Bài dự thi: Con cũng nuôi niềm hy vọng ấy cùng cha

Miền ký ức xa xăm bàng bạc thiếu vắng bóng dáng mẹ. Hơi ấm mẫu tử là gì? Con không còn nhớ đến. Chỉ một hơi ấm tình cha trùm lên đời con.

Cha ơi!

Một tháng nay con không về nhà được vì bận ôn thi cho kỳ thi quốc gia. Nhưng cha không phải ra thăm con. Con tin kỳ thi tới con sẽ làm bài thi tốt, không phụ lòng mong mỏi của cha và … của mẹ đâu!

Tối nay, ngồi học trên lớp, không hiểu sao con thấy bâng khuâng. Ký ức đan xen hiện tại cứ hiện lên cồn cào trong nỗi nhớ. Và trong những hình ảnh nổi sóng ấy, bóng cha phủ lên tràn đầy ấm áp, yêu thương.

Miền ký ức xa xăm bàng bạc thiếu vắng bóng dáng mẹ. Hơi ấm mẫu tử là gì? Con không còn nhớ đến. Chỉ một hơi ấm tình cha trùm lên đời con. Còn nhớ hình ảnh con ngồi trong lòng cha. Ngoài trời lạnh buốt. Những căn nhà trình tường mùa đông càng ảm đạm. Khói sương mờ mịt đè lên xám mốc những mái nhà hình nấm. Hơi ấm từ bếp khiến con thấy ấm áp và sung sướng.

Còn nhớ nhiều đợt nước đóng băng cả tuần. Băng lấp lánh như những mảnh thủy tinh trong suốt bám chặt mái nhà, ngọn cây, đống củi ngoài sân. Sờ tay vào thấy lạnh cóng. Cha bảo “Đá nhà trời đấy!”. Con thích thú ngắm sắc óng ánh lung linh tan chảy của nó khi nắng lên.

Rồi bên bếp lửa ấm áp, cha ôm con, rủ rỉ kể cho con nghe những câu chuyện từ thuở khai thiên lập địa, tổ tiên người Hà Nhì mình khai phá dựng xây, lập làng với những ngôi nhà hình nấm tránh rét, tránh thú rừng thuở hồng hoang. Cha ru con vào giấc ngủ chập chờn giấc mơ thần tiên cùng những lượt xoa lưng ấm áp từ đôi bàn tay thô ráp của cha đã đưa con vào giấc ngủ yên bình.

Còn nhớ, có những đêm con mơ thấy mẹ. Mẹ đẹp, dịu dàng hơn nàng Ơn trong chuyện xửa xưa cha kể. Mẹ nhìn con rồi đi ra cửa. Con khóc đòi mẹ. Cha ngồi ôm con suốt đêm. Nước mắt cha rơi xuống má con âm ấm…Con nhớ suốt mùa đông, những ngón tay, ngón chân cha sưng lên, đỏ tấy. Vậy mà cha vẫn lăn lộn công việc. Cha lầm lũi trên rừng, trên núi làm nương, phát rừng, chăm cây và lấy củi. Khi địu được thồ củi về nhà, cha bế bổng con lên, dụi mặt vào bụng con. Hai cha con cười vang cả góc làng ….Bữa tối dọn ra trên cái mâm đai bao giờ cũng có thêm một cặp bát, đũa. Cha bảo sắp bát sẵn, nếu mẹ về còn ngồi vào ăn ngay cho nóng… 15 năm nay, bữa nào cũng thế, cha kiên trì chờ mẹ...

Ngày trước, con khóc gào nhớ mẹ - nỗi nhớ của đứa trẻ mới lên ba... Con đã gào khóc đớn đau gọi mẹ trong vô vọng khi mỗi lần sốt mê man… Con quay đi nuốt nước mắt vào tim khi thấy đôi tay thân thương của cha đã run rẩy, chiếc đũa xới cơm đã chuệch choạc khi xới bát cho mẹ.. Sao mẹ đi đâu mãi không về?

