Bài 1: Nỗi niềm mùa khai giảng

Bài 1: Nỗi niềm mùa khai giảng

(VOH) - Theo kế hoạch, chỉ còn không đầy 1 tuần nữa bắt đầu từ ngày 15-8, đồng loạt các trường trên địa bàn TP.HCM sẽ bắt đầu đón học sinh nhập học. Theo ghi nhận của nhóm phóng viên VOH đến thời điểm này, cả phụ huynh, học sinh, lẫn nhà trường đang tất bật chuẩn bị cho năm học mới 2009-2010 với bao ngổn ngang lo toan. Loạt bài: TP.HCM ngổn ngang mùa khai trường sẽ phản ánh không khí chuẩn bị trước thềm năm học mới. Ngày khai trường sắp đến, những bộ quần áo mới may, những quyển vở thơm mùi giấy mới, những quyển sách tinh tươm..hành trang để bước vào năm học chỉ đơn giản thế thôi nhưng với nhiều gia đình, nhiều em nhỏ…lại là một ghánh nặng. Chúng tôi mời quí vị cùng theo dõi bài 1 “Nỗi niềm mùa khai giảng” của Hồng Thúy. nhạc ngắn Niềm vui vì đứa con gái duy nhất vừa đậu vào lớp 10 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều chưa dứt, Anh Nguyễn Văn Kiên -Nhà ở Q Tân Bình đã ngay ngáy lo các khoản mua sắm đầu năm học cho con. Nào là áo dài, rồi sách, vở, các dụng cụ học tập khác, và nhất là các khoản thu đầu năm học phải đóng..Tính sơ sơ cũng mất hết gần 2 triệu, bằng 2 tháng lương công nhân của anh. Nhưng gánh lo của anh Kiên cũng không nặng bằng gia đình chị Loan ở Q Thủ Đức. Công việc phụ hồ khi có khi không của chồng chị đã làm cho cuộc sống của gia đình có 3 đứa con đang ở tuổi đi học của chị càng khó khăn hơn. Đứa lớn mới học lớp 9, tới giờ anh chị cũng chưa sắm sửa được gì. Đầu năm học nào hàng xóm cũng thấy anh chị đi vay tiền đóng tiền học cho con. Mấy hôm trước, phụ hồ cho một nhà hàng xóm chồng chị đã rụt rè đánh tiếng mượn trước lương để lo đóng tiền đầu năm cho con nhưng chủ nhà không cho vì họ lấy lí do cũng đang sốt vó lo cho con vào năm học mới. Đứng trước một gian bán quần áo và đồng phục học sinh trong chợ Tân Định, ba mẹ con tần ngần tính toán. Loay hoay chọn, thử, trả giá, cuối cùng mỗi đứa con gái được mẹ mua hai chiếc áo trắng bằng loại vải rẻ tiền với giá 35.000đ/chiếc. Chúng tôi thấy rõ khuôn mặt tiếc nuối của hai đứa bé khi mẹ chúng trả hai chiếc váy xanh lại. Người mẹ giải thích: Trong khi đó, ở nhà sách Thăng Long, một số phụ huynh đắn đo lựa chọn trước các nhãn hiệu tập vở với đủ giá. Anh Thanh Tùng, nhà ở Bình Thạnh mất khá nhiều thời gian để chọn những cuốn tập giấy dày, ô carô bởi theo anh thì: Cháu bắt đầu viết bút mực, lại tập viết nét thanh nét đậm nên cần phải chọn tập tốt. Những cuốn tập như vậy có giá đến 5.200đ/cuốn, sắm 20 cuốn cho hai cậu con tốn trên 100.000đ. Nhưng dù sao dụng cụ tập vở chưa phải là khoản nặng ký, hồi hộp nhất là các khoản đóng đầu năm. Năm ngoái đầu năm phải đóng cho hai đứa hết gần 2 triệu đồng. Năm nay giờ này chưa tập trung nên chưa biết đóng bao nhiêu nhưng mua sắm các khoản linh tinh cũng đã hết hơn 1 triệu rồi. Chị Lê Thị Hai, nhà ở Thủ Đức, có 3 con cùng nhập học trong năm nay nhưng gia cảnh của chị lại hết sức khó khăn. Chị đang là lao công tại một khu chung