Bài học Global Home cho doanh nghiệp Việt

Từ vụ Công ty TNHH Gia Hân tố Công ty Global Home nợ dây dưa, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là bài học đắt giá đối với các doanh nghiệp trong nước khi làm ăn với đối tác nước ngoài

Ngày 24-8, Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa) đã tổ chức buổi họp chia sẻ kinh nghiệm về quản trị rủi ro trong mua bán quốc tế sau vụ Công ty TNHH Gia Hân (Đồng Nai) khiếu nại đòi nợ Công ty Global Home do ông Otto De Jager (chồng ca sĩ Thu Minh) làm tổng giám đốc.

Nhờ công an làm rõ

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, đại diện Công ty Gia Hân, cho biết số tiền công ty đang bị nợ gồm 493.000 USD và hàng tồn kho khoảng 280.000 USD (phía Global Home đặt hàng nhưng không lấy). Hiện hồ sơ vụ khiếu nại đã được Công ty Gia Hân gửi cho cơ quan công an nhờ làm rõ. Theo đó, Gia Hân ký hợp đồng sản xuất bàn ghế gỗ thành phẩm xuất khẩu với Global Home từ năm 2012. Sau đó, giao dịch giữa hai bên diễn ra bình thường. Đến tháng 4-2015, phát sinh vụ việc khi phía Global Home cho rằng sản phẩm của Công ty Gia Hân không đạt tiêu chuẩn nên không thanh toán gần nửa triệu USD.

Công ty Gia Hân không phải doanh nghiệp (DN) duy nhất điêu đứng khi làm ăn với Global Home. Tại buổi họp nói trên, nhiều công ty xuất khẩu gỗ cũng tố Global Home tìm mọi cách từ chối thanh toán nợ. Đại diện Công ty Xuất khẩu gỗ Việt Mỹ cho biết tháng 6-2011, Công ty Global Home đặt hàng của DN này. Sau khi thực hiện 10 đơn hàng, Global Home nợ Công ty Việt Mỹ 120.000 USD. “Mỗi lần bị đòi, phía Global Home đều chuyển khoản nhỏ giọt và đến nay vẫn còn nợ 66.000 USD. Từ tháng 5-2012 đến nay, Global Home vẫn chưa thanh toán khoản nợ này với lý do hàng giao không đúng chất lượng và thời hạn” - đại diện Công ty Việt Mỹ bức xúc.

Nhiều doanh nghiệp gỗ nêu thiệt hại khi làm ăn với Công ty Global Home tại buổi chia sẻ kinh nghiệm

Cũng bị công ty của ông Otto nợ tới 119.000 USD khiến suýt phá sản, đại diện Công ty Gỗ nội thất Cửu Long (trụ sở tại Hà Nội, nhà máy ở Hải Dương) chia sẻ bài học đắt giá của mình. Tháng 7-2013, đại diện Global Home đến nhà máy của Công ty Cửu Long và đặt hàng “không giới hạn số lượng”. “Rất bất ngờ vì lúc đó, Công ty Cửu Long đang thiếu đơn hàng, công nhân gần cả ngàn người cần được duy trì việc làm” - đại diện DN này tâm sự. Khi đã giao được khoảng 15 container hàng, Công ty Cửu Long chỉ nhận 60.000 USD từ Global Home. Lúc này, Công ty Cửu Long gặp khó khăn về vốn nên xin giao hàng chậm và được đồng ý nhưng sau đó, Global Home lại phạt chậm giao hàng.

“Thay vì phải thanh toán 119.000 USD nhưng Global Home lại đòi phạt chậm giao hàng 2 lần tổng cộng 120.000 USD, phạt thêm 20.000 USD tiền đặt cọc khiến chúng tôi suýt phá sản” - đại diện Công ty Cửu Long bộc bạch.

Doanh nghiệp trong nước ở thế yếu

Tại cuộc họp, sau khi xem xét hồ sơ, hợp đồng ký giữa Công ty Gia Hân và Global Home, luật sư Nguyễn Thế Truyền, người bảo vệ quyền lợi cho Công ty Gia Hân, nhận xét có những điều khoản rất bất lợi cho DN Việt. Trong hợp đồng này, nếu xảy ra tranh chấp, hai bên thỏa thuận chọn cơ quan tài phán tại Hồng Kông. DN trong nước không quan tâm đến nhiều chi tiết trong hợp đồng mà chỉ xem đơn giá, kỳ hạn thanh toán… “Đến khi phát sinh vụ việc mới ngã ngửa. Riêng tiền thuê luật sư ở Hồng Kông từ 2.000-2.500 USD/giờ, cộng với chi phí qua lại giữa Việt Nam và Hồng Kông, nạn nhân sẽ bị thiệt kép vì chưa đòi được nợ đã phải móc tiền túi đi kiện. Công ty Gia Hân chấp nhận mất tiền để theo đuổi vụ việc” - luật sư Nguyễn Thế Truyền nhấn mạnh.

Theo ông Lê Xuân Tân, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Gỗ Hạnh Phúc, DN này từng theo đuổi suốt 2 năm trong vụ kiện với một hãng tàu dù khoản tiền tranh chấp chỉ hơn 300 triệu đồng. “Chúng tôi có thể tốn hơn 300 triệu đồng nhưng vẫn kiện để lấy lại uy tín cho công ty. Sau vụ thắng kiện này, khi làm ăn với Công ty Hạnh Phúc, các hãng tàu phải vận chuyển đàng hoàng. Công ty Gia Hân nên theo vụ việc tới cùng” - đại diện Công ty Hạnh Phúc nêu kinh nghiệm.

Ông Otto hứa trả nợ

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hawa, cho biết chiều 24-8, trước khi cuộc họp diễn ra, ông Otto đã đến trao đổi với Hawa xung quanh những quyết định của họ với Công ty Gia Hân và đưa ra nhiều tài liệu liên quan. Ông Otto cũng xác nhận đã thanh toán một nửa giá trị hợp đồng còn nợ với một công ty ở Đà Nẵng và hứa sẽ xem lại khoản nợ với Công ty Cửu Long.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/bai-hoc-global-home-cho-doanh-nghiep-viet-20160824224951774.htm