Bài 3: Trên muốn giảm, dưới mong tăng

(HNM) - Qua giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội đã thấy biểu hiện chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị. Một vấn đề được đặt ra: Có nên sáp nhập những đơn vị chồng chéo chức năng, nhiệm vụ cho gọn đầu mối hay không? Chưa kể, khi xây dựng đề án vị trí việc làm, đơn vị nào cũng đề xuất tăng biên chế vì yêu cầu công việc trong khi TƯ không giao tăng thêm biên chế cho Hà Nội. Đây thực sự là một bài toán khó.

Chức năng, nhiệm vụ chồng chéo

Dù có nhiều cố gắng nhưng bộ máy tổ chức của các cơ quan, đơn vị vẫn bộc lộ những bất cập; sự phối hợp giữa sở, ngành, quận, huyện một số lĩnh vực chưa nhịp nhàng. Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên nêu thực tế, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện diễn ra khá phức tạp, nhưng lực lượng thanh tra xây dựng được quản lý theo ngành dọc. Đây là điều không phù hợp. Trước đây, khi thanh tra xây dựng do UBND huyện quản lý thì việc điều hành rất thuận lợi. Khi nhận được tin báo có vi phạm mới từ cơ sở, huyện có thể điều ngay lực lượng thanh tra xuống hiện trường lập biên bản xử lý. Nhưng nay là cơ chế phối hợp, lực lượng thanh tra xây dựng hoàn toàn có thể từ chối hoặc xuống hiện trường chậm mà lãnh đạo huyện cũng không làm gì được. Nếu có bức xúc thì cũng chỉ là có ý kiến với lãnh đạo thanh tra xây dựng ngành. Bên cạnh đó, việc ra quyết định xử lý vi phạm lại thuộc UBND huyện. Khi thanh tra xây dựng chuyển hồ sơ đề nghị xử lý, lãnh đạo huyện thường không ra quyết định ngay mà yêu cầu các ngành liên quan của huyện thẩm tra lại để bảo đảm sự chính xác, dẫn đến việc xử lý không kịp thời.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho rằng, nếu có sự chồng chéo giữa các đơn vị trực thuộc sở thì có thể giải quyết được ngay, nhưng vướng mắc hiện nay lại thuộc thẩm quyền thành phố. Đó là việc quy định chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực làng nghề giữa Sở Công thương và Sở NN&PTNT, chức năng quản lý nhà nước đối với HTX giữa Liên minh các HTX và Sở NN&PTNT chưa rõ. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT) Lê Thiết Cương cho rằng, chức năng quản lý nhà nước về ngành nghề, làng nghề nông thôn đã quy định trong các nghị định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, UBND thành phố, nhưng các đề án phát triển lại do ngành khác triển khai thực hiện nên thiếu thống nhất từ TƯ xuống địa phương, dễ bị chồng chéo…

Các Ban quản lý tồn tại hay không tồn tại?

Bên cạnh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ thì bộ máy của các đơn vị nhất là ở các đơn vị sự nghiệp cũng còn những vấn đề tồn tại. Tại Sở NN&PTNT, các thành viên đoàn giám sát tỏ ra ngạc nhiên khi đến thời điểm hiện tại vẫn còn Ban quản lý dự án kè cứng hóa bờ sông Hồng trong khi dự án này đã kết thúc giải tỏa sự lo ngại phải sử dụng ngân sách để nuôi bộ máy, Sở cho biết, đã giao các dự án khác cho Ban quản lý này thực hiện và đang đề xuất đổi tên gọi.

