Bài cuối: Di chỉ vạn năm đang chìm vào quên lãng?

VH- Theo các nhà khảo cổ học thì Thẳm Ồm là một trong những nơi cư trú của người Việt cổ cách đây khoảng 20 vạn năm. Nơi đây, các nhà khảo cổ đã khai quật được nhiều hiện vật quý giá: răng người vượn cùng với xương và răng của nhiều loài động vật thuộc thế Cánh tân như voi răng kiếm, gấu tre, đười ươi lùn, răng người vượn khổng lồ.

Đặc biệt, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện trong hang Thẳm Ồm nhiều hiện vật bằng đá, bằng đồng đại diện cho sự phát triển của người Việt cổ qua nhiều thời kỳ nối tiếp nhau. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, nhiều đoàn khoa học gồm những nhà khảo cổ học, nhân chủng học, lịch sử, dân tộc học..., liên tiếp ghé về Thẳm Ồm khai quật, lấy tư liệu... Những công bố về những nghiên cứu ở một địa danh nơi cư trú của người Việt cổ liên tiếp được đăng tải trên các tạp chí khoa học. Báo chí liên tục đưa tin về những phát hiện lý thú về khảo cổ, lịch sử, văn hóa ở một địa danh xa lạ heo hút, nơi cùng trời cuối đất ở miền Tây Nghệ Tĩnh, Thẳm Ồm. Thế rồi, những phát hiện, những cứ liệu khoa học cũng phai nhạt dần, không còn gây được sự chú ý của dư luận. Di chỉ Thẳm Ồm dường như đã chìm vào quên lãng. - Em nghe kể lại, sau cái đợt “sốt” đá đỏ, một số “đá tặc” quay ra đào bới di chỉ trong các hang động, trong đó có Thẳm Ồm, hang Voi, nhưng hình như hiện vật chúng kiếm được không nhiều và những hiện vật ấy cũng không có giá trên thị trường nên chúng không tiếp tục đào bới nữa. Ngồi trên xe, Trưởng phòng Văn hóa huyện Trần Việt Đức tranh thủ cho chúng tôi biết thêm một số thông tin xung quanh di chỉ khảo cổ Thẳm Ồm. Cách đường nhựa chưa đầy 1 km, cửa động Thẳm Ồm cao ráo và thoáng đãng. Hai cái đèn pin bật hết cỡ. Thêm hai ngọn đuốc rừng rực cháy. Chúng tôi tiến vào lòng hang hun hút tối. Hai hố khai quật của những đoàn khảo cổ vào những năm cuối thế kỷ XX đã bị đất đá vùi lấp nông choèn. - Kể từ khi khai quật hai hố thám sát khảo cổ này, các nhà khoa học ít vào đây. Cũng có một dạo có đoàn chuyên gia Nga hay Đức gì ấy, họ đến xem xét hai hang động, Thẳm Ồm và hang Voi. Họ có lấy đi một số thứ trong đó có nhũ đá tự nhiên giống hình con voi đang giận dữ huơ vòi trước cửa động Con Voi. Cán bộ phụ trách văn hóa xã Châu Thuận mà tôi chưa kịp biết tên vừa soi đuốc cho cả đoàn, lần vách đá và vanh vách kể về những tiềm năng chưa được khai thác của địa phương mà anh đã nhiều dịp nghe cấp trên phổ biến. Thấy anh bạn đồng hành trong đoàn ngạc nhiên về những thân gỗ nằm dọc trong lòng hang tối um, cán bộ văn hóa xã Châu Thuận hồn nhiên: - Đấy là gỗ của bà con chặt về làm nhà đó mà. Chặt ở trên núi xong kéo qua hang cho nó gần, đi vòng thì xa lắm. - Thế rừng ở đây được chặt gỗ à? - À không, chắc bà con chỉ lấy một ít về dựng nhà thôi. Phá rừng là vi phạm pháp luật đó. Một cán bộ xã