Bài học rút ra từ tai nạn thương tâm do bom mìn (!)

QĐND Online - Như Báo Quân đội nhân dân đã đưa tin, khoảng 13 giờ 30 phút ngày 16-4, tại xã Thuận An, huyện Đắc Mil (Đắc Nông) đã xảy ra vụ nổ đầu đạn làm 8 học sinh thương vong, trong đó 2 em tử nạn và 6 em bị thương hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc.

Thiếu tướng Đoàn Kiểu, Phó tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra tại hiện trường

Cả 8 em đều trú tại xã Thuận An, và cùng là học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Qua tìm hiểu được biết, đầu buổi học chiều 16-4, các cháu đến trường, nhưng chưa đến giờ vào lớp mà rủ nhau lên núi lửa Thuận An, thuộc khu vực thao trường quân sự để nhặt vỏ đạn về chơi. Sau một hồi tìm kiếm, các cháu đã phát hiện một quả đạn lớn nổi một phần trên mặt đất, nên đã cùng nhau đào lấy quả đạn lên rồi thay nhau ném. Đến lần ném thứ 3 quả đạn phát nổ. Hậu quả, cháu Châu Ngọc Trung, thôn Thuận Thành, tử vong trên đường đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đắc Mil; cháu Trần Hoài Giang, thôn Thuận Nam tử vong khi đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc; các cháu Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Đắc Hòa, Phạm Quý, Phạm Tiến, Nguyễn Thanh Lý và Nguyễn Võ Mạnh Kha bị thương, hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc. Đến chiều 17-4, trong số 6 cháu bị thương, có 5 cháu đang phục hồi tốt. Riêng trường hợp cháu Phạm Quý, do bị thủng tim, thủng phổi và mảnh đạn ngăm vào não nên vẫn hôn mê sâu và phải thở máy.

Hố nghi là nơi đầu đạn được các cháu lấy lên tại hiện trường

Sáng 17-4, tại hiện trường xảy ra vụ tai nạn thương tâm, các lực lượng chức năng gồm Cơ quan công an huyện Đắc Mil, Điều tra Hình sự Quân khu 5, Cơ quan quân sự huyện Đắc Mil, Trung đoàn bộ binh 994 và Bộ CHQS tỉnh Đắc Nông cùng chính quyền xã Thuận An, UBND huyện Đắc Mil đang khẩn trương thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, bảo vệ hiện trường, xác minh vật nổ và vị trí nổ để đi đến kết luận cuối cùng. Có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ huy công tác bảo vệ hiện trường, điều tra vụ việc, Thiếu tướng Đoàn Kiểu, Phó tư lệnh Quân khu 5 cho biết: “Ngay sau vụ việc xảy ra, Quân khu 5 đã chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh Đắc Nông bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, nhằm bảo đảm cho Cơ quan công an và cơ quan Điều tra hình sự tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra xác minh rõ vụ việc”.

Đến hơn 9 giờ sáng 17-4, lực lượng quân đội và công an đã phát hiện một hốc đất nghi là địa điểm các cháu tìm thấy đầu đạn. Khoảng cách từ vị trí này đến hiện trường vụ nổ khá trùng hợp với lời kể của các nạn nhân là “sau 3 lần ném thì quả đạn phát nổ”. Ngoài ra, cũng tại hiện trường, lực lượng chức năng còn phát hiện 1 quả đạn cối 61mm của Mỹ. Theo xác định ban đầu thì quả đạn cối này xót sau chiến tranh. Sau khi phát hiện quả đạn trên, lực lượng công binh của Bộ CHQS tỉnh Đắc Nông đã tổ chức cắm tiêu báo và phân công người canh gác để chờ xử lý. Chiều ngày 17-4, tại Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc, qua xem hình ảnh quả đạn cối 61mm chúng tôi chụp về, cháu Phạm Tín cho biết: “Quả đạn này có hình dạng giống quả đạn hôm qua chúng cháu đùa nghịch!”

