Bài hát trong phim

QĐND - Bài viết này không đề cập đến tình hình âm nhạc trong phim truyện mà chỉ nói đến sự xuất hiện của những bài hát, đặc biệt là trong phim truyền hình.

Nhạc sĩ khi làm nhạc cho phim, sáng tác bài hát là việc đã trở nên phổ biến từ lâu, cả ở trên thế giới, nên không có gì phải bàn cãi. Điều đáng nói là tính hiệu quả của những bài hát đó ra sao, liệu có giúp thêm cho người xem cảm thụ tác phẩm điện ảnh sâu sắc hơn, hay ngược lại, chỉ làm giảm sút giá trị bộ phim? Từng có nhiều bài hát hay, sống mãi với thời gian khởi nguồn từ những bộ phim truyện, do nhạc sĩ khi làm nhạc cho phim đã sáng tác. Có thể nhắc tới: Bài ca trên núi của Nguyễn Văn Thương (phim Vợ chồng A Phủ), Bài ca không quên của Phạm Minh Tuấn (phim Bài ca không quên), Hoa sữa của Hồng Đăng (phim Hà Nội mùa chim làm tổ), Chị tôi của Trọng Đài (phim Người Hà Nội), Đời gọi em biết bao lần của Trịnh Công Sơn (phim Tội lỗi cuối cùng), Mong ước kỷ niệm xưa của Xuân Phương (phim Phía trước là bầu trời)… Những bài hát vừa kể đã bay ra khỏi bộ phim, tồn tại độc lập, đậu lại lâu bền trong trí nhớ công chúng. Nhiều người không thể biết nguồn gốc xuất xứ như đã nói. Đó là một số ít bài hát hay, chiếm tỷ lệ quá ít ỏi trong số hàng trăm bài hát xuất hiện trong các phim truyền hình nhiều năm qua. Có một thực tế: Không phải người làm nhạc phim nào cũng có thể viết được bài hát, bởi đó là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Viết nhạc cho phim là làm nhạc không lời, cần người viết có chút hiểu biết về hòa thanh, phối khí là có thể thực hiện được, chỉ cần theo gợi ý của đạo diễn: Chỗ này cần nhạc thế này, chỗ khác thế khác (vui, buồn, sôi động, lắng đọng… để phù hợp với từng đoạn phim). Nhưng viết bài hát thì lại cần nhạc sĩ phải có tư duy văn học, có khả năng soạn ca từ và vốn liếng phong phú về các chất liệu âm nhạc. Người viết bài hát hay không nhất thiết phải là người có nhiều kiến thức về hòa âm, phối khí; ngược lại, người có thế mạnh này cũng không hẳn đã viết được bài hát hay. Tình trạng phổ biến hiện nay là hầu như phim truyền hình nào - nhất là phim nhiều tập - cũng có ít nhất là một bài hát. Có phim còn có tới 2 bài. Vì phần giới thiệu tên, các thành phần làm phim, các địa chỉ đoàn làm phim cần “cảm ơn” quá dài (có khi tới 5 phút) nên cần phải có bài hát vang lên. Thế là người làm nhạc buộc phải nặn ra, cho dù anh ta chưa từng viết ca khúc, rõ hơn là không biết viết. Những giai điệu nhạt nhẽo, tầm thường, Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, những câu nhạc chắp vá đã tạo nên những bài hát dễ dãi, vô thưởng vô phạt, rất nhiều khi chẳng ăn nhập gì với nội dung bộ phim, khiến khổ tai người nghe, có khi phản cảm. Điển hình cho tình trạng này có thể thấy ở bộ phim truyền hình nhiều tập có tên Đại gia đình. Đây là bộ phim không có gì đáng nhớ, nằm trong số đông phim truyền hình nhạt nhòa, nếu không nói là non yếu. Và điều đáng nói hơn cả là sự xuất hiện bài hát thật quái dị với giai điệu rối rắm, trúc trắc, xa lạ với người nghe nhạc