Bài cuối: Giảm đầu mối, giảm biên chế

Thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và tăng dần tự chủ kinh phí, giảm chi ngân sách… Đây là hướng sắp xếp bộ máy được Sở Nội vụ tham mưu cho UBND TP Hà Nội thực hiện thời gian tới nhằm giảm biên chế hành chính, sự nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả hoạt động.

Không tăng, chỉ giảm

Quan điểm của Sở Nội vụ và Ban Pháp chế HĐND thành phố - cơ quan tham mưu cho HĐND, UBND TP Hà Nội trong xây dựng dự thảo, tờ trình về lĩnh vực này thống nhất, sẽ không tăng thêm công chức, mà chỉ có giảm. Thực tế, ở các quận, huyện, sở, ngành, việc tinh giản theo sàng lọc năng lực, trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ từng tháng, quý rất ít, mà chỉ tính đến việc tinh giản đối tượng nghỉ hưu. Đây là hạn chế cần khắc phục sớm.

Giáo dục - Đào tạo là một trong những ngành đề nghị được áp dụng cơ chế đặc thù trong chỉ tiêu biên chế. Ảnh: Thái Hiền

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, số đầu mối cơ quan hành chính sắp xếp đơn giản hơn với đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi số đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố hiện có tới 401 đầu mối đang được Sở tham mưu sắp xếp xuống còn 280 đơn vị (giảm 121 đầu mối). Đây là một cuộc "đại cách mạng" trong sắp xếp bộ máy ở Hà Nội, vì liên quan đến con người nên các bước thực hiện phải kỹ lưỡng, chu đáo, thận trọng. Đối với quận, huyện, thị xã, Sở cũng đã có phương án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp và đang tham mưu cho UBND thành phố triển khai các bước. Theo phương án của Sở, tới đây thành phố xem xét, quyết định sáp nhập 3 trung tâm gồm: Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; sáp nhập trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục - thể thao, đài phát thanh, nhà thiếu nhi (nếu có) vào làm một. Ngoài ra, Sở cũng tính toán phương án nhập Ban bồi thường giải phóng mặt bằng, Trung tâm phát triển quỹ đất cấp quận, huyện vào làm một; sáp nhập Trung tâm y tế, Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình; bộ phận thanh tra xây dựng sẽ đưa về phòng quản lý đô thị. Đối với quận, huyện có 2 ban quản lý dự án sẽ nhập làm một; ban quản lý chợ là đơn vị hoạt động có thu sẽ chuyển đổi mô hình quản lý, không có biên chế sự nghiệp.

Hiện tại, số cán bộ hợp đồng trong chỉ tiêu làm ở bộ phận thú y, bảo vệ thực vật các xã vẫn chưa có phương án cụ thể. Ban Pháp chế HĐND thành phố đề nghị Sở Nội vụ phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức đánh giá, tổng kết hoạt động, từ đó tham mưu với UBND, HĐND thành phố phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ này cho phù hợp.

Đề xuất ngành đặc thù

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đề nghị: “Thành phố giao chỉ tiêu biên chế cho các đơn vị cho năm học sau vào tháng 7 hằng năm để các đơn vị cơ sở có kế hoạch tuyển dụng trong dịp hè, kịp thời bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên cho năm học sau đó”. Ban Pháp chế HĐND thành phố đề xuất, ngoài tham mưu cho thành phố phát triển hệ thống trường công lập, Sở Giáo dục - Đào tạo cần xây dựng tiêu chí, triển khai thành lập trường ngoài công lập chất lượng. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh lại giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng khẳng định thêm, cần sớm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành các đơn vị tự chủ (một phần hoặc toàn phần). Đơn cử như ban quản lý chợ, trường học, bệnh viện là đơn vị hoạt động có thu, thì tự chủ về tài chính, không bố trí biên chế, giảm ngân sách...

Để tạo thuận lợi cho việc sắp xếp bộ máy, TP Hà Nội kiến nghị với Trung ương cần sớm rà soát, hoàn thiện đồng bộ các nghị định theo quy định của Hiến pháp và các đạo luật mới; tránh xảy ra tình trạng bộ, ngành vì quyền lợi của mình lại đề nghị thành lập thêm những cơ quan ở cấp dưới, gây ra những bất cập như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế điều chỉnh quy hoạch địa giới hành chính, bởi sau chia tách, sáp nhập sẽ làm tăng số lượng biên chế; đồng thời rà soát lại tổ chức bộ máy các hội, đưa trở về đúng vị trí là tổ chức tự nguyện, tự chủ.

Việc tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp liên quan đến con người, cần phải có lộ trình thực hiện và phải minh bạch. Trong đó, việc đánh giá năng lực cá nhân theo từng tháng sẽ khắc phục được tình trạng cào bằng trong đánh giá, xếp loại. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2021, tỷ lệ giảm tối thiểu 10% biên chế các đơn vị hành chính, sự nghiệp, cùng với việc xây dựng đề án vị trí việc làm sát thực tiễn, mỗi cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác ổn định tư tưởng cán bộ, công chức, viên chức trong diện sắp xếp, dôi dư, tránh đơn thư, khiếu kiện, mất ổn định.

"Quan điểm của thành phố là tinh gọn, nhưng phải bảo đảm tính chuyên nghiệp, một người một việc xuyên suốt, giảm khâu trung gian" - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, đồng thời chỉ đạo việc sắp xếp bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 39 phải theo quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch. Lãnh đạo thành phố sẽ trực tiếp đối thoại với cán bộ chủ chốt các sở, phòng, ban, tạo sự đồng thuận, thông suốt; cố gắng hoàn thiện cơ cấu, bộ máy, quy chế hoạt động của các đơn vị trực thuộc trong năm 2016, để vận hành hoạt động theo mô hình mới vào đầu năm 2017.

Tuấn Việt

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/To_chuc-Can_bo/850929/bai-cuoi-giam-dau-moi-giam-bien-che