Bài dự thi: Người ấy

Tình yêu của chúng tôi cứ thế lớn dần lên với biết bao kỷ niệm, hạnh phúc vô bờ. Bạn bè đều ngưỡng mộ tình yêu của chúng tôi. Bản thân tôi nghĩ chẳng bao giờ có chuyện hai đứa phải rời xa nhau. Ấy vậy mà…

Thằng Nam, em tôi gọi điện: “Chị ơi, thằng Hùng ốm lắm, chắc chẳng cố được bao lâu, chiều nay chị có đến viện thăm nó cùng em không?”. Tôi thấy lùng bùng lỗ tai, đã lâu lắm rồi tôi không nghe tin tức gì về người ấy, tôi vẫn nghĩ người ấy mạnh khỏe, hạnh phúc, giờ lại nhận tin người ấy bị ốm nặng thế này, sao tự nhiên thấy quặn đau nơi lồng ngực. Tôi hẹn thằng em chiều đến đón tôi tới viện thăm người ấy. Còn tôi không làm được việc gì nữa kể từ lúc nhận tin, cứ thế những kỷ niệm cũ như những thước phim quay chậm ùa về.

Tôi và người ấy cùng quê, nhà cách nhau nửa cây số thôi nhưng chúng tôi không lớn lên bên nhau, không học cùng trường, cũng không quen nhau từ bé, khi tôi vào lớp 6 gia đình tôi chuyển ra Hà Nội sinh sống. Người ấy hơn tôi bốn lớp và học cùng thằng Nam, em con dì ruột tôi cơ. Mãi tới khi tôi vào đại học năm thứ nhất tôi và người ấy mới gặp nhau. Thằng Nam là bạn thân của người ấy đã rủ người ấy đến dự sinh nhật tôi để giới thiệu đồng môn và đồng hương. Lần đầu tiên gặp tôi cũng không có cảm tình lắm với người ấy, đàn ông gì mà trắng nõn nà, trông yếu rớt. Từ trước giờ tôi vẫn thích những người đàn ông to khỏe, đen, rắn chắc, chứ không thích những chàng thư sinh kiểu công tử, da mặt mịn hơn da em bé như vậy. Còn người ấy chắc cũng không có cảm tình với tôi vì ít khi nhìn tôi, ngồi gần đối diện với tôi mà cứ quay mặt đi nơi khác.

Ấy thế rồi sau buổi sinh nhật đó của tôi, người ấy ngày nào cũng xuất hiện trước cửa lớp tôi. Tôi đi đâu, đi với ai, làm gì người ấy đều biết, và cứ đều đặn tối nào cũng gọi điện thoại bàn cho tôi (hồi đó di động chưa phổ biến như bây giờ, bọn tôi đều chưa có di động). Tôi cảm thấy bị làm phiền đến phát cáu, có lần tôi gọi điện quát thằng Nam: “Mày làm ơn tha bạn mày đi đi, chị bực mình lắm, đi đâu cũng đi theo, ngày nào cũng gọi điện, chị dập máy bao lần mà vẫn cứ dai như đỉa là sao?”. Cái thằng, bị mắng mà cứ cười hềnh hệch: “Rồi đến lúc bà nghiện, nó không đi theo nữa lại thấy thiếu, lúc đấy đừng cầu cứu em”. Tôi hứ một tiếng dài vì tôi tự tin cho rằng: chẳng bao giờ có chuyện đó xảy ra.

