Bài 2: Tắc đường - Lỗi từ quy hoạch tới ý thức người tham gia giao thông

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng tắc đường như hiện nay, như: nhồi quá nhiều nhà cao tầng vào nội đô, cơ sở hạ tầng yếu kém… Tuy nhiên, còn một lí do rất quan trọng là ý thức người tham gia giao thông quá kém.

Sẽ khó hết ùn tắc nếu trên các tuyến đường vẫn có những nhóm người vượt đèn đỏ, trèo lên vỉa hè, đi sai làn đường, thậm chí đi ngược chiều… mặc sự điều tiết của lực lượng chức năng.

Cuối năm 2004, tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân được hoàn thành đã thông đường Láng Hạ, vốn trước đó chỉ dừng lại ở bờ sông Tô Lịch. Sau đó, tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân được đổi tên thành đường Lê Văn Lương. Đường Lê Văn Lương sau đó tiếp tục đường nối dài chạy hết địa phận quận Thanh Xuân xuống tới phường Dương Nội, quận Hà Đông; đường Lê Văn Lương kéo dài nay đổi tên thành đường Tố Hữu.

Khi mới hoàn thành, tuyến đường Lê Văn Lương- Tố Hữu rất thông thoáng bởi được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại, mặt cắt 40m, 6 làn xe, bố trí dải phân cách và 2 bên vỉa hè 2 hàng điện cao áp, vỉa hè rộng 10m. Tuyến đường này được kỳ vọng tạo sự bề thế và sức sống mới cho đô thị hiện đại trong tương lai từ khi khánh thành.

Tuy nhiên, sau 12 năm hình thành, giờ đây, tuyến đường chỉ dài hơn 2km này đang chịu sức ép quá tải khi hai bên mặt đường có gần 40 tòa chung cư cao 25-35 tầng mọc lên. Giờ đây, với những người hằng ngày phải di chuyển trên tuyến đường này luôn ám ảnh nỗi lo tắc đường, đặc biệt từ tháng 1-2017, khi tuyến buýt nhanh BRT bắt đầu hoạt động với làn đường ưu tiên thì diện tích mặt đường còn lại càng trở nên chật chội.

Đường Trường Chinh thuộc địa bàn quận Đống Đa có chiều dài hơn 2km, trong khi dự án mở rộng đường vẫn đang chậm chạp triển khai, có đoạn còn chưa xong giải phóng mặt bằng thì đã có những tòa chung cư cao hàng chục tầng hoàn thành đưa vào sử dụng. Đó là hai dự án chung cư ở ngõ 102 Trường Chinh với hàng trăm căn hộ. Ngoài hai tòa chung cư này, hiện một dự án chung cư khác cũng đang hoàn thiện là dự án cao 24 tầng ngay tại ngã tư Trường Chinh - Lê Trọng Tấn.

Hàng loạt nhà cao tầng nhồi vào các tuyến phố góp phần khiến Hà Nội thêm tắc đường.

Hàng loạt nhà cao tầng nhồi vào các tuyến phố góp phần khiến Hà Nội thêm tắc đường.

Một tuyến đường khác là đường Xuân Thủy - Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) hiện cũng đã mọc lên cả chục tòa chung cư cao tầng, trong đó “khủng” nhất là hai dự án chung cư cao tới 50 tầng nằm đối diện nhau tại số 302 và 265 Cầu Giấy, trong đó chỉ riêng dự án tại 302 Cầu Giấy đã có tới 500 căn hộ.

Hơn 10 năm trước, một chương trình "giải cứu" cho môi trường và giao thông Hà Nội đã được đặt ra bằng cách di dời hàng loạt nhà máy ra các huyện ngoại thành, dời các trường đại học lên làng đại học ở Hòa Lạc. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, chưa có trường đại học nào được di dời, nhiều nhà máy đã được di dời nhưng thay vào đó là những tòa chung cư hàng chục tầng với hàng trăm căn hộ đã khiến cho những con phố vốn dĩ đã chật hẹp lại càng chật hẹp hơn.

Thông thường, một tòa chung cư khoảng 100 căn hộ đã chứa khoảng 400 người. Vì thế, với những dự án tới hàng trăm căn hộ thì dân số lên tới cả nghìn người, tức là tương đương với dân cả một xã ở nông thôn. Không những thế, khi một tòa nhà mọc lên thường kéo theo hàng loạt dịch vụ đi theo, cùng với đó là một lượng người không nhỏ vãng lai hằng ngày đến làm việc, giao dịch, đã trực tiếp tạo ra áp lực với hạ tầng giao thông của khu vực đó.

