Bại não vẫn làm họa sĩ kiêm võ sĩ đạo

Tai nạn chấn thương não, bại não, vài lần phẫu thuật, hôn mê... Sau đó là quá trình phục hồi mệt mỏi và tốn kém. Không nhiều nạn nhân may mắn thụ hưởng kết thúc có hậu, đa số vĩnh viễn tàn phế hoặc sớm giã từ cuộc sống. Nhờ nghị lực, sống lạc quan và một chút may mắn, nhân vật trong bài viết sau đã chiến thắng bệnh hiểm nghèo.

Gần 7 năm sau tai nạn, Grzegorz Wyciszkiewicz có diện mạo giống võ sĩ đạo Samurai Nhật Bản. Nhỏ nhắn, đầu húi cua. Bao giờ Grzegorz cũng tập trung vào mục tiêu của mình, chính xác hơn - tập trung vào con đường ông phải chinh phục. Hiện mục tiêu của ông là phục hồi sức khỏe, thông qua lao động bên giá vẽ, các bài tập thể lực, tập luyện Kyudo (bắn cung Nhật Bản) và theo học Đại học Mỹ thuật. Tương tự võ sĩ đạo phương Đông, Grzegorz nỗ lực tái tạo sức mạnh cơ bắp và trí óc thông qua các chương trình hoàn thiện nghệ thuật sử dụng kiếm hoặc cung tên.

Trước ngày bị tai nạn, từ thập kỷ 70, bên cạnh những hoạt động khác, ông Grzegorz Wyciszkiewicz đã là một trong những người quảng bá văn hóa Nhật Bản ở Ba Lan. Ngoài ra, ông còn là một họa sĩ nghiệp dư, chuyên gia tạo mẫu. Ông có gia đình và 2 con nhỏ. Bởi thế quan trọng nhất, Grzegorz không cho phép để tai nạn và bệnh tật cướp đi cơ hội hiện thực hóa những giấc mơ cuộc đời.

Grzegorz Wyciszkiewicz bên giá vẽ, 7 năm sau tai nạn.

Con người nhiều sở thích

Sở thích lớn nhất của của Grzegorz là nghệ thuật, chính xác là hội họa. Grzegorz vẽ tranh từ nhỏ. Đã là một họa sĩ nghiệp dư có năng khiếu, ông từng theo học nữ họa sĩ Zofia Matuszczyk-Cyganska, sau đó học trong xưởng vẽ của GS. Helena Cybisowa và GS. Jan Betley thuộc Đại học Mỹ thuật Warszawa. Ông đã có vài triển lãm. Tranh của Grzegorz Wyciszkiewicz có mặt trong nhiều bộ sưu tập tư nhân nổi tiếngcủa người Ba Lan và nước ngoài.

Thường nhật Grzegorz làm nghề thiết kế đồ gỗ giả cổ và nội thất. Sở thích thứ hai của ông là văn hóa Nhật Bản, chứng cứ thấy rõ qua nhiều tranh vẽ. Trong tạp chí “Wojownik” chuyên về các bộ môn võ thuật phương Đông, Grzegorz Wyciszkiewicz chịu trách nhiệm thiết kế mỹ thuật và viết bài cho chuyên mục Kendo (kiếm đạo). Bản thân ông từng là kiếm thủ Kendo (thành viên Tuyển Ba Lan tại giải Vô địch Kendo thế giới 2004). Wyciszkiewicz cũng huấn luyện bộ môn thể thao này cho thanh niên.

Tai họa bất ngờ

Tháng 12/2006 Grzegorz Wyciszkiewicz bị cú ngã đập đầu xuống mặt đường tuyết phủ tưởng chừng không nguy hiểm trong lúc đổ dốc tại vùng núi Alps tại Italia. Chỉ thấy đầu bị choáng, không đau. Tuy nhiên, kết quả chụp cắt lớp vi tính sau đó cho thấy, đã xuất hiện cục máu đông trong não đe dọa tính mạng, nếu bị vỡ. Sự can thiệp kịp thời của các bác sĩ ở Warszawa đã bảo vệ nạn nhân trước lưỡi hái tử thần. Tiếp theo, trong trạng thái bất tỉnh, Grzegorz trải qua 2 ca phẫu thuật thần kinh cứu mạng sống (ca thứ nhất các bác sĩ phẫu thuật loại bỏ bộ phận đáng kể cấu tạo khe não). Chưa đầy một ngày sau khi tỉnh, ông bị xuất huyết não và rơi vào trạng thái hôn mê. Để cứu Grzegorz, các bác sĩ buộc phải tiến hành thủ thuật khoan hộp sọ.

Sau 2 ca phẫu thuật, Grzegorz Wyciszkiewicz nhìn 1 thành 4. - Khi tôi vào thăm, ông ấy nghĩ, ngoài tôi trong phòng còn 3 người phụ nữ khác. Đối với tôi, việc ông ấy còn sống đã là điều kỳ diệu, cho dù, chỉ là “người thực vật” - bà Bozena, vợ ông Grzegorz nhớ lại.

Sinh viên tuổi 60+

“Lúc nào tôi cũng sốt ruột mong sớm hồi phục sức khỏe hoàn toàn - y hệt trước tai nạn, và cho dù tôi biết, điều đó là không thể, song tôi vẫn làm tất cả, để đạt được hiệu quả tối đa. Từ đó xuất hiện khẩu hiệu: “Mỗi động tác là một bài tập”. Tôi không thể hình dung, mình có thể nằm giường và cả ngày không làm việc gì” - ông Grzegorz chia sẻ. Ông cho biết thêm: Ngay khi bắt đầu tự đứng dậy và nhúc nhắc đi lại, tôi đã nghĩ đến sự trở về hoạt động nghề nghiệp.

