sau này, mẹ tôi đã làm biên tập viên kỹ thuật…

Trong dòng máu của ông có bao nhiêu dân tộc trộn hòa vậy?

- Nhiều, thậm chí là quá nhiều, có lẽ thế. Đàng nội nhà tôi có cả người Gruzia, Ukraina lẫn Digan…Còn về phía dòng họ mẹ tôi thì có cả người Nga lẫn người Pháp.

Aexander Burdonsky chỉ đạo diễn xuất trong một buổi tập

Những dòng máu đó chắc cháy nóng lắm trong ông?

- Dĩ nhiên rồi, tính tôi cũng hoang dại lắm...

Sao ông lại theo họ mẹ?

- Đơn giản là ngay từ bé tôi đã mê sân khấu và tôi đã không nghĩ rằng phải mượn hơi cái họ Stalin để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật. Tôi đã sớm tự lập và mẹ tôi đã hoàn toàn ủng hộ tôi trong quyết định này. Tôi không nói là tôi tự hào vì cái gì đó nhưng đôi khi tôi có thể nói với mình là tôi đã tự làm nên tất cả.

Mẹ ông có kể về chuyện bà đã làm quen với cha ông như thế nào không?

-Tại sân trượt băng. Ở Moskva khi đó, trên phố Petrovka (nhưng không phải ở số nhà 38 của cơ quan điều tra hình sự mà ở số nhà 26) từng có một sân trượt băng nổi tiếng. Mẹ tôi khi đó cũng đã có hôn phu là vận động viên khúc côn cầu trên băng lừng danh Volodia Menshikov…

Họ đã chuẩn bị làm đám cưới?

- Đúng thế. Và chính ông ấy lại giới thiệu mẹ tôi làm quen với bố tôi…

Thật không may…

- Mẹ tôi, nếu mà các anh muốn biết thì tôi nói, đã rất thích phim “Cô gái không có của hồi môn”…

Phim này do nữ diễn viên Nina Alisova đóng vai chính…

- Phải, bộ phim rất oách của một thời, với những diễn viên hay, từng được nhận nhiều giải thưởng… Không biết các anh có nhớ cảnh ở trong đó, khi Ktorov – Paratov trước mặt Alisova đã rất hoành tráng ném cả cái áo khoác lông thú xuống vũng bùn để nhân vật nữ bước lên mà đi - ở một mức độ nào đó, cha tôi cũng đã gợi cho mẹ tôi nhớ tới Paratov. Cha tôi từng phóng xe máy như gió quanh ga tầu điện ngầm Kirov (mẹ tôi đã sống ở đối diện ga tầu này), hoặc bay lướt qua nhà ném hoa vào cửa sổ. Hồi ấy, có thể bay ở Moskva… Rất khó nói ra điều này nhưng phải công nhận rằng, thật không may là cha mẹ tôi lại có tính cách giống nhau.

Bác gái cũng là người lãng tử?

- Bạo dạn, liều lĩnh, sắc sảo không thể nào tưởng được – đôi khi cha mẹ tôi cứ bị người ta tưởng là hai chị em, mẹ tôi cứ bị nhầm sang bác Svetlana. Nhìn bề ngoài cha mẹ tôi trông cũng có nhiều nét giống nhau chứ không chỉ giống nhau về tính cách.

Cuộc hôn nhân của cha mẹ ông có được đăng ký chính thức không?

- Có chứ, đăng ký năm 1940, vào đúng dịp đón năm mới.

Hai người đã sống cùng nhau bao lâu?

- Năm 41, 42, 43… Tổng cộng là hơn 5 năm.

Rồi sau đó họ li dị?

- Không, họ không chính thức li dị. Cha tôi đã không khi nào đồng ý cho mẹ tôi li dị, dù sau đó ông đã đăng ký kết hôn với người khác, nhưng không phải là chính thức.

“Khi mẹ tôi bị chia rẽ khỏi hai chúng tôi, bà đã định tự vẫn, đã có lần nhảy xuống đường tầu điện ngầm…”

Sau khi cha mẹ ông chia tay nhau, ông đã sống ở đâu?

