Bài 15: Biến quyết tâm thành hành động

(HNM) - Với số lượng đảng viên lớn nhất cả nước, những việc làm cụ thể, thiết thực của Đảng bộ TP Hà Nội sẽ góp phần quan trọng làm nên sức sống của Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

(HNM) - Với số lượng đảng viên lớn nhất cả nước, những việc làm cụ thể, thiết thực của Đảng bộ TP Hà Nội sẽ góp phần quan trọng làm nên sức sống của Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Quyết tâm chính trị rất lớn, kế hoạch đề ra cũng rất bài bản, vấn đề còn lại và có ý nghĩa quyết định là ngay từ bây giờ mỗi tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ), từng cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Thủ đô cần phải hành động với tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc. Đây là nội dung cuộc trao đổi của đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy với Báo Hànôịmới.

- Thưa đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) ban hành đến nay tròn 3 tháng. Một khoảng thời gian không dài, nhưng với tầm quan trọng, quyết định đến vận mệnh của Đảng, sự sống còn của chế độ…, nghị quyết đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Xin đồng chí cho biết, nhân dân Thủ đô đón nhận nghị quyết với tâm trạng như thế nào và Đảng bộ TP đã có những động thái gì để hưởng ứng nghị quyết?

+ Ra đời trong thời điểm hết sức quan trọng, Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" ngay sau khi ban hành đã được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đón nhận với một sự kỳ vọng, tin tưởng. Đi đến đâu cũng thấy người dân bàn chuyện xây dựng Đảng, đó là dấu hiệu đáng mừng. Tuy vậy, người dân Thủ đô cũng băn khoăn, lo lắng về tính hiệu quả của nghị quyết đối với thực tiễn. Vì chỉ tính từ Đại hội VI đến nay, BCH TƯ đã ban hành 8 nghị quyết, Bộ Chính trị cũng có tới 6 nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng nhưng vẫn chưa thực sự tạo được chuyển biến.

Luôn ý thức được vai trò "đầu tàu" trong mọi phong trào, với nghị quyết này Đảng bộ Thủ đô cũng xác định cần phải làm cho tốt nên đã chủ động trong mọi khâu. Việc đầu tiên là tập trung tuyên truyền để Nghị quyết TƯ 4 lan tỏa, thấm sâu trong đời sống xã hội. Thành ủy đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan báo chí Thủ đô tổ chức các loạt bài, phóng sự chuyển tải mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, tính cấp bách cũng như quyết tâm của toàn Đảng, tạo sự thống nhất về nhận thức trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với việc thực hiện nghị quyết.

Lần đầu tiên Thành ủy triệu tập gần 2.300 cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành tham gia học tập, quán triệt để nghe thấu đáo, đầy đủ tinh thần nghị quyết, từ đó xác định trách nhiệm triển khai tại cơ sở. Thành ủy cũng ban hành Kế hoạch học tập, quán triệt Nghị quyết TƯ 4 gắn với Nghị quyết số 11 của BCT về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020" và 9 chương trình công tác của BCH Đảng bộ TP. Kèm theo đó là hướng dẫn việc thực hiện 4 nhóm giải pháp. Tất cả rất bài bản, cụ thể; đối chiếu vào đó, mỗi cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên đều biết mình cần phải làm những việc gì.

- Đồng chí có thể cho biết rõ hơn những công việc Đảng bộ TP đã triển khai?

+ Sau hội nghị cán bộ chủ chốt TP vào cuối tháng 3, Hà Nội đã nhanh chóng quán triệt nghị quyết đến các đồng chí nguyên là lãnh đạo TP đã nghỉ hưu, cho đội ngũ trí thức, báo chí Thủ đô... Trong những ngày đầu tháng 4, các đảng bộ trực thuộc đã đồng loạt triển khai việc học tập, quán triệt nghị quyết cho cán bộ chủ chốt với không khí khẩn trương, nghiêm túc. Cùng với đó, Thành ủy chỉ đạo các ban Đảng nghiên cứu tham mưu xây dựng các tiêu chí đánh giá cán bộ; kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên… Khâu này trước đây đã được coi trọng, tới đây tiếp tục được đổi mới hơn nữa, nhất là việc đánh giá cán bộ chủ chốt thuộc diện Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy, BTV các quận, huyện, thị ủy quản lý và cấp trưởng một số sở, ngành, ở một số lĩnh vực nhạy cảm... Đối tượng tham gia đánh giá sẽ mở rộng hơn; tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng hơn. Kết quả kiểm điểm, đánh giá cán bộ là căn cứ để TP xem xét, sàng lọc và xây dựng đội ngũ cán bộ mỗi cơ quan, đơn vị, gắn với quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý và cán bộ chủ chốt các cấp. Cán bộ nào sau đánh giá tín nhiệm thấp, kết quả hoàn thành nhiệm vụ không cao sẽ phải xem xét, bố trí lại, không chờ đến hết tuổi, hết nhiệm kỳ. Thành ủy tiếp tục mở rộng dân chủ trong Đảng; quy chế chất vấn trong Đảng cũng sẽ được thực hiện thường xuyên.

