Bài 2: Đa dạng hóa, cạnh tranh dịch vụ

Hiện nay các ngân hàng (NH) đã bắt đầu ý thức việc phải làm quen với các chuẩn mực quốc tế trong giai đoạn mới. Do đó mục tiêu tái cơ cấu hệ thống NH giai đoạn 2, ngoài tiếp tục xử lý nợ xấu và những vấn đề về lãi suất, tín dụng, quản trị rủi ro… còn là sự đa dạng trong cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính mới. Không khó nhận ra các nhà băng đang âm thầm chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh trên bình diện rộng hơn về dịch vụ tài chính dù đây là thách thức lớn, nhưng thu nhập từ hoạt động này mới tạo sự phát triển bền vững.

Nóng bỏng dịch vụ tài chính

Tại OCB, nếu khách hàng gửi tiền trực tuyến sẽ được nhận ưu đãi như cộng thêm lãi suất 0,1% đối với kỳ hạn 1 và 2 tháng. Hay khách hàng của VPBank cũng sẽ được cộng thêm 0,2% lãi suất so với lãi suất tiết kiệm tại quầy khi mở mới tài khoản tiết kiệm trực tuyến.

Thách thức đối với NHTM hiện nay là vốn thấp, chất lượng tài sản chưa có, khó khăn trong đầu tư khi áp lực cạnh tranh từ phía NH nước ngoài ngày một tăng. Nếu sản phẩm dịch vụ của NH trong nước chưa đa dạng sẽ gặp sức ép lớn hơn khi NHNN cho phép các tổ chức tài chính cũng được cung cấp dịch vụ tài chính.

Vũ Minh Châu, Vụ Hợp tác Quốc tế NHNN

Trong khi NamAbank, ACB ưu đãi lãi suất tiết kiệm trực tuyến lên đến 0,3%/năm. Nhiều người gửi tiền đã chọn phương thức này thay vì xếp hàng tại quầy như vài năm trước, còn NH dành mức ưu đãi cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ NH trực tuyến (internet banking-mobile banking). Sự cạnh tranh giữa các NHTM thể hiện ở sự đa dạng trong dịch vụ khách hàng khi đều có chung mục tiêu: NH bán lẻ hiện đại. Tỷ lệ 100% NH đều có internet banking hiện nay được xem là sự thay đổi lớn so với năm 2004 chỉ có 3 NH. Với sự phủ sóng mạnh mẽ của NH trực tuyến, hầu như nhà băng nào cũng đầy ắp dịch vụ thanh toán hóa đơn, nạp thuế điện tử, chuyển tiền, gửi tiền, nạp tiền điện thoại… Các dịch vụ khác như nhận, chuyển tiền quốc tế, chi trả kiều hối, giao dịch ngoài giờ cũng không còn quá xa lạ với các NH.

Hệ thống NH vừa trải qua giai đoạn tái cơ cấu xử lý các vấn đề tồn đọng như nợ xấu, sở hữu chéo… nay đang đứng trước áp lực duy trì thị phần nếu muốn tồn tại. Trong cuộc cạnh tranh này, các NHTMCP có vốn nhà nước không thể coi thường sự năng động của nhóm NHTMCP với nhiều chiến lược tiếp cận khách hàng, nhất là việc đưa ra các sản phẩm dịch vụ NH chuyên biệt. Chẳng hạn mỗi NH hiện nay cũng có ít nhất hàng chục sản phẩm thẻ mang thương hiệu của mình, với những ưu đãi kèm theo để thu hút người dùng. Đơn cử như với thẻ tín dụng hiện nay có nhiều dòng sản phẩm dành cho doanh nhân, nữ giới, gia đình, cao cấp và hàng chục thẻ đồng thương hiệu. Chủ tịch HĐQT ACB, ông Trần Hùng Huy thừa nhận hệ thống NH sẽ chứng kiến sự thay đổi về công nghệ trong vài năm tới. ACB sẽ phải đầu tư mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong giải pháp công nghệ để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh trên bình diện rộng hơn về dịch vụ tài chính NH nói chung, không chỉ gói gọn trong các sản phẩm truyền thống.

