Bài 1: Quyết tâm chính trị và đáp ứng mong mỏi của nhân dân

LTS: Ngày 30-10-2016, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ chính thức được ban hành. Nghị quyết đã nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Bài 1: Quyết tâm chính trị và đáp ứng mong mỏi của nhân dân

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác xây dựng Đảng và tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI). Thực hiện tốt Nghị quyết sẽ giúp Đảng Cộng sản Việt Nam thêm trong sạch, vững mạnh, từ đó vun đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ảnh: TTXVN

Kết quả, hạn chế và nguyên nhân

Nghị quyết TƯ 4 (khóa XII) đã chỉ rõ, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, đã tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, có tác động thúc đẩy đất nước vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân. Việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) cũng đã góp phần quan trọng vào thành công của đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội XII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Tuy nhiên, Nghị quyết cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm như năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có một số bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Nguyên nhân của thực trạng trên được Nghị quyết xác định là có cả khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nghị quyết chỉ rõ, nguyên nhân sâu xa, chủ yếu là do bản thân cán bộ, đảng viên mắc sai lầm đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, phai nhạt lý tưởng; hoang mang, dao động trước những tác động bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi quyền lực, các lợi ích vật chất, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân, đi đến phản bội lại lý tưởng của Đảng, của cách mạng.

Mặt khác, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở. Thiếu cơ chế để xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực...

Tự phê bình và phê bình thông qua sinh hoạt chi bộ là một giải pháp quan trọng nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật của mỗi đảng viên. Trong ảnh: Chi bộ và Ban công tác Mặt trận khu dân cư B2, phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) sinh hoạt thường kỳ. Ảnh: Thái Hiền

Nhận diện 27 biểu hiện suy thoái

Nghị quyết TƯ 4 (khóa XII) đặt ra mục tiêu: Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nội hàm của Nghị quyết lần này vừa đề cập những vấn đề cơ bản, lâu dài, vừa giải quyết những vấn đề cụ thể, trọng điểm, cấp bách trước mắt. Xây đi đôi với chống. Xây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài. Chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Cái mới của Nghị quyết còn ở chỗ Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống là như thế nào? Những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là như thế nào?

Với 9 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, 9 biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với các sắc thái và mức độ khác nhau; từ bàng quan, vô trách nhiệm, đến nhạt phai lý tưởng, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, rồi a dua, phụ họa theo các quan điểm xuyên tạc, sai trái, nói trái, viết trái, làm trái Nghị quyết chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ quan liêu, vô cảm trước những bức xúc chính đáng của nhân dân, thiếu rèn luyện, tu dưỡng, sa vào lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, háo danh, chạy chức, chạy quyền, tha hóa trong chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, kết hợp quyền lực chính trị với quyền lực kinh tế, tìm cách hợp lý hóa lợi ích nhóm bằng các chính sách, tạo ra lợi ích khủng cho phe nhóm và cá nhân, phản bội lại lý tưởng của Đảng, của dân tộc.

Từ 27 biểu hiện của ba nhóm vấn đề: Suy thoái về tư tưởng chính trị; về đạo đức lối sống; về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải nghiêm túc tự đối chiếu, tự liên hệ với bản thân, “tự soi”, “tự sửa” mình, giúp cho cán bộ, đảng viên tự phê bình và có căn cứ để phê bình, giúp các đồng chí khác rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng. Đồng thời giúp cho mỗi tổ chức Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, có cơ sở để xử lý các vi phạm xảy ra.

Quyết liệt triển khai 4 nhóm giải pháp

Nghị quyết TƯ 4 (khóa XII) đã nêu lên 4 nhóm giải pháp về giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; về phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Bốn nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết là cơ bản, đồng bộ, có tính khả thi cao. Có thể nói, Nghị quyết TƯ 4 (khóa XII) là nghị quyết ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ từ nội bộ, nguy cơ “tự đổ”.

Bài học đau xót của Đảng Cộng sản Liên Xô là “tự đổ” cũng bắt nguồn từ chính sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô.

Diễn đạt như cách nói của V.I Lênin, không một lực lượng nào có thể làm mất uy tín của những người cộng sản, nếu những người cộng sản không tự đánh mất uy tín của chính mình; không một thế lực nào có thể phá vỡ nổi sức mạnh của những người cộng sản, nếu những người cộng sản không tự mình phá mình. Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có sức mạnh vô địch, sẽ trong sạch, vững mạnh, đạo đức, văn minh, nếu Đảng ngăn chặn, đẩy lùi được suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây cũng là vấn đề liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Nghị quyết TƯ 4 (khóa XII) - Nghị quyết sẽ giúp Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện được quyết tâm chính trị của Đảng và đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân.

(Còn nữa)

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/854925/bai-1-quyet-tam-chinh-tri-va-dap-ung-mong-moi-cua-nhan-dan