Việt Nam. Nghe bài hát này, khán giả có cảm giác như đang ở một xứ sở tận đâu đâu chứ không phải là sống trên quê hương mình. Trong dịp chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Đài Truyền hình Việt Nam có chiếu bộ phim dài tập Nếp nhà. Đây là một phim thuộc hàng “thường thường bậc trung”, nhưng được làm nghiêm túc. Nghe cái tên phim, hẳn là ai cũng hình dung tới nội dung phim, nhưng vấn đề các tác giả muốn và đương nhiên nó phải gợi lên cái gì đó mang yếu tố truyền thống cổ kính với gia phong thuần Việt, đúng như tên gọi Nếp nhà. Vậy mà bài hát xuất hiện ở đầu phim thì quá kỳ khôi, chẳng ăn nhập gì với phim. Giai điệu chắp vá, lai căng mà lẽ ra nội dung bộ phim chờ đợi một bài hát phải đậm đà phong vị dân tộc với phong cách dân gian rõ nét, từ chất liệu tạo nên giai điệu đến cách phối khí cho dàn nhạc dân tộc và giọng hát của ca sĩ. Sáng tác bài hát, tuy không cần phải có một trình độ cao siêu về âm nhạc, song lại cần người viết có trình độ văn học, có khả năng cảm thụ sâu sắc tác phẩm điện ảnh. Bài hát giúp người xem lĩnh hội, thẩm thấu tốt hơn những tư tưởng mà các tác giả phim muốn chuyển đến người xem. Đã là bài hát, bắt buộc phải tuân thủ, đạt được những yêu cầu đối với thể loại này về các phương diện: Tìm tòi chất liệu để tạo nên giai điệu, kết cấu, bố cục, xử lý tiết tấu và soạn ca từ. Lời lẽ bài hát phải giàu hình tượng, khả năng biểu cảm chứ không thể là mớ những từ ngữ khô cứng, trừu tượng, nghèo sức gợi tả. Những bài hát hay bắt nguồn từ phim đã nêu trong bài này đều đạt được những yêu cầu đó. Và đã tồn tại độc lập như tất thảy những ca khúc hay nhất trong kho tàng bài hát Việt Nam. Một điều đáng bàn là không nhất thiết cứ phải có bài hát. Chỉ cần khi bộ phim có tính văn học cao. Hãy nhìn sang lĩnh vực phim truyện nhựa. Rất nhiều phim hay, giàu tính văn học, hoàn toàn có thể để bài hát xuất hiện, nhưng nhạc sĩ đã không làm và đạo diễn cũng không yêu cầu. Rốt cuộc, bộ phim vẫn cứ hay (Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Bao giờ cho đến tháng Mười, Thương nhớ đồng quê…). Giá trị những bộ phim này chỉ được nâng cao hơn nếu có bài hát hay, “đắt” xuất hiện. Còn nếu không đạt được, tốt nhất không nên có như các nhạc sĩ sáng tác nhạc cho các phim vừa kể đã làm. Hãy hình dung: Ở những phim này lại vang lên bài hát tầm thường thì sẽ tổn hại, làm sụt giảm giá trị bộ phim biết nhường nào! Liên quan đến vấn đề đang bàn, đòi hỏi năng lực của đạo diễn, đặc biệt là sự sành sỏi, am tường về âm nhạc. Không thể chỉ vì muốn tạo đất “làm ăn” cho một số người đảm nhiệm phần âm nhạc (nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ) mà dễ dãi cho ra đời bài hát. Cứ nhìn vào tình hình phim truyền hình của ta hiện nay thì tốt nhất là không nên có bài hát xuất hiện, nếu không nói là cả toàn bộ phần âm nhạc ở nhiều phim cũng nên miễn, vì chỉ thêm tốn tiền mà lại phương hại đến giá trị bộ phim. Nhạc sĩ Nguyễn Đình San

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/QDNDSite/vi-vn/75/68/74/74/74/130616/Default.aspx