Bài đầu: Sẵn sàng 'chiến đấu trong thời bình'

LTS: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ 'vì nhân dân quên mình', nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua khó khăn, vất vả, anh dũng chiến đấu, hy sinh, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Bộ đội Sư đoàn 301 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) giúp nhân dân phường Phú Lương (Hà Đông) gặt lúa chạy bão.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang đó, thế hệ CBCS hôm nay đang thi đua lập chiến công trên nhiều lĩnh vực để viết tiếp trang sử hào hùng của quân đội trong thời kỳ mới, chung tay giúp cuộc sống của nhân dân ngày càng tươi đẹp…

Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được xác định là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của quân đội. Tinh thần dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để cứu tính mạng và tài sản nhân dân đã tạo nên nét đẹp của CBCS lực lượng vũ trang Thủ đô và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận.

Quả cảm trong gian khó

Tuyến đê bao ôm trọn dòng Tích Giang uốn lượn như dải lụa mềm trong tiết trời mùa xuân ấm áp, xa xa bóng thôn nữ mải mê làm đồng tạo nên bức tranh hữu tình của vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ. Đẹp là vậy nhưng chỉ cách đây chừng 5 tháng, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của CBCS các đơn vị quân đội và nhân dân địa phương thì con đê này có nguy cơ bị vỡ do mưa kéo dài, đe dọa gần 500ha lúa của các xã Đông Yên, Cấn Hữu, Liệp Tuyết, Phú Cát, Nghĩa Hương. Chiến sĩ Nguyễn Như Phong, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) nhớ lại: “Hôm đó, chúng tôi vừa ăn cơm chiều xong thì nhận được lệnh của đơn vị cử đi đắp đê cứu ngập. 200 người lập tức chuẩn bị dụng cụ và di chuyển đến nơi làm nhiệm vụ. Đơn vị tôi cùng các lực lượng làm việc rất khẩn trương trong đêm tối, chuyền tay nhau từng bao tải đất để chặn dòng nước.

Dù mệt và rét nhưng ai nấy đều vui vì đã được góp sức giúp dân hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra”. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Sư đoàn 301 đưa quân khắc phục sự cố mưa bão mà năm 2011 Sư đoàn đã huy động 250 CBCS giúp dân phường Phú Lương (Hà Đông) gặt lúa chạy bão. Đại tá Nguyễn Đình Lưu, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 301 cho biết: Là đơn vị đóng quân ở ven đô, Sư đoàn 301 luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” là phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và giúp dân khi có sự cố xảy ra. Đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực vọng quan sát 24/24 giờ để kịp thời phát hiện ra các vụ việc và tham gia hỗ trợ.

Để sẵn sàng đối phó và ứng cứu kịp thời các sự cố thiên tai, hỏa hoạn, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn chuẩn bị đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần, bảo đảm huy động cao nhất cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” kịp thời, hiệu quả. Điển hình như vào hồi 10h30 ngày 2-12-2016, nhận được tin một vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu nhà xưởng của Công ty Cơ khí Đồng Tháp, thuộc Khu công nghiệp Ngọc Hồi (Hoàng Mai), 150 CBCS Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàng Mai, Đại đội phòng cháy, chữa cháy và 30 dân quân thường trực cùng phương tiện đã được Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội điều động để tham gia chữa cháy.

Xứng đáng là chỗ dựa của nhân dân

Với sự chuẩn bị chu đáo, luôn trong trạng thái sẵn sàng nên ngày 4-8-2016, nhận được tin báo sập nhà tại số 43 phố Cửa Bắc, Ban Chỉ huy quân sự quận Ba Đình đã huy động 45 CBCS và lực lượng dân quân thường trực phường Trúc Bạch cùng Đại đội phòng cháy, chữa cháy Bộ Tư lệnh Thủ đô, Lữ đoàn 144 Bộ Tổng tham mưu và các lực lượng khác tham gia tìm kiếm cứu nạn. Hay như gần đây, ngày 2-11-2016 xảy ra vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy), Bộ Tư lệnh Thủ đô đã huy động gần 300 CBCS lực lượng thường trực và dân quân tự vệ thuộc quận Cầu Giấy cùng các phương tiện phối hợp chữa cháy và khắc phục hậu quả.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, các đơn vị còn phải xây dựng các phương án sát thực tế và thường xuyên tập luyện. Tuy không thuộc lực lượng vũ trang Thủ đô nhưng Trung tâm quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đường không (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã nhiều lần phối hợp cùng TP Hà Nội thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Vừa hoàn thành bài tập trên máy bay trực thăng trở về, Thiếu tá Cao Sĩ Viên, Đội trưởng Đội Tìm kiếm cứu nạn 1 cho biết: Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không là nhiệm vụ có tính đặc thù, khó khăn và phức tạp, yêu cầu cao về độ chính xác và chuyên nghiệp. Trong quá trình huấn luyện chúng tôi chủ yếu thực hành các kỹ thuật nhảy dù, thả dù phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trong nhiều địa hình, thời tiết, thời gian. Từng CBCS phải thường xuyên tập luyện thuần thục những kỹ năng cơ bản trong thực hiện nhiệm vụ trên không cũng như dưới đất với các tình huống sát thực tế nhất.

Thực hiện nhiệm vụ, các CBCS luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, hiểm nguy. Như vào cuối năm 2013, Trung úy Hoàng Văn Đông, Tiểu đoàn Thông tin 601, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia dập tắt đám cháy tại khu tập thể Nam Đồng (Đống Đa). Trong lúc tiếp cận vị trí để đưa vòi nước vào khống chế đám cháy, chiếc thang bất ngờ gãy khiến Trung úy Hoàng Văn Đông bị ngã, chấn thương cột sống...

Theo thống kê, năm 2016, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 586 vụ việc, trong đó thiên tai 38 vụ, cháy nổ 8 vụ, hỏa hoạn 368 vụ, cháy rừng 19 vụ, sập đổ công trình 10 vụ, tìm kiếm cứu nạn 143 vụ, sự cố môi trường 1 vụ. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn đã huy động gần 30.000 lượt CBCS và 2.597 phương tiện, trang bị tham gia tìm kiếm cứu nạn, chữa cháy và khắc phục hậu quả. Xác định là lực lượng chủ lực trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn đã và đang phối hợp tốt trong việc rà soát phương án, kế hoạch, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho CBCS và chuẩn bị chu đáo trang bị kỹ thuật để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, xử lý kịp thời, xứng đáng là chỗ dựa của nhân dân.

(Còn nữa)

Hiền Phương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/864684/bai-dau-san-sang-chien-dau-trong-thoi-binh