Bài 1: Vắng bóng thương hiệu nông sản Việt

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng hơn 90% sản phẩm xuất khẩu và bày bán trong nước chưa có thương hiệu, nhãn mác, lô gô. Điều đó khiến cho nông sản Việt không chỉ gặp khó khăn khi xuất khẩu mà còn ngay cả trên "sân nhà". Điểm yếu này đã làm giảm giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm và được nhận diện từ cả chục năm nay nhưng việc triển khai xây dựng thương hiệu nông sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức...

Bài 1: Vắng bóng thương hiệu nông sản Việt

Hiện nay, nông sản Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô nên mặc dù đã có mặt tại nhiều thị trường lớn, nhỏ trên thế giới nhưng dưới nhãn mác của các thương hiệu ngoại. Ngay tại thị trường trong nước, nhiều sản phẩm nông sản cũng chưa có nhãn hiệu nên cũng phải chật vật tìm chỗ đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm ngoại nhập.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng việc xây dựng thương hiệu cho loại nông sản này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh: Thành Nam

Thương hiệu - vấn đề lớn nhưng còn nhiều hạn chế

Theo Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa các loại được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, mới có khoảng 15% là của các doanh nghiệp (DN) trong nước. Đối với hàng nông sản, hơn 80% hàng nông sản Việt bán ra thị trường thế giới nhưng mang thương hiệu nước ngoài. Không chỉ thị trường thế giới mà ngay tại thị trường trong nước cũng có trên 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu. Chính vì chưa có tên tuổi nên nhiều loại nông sản đang bị ép giá, giá bán thấp gây thiệt hại cho cả người sản xuất và DN xuất khẩu.

Thực tế, tại Việt Nam, việc đăng ký nhãn hiệu cũng như phát triển thương hiệu chưa được tuyên truyền rộng rãi nên DN cũng như người dân chưa nắm được tầm quan trọng của nhãn hiệu. Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp cho rằng: Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa có định nghĩa về thương hiệu mà chỉ đưa ra định nghĩa về nhãn hiệu nên mới coi nhãn hiệu là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Về bản chất, thương hiệu là cấp cao hơn của nhãn hiệu, đó là kết quả phấn đấu lâu dài của DN và được người tiêu dùng công nhận. Tuy nhiên, để có thương hiệu, các tổ chức, DN kinh doanh phải có được nhãn hiệu sản phẩm mới xây dựng được. Chính những quy định chưa rõ ràng và khâu tuyên truyền hạn chế khiến việc xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu chưa thực sự được quan tâm.

Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) Lê Văn Bảnh nhận xét: Ý thức xây dựng chiến lược thương hiệu của các DN Việt Nam vẫn hạn chế, nhất là các DN kinh doanh nông sản. Theo đó, chỉ có khoảng 32% DN xuất khẩu nông sản có chiến lược xây dựng thương hiệu cụ thể, 45% không có chiến lược rõ ràng.

“Nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm chiếm từ 30% đến 60% giá trị sản phẩm. Do đó, nếu không xác định xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu như một chiến lược kinh doanh thì nông dân và DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng nông sản nhập khẩu. Thiếu thương hiệu, nông sản Việt Nam chỉ còn chỗ đứng ở... vỉa hè, chợ cóc” - ông Lê Văn Bảnh nhấn mạnh.

Xuất khẩu thô + thiếu thương hiệu = khó cạnh tranh

Chính những hạn chế trong xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu khiến hàng nông sản Việt đang bị thất thu lớn dù nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng nhất, nhì thế giới. Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết: Nông sản Việt đang tự đánh mất tên mình. Việt Nam vốn được coi là quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê, điều, tiêu… lớn nhất, nhì thế giới, tuy nhiên đa phần sản phẩm đang xuất khẩu dưới dạng thô, một vài mặt hàng xuất khẩu thành phẩm thì chủ yếu nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Đơn cử như mặt hàng điều, hiện Việt Nam đang là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm điều mang thương hiệu Việt lại không có. Đây thực sự là thiệt thòi lớn của ngành điều.

Tương tự, xuất khẩu chè Việt Nam đang xếp thứ 5 thế giới, nhưng do không chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nên giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ khoảng 1.698 USD/tấn, bằng một nửa giá chè bình quân của thế giới. Một số DN tại Anh, sau khi mua chè của nước ta về tinh chế, bán ra thị trường với giá 9.800USD/tấn. Ông Lê Văn Bảnh cho rằng: Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do 98% lượng chè xuất khẩu của chúng ta ở dạng thô nên giá trị thấp, gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu lớn như: Cà phê, gạo… cũng bị DN nước ngoài thâu tóm về giá và luôn ở thế bị động trong giao dịch. Thực tế, nhiều năm liền việc xây dựng thương hiệu cho nông sản đã không được quan tâm, chỉ đến năm 2000 khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO và vướng vào một vài vụ tranh chấp nhãn hiệu thì lúc đó việc xây dựng thương hiệu mới được triển khai mạnh mẽ hơn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhận định: Việc xuất khẩu thô và thương hiệu nông sản bị nước ngoài thâu tóm đã làm “thất thoát” một khoản lợi nhuận lớn của Ngành. Chính những hạn chế đó khiến xuất khẩu nông sản Việt đang có những dấu hiệu chậm lại.

(Còn nữa)

Đào Huyền - Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/855632/bai-1-vang-bong-thuong-hieu-nong-san-viet