Bài 2: Ngăn dòng, đắp đập, người dân có nguy cơ thiếu nước

Không chỉ gây ô nhiễm và làm ảnh hưởng đến nguồn nước 4 thôn của xã Cẩm Mỹ, tại xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên), công ty Bình Hà trong quá trình triển khai dự án đã cày xới, ngăn dòng nước thượng nguồn của đập Đá Hàn để trồng cỏ. Đập nước này vốn là nơi cung ứng nguồn nước cho Nhà máy xử lý nước Cẩm Xuyên, cung cấp nước cho gần 3000 hộ dân, gần 100 cơ quan, trường học, bệnh viện của huyện này.

Bài 1: Đại dự án nuôi bò bị người dân “tố” gây ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm, thiếu nước hiện hữu

Vừa qua, ngày 23-4, hàng trăm hộ dân xã Cẩm Quan và Cẩm Mỹ đã kéo vào khu hành chính của Cty Bình Hà yêu cầu phía công ty làm rõ việc nhiều hạng mục của Dự án nuôi bò của Cty này đang xâm hại tới nguồn nước sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân khu vực hạ lưu các khe nước. Tuy nhiên, lãnh đạo phía Cty Bình Hà không có mặt mà đã cử một đại diện ra tiếp dân. Phía Cty cam kết đến ngày 31-5-2016 sẽ hoàn thành các hạng mục và hứa sẽ xử lý các vấn đề ô nhiễm do Cty này gây ra.

Người dân kéo nhau vào Cty Bình Hà yêu cầu làm rõ các vấn đề họ phản ánh và tìm các giải pháp khắc phục.

Để triển khai Dự án nuôi bò quy mô hàng trăm ngàn con, thời gian qua, hàng ngàn mét khối đất đá được vận chuyển về đây để thi công đường. Hàng ngàn cây rừng bị đốn hạ để phục vụ cho việc cày xới, san lấp mặt bằng trồng cỏ. Cty này còn cho ngăn dòng nước, đắp đập để lấy nước tưới cỏ. Chính những việc làm của Cty Bình Hà đang khiến cho dòng chảy từ các khe về hồ chứa nước sạch bị chặn đứng, quấy đục và làm giảm dần nguồn nước sinh hoạt. Việc cạo trọc rừng đầu nguồn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến mực nước ngầm đổ về các khe và nguy cơ tiềm ẩn việc xói lở có thể xảy ra trong tương lai. Việc ô nhiễm dòng nước, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất là hiện hữu.

Khe Cát (một nguồn cung cấp nước cho nhà máy nước Cẩm Xuyên) bị Cty Bình Hà đổ đất ngăn dòng.

Ông Bùi Thanh Thủy – Đội trưởng vận hành trạm bơm Nhà máy nước Cẩm Xuyên cho biết: Trạm bơm được thành lập từ năm 2000, từ trước tới nay luôn đảm bảo chất lượng nước và chưa năm nào thiếu nước. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, khi Dự án nuôi bò Cty Bình Hà đi vào hoạt động đã xảy ra nhiều bất cập. Rừng đầu nguồn bị chặt hạ, máy móc cày xới, san lấp làm cho nguồn nước thượng nguồn từ đập Đá Hàn chảy về kém chất lượng. Những ngày mưa thì lượng nước chảy về kéo theo bùn đất, vấy đục gây nên ô nhiễm nguồn nước.

Nguồn nước của trạm bơm được lấy từ 3 khe: Khe Đục (hiện đã bị Cty Bình Hà san lấp); Khe Cát (đã bị đổ đất chặn ngang dòng) và nguồn nước chủ yếu cung cấp cho trạm bơm từ khe Đá Thâm đã bị Cty Bình Hà đổ bê tông kiên cố chặn ngang dòng để đắp đập Đá Hàn. Vì vậy, thời gian qua, việc sản xuất nước sạch cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Cty Bình Hà cho đổ bê tông kiên cố ngăn dòng khe Đá Thâm để đắp đập lấy nước tưới cho cỏ.

