Bài 2: Bất cập từ sản xuất tới chính sách

Xây dựng thương hiệu nông sản không chỉ củng cố thị trường trong nước, tránh thất thu mà còn nâng cao giá trị xuất khẩu, tạo nguồn nguyên liệu sạch cho nhiều mặt hàng lớn phục vụ sản xuất trong nước. Ở Việt Nam, tuy xây dựng thương hiệu nông sản được đưa ra bàn luận từ nhiều năm nay, nhưng mới chỉ dừng lại ở kế hoạch mà chưa được triển khai quyết liệt từ sản xuất tới tiêu thụ và cả về chính sách hỗ trợ.

Tổ chức sản xuất và thị trường yếu

Để xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm phải đạt các tiêu chí về chất lượng cũng như quy mô sản xuất và thiết kế thị trường. Hạn chế lớn nhất hiện nay của nền nông nghiệp Việt Nam là sản xuất nhỏ lẻ. Theo Bộ NN&PTNT, hiện 90% đất nông nghiệp thuộc hộ nông dân sở hữu, 6% thuộc về các DN, số còn lại thuộc các cơ sở khác. Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) Nguyễn Văn Tốn cho rằng: Với quy mô sản xuất hộ gia đình hiện nay thì nông nghiệp khó có thể bứt phá. Đặc biệt, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa nông sản còn nhiều bất cập, sự liên kết "4 nhà" vẫn chưa có tiếng nói chung. Điều dễ nhận thấy là có rất ít hợp đồng được ký kết giữa nông dân với DN trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, trong đó nhiều hợp đồng bị phá vỡ khi thị trường có những biến động bất lợi cho một trong hai phía. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn yếu, tổn thất sau thu hoạch cao. Ngoài ra, sản xuất Việt Nam mới chỉ tập trung vào số lượng, chưa mở rộng được các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên vấn đề chất lượng nông sản và an toàn thực phẩm đang bộc lộ những yếu kém, khó quản lý.

Bên cạnh khó khăn trong tổ chức sản xuất, việc tìm kiếm, khai thác thị trường cho nông sản cũng đang bị bỏ ngỏ, lệ thuộc. Có đến gần 70% nông sản Việt Nam xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do yếu kém từ nội tại, sản xuất chưa đủ lớn nên nông dân cũng như DN chưa chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu.

Chính sách chưa đủ mạnh

Xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm không phải là đặt một cái tên, rồi đăng ký với cơ quan chức năng mà là tổng hợp các hành động để tạo ra một sản phẩm rõ ràng, có đặc điểm riêng, từ đó tạo ra giá trị kinh tế riêng cho từng sản phẩm. Để giúp nông dân, DN mở rộng sản xuất, lựa chọn sản phẩm chất lượng để xây dựng thương hiệu, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nhưng chưa đủ mạnh, một số chính sách còn chưa sát với thực tiễn.

Để giúp nông dân, DN có nguồn vốn và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, từ đó đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của mình, ngày 12-4-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP nhằm tăng cường ưu đãi về tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17-4-2009 về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp... Tuy nhiên, khi được hỏi, đa phần DN cho biết đều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. Nhiều DN cần nguồn vốn lớn để đầu tư bài bản, từ khâu xây dựng chỉ dẫn địa lý thương hiệu đến mở rộng kênh phân phối nhưng khó khăn trong việc vay vốn khiến DN không thể thực hiện được mục tiêu phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Hùng Vương - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên hải sản Hùng Vương (Nam Định) cho biết: Công ty xây dựng thương hiệu sản phẩm từ nhiều năm nay, nhưng do thiếu kinh phí để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng nên số lượng tiêu thụ còn khiêm tốn… Thủ tục để nhận các khoản hỗ trợ còn rườm rà và phức tạp; một số nội dung hỗ trợ (vận tải, tư vấn, phát triển thị trường…) chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của DN; khâu thiết kế còn phức tạp, khó tính toán các khoản hỗ trợ nên chưa tạo đột phá thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp.

Theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), số nông dân và DN được nhận các khoản hỗ trợ còn hạn chế. Tỷ lệ nông dân biết đến các chương trình hỗ trợ của Nhà nước đạt 47,33% nhưng tỷ lệ được thụ hưởng trên thực tế chỉ là 11,39%. Do chưa khâu nối được DN với nông dân, DN cũng chưa tiếp cận được chính sách nên việc xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm đầu tư.

Thực tế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho xây dựng thương hiệu nông sản hiện mới dừng ở mức khuyến khích, tư vấn, chưa có chính sách hỗ trợ trực tiếp về thị trường hoặc bảo hộ thương hiệu nên số DN đã xây dựng được thương hiệu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện cả nước mới có 6 DN (thuộc lĩnh vực gạo và cà phê) được Bộ Công Thương công nhận đạt thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, các DN xây dựng thương hiệu còn mang tính riêng lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu sự đầu tư chuyên sâu và thiếu tính chuyên nghiệp trong công tác marketing, xây dựng uy tín riêng cho sản phẩm nên chưa phát huy hết hiệu quả.
(Còn nữa)

Đào Huyền - Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/855734/bai-2-bat-cap-tu-san-xuat-toi-chinh-sach