Ấy thế rồi người ấy đi thực tập, không còn xuất hiện trước cửa lớp tôi, theo dõi tôi đi đâu, làm gì như trước nữa. Ngay ngày đầu tiên không thấy người ấy, bọn bạn tôi đã thắc mắc: “Anh cao cao, trắng trắng của mày dạo này đâu rồi, không thấy đến ngắm bọn tao làm bọn tao thấy nhớ, gọi anh ấy về đây cho bọn tao đi”. Ơ, đúng là lũ hâm. “Sao lại là của tao, mà nếu là của tao thì làm gì có chuyện đến ngắm bọn mày?”. Đích thị là lũ hâm. Nhưng đúng là mới ngày đầu tiên không thấy cái bóng cao cao bên cửa sổ tôi đã thấy mình làm sao ý, cảm giác trống trải, thiêu thiếu thứ gì đó rất quan trọng. Thế rồi ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư người ấy cũng lặn mất tăm. Tôi gọi điện cho thằng Nam, nó lại cười hềnh hệch, cái điệu cười trêu ngươi rõ ghét: “Bà chị em thấy chưa, thần ái tình tìm đến rồi nhá, em đã nói lại còn không tin. Thằng này thế mà được. Thế lúc nó đi không báo cáo với chị đi bao lâu à, và nó cũng không gọi điện về cho chị à?”. Tôi ú ớ không biết trả lời sao thì nó lại hềnh hệch: “Nói thế thôi bà chị ơi, nó thực tập ở nơi rừng rú xa khu dân cư, không có điện thoại để liên lạc đâu chị, em vừa đến chỗ nó về đây, nó gửi thư và quà về cho chị đấy. Chị biết không, thấy em mà nó vồ lấy hỏi thăm về chị, nó bảo sắp vỡ tim vì nhớ bà rồi đấy bà trẻ ạ”. Nghe truyền đạt lại thông tin thôi mà tôi cũng xao xuyến đến lạ kỳ. Tôi biết mình đã yêu người ấy, mối tình đầu của tôi.

Hết một tháng ở rừng người ấy được về Hà Nội. Tiếng chuông hết giờ vừa dứt, tôi đang loay hoay dọn sách vở thì thấy lũ bạn gào lên: “Lan ơi, Lan ơi, anh cao cao của bọn tao về thăm mày rồi kìa”. Tôi cuống cuồng bỏ cả sách vở đấy lao ra cửa. Không phải người ấy, tôi ngượng ngùng quay vào. Bất chợt có tiếng gọi khẽ: “Lan!”. Tôi quay đầu lại, trời, thì ra người đứng đấy là người ấy, sao tóc lại húi cua, da lại đen nhẻm khiến tôi không nhận ra thế kia. Tôi thu dọn sách vở cùng người ấy ra quán nước nói chuyện. Người ấy hào hứng kể cho tôi nghe về một tháng đi thực tập của mình. Tôi hỏi khẽ: “Anh có vẻ thích thú nhỉ?”. Người ấy xịu mặt xuống: “Đi thực tập biết được nhiều thứ nhưng…nhớ em đến phát điên lên được, em biết không”. Tôi đỏ mặt nhìn xuống thẹn thùng. Người ấy lại hào hứng: “Biết em thích đàn ông phải đen, rắn rỏi nên cả tháng anh không thèm đội mũ, em nhìn xem đen thế này đủ tiêu chuẩn chưa?”. Nói rồi người ấy nâng mặt tôi lên ngang mặt người ấy, chà, đúng là đen đi nhiều thật, da dẻ không còn mịn căng như trước mà mọc đầy mụn, chắc do nắng nóng quá. Tự nhiên nước mắt tôi lăn dài trên má, tôi thấy xót, sao phải vì ý thích của tôi mà hành xác thế cơ chứ. Người ấy hốt hoảng lau nước mắt cho tôi; “Ôi anh xin, anh xin, thương anh hả, anh không sao, không sao đâu, thật đấy”. Thế rồi người ấy thì thầm: “Em có nhớ anh không?”. Tôi gật đầu. Người ấy siết chặt bàn tay tôi, mặt rạng ngời hạnh phúc: “Anh nhớ và yêu em nhiều lắm!”.

Tình yêu của chúng tôi cứ thế lớn dần lên với biết bao kỷ niệm, hạnh phúc vô bờ. Bạn bè đều ngưỡng mộ tình yêu chúng tôi dành cho nhau. Bản thân tôi cũng nghĩ sẽ chẳng bao giờ có chuyện hai đứa phải rời xa nhau. Ấy vậy mà…

