Bài đầu: Những nhiệm vụ cấp bách

LTS: Nghị quyết số 05-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế được ban hành ngày 1-11-2016. Nghị quyết nhấn mạnh đến yêu cầu cấp bách về việc đổi mới mô hình tăng trưởng được Đảng ta đặt ra trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của đất nước tuy ổn định nhưng chưa vững chắc. Vấn đề cốt lõi là đưa nền kinh tế nước ta phát triển theo hướng bền vững và đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Bài đầu: Những nhiệm vụ cấp bách

Thực tế cho thấy, thời gian qua nước ta đã tích cực tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng kinh tế ở nước ta chậm được đổi mới, về cơ bản vẫn theo mô hình cũ... Vì vậy, Nghị quyết số 05-NQ/TƯ nhấn mạnh 7 nhiệm vụ cấp bách và trọng tâm nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thẳng thắn nhìn nhận yếu kém

Theo đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, việc đổi mới mô hình tăng trưởng (MHTT), cơ cấu lại nền kinh tế đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện và đạt một số kết quả bước đầu. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng ở mức hợp lý và MHTT từng bước chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, qua đó năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, trong khi cơ cấu lại thị trường tài chính đạt kết quả bước đầu, không để xảy ra tình trạng đổ vỡ, mất an toàn hệ thống. Hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết, mở ra giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế Việt Nam với thế giới.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 05-NQ/TƯ cũng đã nhìn thẳng vào những yếu kém, tồn tại. Đó là, MHTT về cơ bản vẫn theo mô hình cũ, chậm đổi mới; tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý doanh nghiệp (DN). Thực tế, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại và chất lượng tăng trưởng thấp. Phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được cải thiện, môi trường đầu tư - kinh doanh còn nhiều trở ngại, việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Việc cơ cấu lại DN nhà nước, kiểm soát nợ công chưa đạt yêu cầu, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro…

Những yếu kém, hạn chế trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong đó, nhận thức và tầm nhìn của các cấp ủy, chính quyền và DN về đổi mới MHTT chưa đầy đủ, có nơi bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ và tư duy nhiệm kỳ. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về đổi mới MHTT, cơ cấu lại nền kinh tế ở các cấp, các ngành và địa phương còn thụ động, chậm trễ. Đổi mới, hoàn thiện thể chế bên trong và hội nhập với bên ngoài chưa đồng bộ; hội nhập quốc tế chưa thể gắn kết chặt chẽ với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của tăng trưởng kinh tế.

Khẳng định vai trò quản lý nhà nước

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, phân tích: Căn cứ vào những nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Nghị quyết số 05-NQ/TƯ, bao gồm: Đẩy mạnh cơ cấu đầu tư công, khắc phục tình trạng tham nhũng, lãng phí; cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư và kiên quyết xử lý các DN nhà nước làm ăn thua lỗ; giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập... có thể thấy đều tập trung vào vấn đề cơ cấu lại ngân sách theo hướng tiết kiệm và giảm thâm hụt, trong đó khẳng định vai trò của Nhà nước trong điều hành kinh tế gắn với hình ảnh một Chính phủ liêm chính và hành động.

Những nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ theo đuổi nhiều năm nay. Tại Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, với 3 trục chính là: Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, mục tiêu hướng đến cuối cùng cũng chính là cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả. Nhưng, mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết đã tiến đến một cấp độ cao hơn, thông qua việc cụ thể hóa những nhiệm vụ để đổi mới MHTT, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng những chỉ tiêu cụ thể.

Theo đó, sẽ tiếp tục củng cố vững chắc kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân ở mức dưới 5%/năm; giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP. Đối với nợ công, phấn đấu quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2020, tỷ trọng lao động có chứng chỉ đào tạo tăng lên khoảng 25%; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40% và thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN.

Đánh giá về những nhiệm vụ trọng tâm mà các ban đảng Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ... phải thực hiện, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, trong 7 nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo, về cơ bản đều tập trung vào việc cơ cấu lại ngân sách trên cả hai mặt: Thu và chi theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí. Điều này cho thấy, vai trò của Nhà nước trong giai đoạn đổi mới MHTT đặc biệt quan trọng. Thực tế đã chứng minh, khi kỷ luật ngân sách được siết chặt, an ninh tài chính quốc gia được giữ vững sẽ tạo ra nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế.

Việc thẳng thắn nhìn vào những yếu kém, tồn tại của nền kinh tế để từ đó đưa ra những quyết sách nhằm đổi mới MHTT, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ rút ngắn con đường dẫn tới những mục tiêu phát triển kinh tế đã đặt ra. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi các cấp ủy đảng phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém, loại bỏ những tác động tiêu cực do lợi ích cục bộ và tư duy nhiệm kỳ gây ra. Đây sẽ là nền tảng giúp đất nước tạo ra những bước đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế, qua đó từng bước cải thiện đời sống của người dân và hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng DN.

(Còn nữa)

Hương Ly - Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/855360/bai-dau-nhung-nhiem-vu-cap-bach