Bài 12: Phát huy thế mạnh văn hóa di sản

Bảo tồn, khai thác, phát huy thế mạnh về văn hóa, di sản phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước, tạo dấu ấn riêng cho các sản phẩm du lịch là một trong những thành quả nổi bật của TP Hà Nội sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Thực tế cũng cho thấy, Hà Nội có thế mạnh để khai thác, phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn lực di sản. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực này cần sớm được tháo gỡ...

Du khách tham quan khu di tích kiến trúc mới được phát hiện năm 2016 tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Anh Tuấn

Đa dạng hình thức bảo tồn, khai thác

Nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Luật Thủ đô được Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức. Trong Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020", công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được coi là một trong những mục tiêu cơ bản. TP Hà Nội ưu tiên đầu tư tu tổ, tôn tạo các di tích quan trọng, các di sản thế giới; triển khai quy hoạch và thực hiện các dự án bảo tồn phố cổ, làng nghề, làng cổ gắn với phát triển du lịch... Thống kê hiện nay, Hà Nội có hơn 5.900 di tích, trong đó có gần 2.400 di tích đã xếp hạng; cộng đồng các địa phương đang lưu giữ, thực hành 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Một số đơn vị, địa phương giàu tiềm năng di sản đã xây dựng kế hoạch, đề án khai thác thế mạnh của di sản để phát triển du lịch. Lượng khách du lịch đến Thủ đô Hà Nội nói chung, đến các điểm di tích nói riêng đã tăng nhanh. Năm 2016, Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón gần 2 triệu lượt khách, trong đó có hơn 1,4 triệu lượt khách bán vé (tăng từ 10 đến 20% so với những năm trước), mang lại nguồn thu hơn 40 tỷ đồng; di tích Nhà tù Hỏa Lò phục vụ hơn 20 vạn lượt khách tham quan; từ năm 2012 đến nay, trung bình lượng khách đến với vùng đất cổ Ba Vì đạt hơn 2 triệu lượt người mỗi năm; lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), chùa Thầy (huyện Quốc Oai), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất)… thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế.

“Thông qua các hoạt động trưng bày, giới thiệu tại di tích, lễ hội, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội ngày càng được bồi đắp, lan tỏa” - TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) đánh giá.

Điểm mới trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11 và Luật Thủ đô là HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 16/2013/NQ-HĐND ngày 11-7-2013 về chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng các công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Trên tinh thần đó, từ năm 2014 đến 2016, các tổ chức, cá nhân đã tự nguyện đóng góp hơn 400 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích. Ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích của cộng đồng có bước chuyển biến rõ rệt.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng, từ vốn văn hóa vật thể đã được thừa nhận ở cấp độ quốc gia, quốc tế, cho đến kho tàng văn hóa phi vật thể đồ sộ đều là những tài sản văn hóa đã và đang được Hà Nội quản lý, khai thác tương đối hiệu quả.

Sớm điều chỉnh những bất cập

Đến thời điểm này, Hà Nội là một trong số ít tỉnh, thành phố đã ban hành Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội”. Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến, việc triển khai Quy chế này từ cuối năm 2016 đến nay đã góp phần đưa công tác quản lý di tích trên địa bàn Hà Nội đi vào nền nếp. Những bất cập nổi cộm trong quản lý, bảo tồn di tích như sử dụng nguồn công đức, chế độ cho người quản lý, trông coi, sự chồng chéo trong quy trình thẩm định, thiết kế, phê duyệt dự án tu bổ di tích, nhất là với những dự án tu bổ cấp thiết, bước đầu được khắc phục. Tuy nhiên, số di tích xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu bổ cấp thiết ở Hà Nội luôn chiếm khoảng 10%, tương đương 500 - 600 di tích, chưa kể các di tích xuống cấp từng hạng mục. TP Hà Nội dù rất quan tâm cũng khó có thể bố trí đủ kinh phí để tu bổ, chống xuống cấp.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết, theo nội dung của Nghị quyết số 16/2013/NQ-HĐND, các dự án tu bổ, tôn tạo di tích sử dụng nguồn xã hội hóa phải nêu rõ được sự cần thiết, tính khả thi, phải chứng minh được nguồn kinh phí đã huy động cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu, kèm theo cam kết trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Quy định này là cần thiết, tránh việc sử dụng nguồn vốn tùy tiện, thi công cẩu thả, làm biến dạng, sai lệch các giá trị của di tích. Song, trên thực tế, cộng đồng thường đặt niềm tin vào các dự án đã được phê duyệt.

Mặt khác, việc huy động các nguồn lực xã hội trước khi dự án được phê duyệt có thể dẫn đến lãng phí do nguyên vật liệu đã huy động không phù hợp với thiết kế kỹ thuật. Do đó, yêu cầu đối với hồ sơ dự án tu bổ di tích sử dụng nguồn xã hội hóa chỉ cần nêu rõ được sự cần thiết, tính khả thi kèm theo cam kết hoàn thành dự án của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong một khoảng thời gian nhất định.

Tại Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo đã xác định phát triển du lịch văn hóa là mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt. Để di sản văn hóa thực sự trở thành nguồn lực bền vững cho sự phát triển, hy vọng những bất cập nói trên sẽ sớm được tháo gỡ.

(Còn nữa)

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/867320/bai-12-phat-huy-the-manh-van-hoa-di-san