Bài dự thi: Với mẹ không có người con xấu

Hồi nhỏ nghe đi nghe lại vở cải lương kinh điển “Chuyện tình Lan & Điệp” tôi rất thích đoạn buồn khi Điệp thi hỏng, và ngập ngừng bối rối. Đến nhà cô Lan để báo tin và xin từ hôn vì không muốn phiền l

Chất nhân văn sâu lắng ở những lời thoại ủi an, động viên song không kịch, rất thực, của cha cô Lan với Điệp: “Buồn gì cháu, bằng cấp chỉ là bằng cấp mà thôi!”, người an ủi hoàn toàn thấu hiểu ý nghĩa của kỳ thi hỏng và cũng đau, chính xác là rất đau. Nhưng trước đấy, mẹ ruột của Điệp đã có những lời thấm thía hơn nhiều: dù xấu tốt vẫn là con của mẹ! Chuyện thi hỏng, đổ vỡ một kỳ công, với bà, không lớn như Điệp nghĩ.

Và đấy cũng là nếp nghĩ của mẹ tôi, hay nói chung, mọi bà mẹ Việt.

Ngày bé tôi đã được nghe mẹ nói thường xuyên: con cái đứa nào nghèo tao thương nhiều cho nhiều hơn. Thực tế Bà đã hành xử đúng như vậy.

Tôi có đứa em hư, có khi đã thành ám ảnh không chỉ với những người trong gia đình, nghiện rượu và bạo hành, có khi phạm pháp. Nhớ đến em ấy là cả một nỗi đau lòng trước những dư luận khó bao biện xuất phát từ tình thân vì nó hiển nhiên sai.

Tất nhiên mẹ tôi biết hết và đau hơn hết thảy mọi người. Nhưng mỗi khi nói về em, nhắc về em, mẹ luôn cố gắng tìm – gom góp những gì tốt mà em có hay từng có để khen: nó vậy chứ hết rượu hiền như cục đất, nó nấu ăn ngon (thực ra thì thường thôi) và v.v... Người em mất chỗ đứng trong lòng bao người nhưng luôn luôn có chỗ tốt trong trái tim người mẹ già, mẫu tử tình thâm là vậy.

Bao nhiêu đau đớn mà em tôi đã gây ra cho gia đình, mẹ già, bà đều từ bi hỷ xả hết cho em, có những việc nếu không là mẹ không ai làm được. Mẹ bán xôi ngày lời hai ba chục nghìn, em đi thành phố đốt tiền lần mấy chỉ vàng! Chưa từng biếu mẹ nghìn lẻ song ra ngoài rêu rao hàng tháng chu cấp tiền triệu! Nhiều lắm... Những mỗi khi nhắc đến, em tôi vẫn hiển hiện với ít ỏi cái tốt để được nhân hệ số cao nhất: hiền và nấu ăn giỏi.

Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, cưu mang hết thảy, dung chứa hết thảy, vậy mới thiêng liêng. Có phải vì thế mà với bất cứ ai, mỗi khi thử thách lớn hay khổ đau quá mức, tiếng thường nghe là “mẹ ơi!”?

Mùa Vu Lan viết ra cho nhẹ lòng và mong sao em tôi đọc được để hiểu thế nào là mẫu tử thiêng liêng...

Nguyễn Thành Công

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bai-du-thi-voi-me-khong-co-nguoi-con-xau-a256259.html