Châu Thuận đi trong đoàn giải thích. Câu trả lời của cán bộ xã Châu Thuận làm tôi bất chợt liên tưởng tới một thứ “mốt” của nhiều gia đình, nhiều cán bộ ở Quỳ Châu về thú chơi phản ngựa hay sập gỗ. Phản ngựa hay sập gỗ mà người dân ở Quỳ Châu dùng có kích thước khác thường. Những thân gỗ phải có đường kính hàng mét trở lên, được xẻ dày từ 10cm -12cm, thậm chí là 15 cm nhưng đặc biệt chiều dài của phản gỗ phải từ 3,2m đến 3,5 m. Một bộ phản gỗ gồm hai miếng ghép lại với “chân quỳ dạ cá” thường chiếm trọn một gian nhà. Một bộ phản ngựa bằng gỗ dổi hay chò chỉ ở gốc cũng đã có giá cả chục triệu đồng. Có lẽ giờ thì tôi hiểu một phần, vì sao Quỳ Châu nhiều rừng nhưng nguồn tài nguyên gỗ ngày càng trở nên khan hiếm. Hang Voi, mặc dù nằm ngay cạnh đường quốc lộ 48 nhưng vẫn còn khá nguyên sơ. Muốn vào hang phải vạch cây rừng mà đi. Trần hang cao vòi vọi, gió rít ù ù từng hồi. Một đống nhũ đá trắng muốt bị đập bỏ ngổn ngang trước cửa động. Cán bộ văn hóa xã Châu Thuận giải thích: - Lại có ai đó vừa vào hang bẻ nhũ đá, những nhũ này không đẹp nên bỏ lại. - Địa phương không cấm bẻ nhũ đá trong hang à? - Không cấm được đâu, thích thì bẻ về dùng thôi. - Không đâu anh, địa phương cũng cấm đấy nhưng cả hang Voi và Thẳm Ồm chưa được xếp hạng di tích nên khó quá, ai đó nói trong ánh đuốc nhập nhoạng. Trần hang cao vút và sâu thăm thẳm. Có tiếng nước réo ào ào qua khe đá ở tận nơi sâu thẳm trong hang vọng ra. Con suối lộ thiên từ trên cao bất chợt hiện ra, rồi cũng bất chợt biến mất trong lòng hang, mùa khô thì êm đềm chảy nhưng mùa mưa thì hung dữ lạ thường. Hang Voi có đường thông lên trời, có đường thông xuống địa ngục. Một năm đàn voi thần từ trên trời xuống hạ giới, chúng mê mải kiếm ăn nên lạc vào xứ Chiềng Ngam. Hết giờ Thượng giới đóng cửa, con voi con không theo kịp đàn lạc nên nó không tìm được lối lên trời. Trước cửa hang rộng lớn, nó thẫn thờ nhìn anh chị nó bay lên trời và huơ vòi rống gọi bầy cho tới khi hóa đá. Hang Voi có tên từ đó. - Hang Voi ngày xưa thiêng lắm, không ai dám động tới cái cây, nhũ đá trong hang. Nhiều người vô tình vào hang vào giờ thiêng mà bị ma voi thần bắt ném xuống suối mất xác. Giờ thì nó không còn thiêng nữa bởi người ta đưa voi thần đi mất rồi. Cán bộ văn hóa xã Châu Thuận ghé vào tai tôi, giải thích. Trong ánh hoàng hôn nhập nhoạng, lẫn trong tiếng nước réo ào ào và tiếng gió ù ù, tôi bỗng liên tưởng tới những đề án phát triển quần thể văn hóa du lịch sinh thái phía tây Nghệ An mà ai đó đã vẽ ra thật hấp dẫn. Với những địa danh: thác Tạt Oọc Ái, thác Tạt Ngoi, thác Đũa, thác Xao Va, lễ hội hang Bua, hang Thẳm Ồm, Thẳm Bua, hang Voi, Thẳm Trạng, Tôn Thạt..., tiềm năng của Tạo hóa vạn năm dồn lại với vùng đất này vẫn còn nguyên, dường như chỉ còn chờ cơ hội. Phạm Nam Giang

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/phongsughichep/29743.vho