Bài cuối: Cần sự vào cuộc mạnh mẽ

Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt không còn là vấn đề của nông dân hay của cá nhân mà là định hướng phát triển kinh tế mang tính chiến lược và bền vững của nền kinh tế nông nghiệp.

Để xây dựng được một thương hiệu sản phẩm mang tầm cỡ quốc gia hay một nhãn hiệu sản phẩm vùng miền, rất cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương với cơ chế chính sách đủ mạnh để thương hiệu góp phần nâng cao năng suất, gia tăng giá trị, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Hình thành vùng sản xuất lớn

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Không thể có một nền sản xuất hiện đại, một thương hiệu sản phẩm mạnh với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Hạn chế lớn nhất của Ngành Nông nghiệp Việt Nam hiện nay là quy mô sản xuất nhỏ khiến cho kinh tế nông nghiệp chưa thu hút được vốn và công nghệ, chưa đáp ứng được đòi hỏi của các thị trường lớn, khó tính. Thời gian qua, mặc dù các địa phương đã tích cực dồn điền đổi thửa và xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn nhưng chưa toàn diện và chưa được nhân rộng. Muốn có sản phẩm tốt để xây dựng thương hiệu, các địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp, nông dân thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ; phát triển hệ thống phân phối, xây dựng chiến lược quảng bá gắn với xây dựng khung pháp lý cho thương hiệu. Có như vậy mới tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng thương hiệu nông sản phải có định hướng, lộ trình rõ ràng, không chỉ một sớm một chiều mà phải thực hiện bền bỉ, lâu dài mới đem lại hiệu quả bền vững. GS Ngô Vĩnh Viễn, nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Các bộ, ngành liên quan và các địa phương phải xác định được vùng sản xuất tập trung để chọn sản phẩm chủ lực xây dựng thương hiệu.

Ví như việc triển khai xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt theo Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo lộ trình, đến năm 2017 sẽ có nhãn hiệu chứng nhận gạo quốc gia Việt Nam được đăng ký bảo hộ để cấp cho các doanh nghiệp cung ứng và hỗ trợ triển khai thương hiệu gạo đến năm 2020. Đối với hồ tiêu cũng sẽ được các cấp, các ngành tập trung giải quyết đồng bộ vấn đề kiểm soát chất lượng hồ tiêu, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu sạch, quản lý vật tư đầu vào để hướng tới xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam…

Thực tế cho thấy, trong xây dựng thương hiệu, việc quy hoạch vùng có ý nghĩa rất lớn nên các địa phương và doanh nghiệp ngoài việc đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất, cần tập trung khai thác thế mạnh của thương hiệu quốc gia gắn với chỉ dẫn địa lý của từng vùng để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất VietGAP, phát triển hệ thống xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị hàng hóa nhằm mang lại giá trị cao nhất.

Cần cơ chế, chính sách đủ mạnh

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng như hiện nay việc xây dựng thương hiệu ngày càng cấp thiết. Trước mắt, Ngành Nông nghiệp cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, bảo đảm các mặt hàng này phải đáp ứng được các yếu tố chính như khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh trên thị trường.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập kinh tế nông nghiệp, nông thôn cho rằng, cần có chương trình xây dựng thương hiệu riêng cho Ngành Nông nghiệp. Đối với sản xuất trong nước, nên chọn xây dựng nhãn hiệu cho những vùng đặc sản; đối với xuất khẩu, thương hiệu gắn liền với mỗi quốc gia nên phải chọn những sản phẩm nông sản mạnh, chủ lực, có quy mô lớn. Nhà nước cần thể hiện tốt vai trò trụ cột kết nối doanh nghiệp và người sản xuất, hỗ trợ về mặt tài chính cũng như pháp lý để doanh nghiệp tham gia xây dựng thương hiệu chung cho những sản phẩm nông sản chủ lực, mang tầm quốc gia chứ không chỉ phát triển thương hiệu doanh nghiệp đơn lẻ.

Trước mắt, các địa phương và ngành chức năng cần rà soát, sàng lọc hệ thống tiêu chí, qua đó đánh giá, chọn lựa những doanh nghiệp phù hợp để cùng chung tay “xây dựng thương hiệu ngành”. Thực tế, các sản phẩm chủ lực của Ngành Nông nghiệp như: Tôm, trái cây, rau, lúa gạo, hạt tiêu, cà phê... cần được lựa chọn kỹ lưỡng về mọi mặt để tập trung xây dựng thành thương hiệu mạnh.

Để nông sản Việt có thương hiệu nhằm quảng bá sản phẩm trong nước cũng như nước ngoài thì các bộ, ngành, địa phương phải luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và phải có chính sách đặc thù cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Đó là nhận định và đề nghị của ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại và du lịch Suối Lớn, một doanh nghiệp sản xuất trái cây xuất khẩu lớn của tỉnh Đồng Nai.

Ngoài xây dựng thương hiệu thì Nhà nước cũng cần có cơ chế để bảo vệ và duy trì thương hiệu. Mọi hành vi xâm phạm cần được xử lý nghiêm minh để giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước, mặt khác tạo tâm lý an tâm và kích thích các doanh nghiệp phát triển thương hiệu tại nước ngoài.

Đặc biệt, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp quảng bá và xây dựng thương hiệu ở thị trường nước ngoài cũng cần có chiến lược và biện pháp cụ thể giúp doanh nghiệp đăng ký, quản lý và bảo vệ thương hiệu được thuận lợi. Các cơ quan chức năng nên kiến nghị Chính phủ xem xét và nâng mức xử phạt vi phạm về thương hiệu cao hơn quy định hiện hành. Đơn cử như các hành vi nhái thương hiệu có thể chịu mức phạt tối thiểu đến 100 triệu đồng và xử lý hình sự đối với những vi phạm nghiêm trọng…

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu sắc với nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp cũng cần xác định xây dựng và bảo vệ thương hiệu như một chiến lược kinh doanh chính mà tập trung đầu tư xây dựng để đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước.

Đào Huyền - Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/855863/bai-cuoi-can-su-vao-cuoc-manh-me