Mẹo tránh ‘khô vùng kín’ giúp đời sống vợ chồng thăng hoa

Phát hiện thảo dược "Đặc trị" Đờm, Ho, Hen suyễn, COPD lâu năm

Thoạt đầu Grzegorz ham hoạt động dự định theo học ngành y, nhưng sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia tâm lý và bác sĩ thần kinh, ông đi đến kết luận, vì quỹ thời gian hạn chế, tốt nhất nên quay về lĩnh vực bản thân đã thông thạo, tức hội họa. Và xuất hiện ý tưởng theo học Đại học Mỹ thuật Warszawa. Bước vào tuổi 60, vượt qua kỳ thi tuyển sinh, Grzegorz trở thành sinh viên nhờ được cấp suất học bổng đặc biệt dành cho thí sinh cao niên. Nghĩ đến tương lai trở lại thị trường lao động sau thời gian dài nghỉ việc vì tai nạn, Grzegorz chọn chuyên ngành đồ họa đa truyền thông - nghệ thuật truyền thông mới, bởi bản thân ông thừa nhận, ông không biết nhiều về những công nghệ mới liên tục thay đổi.

Thực tế chứng tỏ ý tưởng hướng nghiệp của Grzegorz thật chuẩn xác. Bất chấp khó khăn bẩm sinh là người thuận tay trái trong khi khả năng điều khiển tay phải bị thui chột đáng kể do hậu quả tai biến não, Grzegorz vẫn phục hồi phong độ nghệ thuật trong thời gian ngắn, vượt qua tất cả các kỳ thi với điểm số cao.

Ngạc nhiên trước các sáng tác - bài thi xuất sắc của sinh viên tuổi 60, Ban Giám hiệu trường động viên Grzegorz mạnh dạn giới thiệu tác phẩm của mình trước công chúng và nhà trường sẵn sàng hỗ trợ kinh phí. Và ngày 14/2/2013, tại không gian ấm cúng trong quán cà phê Local ở Warszawa đã khai trương triển lãm tranh Grzegorz Wyciszkiewicz với sự đón nhận nồng nhiệt của đông đảo bạn bè, bạn học và các thầy cô giảng viên.

Sinh viên tuổi 60+ bên tác phẩm của mình tại triển lãm tranh cá nhân, ngày 14/2/2013.

Gallery tranh ngày Valentine

“Những bức tranh, các thầy cô và các bạn thấy ở đây là kết quả nỗ lực lao động nghệ thuật của tôi trong 2 năm qua, đồng thời cũng là minh chứng cuộc chiến đấu của tôi với thể xác trơ lỳ của mình” - Grzegorz bộc bạch trong thời khắc cắt băng khai trương phòng tranh.

“Đối với tất cả chúng tôi, Grzegorz là nguồn cảm hứng tuyệt vời, bởi anh đã chứng minh, người không may bị khuyết tật vẫn có thể chinh phục mọi khó khăn và hạn chế, để bắt đầu cuộc sống mới” - GS. Robert Manowski, Phó Hiệu trưởng phát biểu về sinh viên của mình. Theo nhà giáo, bản thân lao động sáng tác của Grzegorz cũng là nguồn cảm hứng có sức mạnh không kém. “Sinh viên Grzegorz có đam mê rất lớn nghệ thuật châu Á, các bạn có thể nhận ra tâm hồn văn hóa Nhật Bản trong các tranh vẽ của tác giả. Mặt khác Grzegorz trân trọng nền hội họa cổ điển, anh không e ngại minh họa và giới thiệu sự vật như bản thân nhìn thấy” - thầy Phó hiệu trưởng mô tả tác phẩm của sinh viên xuất sắc.

Tiếp lời thầy Phó hiệu trưởng, sinh viên tuổi 60 dẫn giải: “Điểm xuất phát đối với tôi là nắm bắt hiện thực. Tuy nhiên, hội họa không phải là nghệ thuật nhiếp ảnh, yếu tố quan trong nhất của hội họa là cảm xúc của họa sĩ. Bối cảnh hiện thực, tĩnh vật hoặc phong cảnh chỉ là điểm xuất phát dẫn đến cái gì đó nhiều hơn. Tôi luôn phấn đấu, để màu sắc thể hiện đầy đủ cảm xúc của mình trong tác phẩm”.

Trong các nghệ sĩ lớn yêu thích được coi là thần tượng của mình, Grzegorz kể tên danh họa Henri Matisse, Claude Monet, nữ họa sĩ CH Nam Phi Marlene Dumas và danh họa Ba Lan Jan Cybis.

Không dấu vết bệnh tật, không dấu vết tuổi già

Trong thời gian khai trương triển lãm tranh của mình, quan sát tác giả Grzegorz Wyciszkiewicz, không ai thấy dấu vết con người còn mang nặng di chứng tai biến não, cũng không thấy dấu vết người đàn ông trì trệ tuổi 60. Đám đông chỉ chứng kiến một nghệ sĩ tràn ngập đam mê và tự tin, điềm đạm dẫn dắt quan khách, bạn bè chiêm ngưỡng những tác phẩm thể hiện cảm xúc bằng bột màu.

Vinh Thu

((Nguồn: Każdy ruch to ćwiczenie))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/bai-nao-van-lam-hoa-si-kiem-vo-si-dao-n134231.html