Bài 2: Tổ quốc phía trùng dương

Chúng tôi được nghe anh em trên đảo giải thích, Sơn Ca là một trong những đảo được cha ông ta phát hiện từ rất sớm. Khi đặt chân lên đảo, họ đã thấy nhiều cây lớn xanh tốt và một số loài cỏ thân mềm có nguồn gốc tự nhiên

nên chim chóc kéo đến trú ngụ nhiều. Vì vậy, đảo có tên là Sơn Ca.

Đoàn công tác trồng cây trên đảo Nam Yết.

Từ xa, đảo Sơn Ca dần hiện ra với màu xanh của cây lá và hai màu vàng - cam sáng rực của ngọn hải đăng. Bên ngoài rặng cây xanh là cầu cảng và kè chắn sóng, bên trong là những hàng cây phong ba vươn mình chắn gió cho đảo. Ngoài phong ba, trên đảo còn có nhiều loài cây đặc hữu khác như bàng vuông, mù u, bàng dày lá (cây tra), dương… lâu năm rợp bóng mát.

Nếu như từ ngoài biển nhìn vào là màu xanh của cây cao che chắn, thì khi lên đảo, một màu xanh khác chào đón khách từ đất liền, đó là màu từ những vườn rau của lính ở các cụm, phân đội. Cũng như các đảo ở quần đảo Trường Sa, Sơn Ca tuy đất rộng nhưng khá khắc nghiệt bởi quá nhiều cát và san hô. Không lùi bước trước điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ của đảo đã tích cực lao động cải tạo đảo. Ngoài nhiệm vụ tối quan trọng là trực sẵn sàng chiến đấu, thì đối với lính đảo, việc cải tạo đất, trồng cây xanh, rau xanh không chỉ là nhiệm vụ mà còn bằng tình yêu đối với thiên nhiên. Đền đáp công sức lao động của cán bộ trên đảo Sơn Ca, những vườn cây, củ, quả, rau xanh đã lần lượt hình thành, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Có đến với Sơn Ca mới thấu hiểu được, giữa sóng gió biển khơi, trồng được đã khó, chăm sóc, vun xới cho xanh tốt lại càng khó hơn. Thế nhưng, rau xanh vẫn có trong từng bữa ăn của các chiến sĩ.

Đảo trưởng Sơn Ca Phạm Xuân Trung cho biết, một trong những công trình có ý nghĩa đặc biệt ở Trường Sa chính là công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt phía trước đảo Sơn Ca hướng thẳng ra biển Đông. Công viên rộng 400m2, trung tâm là bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp cao 1m76 được tạc từ sa thạch nguyên khối. Đảo Sơn Ca cũng được trang bị các hệ thống hiện đại như điện mặt trời, điện gió, hệ thống thông tin liên lạc. Trên đảo Sơn Ca, còn có ngọn hải đăng với nhiệm vụ dẫn đường cho tàu thuyền qua lại; có chùa Sơn Linh đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho ngư dân. Những công trình này cũng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Bệnh xá trưởng, Bác sĩ Vũ Tiến Hoạt nói, ngư dân đánh bắt trên vùng biển này đến từ các tỉnh Ninh Tuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi. Từ cuối năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, Bệnh xá đã điều trị 47 ca là những ngư dân đánh bắt trên biển gặp nạn hoặc ốm đau; cấp cứu 6 ca, trong đó có 5 ca mổ ruột thừa; điều trị nhiều trường hợp ngư dân bị tai nạn chấn thương phần mềm…

Tại đảo Sơn Ca, đoàn công đã thắp hương tại chùa Sơn Linh, Công viên tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trồng cây và tặng quà cán bộ chiến sĩ trên đảo. Giao lưu văn nghệ với cán bộ chiến sĩ trên đảo luôn là cuộc vui thắm tình quân dân với những ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước.

Chúng tôi rời đảo Sơn Ca trong niềm tin sắt son của người lính đảo với nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ biển đảo quê hương cùng màu xanh của đảo, màu xanh của ước vọng hòa bình. Vượt lên tất cả, bằng trái tim và khối óc những người lính đảo Sơn Ca luôn chắc tay súng bảo vệ hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc Việt Nam.

Buổi chiều, đoàn lên đảo Nam Yết. Cây dừa ở Nam Yết nhiều nhất quần đảo Trường Sa, tất cả dừa trồng trên các đảo khác đều lấy giống ở đây. Nam Yết còn có nhiều cây đu đủ, loại quả không chỉ giàu dưỡng chất mà còn thay thế cho rau xanh vốn dĩ khá hiếm hoi trong điều kiện biển đảo.

Qua bao thăng trầm, dâu bể của thời gian, cát Trường Sa, thứ cát thô, là sản phẩm của sự tương tác, bào mòn của sóng biển và san hô, đá ngầm đã vun vén nên hình hài Tổ quốc nơi cực đông này.Trên thứ cát ấy, bàn tay con người vẫn ôm ấp, dung dưỡng cho sự sống nơi đây bật nảy mầm xanh. Nói như những người lính trên đảo Nam Yết, ở đâu có con người ở đó có sự sống, dù cho ở đó có khắc nghiệt đến đâu đi chăng nữa.