Quả đạn cối 61mm được phát hiện thêm tại hiện trường

Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu để làm rõ vấn đề, tại sao là thao trường phục vụ huấn luyện mà các cháu học sinh lại có thể ra vào dễ dàng và dẫn tới tai nạn thương tâm. Năm 2000, trước khi chia tách tỉnh Đắc Nông, Quân khu 5 có quyết định thành lập thao trường Thuận An, với diện tích 24ha. Nhưng trước khi thành lập thao trường này, việc quản lý đất đai quá lỏng lẻo, nên người dân lấn chiếm để sản xuất cà phê và trồng hoa màu, vì vậy cho đến nay vẫn chưa bàn giao trên thực địa diện tích thao trường này cho cơ quan, đơn vị nào quản lý. Thực tế cho thấy, trong tổng diện tích 24ha, hiện đã có hơn 22ha đất thao trường bị người dân lấn chiếm sản xuất, chỉ còn lại gần 2ha đất trống lâu nay được các đơn vị quân đội, công an, biên phòng và dân quân tự vệ sử dụng làm thao trường kiểm tra bắn đạn thật và ném lựu đạn trong quá trình huấn luyện. Hiện nay, trong khu vực gần 2ha đất lâu nay sử dụng làm khu vực kiểm tra bắn đạn thật, Bộ CHQS tỉnh Đắc Nông đang triển khai cho Trung đoàn bộ binh 994 san ủi, hạ thấp độ cao một phần diện tích để bảo đảm thực hành kiểm tra bắn an toàn.

Tìm hiểu tại hiện trường vào sáng 17-4, chúng tôi khẳng định vị trí tìm thấy quả đạn cối 61mm cũng như “hốc đất” nghi là nơi các cháu học sinh phát hiện quả đạn, sau đó đào lên để đùa nghịch thuộc khu vực người dân lấn chiếm, phát dọn để chuẩn bị gieo tỉa khi mùa mưa đến; không nằm trong phạm vi đất Trung đoàn bộ binh 994 san ủi làm khu vực thực hành bắn.

Các cháu bị thương đang được chăm sóc tại bệnh viện

Từ vụ việc đau lòng trên cũng như thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất, nhất là đất phục vụ công tác quốc phòng cho thấy cần rút phải ra những bài học sâu sắc. Trước hết công tác quản lý đất của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng còn quá lỏng lẻo; ý thức tuân thủ pháp luật của người dân chưa tốt dẫn tới tình trạng lấn chiến hầu như gần hết vùng đất quy hoạch thao trường quân sự. Người dân địa phương còn quá chủ quan, thậm chí coi thường tính mạng của bản thân mình cũng như tính mạng của người xung quanh nên còn tình trạng thu gom bom, mìn, vật liệu nổ xót lại sau chiến tranh để bán phế liệu. Việc giáo dục con em, nhất là các cháu nhỏ cảnh giác với các vũ khí nguy hiểm trong đó có bom, mìn, vật liệu nổ chưa được nhà trường, gia đình quan tâm, là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các em còn thói quen nguy hiểm là tìm đầu đạn, vỏ đạn để làm đồ chơi. Được biết, tại núi lửa Thuận An – nơi quy hoạch thao trường, trước giải phóng là vị trí đóng quân của một đồn địch. Nơi đây đã từng diễn ra nhiều trận giao tranh quyết liệt giữa ta và địch. Vì vậy tại khu vực này còn khá nhiều bom, mìn, vật liệu nổ, thậm chí có cả những thùng phuy thuốc độc hóa học xót lại sau chiến tranh mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa có điều kiện để xử lý.

Đại tá Trương Xuân Lai, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đắc Nông chia buồn và trao tiền hỗ trợ cho gia đình cháu Châu Ngọc Trung

Ngay trong buổi sáng ngày 17-4, sau khi vụ tai nạn thương tâm trên xảy ra, tại xã Thuận An, một hộ dân đã tự giác giao nộp lại cho cơ quan chức năng 2 quả mìn mà trước đây họ thu gom được trong quá trình làm rẫy. Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Son, Bí thư chi bộ thôn Thuận Nam, kiến nghị: “Đã là khu vực thao trường quân sự cần phải cưỡng chế người dân ra khỏi vùng quy hoạch, tổ chức rào rấp và bảo vệ nghiêm ngặt, không để người dân tự tiện ra vào và lấn chiến sản xuất”.

Được biết, sau khi xảy ra vụ việc thương tâm trên, UBND tỉnh Đắc Nông, UBND huyện Đắc Mil và Bộ CHQS tỉnh Đắc Nông đã tổ chức đoàn thăm hỏi, chia buồn và hỗ gia đình có nạn nhân tử vong tổng cộng 12 triệu đồng/trường hợp, gia đình có cháu bị thương tổng cộng 5 triệu đồng/trường hợp; các cơ quan, đơn vị, nhà trường và cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con thôn xóm cũng đến động viên, giúp đỡ gia đình các nạn nhân vượt lên nỗi đau.

Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/57/57/238201/Default.aspx