Nhìn nhận vấn đề này, Tiến sỹ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, tình trạng lạc hậu, quá tải dẫn đến ùn tắc, hỗn độn ghê gớm về trật tự, an toàn giao thông ở các đô thị lớn, nhất là ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có nguyên nhân trực tiếp từ văn hóa quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.

Sự thiếu tầm nhìn, thực dụng, cũ kỹ trong tư duy cũng như thiếu khoa học dự báo của các nhà quy hoạch đô thị đã làm cho các thành phố này phát triển mất cân đối, lệch lạc, méo mó, bế tắc nghiêm trọng về hạ tầng công cộng, công viên cây xanh, cấp thoát nước và hệ thống giao thông.

Đặc biệt là tầm quan trọng của hệ thống giao thông đô thị, cả giao thông động và tĩnh đã không được quan tâm đúng mức, đã không đáp ứng được nhu cầu ngay với cơ số dân cư tĩnh được dự tính, chứ chưa nói đến việc đáp ứng nhu cầu giao thông trong trường hợp bùng nổ dân cư tất yếu khi đô thị phát triển.

Trên thực tế việc triển khai xây dựng một số cầu vượt, mở rộng và làm mới một số tuyến đường, hoàn thiện công tác tổ chức giao thông tại các nút đã góp phần làm giảm đáng kể vấn nạn ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng văn hóa giao thông mà các thành phố xử lý chưa thỏa đáng như: thiếu kiên quyết trong việc lấy lại vỉa hè cho hoạt động giao thông; mở rộng xa lộ đô thị mà không tính đến đầy đủ các hệ thống đường nhỏ song hành cho các cụm dân cư, chưa quy hoạch đường trong các khu dân cư cũ; cho xây các trung tâm thương mại, các khu nhà cao tầng tại các tuyến đường vốn đã quá tải ở các quận nội thành sẽ tăng ùn tắc giao thông, làm cho bức tranh văn hóa giao thông tại các đô thị vẫn ít lạc quan.

Bởi vậy, có thể nói, nếp sống văn hóa giao thông chưa hình thành và phát triển chưa xứng với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, không chỉ vì ý thức văn hóa còn kém của cộng đồng dân cư đô thị, mà chủ yếu là do văn hóa quy hoạch và văn hóa quản lý đô thị còn lạc hậu, bất cập. Kinh nghiệm quản lý đô thị và giao thông ở các nước tiên tiến trên thế giới cũng đã chỉ ra nguyên nhân chính yếu này.

Nhưng, ngoài nguyên nhân từ các nhà cao tầng mọc lên quá dày trong các tuyến phố, một nguyên nhân nữa khiến tình trạng tắc đường ngày càng trầm trọng là từ chính ý thức của người tham gia giao thông.

Có thể nói không quá rằng ý thức của người tham gia giao thông hiện rất kém. Để được việc mình, người ta sẵn sàng vượt đèn đỏ, leo lên vỉa hè, đi ngược chiều để luồn lách, bất chấp nguy cơ tai nạn cho bản thân và người khác.

Một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Hà Nội kể rằng, có trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường mới thấy nhiều người ý thức rất kém. Ngay cả những bậc phụ huynh, những người đáng ra phải nêu gương để cho con về ý thức chấp hành pháp luật thì cũng ngang nhiên đèo con vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân họ, mà còn ảnh hưởng đến ý thức tham gia giao thông của các con sau này.

Ngoài ra, có những người ý thức kém tới mức không thể tưởng tượng nổi vì: “Có người hôm trước vi phạm, chúng tôi đã nhắc nhở, xử lý nhưng hôm sau vẫn vi phạm. Thậm chí, có người bị xử lý đến hàng chục lần với cùng một lỗi, vẫn tiếp tục vi phạm...''.

Không chỉ người đi xe máy, ngay cả những người đi ôtô cũng đi rất bừa bãi. Thậm chí, nhiều lái xe của các cơ quan nhà nước với những chiếc xe biển xanh, những người đáng ra phải làm gương về chấp hành giao thông nhưng ý thức rất kém.

Mới đây nhất, ngày 20-1, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố bị can với ông Nguyễn Duy Thanh, lái xe của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, về hành vi chống người thi hành công vụ.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm lên rất cao so với trước, để cảnh báo người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành luật. Tuy nhiên, việc tăng chế tài xử phạt như vậy vẫn chưa đủ.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/bai-2-tac-duong-loi-tu-quy-hoach-toi-y-thuc-nguoi-tham-gia-giao-thong-426361/