- Qua theo dõi, dư luận đã đánh giá cao tinh thần chủ động cũng như quyết tâm Đảng bộ Thủ đô đối với việc thực hiện nghị quyết này. Để một lần nữa giúp cán bộ, đảng viên hiểu rõ những công việc Đảng bộ Thủ đô đã, đang và sẽ làm, xin đồng chí cho biết trong 3 vấn đề cấp bách, 4 nhóm giải pháp của nghị quyết, Hà Nội ưu tiên thực hiện vấn đề nào?

+ Những hạn chế, yếu kém đã được Nghị quyết TƯ 4 chỉ rõ, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài… Ở Đảng bộ Thủ đô cũng không ngoại lệ. Vì vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…; xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đồng thời xác định rõ vai trò người đứng đầu, tạo chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng Đảng thì chí ít Đảng bộ Thủ đô phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các yêu cầu của TƯ; đồng thời vận dụng vào tình hình thực tiễn của Đảng bộ để làm cho tốt, theo hướng tích cực, công khai, dân chủ hơn. Một thông điệp được quán triệt tới mọi cấp, mọi ngành đó là: xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải bắt đầu từ bản thân mỗi đảng viên, cán bộ và từng tổ chức Đảng. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này là công việc quan trọng, khó khăn nhưng không thể không làm.

Với tinh thần đó, Thành ủy đang chuẩn bị để trong tháng 7 hoặc tháng 8, tập thể BTV và từng ủy viên thường vụ (UVTV) Thành ủy kiểm điểm tự phê bình và phê bình 3 nội dung cấp bách. Trong đó, tập thể BTV và UVTV Thành ủy tập trung kiểm điểm nội dung thứ nhất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng và từng đảng viên, người đứng đầu về tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái… Phương châm kiểm điểm là: "trên trước, dưới sau", "trong trước, ngoài sau", "tập thể trước, cá nhân sau", làm nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả, nêu cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy để làm gương cho cấp ủy trực thuộc kiểm điểm (trong tháng 8 và 9) và các cấp ủy, TCCSĐ thực hiện (trong tháng 9, 10, 11-2012).

- Trước đây, khi triển khai một số nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, không ít nơi chưa tập trung làm tốt, còn hình thức, chiếu lệ… Từ thực tế đó, Đảng bộ TP Hà Nội có biện pháp gì để bảo đảm cho việc triển khai Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) không rơi vào tình trạng này?

+ Đây là điều Thành ủy trăn trở. Vì trên thực tế, đã có không ít nghị quyết về xây dựng Đảng cũng rất quan trọng, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng rất cao nhưng đến khi triển khai tại cơ sở lại gặp khó khăn, trở ngại từ nhiều phía nên chưa mang lại kết quả như mong muốn. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do căn bệnh hình thức, chạy theo thành tích vẫn tồn tại ở không ít TCCSĐ, cán bộ, đảng viên. Mới đây, khi kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết TƯ 6 (khóa X) tại 56 đảng bộ trực thuộc Thành ủy vẫn thấy bóng dáng của căn bệnh này. Có đảng bộ 100% TCCSĐ đều đạt trong sạch vững mạnh và tuyệt đại đa số đảng viên đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thế nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương chỉ ở mức trung bình. Điều này cho thấy công tác tự phê bình và phê bình của tổ chức Đảng và đảng viên còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất. Như thế, đối chiếu với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng…" của Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) rõ ràng là chưa đạt yêu cầu.

Quan điểm của Thành ủy quán triệt đến các cơ sở, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải kết hợp "xây và chống"; "chống và xây", làm bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan, đồng thời không rơi vào hình thức, làm lướt. Việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình phải chân thành, thẳng thắn, xây dựng, dựa trên nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, không chủ quan, quy chụp, xen động cơ cá nhân. Qua kiểm điểm cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để đánh giá đúng tính chất, mức độ thiếu sót, khuyết điểm. Đồng thời thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để các thế lực thù địch, phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích gây rối nội bộ…

Để yêu cầu này được thực hiện một cách nghiêm túc, Thành ủy giao cho Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cùng các ban Đảng rà soát, gợi ý cho những nơi có vấn đề phức tạp, nổi cộm sớm triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết TƯ 4; đồng thời yêu cầu cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát. Nơi nào làm không đạt yêu cầu, làm hình thức, qua loa, chiếu lệ… Thành ủy chỉ đạo dứt khoát phải làm lại, làm cho đạt yêu cầu mới thôi. Tương tự đối với cán bộ, đảng viên cũng vậy. Mục đích của việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình là nhằm nhìn nhận ra thiếu sót, khuyết điểm để chấn chỉnh kịp thời, cho nội bộ đoàn kết, cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng tốt hơn lên. Trên đã "quyết tâm" thì dưới "không thể không làm". Tinh thần ấy dứt khoát phải thấm nhuần đến từng TCCSĐ và mỗi cán bộ, đảng viên. Nếu TCCSĐ, cán bộ, đảng viên nào nghĩ rằng đơn vị, cá nhân mình sẽ làm lướt hoặc cho phép mình đứng ngoài cuộc thì cần phải chấn chỉnh ngay. Ngoài tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy Đảng, Đảng bộ Thủ đô sẽ phát huy các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện của các TCCSĐ, cán bộ, đảng viên để bảo đảm nghị quyết có sức sống, tạo chuyển biến về công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Thủ đô, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/chinh-tri/545070/bai-15-bien-quyet-tam-thanh-hanh-dong.htm/