cư mỗi tháng thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Chồng chị là thương binh, chỉ ở nhà gói bánh kiếm thêm thu nhập. Chưa nhập học nhưng chị đã chắc chắn sẽ phải khất lần tiền học phí của các con. Nhiều năm nay, các con chị hầu như chưa được mặc một bộ đồ mới nào. Năm học này, khi nhà trường buộc phải mua đồng phục, chị lại oằn thêm nỗi lo. Các con chị đều học bằng SGK cũ xin về. Nhưng năm nay, chi phí lại tăng lên khi giá tập vở tăng. Năm trước, giá vở rẻ nhất là 3.000 đồng/cuốn thì năm nay đã tăng lên 4.000 đồng/cuốn, thậm chí cao hơn. Nhân lên 3 lần cho tập vở của một cấp học, cũng là một chi phí không nhỏ bên cạnh nhiều chi phí khác vào mùa nhập học. Chị than thở: Chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày khai giảng, thế nhưng em Trần Thị Thu vẫn chưa chuẩn bị được gì ngoài bộ sách cũ lớp 8 mà một người bạn hàng xóm mới cho. Ba mẹ em đều phải đi làm thuê, anh trai của em năm nay lên lớp 9 nhưng đã quyết định nghỉ học để đi phụ hồ. Trong căn phòng ọp ẹp của cả gia đình, tài sản lớn nhất chỉ là chiếc giường đã cũ và chiếc bàn học. Thu tâm sự: “Nghỉ hè không phải để vui chơi, cũng không phải để đi học thêm, cũng không được ở nhà với bố mẹ. Nghỉ hè rong ruổi đi bán vé số kiếm tiền để vào năm học mới mua sách và đóng học”. Ý kiến ấy được bố mẹ của em Nguyễn Tiến Minh -Học sinh Trường THPT Hùng Vương ủng hộ bởi vì em đã 15 tuổi, đã làm được việc nếu em không đi làm thì vào năm học mới sẽ không có tiền mua sách mua vở và đóng góp cho nhà trường. Sau một mùa hè, thấy em đen đi, gầy đi nhưng lại thấy niềm vui tràn trong khóe mắt vì có tiền mua sách vở và đóng học. Dẫu biết đó là những đồng tiền kiếm được do đôi tay bé con của một cậu bé, nhọc nhằn đến khó tả. “Tuổi thơ ai mà chẳng có, chỉ có điều khác biệt hèn sang…” Có những tuổi thơ đặc biệt việc được đi học đã khó, nói chi tới việc học trong điều kiện đủ đầy lại càng xa xôi hơn! Để gánh nặng nghèo khó không làm đứt quãng con đường học hành của những số phận học trò khó khăn, năm nào, Ban vận động vì người nghèo thành phố cũng dành một khoản lớn kinh phí để trao học bổng, xe đạp và vé xe buýt cho những học sinh nghèo trên địa bàn phường-xã nghèo trọng điểm thành phố. Bên cạnh đó thì các tổ chức, cá nhân hảo tâm khác cũng chung tay vào việc giúp học sinh nghèo đến trường. Đặc biệt, tại các Trường học đều có chích sách hỗ trợ riêng dành cho học sinh khó khăn trãi dài trong suốt năm học. Một trong những trường có chính sách hỗ trợ rất tốt là trường THPT Cần Thạnh-Huyện Cần Giờ-một ngôi trường có trên 50% học sinh thuộc diện nghèo, ông Lê Hữu Hân-phó hiệu trưởng Trường cho biết: Vâng, dẫu biết rằng bên cạnh các em luôn có sự đồng hành của xã hội. Thế nhưng, thấp thoáng đâu đó vẫn có những nỗi niềm, khiến niềm vui trong ngày khai trường không thể trọn vẹn. Những học trò nghèo-cần lắm những tấm lòng hảo tâm trước mùa tựu trường./. Hồng Thúy

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/index.aspx?catid=26&id=20113