Bài cuối: Cơ hội nào cho nghề cổ hồi sinh?

Những đổi thay từ đời sống hiện đại khiến nhiều làng nghề truyền thống phải chật vật tìm cách thích ứng, không ít nơi chấp nhận thỏa hiệp để rồi, nghề còn nhưng bản sắc phôi pha. Trong bối cảnh ấy, hành động “đơn thương độc mã” giữ nghề "muôn năm cũ" của lớp nghệ nhân già dễ bị coi là hoài cổ. Và khi câu chuyện phục dựng nghề tranh ở Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) xuất hiện, người ta mới vững tin những nghề “một thời vang bóng” có thể hồi sinh nếu cơ hội được trao đúng người, đúng thời điểm.

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cùng các cụ cao tuổi làng Kim Hoàng xác định cách in tranh dân gian Kim Hoàng.

Quyết tâm phục hưng nghề truyền thống

Anh Nguyễn Sỹ Tiến, người con của dòng họ có công mang nghề tranh về làng Kim Hoàng tâm sự: “Tôi đã từng nghe chuyện về nghề cổ truyền của dòng họ mình nhưng quả thật chưa bao giờ được thấy một bức tranh Kim Hoàng, sản phẩm gắn bó mật thiết với cha ông mình, trông như thế nào để có hình dung, cảm nhận cho trọn vẹn. Từ đời cha tôi, người theo nghề tranh ở làng đã “rơi rụng” gần hết, đến thế hệ chúng tôi thì chẳng còn một dấu hiệu gì cho thấy nghề này từng tồn tại nữa”.

Đau đáu về nghề xưa nhưng “lực bất tòng tâm”, anh Tiến đã xác định, đời mình và cả đời con cháu, chẳng còn cơ hội được thấy lại dòng tranh in dấu tài nghệ của cha ông mình nếu như không có sự kiện nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa tìm về địa phương, bày tỏ nguyện vọng phục dựng nghề cũ. Như được gợi đúng nỗi niềm, anh Tiến tạm gác lại công việc nhà, chuyên tâm theo nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa học nghề, tìm hướng đưa dòng tranh dân gian trở lại.

Cùng với anh, nhiều người dân khác ở Kim Hoàng, thấy được tâm huyết, thái độ trân trọng, đặc biệt là ý nghĩa của câu chuyện khôi phục dòng tranh cổ đã hết lòng hỗ trợ nhà sưu tầm cùng ê kíp. Nhớ lại những ngày đầu về làng Kim Hoàng, chị Hòa thừa nhận: “Vào thời điểm cái gì cũng thiếu nhưng được sự ủng hộ của chính quyền, sự nhiệt tình giúp đỡ của người dân cho chúng tôi nhiều hy vọng về việc mình đang theo đuổi, sớm muộn sẽ mang về thành quả. Bởi trên thực tế, yếu tố con người luôn đóng vai trò quyết định sự thành công. Nếu thiếu sự ủng hộ này, tiềm lực lớn đến mấy cũng khó…”.

Đánh thức tranh Kim Hoàng là mong mỏi đầu tiên của nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa. Về lâu dài, chị kỳ vọng nghề làm tranh có thể giúp người làng sống được, sống khỏe như những gì tranh dân gian Đông Hồ làm được thời gian qua. Muốn đạt được điều này, chị xác định: “Sẽ mất nhiều năm nữa để củng cố, ươm lại nghề tranh ở Kim Hoàng. Người làng nghề cần được hỗ trợ để trở thành người chủ thực thụ, biết nâng niu, trân trọng di sản và được bồi đắp tri thức để có thái độ bảo vệ di sản hiệu quả nhất trong đời sống hiện đại. Với thế mạnh thương hiệu lâu đời, sản phẩm làng nghề tiếp tục hoàn thiện từng ngày để giành được vị trí xứng đáng trên thị trường. Nếu chỉ dựa vào những giá trị xưa cũ hòng níu chân khách hàng, nghề thủ công sẽ khó tồn tại bền vững”.

Đồng hành cùng nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa suốt quá trình tìm lại tranh Kim Hoàng, nhiếp ảnh gia Lê Bích, người nổi tiếng với những phóng sự ảnh về nghề “thời xa vắng”, cho rằng: “Có tâm, có lực là điều kiện không thể thiếu cho một công việc gian nan như khôi phục, chấn hưng nghề cổ. Việc chị Hòa đang theo đuổi khiến người chứng kiến thêm tin tưởng rằng vẫn còn rất nhiều người biết yêu và trân trọng gìn giữ vẻ đẹp Việt. Không chỉ có vậy, khả năng truyền cảm hứng từ câu chuyện còn cho chúng ta hy vọng sẽ có thêm nhiều người đứng lên vì mục đích hồi sinh những giá trị cũ trong một đời sống mới. Câu chuyện khôi phục nghề tranh ở Kim Hoàng sẽ không còn là của hiếm trong thời buổi hiện nay".

