Bài 2: Khơi thông dòng vốn?

SGTT.VN - Cuối năm, nhu cầu vốn trong các doanh nghiệp tăng cao, nhưng các ngân hàng thích mua trái phiếu chính phủ hơn cho doanh nghiệp vay. Các chuyên gia chia sẻ giải pháp nắn dòng chảy vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh.

Bài 1: Người cần vốn, vốn tìm nơi an toàn Để trả lời cho câu hỏi, vốn đang chảy về đâu, tôi xin được bắt đầu với câu hỏi: lạm phát là do đâu? Lý giải một cách ngắn gọn, lạm phát là do mức độ tăng tiền trong nền kinh tế cao hơn mức độ tăng hàng hóa. Tại Việt Nam hiện nay, chi tiêu công đang chiếm tỷ lệ quá lớn trong tổng vốn đầu tư (50%), trong đó có một lượng nhất định bị thất thoát, lãng phí và được đổ vào thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán, vàng…) thay vì đổ vào sản xuất, kinh doanh. Cộng thêm đó là hiện tượng bảo lãnh của Chính phủ cho một số doanh nghiệp nhà nước, giúp một lượng vốn không nhỏ được đổ vào khối này, nên các doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận vốn là điều dễ hiểu. Trong khi, hiệu quả sử dụng vốn của nhiều doanh nghiệp nhà nước thấp – mà Vinashin là một điển hình – dẫn tới tình trạng lượng hàng hóa được tạo ra ít so với dòng tiền đã đổ vào, đẩy lạm phát tăng cao, khiến mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất khó thực hiện. Mặt khác, về phía các ngân hàng, trường hợp dư dả vốn vẫn thích đầu tư vào trái phiếu chính phủ thay vì cho vay doanh nghiệp bởi e ngại rủi ro, nợ xấu. Để xử lý những vấn đề này, tôi cho rằng, trước hết cần phải tìm mọi cách giảm chi tiêu công... Cũng cần dựng hàng rào kỹ thuật với quy chuẩn an toàn cao nhằm siết chặt hoạt động ngân hàng, thậm chí để các ngân hàng nhỏ phải sáp nhập lại, nhằm đảm bảo an toàn cho cả hệ thống, tránh tình trạng thị trường trở nên méo mó vì phải cạnh tranh không lành mạnh, không cân sức. Để giảm lãi suất, đưa vốn tín dụng đến với nền kinh tế, Chính phủ cần phải quyết liệt kiềm chế lạm phát. Bởi trong năm nay, tốc độ trượt giá nếu vẫn vào khoảng 8%, lãi suất huy động phải xoay quanh mức 9 – 10%/năm mới đảm bảo người gửi tiết kiệm có lãi thực, và ngân hàng phải cho vay mức lãi suất mười mấy phần trăm mới có lời. Trong khi đó, do thâm hụt ngân sách tăng, Chính phủ phải tăng phát hành trái phiếu. Khi ấy, các doanh nghiệp tư nhân, nhất là quy mô nhỏ và vừa khó có thể “cạnh tranh” được với Chính phủ để tiếp cận vốn. Để giảm mặt bằng lãi suất, nắn dòng chảy vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh, tôi cho rằng, chỉ riêng ngân hàng nỗ lực chưa đủ. Hầu hết doanh nghiệp đều than, không dám vay vốn ngân hàng vì lãi suất đang quá cao, song vừa qua, hàng chục tập đoàn, tổng công ty lớn đã phát hành gần 10.000 tỉ đồng trái phiếu, lãi suất bình quân 14 – 16%/năm. Điều đó cho thấy, những doanh nghiệp này vẫn chấp nhận được mức lãi suất – còn cao hơn cả vay từ ngân hàng; mặt khác, càng khiến lãi suất thị trường khó giảm bởi sức ép cạnh tranh trong huy động vốn. Nguyên nhân khác khiến cho lãi suất đầu vào vẫn chưa giảm được theo lộ trình định hướng trước đó của ngân hàng Nhà nước là bởi thị trường còn đang nghe ngóng diễn biến lạm phát – qua tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tới đây. Nếu chỉ số lạm phát thấp sẽ là tín hiệu tốt cho việc hạ lãi suất huy động. Trong nhiều cuộc họp với các ngân hàng, chúng tôi cũng đều khuyến khích hội viên tìm cách giảm lãi suất đầu vào, tạo tiền đề giảm lãi suất đầu ra. Song giá vốn do thị trường quyết định, không thể dùng ý chí hay mệnh lệnh hành chính để ép. Nếu “hạ rụp” cái, vốn không vào, lấy đâu cho doanh nghiệp vay, nhất là trong dịp cuối năm nhu cầu tăng rất cao. Bản thân các ngân hàng cũng rất nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng không vì thế mà cho vay bằng mọi giá. Hiện nay nhiều doanh nghiệp có tới 3, 4 hệ thống sổ sách kế toán: hồ sơ để đi vay vốn ngân hàng thì rất đẹp, trong khi hồ sơ báo cáo cơ quan thuế thì ngược lại. Do vậy, sự cẩn trọng của ngân hàng không bao giờ thừa. Tôi xin khẳng định, với những khách hàng tốt, có dự án tốt, đi đến ngân hàng nào cũng được chào đón, thậm chí các ngân hàng còn phải cạnh tranh để phục vụ.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kinh-te/129926/bai-2-khoi-thong-dong-von.html