Tự nhiên thấy người ấy gầy rộc, tôi lo lắng khuyên đi khám nhưng người ấy cứ bảo không sao, chắc do áp lực công việc nên thế. Người ấy vẫn yêu tôi bằng tình yêu vô bờ bến như trước, vẫn yêu chiều, quan tâm, chăm sóc tôi từng li từng tí, nhưng mỗi lần gặp nhau tôi đều nhận thấy người ấy có nỗi buồn gì đấy không thể nói ra, thi thoảng nén tiếng thở dài, mặc dù người ấy cố che giấu không để tôi biết nhưng làm sao qua được cảm nhận của tôi. Biết là hỏi người ấy sẽ không có câu trả lời, tôi bèn gọi Nam. Ban đầu nó cũng như người ấy, cứ kêu không có chuyện gì đâu, nhưng bị tôi ép quá nó đành nói thật: “Chị biết không, bên nội nhà chị ý, có một ông bác họ ngày trước theo Tây chỉ điểm bắn chết ông nội thằng Hùng”. “Chị có nghe kể rồi, nhưng chuyện từ ngày xưa, vả lại chuyện đó là của bác họ chị, đâu có liên quan đến chị và anh ấy?”. “Mẹ thằng Hùng bảo rất quý chị nhưng để cho chị và Hùng cưới nhau thì không thể, mẹ nó bắt nó rời xa chị, nó kiên quyết không nghe, thế là mấy tháng nay hai mẹ con không nói với nhau câu nào. Em cũng tưởng chuyện quá khứ này chị không phải là người có lỗi thì sẽ không sao, không ngờ mẹ nó kiên quyết thế. Khổ thân thằng Hùng, nó hiện giờ không biết phải làm sao, nó đau khổ còn cái xác ve đấy”. Tôi nghe mà không tin nổi, mọi thứ cứ nhòa theo cùng nước mắt. Đúng là ở đời không ai học được chữ “ngờ”.

Một thời gian sau người ấy vẫn cứ thế, tôi nhìn mà thương thắt lòng. Biết người ấy không thể thuyết phục được mẹ. Tôi không muốn vì mình mà người ấy và mẹ trở thành người xa lạ, như vậy thì tình yêu của tôi trở nên tội lỗi lắm. Tôi đã dằn lòng cắt đứt tình với người ấy. Khỏi phải nói tôi và người ấy hóa điên, hóa dại như thế nào. Nước mắt chúng tôi hòa vào nhau mặn chát. Nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận, coi như không có duyên được ở bên nhau.

Thời gian trôi qua rất lâu, rất lâu, khi vết thương lòng đã dịu đi, tôi và người ấy mới xây dựng tổ ấm của riêng mình. Vì nửa kia của cả hai nên chúng tôi cắt đứt mọi liên lạc, không chuyện trò, không gặp gỡ, cũng không hỏi han gì về nhau. Tôi biết làm như thế là đoạn tình nhưng tôi sợ nếu còn liên lạc thì mối tình dang dở ấy sẽ lại bùng cháy mất thôi.

Tôi và Nam đến thăm người ấy. Mới đến cửa phòng bệnh thôi mà tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, hồi hộp như thuở ban đầu. Người ấy nằm đó, già và gầy hơn xưa nhiều quá, tim tôi quặn đau, nước mắt cứ lăn dài trên má, tôi bối rối lau vội những dòng nước mắt ấy khi thấy vợ người ấy ra chào. Cô ấy bảo anh vừa ngủ, tôi và Nam không đánh thức người ấy, hai chị em cứ lặng lẽ ngồi hai bên. Chắc vợ người ấy biết tôi là ai, cô ấy đã khẽ đóng cửa đi ra ngoài, nhường lại cẳn phòng cho chúng tôi. Tôi chẳng biết nói gì, làm gì với người ấy. Như ngày xưa, thời người ấy còn là của tôi thì tôi đã lao vào ôm hôn, an ủi, vỗ về, động viên người ấy rồi đấy. Giờ tôi chỉ biết ngồi yên lặng ngắm người ấy thế này thôi.

Bỗng bàn tay lành lạnh khẽ khàng nắm lấy tay tôi. Tôi giật mình nhìn lên, người ấy mỉm cười, vẫn vẹn nguyên nụ cười xưa yêu dấu, người ấy thì thào: “Giờ anh xanh lắm, không đen được như thời đó rồi em, biết em đến thế này anh đã phơi nắng trước hàng tháng rồi”. Tôi nghe mà nghẹn đắng nơi cổ họng, ốm thế mà vẫn còn cố hài hước được. Tôi siết chặt tay người ấy: “Anh phải vì mọi người, vì em mà khỏe nhé, phải cho em nhìn thấy làn da dám nắng của anh nhé, anh biết chưa?”. Người ấy cười gật đầu, rồi lại mơ màng thiếp đi, bàn tay xanh xao vẫn nắm chặt tay tôi.

Chúng tôi ra về, lòng nặng trĩu. Gặp rồi mới thấy người ấy vẫn sống mãi trong tình yêu tôi. Tôi mong phép màu sẽ đến với người ấy của tôi, mong lắm lắm.

Nguyễn Thị Hồng Minh

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/cac-cuoc-thi/bai-du-thi-nguoi-ay-76979/