- Tôi đã sống cùng cha, cha tôi không cho mẹ tôi nuôi con.

Khi bị tách rời khỏi mẹ, ông đã rất đau đớn?

- Tất nhiên, đã vô cùng đau đớn!.. Chuyện đã lâu quá rồi nhưng giờ nhớ lại ẫn cứ rất nhói lòng.

Mẹ ông đã đau khổ khi bị tách rời khỏi con?

- Đau khổ, nói thế còn chưa đủ. Bà đã định tự vẫn mấy lần...

Thật thế ư? Bằng cách nào?

- Bà đã nhảy xuống đường tầu điện ngầm. Suốt tám năm liền bà đã không được thấy hai anh em tôi! Rồi sau đó có một lần, bà đã tới trường học gặp tôi. Hình như khi đó tôi đang học lớp hai. Có một người phụ nữ, đó là bà ngoại của tôi, tới tìm tôi và hỏi: “Cháu là Sasha phải không?”. Tôi gật đầu. Bà nói tiếp: “Cháu có nhớ là cháu có một người mẹ tên là Galia không?” Tôi tât nhiên là co hết cả người lại – và bây giờ tôi cũng bắt đầu nghẹn lời đây! (thở dài). Bà ngoại lại nói tiếp: “Mẹ con đang đứng ở lối ra vào của ngôi nhà bên cạnh”. Rồi bà dẫn tôi sang. Tôi với mẹ không nói với nhau điều gì cả, chỉ cùng nhau khóc. Rồi tôi về nhà. Và ngày sau, cha tôi gọi tôi vào phòng làm việc của ông và đã cho tôi một trận nhớ đời…

Vasili Stalin trong buồn lái một chiếc máy bay chiến đấu của Liên Xô

Ông ấy đã đánh ông? Bằng thắt lưng hay bằng tay?

- Cần gì phải thắt lưng. Bàn tay cha tôi rất nặng, giống như tay tôi (Khi tôi chạm tay vào mẹ tôi thì bà đã giật mình bảo: “Đừng chạm vào mẹ! Tay con cũng thô bạo như tay của cha con!”) Ông đã bợp tai tôi rồi sau đó gửi tôi vào trường thiếu sinh quân mang tên Suvorov. Thế là tôi trở thành quân nhân từ dạo đó.

Làm sao ông ấy lại có thể biết ông đã gặp mẹ mình? Lúc đó ông có đội bảo vệ theo sau hay chỉ đơn giản là nằm trong diện bị theo dõi?

- Có thể. Tôi cũng không rõ lắm những chuyện ấy nhưng xét theo kết cục buồn đã xảy ra thì có lẽ tôi đã nằm trong diện được quản lý.

Chắc mẹ ông khi đó cũng có điện thoại ở nhà. Sao ông không gọi cho bà?

- Không gọi. Nói thực là khi đó thì tôi cũng không hay biết gì về chuyện điện thoại cả.

Vì sao cha mẹ ông chia tay nhau? Mẹ ông có bao giờ kể với ông không?