Đã có những người đàn bà đến nhà mình xăm xắm làm đỡ việc…đã có những người đàn ông đến bàn việc lấy vợ cho cha…đã có …nhiều nhiều lắm những mối manh để cha đi bước nữa đỡ vất vả..

Cha chỉ lắc đầu rồi nhìn lên đầu giường. Trên đó có chiếc khăn đội đầu và bộ tóc giả của mẹ. Trước lúc đi, mẹ để lại mảnh hồn của mẹ trong căn nhà này như muốn nói rằng, mẹ vẫn gần gũi hai cha con. Hãy đợi mẹ!

Cha bảo với mọi người cha còn chờ một người phụ nữ đã bỏ nhà mất tích 15 năm trước. Cha bảo sẽ lo xong cho thằng Hổ của cha có nghề nghiệp, có vợ con, thì cha sẽ đi tìm mẹ, dù rằng lúc đó cha có thật già, cha cũng sẽ chống gậy đi tìm mẹ về cho cái thằng Hổ tội nghiệp của cha…

Ngôi nhà hình nấm của mình đã cũ, mái tranh nát đã phủ đầy rêu xanh và cỏ dại. Trong làng mình hầu hết mọi người đã thay nhà mới với mái tôn đẹp và chắc chắn cùng con đường vào nhà hầu hết đã lát bê tông, nhưng nhà mình lại như trong cổ tích. Cha bảo nó còn lại hơi ấm và bóng dáng của mẹ, và cũng là để khi mẹ về vẫn nhận ra căn nhà thân yêu ngày trước. Căn nhà mà mẹ đã cùng cha đổ mồ hôi vác từng viên đá, địu từng thồ đất lên trình tường…Và ngọn lửa trong nhà luôn được khơi bùng đỏ từ đôi tay mẹ. Hòn đá kê bếp linh thiêng tượng trưng cho thần lửa vẫn là hòn đá thời ấy. Nhưng dịp lễ cuối năm hoặc đầu năm mới cha thay mẹ làm lý với vị thần Lửa cầu mong gia đình ấm êm và đoàn tụ …

Cha ơi! Ngần ấy năm cha vẫn giữ niềm tin sắt đá mong mẹ trở về. Cha vẫn sống với hơi ấm, bóng dáng của mẹ…Những hòn đá lát đường vào nhà mòn vẹt bước chân cha hay mòn vì những giọt nước mắt lặng lẽ mỗi khi cha đứng ngõ trông mẹ về?

Đôi khi khách du lịch đến thăm làng lại đến ngôi nhà cha con mình và họ thích thú vì vẻ đẹp cổ kính của nó. Họ chụp ảnh, họ xì xồ. Cha nhăn mặt khi họ sờ tay vào ô cửa sổ vuông nhỏ ám khói. Cha cau mày khi họ tựa lưng vào khung cửa nhỏ chụp ảnh. Cha bồn chồn khi thấy họ đi lại quanh nhà ngắm nghía. Cha không muốn tất cả những điều đó vì cha sợ những du khách lạ lùng nức mùi nước hoa ấy sẽ át mất đi mùi mồ hôi và dấu tay của mẹ vẫn còn vương trên đó. Cha sợ những phiến đá lát sân sẽ bị những dấu chân lạ xóa đi dấu chân mẹ vẫn ẩn hiện đâu đó...