“Nhà máy xử lý nước Cẩm Xuyên hiện đang cung cấp nước cho gần 3000 hộ dân, gần 100 cơ quan, trường học, bệnh viện của huyện này. Nếu tình trạng này kéo dài và không có giải pháp khác để cung cấp nước cho nhà máy thì nguy cơ thiếu nước là chắc chắn. Hiện chúng tôi đã báo cáo sự việc lên cấp trên để tìm hướng xử lý”, ông Thủy cho biết thêm.

Một hố chứa phân bò lộ thiên đang bốc mùi hôi thối.

Đã có biển cảnh tiêu hủy bò chết nhưng vẫn xảy ra hiện tượng xác bò lộ thiên lòi cả xương lên mặt đất.

“Né” báo chí?

Trước các vấn đề người dân phản ánh và qua tìm hiểu, xâm nhập thực tế, phóng viên đã chủ động liên hệ với ông Đinh Văn Dũng – Tổng giám đốc Cty CP chăn nuôi Bình Hà. Ngày 16-4 (thứ 7), phóng viên gọi điện cho ông Dũng đặt lịch làm việc và ông này hứa thứ 2 (18-4) mời phóng viên đến làm việc và ông sẽ dẫn đi “tham quan” khu vực chăn nuôi bò của Cty. Đến ngày hẹn, phóng viên liên hệ với ông Dũng thì được vị tổng giám đốc cho biết đang ở miền Nam chưa ra Cẩm Xuyên và hứa thứ 4 (20-4) mời phóng viên đến làm việc.

Đoạn sau của khe Đá Hàn bị Cty Bình Hà ngăn dòng đã trở lên trơ đáy.

Đến ngày 20-4, phóng viên liên hệ với ông Dũng là đã vào đến cổng Cty (được chốt chặn từ vòng ngoài cách khu hành chính khoảng 2km và có 2 bảo vệ nghiêm ngặt). Tuy nhiên, ông Dũng cho biết không có mặt tại Cty và cho số điện thoại của ông Tuyên (phó Tổng giám đốc) yêu cầu phóng viên liên hệ làm việc. Khi phóng viên gọi theo số máy 0913.357… mà ông Dũng cho thì phía bên kia cho biết có nhiều báo vào làm việc rồi và hẹn phóng viên chờ một chút để gọi lại hỏi ông Dũng. Sau đó, ông Tuyên gọi lại cho PV và thông báo “cả anh Dũng và anh” cũng không ở Cty và nói “em viết đề tài gì thì cứ viết thôi” rồi chào “thế nhé” và tắt máy.

Việc chặt phá cây rừng, cạo trọc đồi, cày xới, ngăn khe có nguy cơ tiểm ẩn hạ mạch nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước và thiếu nước.

Ông Trần Văn Bé - Giám đốc Chi nhánh nhà máy cấp nước Cẩm Xuyên (Cty cấp nước Hà Tĩnh) cho biết: Việc Cty Bình Hà thi công trên nền diện tích lớn của đất rừng Cẩm Quan đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất nước sạch của Cty cấp nước Hà Tĩnh. Đất rừng được cày xới để trồng cỏ khi gặp mưa thì dòng nước từ thượng nguồn chảy về mang theo một lượng đất bùn chảy xuống hồ khiến cho nguồn nước bị đục làm ảnh hưởng đến chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước trong mùa khô. Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên lãnh đạo nhà máy nước và UBND tỉnh Hà Tĩnh để kiểm tra mức độ ảnh hưởng nhằm tìm giải pháp khắc phục.

“Để đảm bảo sản xuất chúng tôi đã đưa ra phương án 2 là lấy nước từ hồ Kẻ Gỗ về để bổ sung nguồn nước bị ô nhiễm từ đập Khe Hàn. Tổ chức công nhân nạo vét mương xây để chuẩn bị phương án bổ sung nước. Tuy nhiên, khi lấy nước từ hồ Kẻ Gỗ về thì đơn vị sản xuất sẻ phải chịu phí cao hơn, lợi nhuận đơn vị sẽ giảm”, ông Bé cho biết thêm.

(còn nữa)

Lê Quyết – Võ Khánh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ban-doc/bai-2-ngan-dong-dap-dap-nguoi-dan-co-nguy-co-thieu-nuoc-109857