Cạnh tranh dịch vụ giữa các NH trong nước ngày càng trở nên gay gắt và chịu sức ép lớn khi có sự tham gia của NH nước ngoài vốn có kinh nghiệm và công nghệ vượt trội. Hiện một số NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam như HSBC, ANZ, Citi Bank… đều có lợi nhuận rất tốt và không ngừng mở rộng. Trong khi đó các NHTM trong nước ngoài dịch vụ tín dụng truyền thống và đẩy mạnh dịch vụ NH bán lẻ, cũng đang từng bước nâng cao các hoạt động dịch vụ tài chính như dịch vụ thanh toán, bảo lãnh tín dụng, phát hành thư tín dụng (L/C), phát hành thẻ tín dụng…. Đây là những bước đi cần thiết để tăng doanh thu và lợi nhuận trong bối cảnh dư địa đối với lĩnh vực tín dụng ngày càng co hẹp.

Bài toán lợi nhuận bền vững

Trong thời kỳ bùng nổ về tăng trưởng tín dụng, chiến lược phát triển của các NH chủ yếu tập trung mở rộng chi nhánh, mạng lưới khách hàng để cạnh tranh. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra nhiều rủi ro cho NH và cả hệ thống tài chính, bởi việc mở rộng tín dụng thiếu kiểm soát đã làm nợ xấu tăng cao, với hệ quả nhiều NH thua lỗ đã bị NHNN mua lại với giá 0 đồng, hay nhiều NH buộc phải sáp nhập để tồn tại. Bên cạnh đó nhiều NH gia tăng lợi nhuận nhờ việc kinh doanh vàng, ngoại tệ, hay buôn bán trái phiếu... Điển hình hoạt động này một thời đã mang lại lợi nhuận rất lớn cho các NH như ACB, Eximbank… Tuy nhiên, đây là những hoạt động thiếu bền vững. Kết quả rất nhiều NH đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi NHNN siết lại việc buôn bán kinh doanh vàng, hoạt động liên NH và kinh doanh ngoại tệ. Ngoài ra, những cú sốc về biến động giá vàng, kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước cũng đã tác động tiêu cực đến nhiều NH.

Tín dụng đóng vai trò quan trọng nhưng nên giữ ở tỷ lệ nhất định sẽ an toàn hơn. Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015 đã yêu cầu từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh của các NHTM theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng. Đây sẽ là một trong những mục tiêu quan trọng trong tái cơ cấu hệ thống NH giai đoạn 2.

Ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Thống đốc NHNN

Hiện nay, hầu hết NH đều hướng đến nâng cao tỷ lệ lợi nhuận từ các hoạt động mang tính bền vững hơn. Bước đầu một số NH cho thấy kết quả khả quan. Vietcombank - một trong những NH lớn với nhiều ưu thế từ cấu trúc doanh nghiệp đến chất lượng tài sản và thương hiệu - kết thúc năm 2015 thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 3.557 tỷ đồng trong tổng thu nhập thuần 15.453 tỷ đồng, chiếm 23%. Trong đó đáng chú ý là lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lên tới 1.872 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Tương tự, ông lớn khác là VietinBank có thu nhập từ hoạt động dịch vụ 2.650 tỷ đồng, bằng 14% so với thu nhập lãi thuần; lãi thuần từ dịch vụ đạt 1.459 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với năm trước.

Nhóm NHTMCP đã từng nổi trội trong dịch vụ NH là ACB. Thu nhập từ các khoản phí và dịch vụ của ACB năm 2011 - thời điểm ACB chưa rơi vào giai đoạn khó khăn sau sự kiện bầu Kiên - là 1.138 tỷ đồng, mang lại lợi nhuận thuần hơn 825 tỷ đồng, tương đương năm 2010. ACB là một trong những NH tư nhân có kết quả hoạt động ấn tượng giai đoạn trước năm 2012, với mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm 30-35%. Năm 2015, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ACB giảm xuống còn khoảng hơn 1.020 tỷ đồng và lãi thuần ở mức 745 tỷ đồng. Như vậy, những năm gần đây doanh thu từ hoạt động dịch vụ của ACB không tăng mà có chiều hướng đi xuống.