Mỗi hè, trong dịp tết Khu Già Già, cha thường uống thật say rồi hát. Hát trước khi cơn buồn ngủ kéo đến đánh sập mí mắt. Cha hát những câu hát trao duyên. Ấy là bởi cha nhớ lại một đám cưới nghèo của gần hai chục năm trước. “Chỉ cần một con gà trống, ba quả trứng, ba bọc xôi cha đã cưới được mẹ thằng Hổ về nhà!”. Cha vẫn đùa vậy khi uống rượu trong cồn cào nỗi nhớ…

Hồi bé, con đâu biết sự cô đơn của hai cha con là do thiếu vắng người vợ, người mẹ? Ở cái xứ sở mù sương chênh vênh giữa đất trời này, người phụ nữ Hà Nhì chịu thương chịu khó lo toan cuộc sống gia đình. Mùa đông năm ấy khắc nghiệt chưa từng thấy. Quê ta đón nhận một trận mưa tuyết dai dẳng. Cả một vạt thảo quả ba năm của nhà mình chết héo dưới tuyết. Mẹ ôm mặt khóc đớn đau. Cha buồn sọm. Năm nay mất mùa thảo quả, cây lương thực cũng chết hết. Rau chẳng còn một cọng, lấy cái gì ăn đây?

Thế rồi một buổi đi làm nương mẹ không về… Cha cuống cuồng gọi mẹ khắp rừng già, khắp núi rừng… rồi cha vụng về chăm thằng Hổ ba tuổi nhưng còi cọc. Có lẽ cũng nhờ những giọt mồ hôi lo toan và nước mắt mặn chát của cha mà con cứ nhỉnh dần như cây măng còi vẫn chịu vươn thẳng. Đôi lúc con cứ nghĩ cha vừa là cha nhưng cũng vừa là mẹ... Sau này cha bảo cha không muốn con có cảm giác mất mẹ.

Con lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha như vậy. Ngày cha dẫn con đến lớp mẫu giáo. Ngày cha rưng rưng nước mắt treo tấm giấy khen của thầy hiệu trưởng tiểu học, rồi cô hiệu trưởng THCS...lên bức vách đất trong ngôi nhà ám khói. Cha ha hả cười và buột miệng “Mẹ thằng Hổ về xem thằng Hổ giỏi chưa?”.

Hiện tại con đang là một chàng trai Hà Nhì lớp 12 bắt đầu có ý thức về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Ngày đầu tiên, con giã từ tuổi ấu thơ và trường làng ra học trường nội trú của tỉnh. Đêm ngủ trong ký túc xá của trường, con không ngủ được. Nhìn chỗ nào cũng thấy thiêu thiếu một cái gì. Chiếc giường sạch sẽ nhưng thiếu chiếc khăn bóng mồ hôi cha lót gối cho con. Căn phòng màu xanh lơ xinh đẹp nhưng lạnh lẽo vì thiếu hơi ấm bếp lửa. Và đêm, con ôm chiếc gối thấy thèm vòng tay ôm chặt của cha…Chao ôi là nhớ.

Nhưng cha đã dặn con trong ngày chia tay xuống núi: “Chỉ có đi học mới mở mang đầu óc, con đỡ khổ và cha con mình biết đường đi tìm mẹ!”. Giờ đây khi ngồi viết những dòng này cho cha, các bạn đã ngủ say rồi. Giường bên kia bạn Lở người Mông chợt cười khanh khách trong mơ. Con lại nhớ những giấc mơ của cha. Chỉ là những tiếng ú ớ hốt hoảng và rõ nhất là những tiếng gọi “Mẹ Hổ…mẹ Hổ…”. Thương cha ngay cả lúc ngủ vẫn đau đáu tìm mẹ cho con trai…

Con đã nhiều đêm mơ về nhà, đứng đón con dưới mái nhà nấm là cha rạng ngời niềm vui…Và sau cha…là người phụ nữ con khao khát đêm ngày được gặp suốt 15 năm qua.

Với tình yêu thương bao la và sự bao dung, nhân hậu trời biển của cha dành cho con, cho mẹ, con tin giấc mơ đó sẽ nhanh thành hiện thực.

Con cũng nuôi niềm hy vọng ấy cùng cha!

Trần Thị Minh

https://www.facebook.com/cuocthivietvegiadinh/

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bai-du-thi-con-cung-nuoi-niem-hy-vong-ay-cung-cha-a243312.html