- Cha tôi đã trở nên trái tính trái nết tới mức không thể nào chịu đựng nổi này… Đối với mẹ tôi. (Như ký ức về giai đoạn hôn nhân này, trên đầu Galina Aleksandrovna còn một cái sẹo dài tới 7 cm – đó là do người chồng đẩy bà, khi đó đang có mang, ngã vì ghen với diễn viên Mark Bernes, người đã rất được ưa chuộng sau bộ phim “Máy bay tiêm kích” – D.G). Dù rằng mẹ tôi đã yêu cha tôi suốt cả cuộc đời... Trong những năm cuối đời của bà, đôi khi tôi đã hỏi bà: “Mẹ tôi, nếu bây giờ cuộc đời có thể thay đổi theo cách khác…” thì bà luôn luôn bảo: “Con biết không, thì mẹ vẫn lại gặp cha con , yêu ông ấy và lại làm vợ ông ấy…” Mẹ tôi cho cha tôi là nạn nhân và nói chung, tôi cũng nghĩ có lẽ đúng là như vậy. Có một lần cha tôi quậy phá, uống rượu bét nhè và làm đủ trò thì mẹ tôi đã bảo với cha: “Vasia, anh nghĩ lại đi, anh đâu phải là người ngốc nghếch!”. Cha tôi lúc đó đứng cạnh cửa sổ, nhìn ra ngoài và không ngoái đầu lại, đáp: “Galka, chẳng lẽ em không hiểu rằng anh sẽ chỉ sống được khi cha anh còn sống, nếu cha anh không còn nữa thì anh cũng sẽ không còn!”… Nhưng nói thì nói vậy chứ chịu đựng cảnh ấy thực là khó khăn và tôi hiểu mẹ tôi vì sao đã như thế…

Chắc bà ấy thương xót…

- Thì tất nhiên là vậy. Trong thời gian 8 năm đó, cha tôi đã có thêm hai đời vợ, tức là tôi đã có thêm hai bà dì ghẻ. Một bà cực kỳ độc ác…

Vasili chụp ảnh thời trẻ cùng cha và em gái Svetlana

Đó là con gái của Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên soái Liên Xô Timoshenko?

- Phải, nhưng bà ấy mắc bệnh nặng, thần kinh bà ấy không bình thường... Nhưng nói chung thì bây giờ tôi cũng đã bỏ qua mọi sự cho bà ấy rồi. Rất nhiều năm sau, khi cha tôi không còn nữa, tôi đã gặp bà ấy: tôi nhớ hôm đó tôi tới ăn trưa với bà ấy vào lúc hai giờ mà phải tới sáu giờ tối hôm sau mới rời khỏi nhà bà ấy - chúng tôi đã ngồi trò chuyện với bà ấy trong phòng bếp.

Vì có quá nhiều điều tích tụ lại cần phải nói với nhau?

- (Thở dài). Cha tôi cũng từng đánh bà ấy, không yêu và hay đánh, và vì thế bà ấy giận cá chém thớt với chúng tôi.

Cha ông không yêu? Không yêu sao lại lấy?

- Tôi nghĩ có lẽ là bị người ta đưa đẩy. Như tôi được biết, thì ngay cả bác gái Svetlana cũng làm thế, họ hùa với nhau... Mà phải nói rằng, cũng có lần mẹ tôi đã nghe Nikolai Vlasik - Đội trưởng đội bảo vệ Stalin mà nhiều người rất khen ngợi - dặn rằng: “Galia này, cần phải báo lại cho chúng tôi biết xem người ta nói gì khi ngồi bên bàn trò chuyện với chồng cô nhé!”. Và mẹ tôi đã từ chối rất sẵng. Ông ta đã nổi cáu: “Rồi cháu sẽ ân hận vì việc đó!” Có lẽ trong câu chuyện này có những trò hậu trường đã diễn ra…

Để luôn kiểm soát tình hình.

- Phải. Tôi xin nhắc lại là mẹ tôi rất trực tính, không biết giả vờ, luôn luôn là chính mình, và có thể thay đổi trạng thái rất khác nhau: lúc thì tinh tế và dịu dàng, lúc thì cục cằn đến không thể chấp nhận được. Cái này thì khó có thể được ưa chuộng, còn Katia Timoshenko lại là người lớn lên trong môi trường Điện Kremli... Mà cuộc hôn nhân ấy cũng không kéo dài lâu, và rất bất hạnh. Kapitolina (Каpitolina Vasileva, nhà vô địch lập kỷ lục về bơi lội ở Liên Xô cũ- D.G) là người vợ cuối cùng của cha tôi, một người phụ nữ thông minh, thấu hiểu mọi sự và cuộc sống của cha tôi đã trở nên ổn định khi ở cùng bà ấy.

Gia đình của Aleksandr Burdonsky lúc bé.

