Bài học từ một công trình biểu tượng

Cách đây chưa lâu, dự án đường hầm qua Đèo Cả ở miền Trung gây xôn xao dư luận khi chỉ cần thay đổi vài nét bút trong bản thiết kế đã được duyệt, đã cho phép rút ngắn 1km đường hầm và tiết kiệm khoảng 5.000 ti đồng, tức khoảng 25% tổng kinh phí xây dựng công trình.

Trung tâm hành chính Đà Nẵng ở đường Trần Phú hiện nay mới đưa vào sử dụng tháng 9.2014, được lãnh đạo Thành phố kỳ vọng khi đưa vào sử dụng sẽ mang lại nhiều lợi ích, chấm dứt sự manh mún, tiết kiệm được nhiều thứ, trong đó có xe công, từng bước chấm dứt tình trạng lãng phí công và cả lãng phí tiefn của, thời gian cua người dân khi đến với cơ quan công quyền….

Về kiến trúc và thiết kế, có một số ý kiến chuyên môn cho rằng tòa nhà thiết kế nặng về biểu tượng (hình ngọn Hải đăng) và coi nhẹ các nguyên tắc kiến trúc nhiệt đới và thời tiết địa phương, không có vườn cây, những khoảng không, khoảng thông tầng hút gió, thân thiện với môi trường. Điều này khiến tòa nhà được xây dựng với kinh phí gần 2.000 tỉ đồng và phí vận hành, cải tạo môi trường bên trong tòa nhà này tới hàng tỉ đồng mỗi tháng phí …

Đây cũng là một trong các lý do khiến Đà Nẵng có chủ trương di dời Trung tâm hành chính, nhưng trước khi quyết định, sẽ đưa ra bàn, lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia và người dân, xin ý kiến HĐND Thành phố, với tinh thần là phải làm cẩn thận, nếu di dời tốt hơn mới làm…

Dư luận băn khoăn liệu sự di rời đó có thực sự khách quan? Tại sao trước đó không đưa việc xin ý kiến người dân, nhất là giới chuyên môn trong đánh giá, thẩm định, phản biện xã hội, nay mới hỏi xin ý kiến người dân “quyết hộ” có cho di dời hay không?

Thực tế cho thấy, cần làm rõ thêm nhiều vấn đề xung quanh tòa nhà này, gồm: Việc mời chuyên gia vào đánh giá lại một cách nghiêm túc và đưa ra những luận cứ khoa học xác đáng, đề xuất những biện pháp thông minh và tiết kiệm để cải thiện những nhược điểm nêu trên của tòa nhà. Phương án di dời cần được xây dựng dựa trên đánh giá, luận chứng khoa học, khách quan trong tổng thể kế hoạch cả di dời và duy trì hoạt động các cơ quan, cả phương án xử lý tòa nhà có tính biểu tượng của Thành phố này. Đập đi hay bán lại một công trình vừa mang biểu tượng chính trị cao, vừa phải dùng NSNN, tiền thuế của dân chắc chắn không thể đơn giản như một tòa nhà thương mại thông thường, có tiền và muốn là xong. Việc đánh giá lại quy trình và kiểm định hiệu quả hoạt động của tòa nhà như một khâu trong quy trình đầu tư và giám sát đầu tư xây dựng bằng nguồn NSNN theo quy định hiện hành; Đồng thời, quy trách nhiệm cho công tác chỉ đạo và triển khai việc xây dựng tòa nhà này cũng là vấn đề được làm rõ để rút kinh nghiệm chung, không phải chỉ cho tòa nhà và cho Đà Nẵng…

Xây dựng một công trình biểu tượng đã khó; xóa bỏ một biểu tượng dù là công trình xây dựng cũng không dễ hơn. Một công trình mang biểu tượng chính trị càng cần có nhiều phương án thiết kế và giải pháp xử lý có chất lượng cao để tăng sự lựa chọn tối ưu.

Chủ trương đầu tư đúng là rất quan trọng, nhưng thiết kế tối ưu cả về khoa học xây dựng và công năng công trình, phù hợp điều kiện tự nhiên ở địa phương có vai trò quan trọng không kém. Thiết kế tốt giúp trực tiếp tiết giảm chi phí xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, tăng giá trị và thời gian sử dụng của các công trình, nhất là các công trình tầm vóc thế kỷ.

Hơn nữa, để bảo đảm ý nghĩa các tòa nhà, trụ sở cơ quan công quyền và tiết kiệm chi trong quản lý nhà nước, cần có những quy định pháp lý về yêu cầu và kiến trúc công sở; đồng thời, trong quá trình xây dựng các trụ sở công, cần tuân thủ các nguyên tắc và thủ tục đấu thầu khách quan, tôn trọng ý kiến chuyên gia và các ý kiến phản biện dân chủ, nghiêm túc.

Đặc biệt, thực hiện công khai, minh bạch hóa và tôn trọng các ý kiến phản biện xã hội để tăng chất lượng bản quy hoạch và thiết kế, thực hiện tiết kiệm từ khâu quy hoạch và thiết kế phải được đặt lên hàng đầu trong thiết kiệm đầu tư công. Hơn nữa, kiểm toán các hoạt động đầu tư công cũng cần được thực hiện ngay từ khâu này…

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/doanh-nghiep/bai-hoc-tu-mot-cong-trinh-bieu-tuong-586577.bld