Hiện nay nhiều NH đang nỗ lực phát triển theo hướng tăng nguồn thu từ dịch vụ và giảm dần phụ thuộc vào tín dụng, nhưng đóng góp của hoạt động này mới cải thiện bước đầu. Theo lãnh đạo của các NH, tín dụng trong nhiều năm qua luôn chiếm 70-80% lợi nhuận, mức cao so với trung bình các NH trên thế giới. Bên cạnh việc tiếp tục đa dạng sản phẩm dịch vụ, nhiều NH vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và cho vay khách hàng cao. Chẳng hạn, VPBank lợi nhuận trước thuế năm 2015 ghi nhận 3.096 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2014. Đây là NH có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian qua với tốc độ tăng trưởng cho vay cao nhất trong hệ thống, đạt 49%. Năm 2016, VPBank tiếp tục đặt mục tiêu cho vay khách hàng tăng gần 34% so với năm 2015.

Dư địa còn lớn

Để tránh rủi ro cho nền kinh tế, NHNN siết mạnh việc gia tăng tín dụng và mở rộng chi nhánh, văn phòng giao dịch một cách tràn lan. Bản thân NH phải tự kiểm soát hoạt động tín dụng của mình để giảm thiếu rủi ro. Bên cạnh đó chênh lệch lãi suất cho vay và huy động (NIM) đang có xu hướng giảm dần. Trước đây có thời kỳ mức chênh lệch lãi suất này lên tới 4-5%, hiện nay là 3-3,5%. Với sự cạnh tranh gay gắt giữa các NH, dự báo mức chênh lệch này có thể giảm xuống còn 2-3% như tiêu chuẩn thông thường của các NH trên thế giới. Do đó dư địa tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của các NH sẽ ngày càng co hẹp.

Hiện nay, nhiều NH đang thâm nhập các thị trường ngách với dịch vụ NH bán lẻ và tín dụng vi mô, đặc biệt hướng tới gia tăng lợi nhuận từ các hoạt động dịch vụ NH. Dư địa để gia tăng lợi nhuận này rất lớn, bởi hiện nay lợi nhuận NH từ hoạt động dịch vụ ở Việt Nam chỉ chiếm 10-20% so với 40-50% của các NH trên thế giới. Thực tế thời gian qua NH trong nước đã có rất nhiều nỗ lực để nâng cao hoạt động dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm. Có thể nói với sự phát triển của công nghệ viễn thông, việc giao dịch đối với khách hàng ngày càng thuận lợi hơn.

Nhân viên VPBank giới thiệu dịch vụ NH cho khách hàng.Ảnh: LONG THANH

Ngoài ra, các NH cũng đang mở rộng sang các dịch vụ phục vụ thanh toán quốc tế, như việc phát hành thư tín dụng L/C, thanh toán quốc tế. Trước đây dịch vụ này vốn là thế mạnh của các NH lớn trong nước hay các NH nước ngoài, nay hầu hết NH đều đẩy mạnh dịch vụ này. Bởi lẽ, với kim ngạch thương mại của nước ta hàng năm lên đến hơn 200 tỷ USD, doanh thu từ hoạt động này được coi là “miếng bánh” ngon. Ngoài ra, một lĩnh vực khác NH không thể bỏ qua là việc phát hành thẻ. Hiện nay cuộc cạnh tranh trong phát hành thẻ đang diễn ra gay gắt. Với chủ trương giảm tối đa việc thanh toán tiền mặt trong tương lai, thị trường thẻ chắc chắn sẽ rất tiềm năng.

Trong một kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam quý II-2016, được Vụ Dự báo thống kê thuộc NHNN công bố: “Các TCTD cho rằng kết quả hoạt động kinh doanh của hệ thống NH có sự cải thiện nhẹ quý đầu năm và kỳ vọng tiếp tục cải thiện tốt hơn trong giai đoạn tới. Tăng trưởng thu nhập ròng từ lãi, phí và dịch vụ tiếp tục là động lực dẫn dắt sự cải thiện lợi nhuận của các TCTD, thu nhập từ hoạt động tự doanh được kỳ vọng có sự cải thiện vượt bậc trong năm 2016”.

Xuân Anh

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160413/bai-2-da-dang-hoa-canh-tranh-dich-vu.aspx