“Mẹ tôi đã phải cưa chân và không một lần soi gương trong suốt 14 năm liền”

Còn ai ngoài Vlasik từ cơ quan an ninh đã muốn chiêu mộ mẹ ông làm cộng tác viên?

- Không còn ai nữa. Mẹ tôi cũng đã cho rằng, hình như chính Stalin đã ra lệnh: “Không được đụng tới Galina!” Mẹ tôi nghĩ thế vì mẹ tôi đã không bị cho vào tù và cũng không phải chịu một sự đàn áp nào.

Ừ, phải vậy...

- Bà đã không phải chịu những điều đó mặc dù sau khi bà bỏ về nhà với mẹ mình, cha tôi trong vòng một năm hay một năm rưỡi đã mỗi khi say rượu lại tới xả súng vào cửa sổ nhà mẹ vợ cũ. Bà ngoại tôi thậm chí còn bị sứt một mẩu dái tai, ba đeo đôi hoa tai kim cương và viên đạn đã sượt qua viên kim cương đó, thật may. Mẹ tôi trong những trường hợp tương tự đã bỏ chạy đi qua cửa sau.

Cha ông muốn mẹ ông quay lại với mình?

- Cũng không biết được...

Nhưng nếu ông ấy chính thức đề nghị thì mẹ ông có đồng ý không?

- Ôi, tôi không thể biết được... Tôi nhớ năm 1961, khi cha tôi được thả ra khỏi nhà tù thì ông ấy dĩ nhiên là đã tới chỗ chúng tôi. Mẹ tôi đã dọn bàn để tiếp đãi thật niềm nở nhưng khi cha tôi bắt đầu nói theo kiểu, Galia, có lẽ chúng ta lại ở với nhau vì con cái đi, thì mẹ tôi đã bỏ đi ngay về với bà ngoại – và sau đó không bao giờ quay trở lại nữa.

Dù vẫn yêu ông ấy…

- Đúng thế. Bà nói: “Thà ở chung một chuồng với hổ còn hơn… Mẹ thương cha con, xót cha con, hiểu rằng ông ấy bất hạnh đến nhường nào, nhưng không thể cùng chịu đựng được…” Mà mẹ tôi cũng đã từng tới Vladimir thăm cha tôi lúc ông ấy ở trong tù…

Thật thế?

- Bà mang cho ông ấy đồ gì đó… Chúng tôi tất nhiên cũng mang đồ cho cha mình vào tù…

Thế cuộc sống của mẹ ông sau đó thế nào?

- Rất nặng nề, vô cùng nặng nề. Khi cha tôi không cho chúng tôi về ở với mẹ, mẹ tôi sau một thời gian đã bắt đầu uống rượu giải sầu – thực là kinh khủng. Ở cạnh nhà bà ngoại có một bà hàng xóm, đã khuyên: “Galia, uống rượu đi cho đỡ buồn!” May thay, chuyện này chỉ diễn ra trong một thời gian. Hãy hiểu rằng, khi cha mẹ tôi chia tay, mẹ tôi mới 25 tuổi.

Còn non, chưa có kinh nghiệm gì…

- Tất nhiên, mẹ tôi đã là một người bị đời làm cho gẫy gục. Tôi rất yêu quý mẹ tôi, rất yêu quý. Bà đã sống tới tuổi 69…

Thế cũng là ít!

- (Buồn rầu). Bà là một người rất đáng quý, nhưng vấn đề không phải ở trong chuyện này... Trong 14 năm cuối đời mẹ tôi đã sống đúng như trong câu thơ của Vladimir Vysotsky “Được bảo vệ bởi tôi và Chúa”, nhờ chính tôi và Chúa! Bà đã mắc bệnh tắc động mạch khủng khiếp – bà đã hút thuốc lá quá nhiều, đã bị cưa chân và trong suốt 14 năm liền không một lần soi gương nhìn mình… Không một lần!

Mẹ ông đã từng là một người phụ nữ có nhan sắc?

