Bài dự thi: Tuổi 18 tôi đi

Khi vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi bắt đầu phải tự chịu trách nhiệm cho những việc mình làm, cái tuổi mà những đứa bé bắt đầu lớn lên vươn mình ra xa và bắt đầu phá bỏ giới hạn vốn có của bản thân mình.

Chúng tôi muốn có một chuyến đi để đánh dấu cho sự trưởng thành của mình.

Địa điểm dừng chân của chúng tôi là đảo Hải Tặc, một hòn đảo nhỏ xinh đẹp và huyền bí thuộc tỉnh Kiên Giang ở vùng biển Tây Nam. Cuộc hành trình bắt đầu từ khi ông Mặt Trời vừa thức dậy, sau gần 2 giờ thì chúng tôi mới đến hòn đảo nhỏ hoang sơ ấy.

Trên con thuyền sắt nhỏ, chúng tôi chọn ngồi tầng trên thay vì ngồi ở tầng dưới sẽ an toàn hơn, tụi nó bảo ngồi ở trên sóng gập ghềnh mới thích. Trên đỉnh đầu chúng tôi là một đàn chim nhỏ đang bay lượn quanh con tàu, dưới là những gợn sóng cá bơi theo từng đàn từng đàn, còn xung quanh là chỉ toàn là biển và biển.

Cả bọn không còn biết nói gì, chỉ lặng yên lắng nghe hơi thở và tiếng gió rì rào của biển. Cá nhân tôi, đứng trước biển khơi bao la, tôi thấy mình sao nhỏ bé quá, nỗi áp lực của bố mẹ, của kì thi, của tình cảm, bạn bè và cả những áp lực mà tôi dành cho tôi nữa, tất cả những thứ ấy dường như gió và sóng biển đã cuốn đi nơi đâu mất rồi. Tôi lúc đó chỉ là cô gái nhỏ đứng trước biển khơi vô tư hát vang những hát quen thuộc cùng những đứa bạn, tôi bây giờ đã bước qua tuổi 20 và tự cảm thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều. Nghĩ lại quãng thời gian ấy thật đáng trân trọng.

Dường như những sự vật sự việc xảy ra trên hòn đảo nhỏ này vẫn luôn in đậm trong hồi ức tôi chưa bao giờ phai nhạt. Tôi nhớ như in lúc cả bọn con gái xúng xính áo quần để chuẩn bị trước khi đi, nhớ như in bọn con trai đã tháo vác xách đồ hộ chúng tôi như thế nào, lúc ấy nhìn chúng nó như những chàng trai trưởng thành thật sự.

Tôi nhớ như in cái khoảnh khắc cả bọn ở bên nhau nấu ăn, thổi lửa, đó là những công việc mà chúng tôi chưa từng làm thế mà cũng ra trò phết chứ: cơm có mùi khê, thịt thì quá chín, nhưng cũng may mắn là tôm và sò ăn cũng tạm chấp nhận được. Chúng tôi ngồi cạnh nhau, tuy mệt mỏi nhưng mười mấy con người đều vui vẻ thưởng thức thành quả của mình.

Vui nhất vẫn là lúc tắm biển, chúng nó cùng nhau ức hiếp tôi, chúng nó bày mưu và quăng tôi ra xa, tôi không biết bơi đã đành, bụng thì đầy nước biển và cát, lại còn vừa sợ vừa hét khiến cho đứa nào cũng cười sặc sụa. Tắm biển chán chê cả lũ cùng nhau đi bắt nhum (thường gọi là con nhím biển, cầu gai). Lại có thằng chơi dại đạp phải con cầu gai.

Nhắc đến đây tôi buồn cười không chịu nổi, tương truyền rằng ai mà đạp phải con cầu gai thì phải cần một người khác giúp đỡ mới lấy gai ra khỏi. Tôi không biết có cách khác hay không nhưng theo nhỏ bạn nó bảo thì phải có một đứa tình nguyện “xã lũ” vào chỗ bị cầu gai đâm thì cái gai mới dễ lấy ra được. Lúc đó cả bọn không biết làm gì chỉ đi ra đi vô rồi từ tủm tỉm cười thành cười rần rần luôn. May thay có đứa vui vẻ tình nguyện “giúp đỡ” nó. Và điều kì diệu cũng đã xảy ra, cuối cùng thì nó cũng được thoát khỏi cây gai ám ảnh đó.