Nói về sức sống, sự thích nghi mãnh liệt của cây trồng, vật nuôi trên đảo, Đảo trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, bình thường thì gà vịt không chịu được hơi nước biển mặn, hễ cứ gặp phải gió mặn là chết hàng loạt, anh em phải vất vả che chắn lắm nhưng khi đã quen với thời tiết khí hậu, lại được chăm sóc tốt, vịt nặng đến hơn hai ký, đẻ liền tù tì hàng chục quả trứng, nghỉ một tháng lại đẻ tiếp. Ngoài giờ huấn luyện, anh em đều có thú vui là tăng gia sản xuất, chăm sóc vườn rau và đàn gà vịt được phân công, không đơn thuần là tăng gia cải thiện mà những cây cối, vật nuôi đó thực sự là những người bạn thân thiết của lính đảo. Đối với những người lính đảo, ở đâu trên đất nước này cũng là quê hương.

Có một điều mà chúng tôi ai cũng nhận thấy, là ở bất cứ đảo nào có một tấc đất là có cây bàng vuông. Nói đến Trường Sa là nói đến loài cây bàng vuông, một loài cây quen với chất mặn mòi muối biển và đứng vững trước phong ba bão táp. Người lính đảo cũng thế, can trường để vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió giữ vững sự bình yên của Tổ quốc.

Thân thiện và hiền hòa là cảm nhận của chúng tôi về đảo. Ở nơi đầu sóng ngọn gió này, đâu đâu cũng gặp những tình cảm nồng hậu, ân tình. Tình cảm gắn bó sâu sắc đồng chí, đồng đội, cả tình yêu thương người lính dành cho các con vật, cỏ cây. Chúng tôi không chỉ được nghe kể mà còn tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình bạn của lính đảo với các loài vật.

Một sự hiện diện nữa trên các đảo Sơn Ca và Nam Yết là các trạm hải đăng trên vùng biển cực đông này, cũng là một dạng hay hình thức khác của cột mốc chủ quyền. Song, nhiệm vụ đặc biệt của kiểu “cột mốc” này là phát ra ánh sáng chủ quyền, góp vào hải trình suôn sẻ “đi đến nơi, về đến chốn” của tàu thuyền, kể cả tàu thuyền quốc tế qua lại nơi đây.

Bệnh xá trưởng đảo Nam Yết, bác sĩ Hồ Chí Thanh kể lại, cách đây vài tuần, Bệnh xá đã mổ thành công ca thủng dạ dày của một ngư dân người Khánh Hòa đang đi đánh bắt trên biển. Nghe chuyện, tôi cứ nghĩ nếu không có những người lính “áo trắng” trên đảo này, thì ngư dân Khánh Hòa kia sẽ phải xoay xở như thế nào với cơn đau thủng dạ dày, giữa trời nước mênh mông, khuya khoắt như đêm hôm ấy. Giữa lồng lộng biển khơi này, những người lính trên đảo chìm lẫn đảo nổi không những có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải, mà còn là niềm tin và là điểm tựa vững chắc cho ngư dân trên biển.

Nói đến Trường Sa, mỗi người Việt Nam đều muốn góp sức mình cùng xây dựng và bảo vệ. Ai cũng muốn cán bộ chiến sĩ và đồng bào ta ở đó có điều kiện sống và làm việc tốt nhất. Riêng về cung cấp điện trên đảo, không lâu nữa, sau khi tiếp nhận hiện trạng điện mặt trời và điện gió từ Bộ Tư lệnh Hải quân, những người thợ điện sẽ đồng hành cùng quân và dân các đảo trên quần đảo Trường Sa và họ sẽ “thắp sáng niềm tin” ở vùng phên dậu phía đông, nơi địa đầu của Tổ quốc, góp phần làm phong phú thêm đời sống vật chất và tinh thần cán bộ chiến sĩ, vừa bằng tình cảm vừa bằng trách nhiệm của ngành Điện đối với quần đảo nói riêng và đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Chiều xuống chậm, chuông chùa Nam Huyên gióng lên từng hồi ngân rung, vang vọng cả một góc trời. Tôi dừng chân lâu hơn trên nền cát trắng san hô, thứ cát nhọc nhằn giữa đảo xa sóng gió ấy, trải qua bao thăng trầm thời gian, dưới bàn tay vun vén của con người, cứ vun cao mãi cho dáng hình Tổ quốc nơi này thêm đủ đầy, trọn vẹn.

Chúng tôi trở lại tàu, xuồng rời đảo đã khá xa, từ cầu cảng, những bàn tay vẫy chào nhỏ dần, bóng những cây dừa cũng dần lẫn vào mảng màu xanh tươi non của cây cối trên đảo, trời bắt đầu nổi cơn dông, báo hiệu một cơn mưa đem lại sức sống cho đảo.

Thanh Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/869822/bai-2-to-quoc-phia-trung-duong