- Biết nói thế nào nhỉ... Con hát, mẹ luôn khen hay và mẹ hát thì con cũng thế… Tôi nghĩ rằng, mẹ tôi có ngoại hình rất hợp thời, giống như bà bạn Valia Serova (nữ diễn viên, vợ Konstantin Simonov), hay như Lyubov Orlova, tóc vàng, khỏe mạnh như vận động viên, sống động, sắc sảo, lái xe rất điệu nghệ…

Sergei Nikikich Khrushchev - con trai của Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev - khi trả lời câu hỏi của tôi về việc ông ấy có gặp được Stalin không thì đã trả lời rằng: “Có, tôi gặp ông ấy trong lễ mít tinh nhưng ông ấy không gặp tôi…” Thế còn ông đã có dịp gặp ông nội mình không?

- Thì cũng tương tự như thế.

Cũng chỉ trong lễ mít tinh?

- Trong các buổi lễ mít tinh và duyệt binh ngày 9/5 và 7/11 - năm nào chúng tôi cũng có mặt trong các buổi lễ này. Ở trung tâm là Lăng Lênin, còn ở hai bên là bục dành cho khách. Chúng tôi đã đứng trong đám khách đó và nhìn thấy Stalin đi lên Lăng…

Lúc đó ông có hiểu rằng đấy chính là ông nội của ông không?

- Nói thực thì tôi cũng đã không quan tâm tới điều đó lắm.

Tại sao lại vậy?!

- Thì có gì quái lạ đâu? Khi ông ấy mất, tôi đang theo học trong trường cao đẳng quân sự Suvorov ở Tver – tôi bị “đi đầy” như thế vì đã mạo muội gặp lại mẹ mình. Có hai quân nhân tới đón tôi và đưa bay về Moskva, không cho ghé qua nhà, không cho ăn, không cho uống, dẫn ngay tới Phòng Khánh tiết , đưa lên trên sân khấu và đặt ngồi xuống ghế. Tôi nhìn thấy mọi người vào viếng, khóc như mưa, ôm lấy nhau, mà tôi cảm thấy xấu hổ vì không thể rặn ra giọt nước mắt nào... Như thể có ai đó xa lạ mất, tôi cần phải khóc mà không thể khóc nổi. Đối với tôi, Stalin là một hình ảnh ngự ở đâu đó trong suốt cuộc đời tôi, rất xa…

Tức là ông không cảm thấy mình là cháu nội của lãnh tụ vĩ đại Stalin?

- Không hề cảm thấy. Chúng tôi đã phải sống hết sức tùng tiệm, chúng tôi đã phải ở trong những điều kiện khá khắc nghiệt, trong bàn tay sắt. Vì thế nên tôi không thể hình dung ra cảnh mình có thể nói: “Quý vị có biết tôi là cháu ai không?” hay: “Có biết ai là ông tôi không?” Tôi không thể hình dung được chuyện đó dù nhìn từ bất cứ góc độ nào.

“Stalin đã nói về mẹ tôi với bác Svetlana: Đám phụ nữ các con đều ngốc nghếch và con bé ấy cũng ngốc nghếch”

Ở thời điểm đó ông đã 8-9 tuổi và bắt đầu có thể suy nghĩ, phân tích…

- Không phải thế, tôi dù sao cũng là đứa trẻ được nuôi trong lồng. Ít thấu hiểu sự đời…

Thôi được rồi. Thế khi thấy ông nội mình đi lên trên Lăng, ông có hiểu rằng, đó là người mà một nửa thế giới phải e sợ, lãnh đạo của siêu cường hạt nhân hùng mạnh nhất, một phần sáu địa cầu..

- Tôi đã không hiểu điều đó...

Và ông đã không cảm thấy một niềm tự hào tràn ngập trong mình vì mình là người nhà của vị lãnh tụ đó?..

- Không. Chỉ có cảm giác về trách nh

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-gioi/bai-phong-van-gay-rung-dong-nuoc-nga-cua-chau-noi-stalin-me-toi-khong-dam-soi-guong-14-nam-125183