Bài 5: Lời thề thiêng liêng

Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước chuyển sang kỷ nguyên mới, nhưng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước những khó khăn chồng chất: Nạn đói, nạn dốt, giặc ngoài, thù trong… Thử thách nghiêm trọng nhất là trên đất nước ta cùng lúc có gần 30 vạn quân của nhiều nước đế quốc dưới danh nghĩa Đồng minh vào tước vũ khí quân phát xít Nhật, chiếm đóng nhiều thành phố, thị xã, các tuyến giao thông huyết mạch, nhiều vị trí xung yếu về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa ở hầu khắp nước ta, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội. Tình thế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như “ngàn cân treo trên sợi tóc”.

Ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị về Kháng chiến kiến quốc. Chỉ thị nhận định tính chất cuộc cách mạng Việt Nam lúc này “vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”, “vì nước ta chưa được hoàn toàn độc lập”, “nhiệm vụ cứu nước của giai cấp vô sản chưa xong”. Giai cấp vô sản vẫn phải hăng hái, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng ấy. Khẩu hiệu vẫn là “Dân tộc trên hết. Tổ quốc trên hết”...

Trước nguy cơ chiến tranh cận kề, trong hai ngày 18 và 19-12, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Hội nghị nhận định khả năng hòa hoãn đã hết và quyết định phát động Toàn quốc kháng chiến. 8 giờ 3 phút đêm 19-12-1946, Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu Toàn quốc kháng chiến, các địa phương có quân Pháp chiếm giữ ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cũng nhất tề đứng lên đánh Pháp. Quân và dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đẩy mạnh chiến đấu ngăn chặn quân xâm lược Pháp.

Để động viên toàn dân bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: “… Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”, “Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”. Lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phục dựng lời thề “Dựng lại nghiệp xưa họ Hùng” của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, lời tuyên cáo trong bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư” thời Lý,… tiếp nối bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó vừa là lời của Tổ quốc, của dân tộc thiết tha kêu gọi mọi con Lạc, cháu Hồng đứng lên giữ nước, vừa là lời tuyên bố đanh thép với bọn thực dân cướp nước và toàn thế giới ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Đó còn là lời thề thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam.

Phát động Toàn quốc kháng chiến là quyết định dũng cảm, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Sự chủ động đứng lên chiến đấu của quân và dân ta không những làm phá sản âm mưu tiến công chớp nhoáng, bất ngờ, tiêu diệt lực lượng căn bản của Nhà nước Việt Nam non trẻ của quân Pháp, mà còn gây thiệt hại nặng nề, làm đảo lộn kế hoạch xâm lược của chúng.

Đáp lời kêu gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta nhất tề đứng lên chiến đấu giữ nước với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”. Trải qua 9 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.

Tiếp nối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là cuộc đối đầu lịch sử, cuộc đối đầu không cân sức chưa từng có trong lịch sử chống ngoại xâm của nước ta. Một lần nữa, lịch sử lại đặt dân tộc ta trước sự lựa chọn: Hoặc chịu khuất phục để miền Nam tiếp tục phải rên xiết dưới ách thống trị của Mỹ và chính quyền tay sai, đất nước bị chia cắt lâu dài; hoặc đứng lên chiến đấu, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược? Dân tộc Việt Nam, một dân tộc có ý chí độc lập tự chủ được tôi luyện hàng nghìn năm, thì điều hiển nhiên là chúng ta chọn con đường chiến đấu vì sự sống còn của dân tộc, vì phẩm giá con người Việt Nam, cũng vì lợi ích chung của phong trào cách mạng thế giới. Vào lúc chiến tranh ác liệt nhất, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”:

“Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng càng hung hăng thì tội của chúng càng nặng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đáp lời kêu gọi của Người, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, chấp nhận hy sinh nhiều của, nhiều người để đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, kết thúc bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giành độc lập, thống nhất cả nước.

Diễn biến và kết cục của 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975) đã chứng minh chân lý: Một dân tộc đứng lên chiến đấu vì mục đích chính nghĩa bảo vệ nền độc lập, thống nhất quốc gia, có đường lối đúng đắn, có sức mạnh đoàn kết toàn dân thì chắc chắn sẽ đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến cách đây đã 70 năm, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện lớn và tiến lên những bước dài, tình thế đã biến đổi, nhưng lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của Bác Hồ vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, quán triệt trong ý thức bảo vệ Tổ quốc của thế hệ hôm nay và mai sau. Hiện nay, trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng sẽ có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường… Bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn là một nhiệm vụ chiến lược của nước ta. Đảng ta xác định: “Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều phức tạp, chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Đó là sự kế thừa, tiếp nối lời thề thiêng liêng của dân tộc từ những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc trước đây...

(Còn nữa)

Bài 4: Bước tiếp nối và hiện thực hóa bản lĩnh, ý chí dân tộc Việt Nam

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 chính là bước tiếp nối và hiện thực hóa bản lĩnh, ý chí và quyết tâm chiến lược của toàn thể dân tộc Việt Nam đã được Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 khẳng định.

Đại tá, PGS. TS Vũ Như Khôi (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/856716/bai-5-loi-the-thieng-lieng