Bài 1: Tâm sự của những 'con nghiện' bị 'nàng tiên nâu' hành hạ

Trên thực tế, số lượng người nghiện, sử dụng chất gây nghiện ngày càng gia tăng. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, việc cai nghiện không khó.

Những cơn vật vã kiểu hành xác

Trên thực tế, số lượng người nghiện, sử dụng chất gây nghiện ngày càng gia tăng. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, việc cai nghiện không khó, cái khó giữ được trong bao lâu, vài ngày, một tuần, hay một tháng?

Nhiều vụ án man rợ do người nghiện gây nên, khiến người dân không khỏi giật mình, thậm chí là sự ám ảnh của những người có lương tri. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có giải pháp tối ưu nào, giúp người nghiện thoát khỏi sự quyến rũ của “nàng tiên nâu”.

Một số gia đình đã tự nguyện đưa con em mình đi cai, nhưng cũng có gia đình phải…buông, vì mệt mỏi, không có hy vọng. Theo chân một gia đình có con chuẩn bị đi cai nghiện tự nguyện, PV đã thu thập được những lời chia sẻ gan ruột của những người nghiện ma túy.

Anh Trần Văn H. 24 tuổi (ở TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) là người nghiện ma túy hơn một năm nay. Mặc dù đã có vợ và hai con nhỏ, lớn 2 tuổi, nhỏ 1 tuổi nhưng anh H. vẫn sống dựa vào cha mẹ.

Dường như tài sản cuối cùng trong ngôi nhà 3 tầng lần lượt đội nón ra đi, cha mẹ anh H. mới quyết định đưa con đi cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội, thuộc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Bắc Giang.

Trên đường tới Trung tâm để “nhập trại” cai nghiện, anh H. đã lên cơn thèm thuốc, cha anh H. phải đưa vào trung tâm điều trị tự nguyện để uống thuốc Methadone.

Trung tâm điều trị nghiện tự nguyện (Ảnh Lương Liễu).

Trung tâm điều trị nghiện tự nguyện (Ảnh Lương Liễu).

Khi được hỏi về cơn thèm thuốc, anh H. mắt mở to hết cỡ trả lời rất mạch lạt. “Đầu tiên, hay còn gọi là cấp độ nhẹ, đau toàn bộ các khớp xương, buồn bực chân tay, khiến người ta phải luôn luôn hoạt động.

Nói nhanh nói gấp gáp, có người thì nói liên tục, có người phải đi đi lại lại không ngồi yên một chỗ được. Nếu chưa có thuốc, toàn bộ đờm kéo xuống họng nhưng lại không khạc ra được.

Và nó bao quanh lấy cổ họng hít thở không khí khó khăn, giống như hai gọng kìm kẹp lấy cổ họng. Lúc này phải vùng vẫy, đập phá, ngáp liên tục thì mới thở được. Hành động vẫn biết, nhưng không kiềm chế được. Nặng hơn nữa, đi ngoài, nôn. Đặc biệt lúc đó là sẵn sàng nổi điên, không kiểm soát”.

“Sao em nói được, hiểu được nghiện ma túy là kinh khủng thế nào mà không quyết tâm cai nghiện?, PV đặt câu hỏi.

“Trót nghiện rồi, có cai xong thì lại bị bạn rủ, bình thường mẹ em cho em cai ở nhà một thời gian, em cũng kiểm soát được nhưng lúc bị vợ nói, cha mẹ nói, ức lên em chạy ngay đi mua thuốc để thõa mãn “cơn nghiền”.

"Hay bạn bè rủ chơi là em lại nghiện lại. Không có tiền em xem trong gia đình có gì bán được là bán. Nay nhà em không còn gì nữa, nếu lên cơn thèm thuốc không có thuốc là em chết, em cũng không sung sướng gì, nên em nói cha mẹ cho con đi cai”.

Trung tâm cai nghiện, nơi anh H. đang cai tự nguyện (Ảnh Lương Liễu).

“Nếu cai nửa chừng tốn gấp bốn, năm lần”

Theo lời mách bảo của một người bạn với anh Trần Văn H. tôi gặp Nguyễn Văn Tùng, người tự cai nghiện cho em ruột của mình tại nhà riêng. Khi trò chuyện cùng tôi, anh Tùng chia sẻ rất thật “Tôi sẵn sàng chia sẻ cho chị những gì mà gia đình tôi đã trải qua".

Tuy nhiên, tôi không muốn mọi người biết em trai tôi từng bị nghiện, tôi yêu cầu chị giữ kín thông tin của gia đình tôi”. Tôi đáp, chắc chán rồi; “Cai nghiện, việc đầu tiên phải dùng là liệu pháp “sốc”, hay còn gọi là đánh có “kỹ thuật” để khỏi tử vong hay tàn tật.

Tiếp đến là dùng tình cảm, gần gũi, tạo hứng thú trong lao động, không cho đối tượng xấu tiếp cận. Trước kia gia đình tôi cũng bí mật cho em tôi tự cai ở nhà, nhưng sau đó nó lại dùng liều nặng hơn.

Tôi lấy ví dụ, một lần nó dùng khoảng 100.000đồng/lần, nhưng khi uống Methadone sau khi nghiện lại nó phải dùng 400.000 đồng/lần hoặc hơn thế nữa. Sơ sơ như vậy, để chị thấy nếu tái nghiện nó dùng liều rất cao, dẫn đến dễ sốc thuốc.

Mặc dù tôi rất kiên trì để cai cho em tôi nhưng nó lại nghiện lại rất nhiều lần. Nhưng tôi không bỏ cuộc. Giờ đây nó không nghiện nữa nhưng đầu óc, con người coi như vứt đi. Và đó là ghánh nặng của gia đình tôi hiện nay”, anh T. chia sẻ.

Việc cai nghiện của các học viên có những khó khăn như thế nào, những người ngày đêm quản thúc những con người mang trong mình những cơn thèm thuốc vật vã, không làm chủ được bản thân như thế nào?

Theo các chuyên gia, việc cai nghiện không khó, chủ yếu là "con nghiện" giữ được trong bao lâu. Những trải lòng của chuyên gia và những người gần gũi nhất với các "con nghiện" sẽ được chúng tôi cập nhật tới quý độc giả trong bài viết tiếp theo.

Lương Liễu

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/bai-1-tam-su-cua-nhung-con-nghien-bi-nang-tien-nau-hanh-ha-d35378.html