Khi hoàng hôn đã bắt đầu buông xuống, tàu bè chở khách thì kéo về còn tàu bè đánh cá thì ra khơi. Bức tranh thiên nhiên không khác gì bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của tác giả Huy Cận mà chúng tôi đã học.

Cảnh xe cộ đông đúc mỗi khi tan trường được thay bằng cảnh êm đềm của những con tàu đang bập bềnh bên ngọn sóng, cảnh khói bụi, ồn ào được thay bằng cảnh cây cối trong lành và những tiếng chim biển. Khoảnh khắc lúc này đối với tôi mà nói xa xỉ vô cùng. Tôi đã thầm ước mình sẽ trốn chạy bằng cách ở lại hòn đảo ấy mãi mãi. Thời gian sau này tôi mới nhận ra rằng, trốn chạy không phải là cách, chỉ là khi ta buồn bã thì nên đi đâu đó vài hôm để tĩnh tâm và bắt đầu lại những chuyện còn dang dở.

Đêm hôm ấy, tất cả đã ở bên nhau, nói với nhau những điều thật lòng nhất, nhắc lại những kỉ niệm đã cùng nhau trải qua, những kinh nghiệm, những điều mình đang vướng phải, kể cho nhau nghe những ước mơ, dự định cho tương lai, thú nhận tình cảm và những lỗi lầm. Ở cái tuổi nổi, đúng thật là chuyện gì cũng dám làm, may mắn cho tôi là luôn có những người bạn lúc đó đã ở bên lắng nghe, chia sẻ và động viên. Mọi chuyện vì thế mà nhẹ nhõm đi rất nhiều. Biển càng về khuya càng trở nên lạnh hơn, những con người lúc này cũng đã chịu nhường chỗ cho bóng đêm.

Buổi tiệc vui như thế nào rồi cũng có lúc phải kết thúc, chuyến đi của chúng tôi cũng vậy. Ai cũng phải quay về nhà của mình, tiếp tục những thứ còn đang dang dở và bắt đầu một năm mới tuyệt vời. Một năm đã trôi qua, đã có quá nhiều thứ thay đổi. Chúng tôi đã là sinh viên đại học, mỗi đứa học một trường, ở cách xa nhau hàng trăm cây số.

Tình cảm bạn bè giữa những con người trên hòn đảo nhỏ năm ấy rồi cũng gặp nhiều vấn đề không đáng có. Rồi thì có những hiểu lầm xảy ra, đến khi được giải quyết thì hình như chúng ta đã quên mình từng thân nhau như thế nào rồi. Thôi thì chúng ta hãy mạnh mẽ như những con thuyền mạnh mẽ vượt qua con sóng to của cuộc sống này nhé. Những lời thì thầm với biển đêm hôm đó tất cả chúng ta sẽ cùng làm được mà. Đúng không?

Cảm ơn những người năm đó

Đã cùng tôi, đi đến hòn đảo nhỏ

Cùng tôi, viết nên hoài bão

Mai sau này tìm về nhau đúng không?

Con thuyền đã gần tới bến, năm 18 tuổi, một cô gái mang bao ước mơ màu hồng cùng bạn bè trở về nhà. Nhiều năm đã trôi qua, cô gái vẫn luôn không ngừng ước mơ và cố gắng như những gì cô nói vào đêm hôm ấy. Cô gái bây giờ từng ngày từng ngày đang cố gắng nhiều hơn để chinh phục bản thân mình. Ở đâu đó xa xa trên đất nước Việt Nam này, đã có một cô gái cùng đám bạn đã ở bên cạnh nhau và kỉ niệm được viết từ đó…

Những miền đất bạn đã đi qua đó, bạn đã ăn gì, chơi gì, làm gì, ở đâu … những kỷ niệm khó quên, chút dư âm còn đọng lại bạn hãy viết và gửi tham gia cuộc thi ‘Nắm tay nhau đi khắp thế gian – Du lịch cùng tôi’ về hộp thư điện tử:

caccuocthi.phununews@gmail.com

Xem thêm:

Thể lệ cuộc thi viết: ‘Nắm tay nhau đi khắp thế gian – Du lịch cùng tôi’

Nguyễn Trần Thảo My

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/bai-du-thi-tuoi-18-toi-di-114532/