Cần có giải pháp bền vững

Từ câu chuyện tranh dân gian Kim Hoàng nhìn rộng ra các làng nghề, phố nghề một thời để thấy việc dựng lại nghề xưa dẫu khó, rất khó nhưng không phải là không thể. Đâu đó trong các ngôi làng xa vắng ở mảnh đất trăm nghề, vẫn còn rất nhiều người đã và đang âm thầm gìn giữ nghề truyền thống. Họ chính là điểm tựa đầu tiên cho việc khôi phục, chấn hưng nghề, trả lại cho nghề những giá trị hiện hữu qua những sản phẩm thủ công mộc mạc.

Tuy nhiên nếu chỉ trông vào tâm huyết của những cá nhân này thôi thì chưa đủ. Việc bảo tồn, phát huy nghề cổ còn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức như: Tình trạng nguyên liệu khan hiếm, khó tìm thị trường tiêu thụ, thiếu vốn, thiếu nhân lực… Thực trạng lụi tàn nhiều nghề thủ công truyền thống thời gian qua còn cho thấy, nếu sản phẩm làng nghề không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng sẽ khó trụ vì không có đầu ra.

Phục dựng, chấn hưng nghề cổ không phải là níu giữ những biểu tượng một thời, các giá trị bị coi là “lạc điệu” với thời đại, mà là thể hiện thái độ trân trọng với những ngọc ngà vinh hiển quá khứ đã và đang bị khuất lấp giữa đời sống hôm nay. Việc làm này còn nhằm tiếp nối truyền thống, phát huy những giá trị dân tộc đã tích lũy qua mấy trăm năm lịch sử. Nhưng để làm được điều này, cần có kế hoạch bài bản, dài hơi, những con người có nghiệp vụ và một thái độ đến nơi, đến chốn.

Bên cạnh việc đưa ra đường hướng khôi phục nghề, tạo vùng nguyên liệu ổn định, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hỗ trợ vốn, mặt bằng… nghệ nhân làng nghề cần được trang bị kiến thức, kết hợp hài hòa giữa phương thức sản xuất truyền thống với công nghệ hiện đại, dung hòa giữa việc bảo tồn với phát triển giá trị xưa cũ, cho ra những sản phẩm hấp dẫn thị trường mà vẫn bảo đảm được hồn cốt thương hiệu.

Về lâu dài, để bảo tồn và phát huy bền vững làng nghề truyền thống, cần xây dựng kế hoạch phát triển nghề gắn với hoạt động du lịch, như một cách phát huy ưu thế của các sản phẩm truyền thống khi mở rộng giao lưu trên thị trường quốc tế bởi mỗi sản phẩm thủ công qua bàn tay tài hoa của con người, là sứ giả tiêu biểu để truyền thông điệp về văn hóa, lịch sử của dân tộc…

Trong hành trình tìm lại những nghề một thời vang bóng, chúng tôi nhận được rất nhiều gửi gắm, trong đó có những kiến nghị, đề xuất: Cần sớm tổ chức đợt khảo sát, thống kê những làng nghề đang mai một, thất truyền, lưu trữ dữ liệu, thông tin để đưa ra những đánh giá, giải pháp phù hợp cho từng trường hợp; nghệ nhân làng nghề, đặc biệt những nghề chỉ còn duy nhất một người lưu giữ, cần quan tâm, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng hơn cho công sức họ bỏ ra...

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học cũng cho rằng: “Điều cần làm ngay cho các nghề đã bị mai một tới mức chỉ còn lại một nghệ nhân và nghệ nhân đó cũng chỉ có rất ít hoặc thậm chí không có học trò là khẩn trương lưu trữ tư liệu, hiện vật về nghề (xuất xứ, kinh nghiệm, bí quyết…) tránh trường hợp để mất toàn bộ di sản vì chưa kịp lưu trữ như câu chuyện nghệ nhân cuối cùng của làng giấy sắc phong - Nghĩa Đô vừa qua đời đã mang theo toàn bộ bí quyết nghề”.

Quan trọng hơn cả, nếu có giải pháp đúng đắn, triển khai kịp thời, đúng lúc, chúng ta có quyền kỳ vọng nhiều giá trị vốn có sẽ được tái xác lập, tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong đời sống hôm nay chứ không chỉ là bảo tồn những điều còn lại.

Thanh Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/854505/bai-cuoi-co-hoi-nao-cho-nghe-co-hoi-sinh