Bài học về giám sát xả thải

Thảm họa xả thải từ Formosa đã nhận diện được thêm 10 vị trí chôn trộm chất thải và có nghi án “xuất khẩu” rác thải ra ngoài tỉnh.

Formosa xả thải ra biển. Ảnh: internet

Ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, người trực tiếp phụ trách dự án Formosa và các Cty khác trong Khu kinh tế Vũng Áng thừa nhận: Ngoài xả thải xuống lòng biển và chôn cất rác ở trang trại của Giám đốc Cty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh, đã phát hiện thêm 10 vị trí chôn trộm chất thải Formosa.

Như vậy, Formosa chưa hoạt động chính thức, nhưng tỉnh Hà Tĩnh phải trả giá lâu dài do ảnh hưởng xấu của môi trường đem lại. Bài học vô cùng đắt giá không riêng đối với tỉnh Hà Tĩnh mà đối với cả 63 tỉnh, thành. Đó là bài học về giám sát xả thải. Trên nhiều địa phương cả nước, đặc biệt các tỉnh ven biển, hoặc tỉnh có sông lớn đang có rất nhiều khu công nghiệp, nhà máy hoạt động.

Vậy làm thế nào để giám sát hiệu quả hoạt động của họ? Từ trước tới nay, các tỉnh, thành đều có Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Ban Quản lý kinh tế tỉnh, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Thanh tra tỉnh… Thế nhưng, việc phát hiện đầu tiên vi phạm về xả thải ở nhiều địa phương lại không phải chính những lực lượng chức năng này mà là người dân địa phương. Vụ xả thải động trời xuống lòng biển ở Hà Tĩnh, người phát hiện đầu tiên là một thợ lặn đánh bắt hải sản. Sau khi công luận phản ánh thì các cơ quan chức năng mới quyết liệt vào cuộc. Cũng rất có thể, một số người trong cơ quan chức năng biết thông tin về việc vi phạm xả thải, nhưng có nhiều lý do họ không dám nói ra sự thật…

Việc người dân địa phương phát hiện ra chôn rác thải trong trang trại chỉ là thời điểm sau sự cố xả thải xuống biển. Trước đó, năm 2015, người dân đã phản ánh có rác Formosa đổ ra bãi biển Thiên Cầm…

Các tỉnh, thành khác trên cả nước đang nóng lên vấn đề môi trường. Những bãi rác công nghiệp được tỉnh nhà quy hoạch, nhưng còn nhiều bãi rác hoang khác đã được chôn lấp nhiều năm nay mà “dưới 3 tấc đất” độ nguy hại của rác đến đâu vẫn chưa có lời giải đáp, bởi nhiều địa phương rất ngại đào bới “đống rác cũ”. Vì nó không chỉ là rác mà còn có mối quan hệ, trách nhiệm của nhiều người tiền nhiệm! “Đụng” vào đó không phải đầu cũng phải tai.

Bài học lớn nhất từ Formosa là nâng cao nhận thức toàn dân về rác thải, tin tưởng ở hoạt động giám sát của nhân dân. Khi có thông tin phản ánh từ người dân, các tổ chức, cơ quan phải kịp thời vào cuộc, phải có kết luận trung thực, kịp thời tránh tình trạng “đi chôn rác” của những tổ chức, cơ quan đã chôn rác trước đó bằng những kết luận thiếu khách quan nhưng đạt được mục tiêu bịt mắt nhân dân! Chính vì điều này mà UBND tỉnh Hà Tĩnh đã họp, yêu cầu kiểm điểm, trách nhiệm của Sở TN&MT, Ban Quan lý kinh tế tỉnh, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường…

Khoản tiền 500 triệu USD đền bù, hỗ trợ, chuyển đổi nghề cho người dân 4 tỉnh miền Trung chẳng thấm tháp gì so với những thiệt hại chưa thể đong đếm được, với thời gian ảnh hưởng sẽ là nhiều chục năm và những dư chấn tâm lý làm tổn hại đến tinh thần của người dân nơi đây.

Vì cuộc sống của mình, gia đình mình, quê hương mình hãy tăng cường sự giám sát, phát hiện các dấu hiệu bất thường về xả thải, kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan truyền thông để nhận diện sai phạm và có hình thức ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/bai-hoc-ve-giam-sat-xa-thai_t114c68n106375