Sở GT-VT hiện có 10 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Do hoạt động theo cơ chế tự chủ nên có tình trạng kinh phí hoạt động phụ thuộc vào số dự án được giao. Khi các dự án giãn, hoãn tiến độ thì những đơn vị này rơi vào tình trạng khó khăn. Dẫn chứng về điều này, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội Trần Anh Tú khẳng định, Ban quản lý tự chủ toàn bộ kinh phí cho hoạt động thường xuyên dựa trên nguồn trích chi phí quản lý dự án theo Quyết định số 957/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng. Nhưng do nguồn thu nhập không ổn định, phụ thuộc vào kế hoạch giao hằng năm nên đời sống CBVC không ổn định. Lãnh đạo ban này đã đề xuất HĐND, UBND thành phố xem xét cho viên chức hưởng lương từ ngân sách thành phố trong trường hợp không có dự án được triển khai… Tuy nhiên, các thành viên trong đoàn giám sát cho rằng, đề xuất này bất hợp lý. Nhận định đây là một thực tế rất đáng lưu ý, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị Sở Nội vụ và Sở Tài chính nhanh chóng rà soát tất cả các ban quản lý dự án trực thuộc các sở, ngành, quận, huyện để tham mưu với thành phố sắp xếp hợp lý. Trước mắt, bản thân các đơn vị phải rà soát, sắp xếp bộ máy tổ chức các đơn vị trực thuộc, bám sát chức năng nhiệm vụ được giao và chủ động những vấn đề thuộc thẩm quyền để sử dụng có hiệu quả chỉ tiêu biên chế được giao.

Trước ý kiến có nên sáp nhập Ban bồi thường GPMB với Trung tâm Phát triển quỹ đất, nhiều quận, huyện cho rằng nên giữ nguyên mô hình như hiện tại. Chủ tịch UBND quận Hà Đông Lê Cường khẳng định, do khối lượng GPMB trên địa bàn lớn nên quan điểm của quận vẫn giữ Trung tâm Phát triển quỹ đất và mô hình Ban bồi thường GPMB quận vì hai đơn vị này không có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Trong khi đó, lãnh đạo quận Long Biên cũng khẳng định, chức năng của hai đơn vị này hoàn toàn khác nhau. Ban bồi thường GPMB với vai trò quản lý rất lớn, làm đầu mối toàn bộ công tác GPMB trên toàn quận, còn Trung tâm Phát triển quỹ đất có 8 chức năng nhiệm vụ, trong đó ký hợp đồng GPMB với các đơn vị khi có yêu cầu chỉ là một chức năng.

Biên chế chỉ tăng, không giảm

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Ngọc Việt cho biết: Đề án vị trí việc làm là nhiệm vụ trọng tâm được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tập trung chỉ đạo. Sở Nội vụ được giao là đơn vị chủ trì phối hợp với Viện Khoa học tổ chức nhà nước thực thi. Công tác xác định vị trí việc làm đã được lãnh đạo các sở, ngành, địa phương chú trọng, tập trung chỉ đạo từ việc xây dựng kế hoạch đến tập huấn, hướng dẫn cán bộ thực hiện. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ mới và khó nên dù được tập huấn, hướng dẫn nhưng không ít đơn vị khi xây dựng đề án vẫn chưa đúng hướng dẫn, phải chỉnh sửa nhiều. Việc triển khai đề án còn chậm so với yêu cầu, trong đó có một phần do Bộ Nội vụ chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về xác định vị trí việc làm nên ảnh hưởng đến tiến độ.

Ngoài ra, qua giám sát, trong quá trình xây dựng đề án vị trí việc làm, hầu hết các đơn vị đều đề xuất tăng biên chế. Theo đề án vị trí việc làm đã được Thanh tra Sở GT-VT hoàn thành thì số biên chế tăng lên gần 1.000 người. Trong khi biên chế được giao năm 2014 của Thanh tra Sở GT-VT là 591 người, trong đó có 326 CC, 195 LĐHĐ… Thực tế hiện nay, số CC của Thanh tra Sở là 284 người, 232 LĐHĐ, 75 hợp đồng lao động theo Nghị định 68. Trước thực tế này, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh cho biết: "Hai năm gần đây TƯ không giao tăng biên chế cho Hà Nội. Nhưng, chúng tôi đi giám sát chưa một đơn vị nào xin giảm biên chế mà đều tăng so với hiện có".

Việc tăng hay giảm biên chế phải dựa trên yêu cầu của công việc và chức năng nhiệm vụ được giao; bao nhiêu đầu việc, tính chất phức tạp của công việc đến đâu thì mới tính được số lượng người tương ứng. Và nếu làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của TƯ trong Nghị quyết TƯ 7: "Không tăng, từng bước giảm dần biên chế" thì việc xây dựng đề án vị trí việc làm của không ít đơn vị liệu có khả thi?

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/701012/bai-3-tren-muon-giam-duoi-mong-tang