Bài 1: Học chưa đi đôi với hành

Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” đã đi được hơn nửa chặng đường, nhưng kết quả tổng kết mới đây cho thấy chưa đạt và so với mục tiêu vẫn còn khoảng cách khá xa.

Trong khi, mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong môi trường học tập và giao tiếp xã hội của người Việt còn chưa xong thì việc ngành Giáo dục đưa thêm một số ngôn ngữ khác như tiếng Đức, tiếng Hàn hay tiếng Trung… vào một số trường phổ thông (dù theo tinh thần tự nguyện) dường như tiếp tục “làm khó” học sinh.

“Chúng ta vẫn chưa chú trọng đúng mức với thực tế, thực hành, nên nhiều học sinh, sinh viên dù học và thi đạt điểm cao, nhưng khi gặp người nước ngoài vẫn lúng túng trong giao tiếp. Chúng ta cần hướng tới học ngoại ngữ để phục vụ công việc, phục vụ cuộc sống, chứ không phải học để lấy điểm cao” - đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ khi bàn về những vấn đề còn tồn tại trong việc dạy và học ngoại ngữ tại Hội nghị Thông báo kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (gọi tắt là Đề án ngoại ngữ quốc gia 2008 - 2020) vừa tổ chức mới đây.

Khi dạy và học vẫn là sự gượng ép

Theo báo cáo đánh giá của Bộ GDĐT về kết quả thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2008- 2020, dù đã đi được hơn nửa chặng, nhưng kết quả đạt được so với mục tiêu vẫn còn khá xa. Cụ thể, từ năm 2011 - 2015, số tiền đã chi là hơn 3.829 tỉ đồng (trong đó, 2.198 tỉ đồng được cấp từ ngân sách Trung ương và 1.631 tỉ đồng từ nguồn đối ứng của địa phương). Song cho đến năm 2015, tỉ lệ học sinh phổ thông theo học chương trình tiếng Anh 10 năm mới đạt 23,6%, trong khi đó bậc tiểu học đạt 53,3%, THCS đạt 10,2% và THPT chỉ đạt 1,3%. Kết quả "đội sổ" của môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 cũng là một tham chiếu đáng chú ý khi điểm tiếng Anh bình quân của cả nước là 3.43 điểm (với 84% thí sinh đạt điểm dưới trung bình).

Muốn học ngoại giữ giỏi, phải bắt đầu từ bậc tiểu học.

Đặc biệt, dù được đầu tư đáng kể để đào tạo và bồi dưỡng, nhưng chất lượng đội ngũ giáo viên - yếu tố quyết định cho việc dạy học - so với chuẩn còn thấp. Tại các địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Tuyên Quang, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Nam, Bạc Liêu…tỉ lệ đạt chuẩn mới từ 7 - 15%. Ở TP.HCM, tỉ lệ này gần 50%. Kết thúc năm học 2015-2016, cả nước mới có 7.964 trong số 21.412 giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, chiếm 37,19%; 12.388 trong số 33.741 giáo viên tiếng Anh THCS đạt chuẩn, chiếm 36,71%; còn bậc THPT mới có 4.447 trong số 17.028 giáo viên tiếng Anh THPT đạt chuẩn, chiếm 26,12%.

Theo lãnh đạo Sở GDĐT một số tỉnh, thành, việc thực hiện mục tiêu của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 chưa đạt được kết quả như mong muốn có nhiều nguyên nhân. Nhưng trong đó có 2 vấn đề nổi cộm, đó là động cơ của người học và người dạy. Theo TS Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GDĐT Thừa Thiên Huế, khó khăn hiện nay là phần lớn học sinh chưa có động cơ và ý thức học tập môn ngoại ngữ. Nhiều học sinh và phụ huynh ngại chương trình tiếng Anh mới, nên việc triển khai mở rộng chương trình tiếng Anh hệ 10 năm gặp nhiều khó khăn nhất là vấn đề thi, kiểm tra…

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Minh Trí - Phó Giám đốc Sở GDĐT Quảng Ngãi cho biết, qua khảo sát năng lực chuyên môn của giáo viên tiếng Anh tại địa phương còn rất yếu ở tất cả các kỹ năng. Đa số các giáo viên, các đơn vị trường phổ thông và cả các phòng GDĐT đều có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào các lớp bồi dưỡng do Sở và Bộ GDĐT tổ chức. Đặc biệt, hiện đã có hiện tượng nhiều trường đại học tổ chức bồi dưỡng ôn tập qua loa, cấp chứng nhận năng lực ngôn ngữ tiếng Anh ồ ạt cho giáo viên tại nhiều địa phương. Do đó, ông Trí kiến nghị, Bộ GDĐT tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác đào tạo bồi dưỡng và tổ chức khảo sát cấp chứng nhận trình độ năng lực ngôn ngữ tiếng Anh của các trường ĐH đã được Bộ GDĐT giao nhiệm vụ.

Lộ trình cần có bước đi cụ thể

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, tiếng Anh và công nghệ thông tin là 2 công cụ giúp thế hệ trẻ Việt Nam hội nhập với thế giới. Vì thế, dạy và học tiếng Anh đã trở thành nhu cầu và xu thế trong tiến trình hội nhập. Hiện chưa có lộ trình cụ thể đến năm bao nhiêu, tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam, vì đó là một quá trình rất dài. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định: “Nếu bây giờ không đặt ra và bắt đầu làm thì chẳng bao giờ đạt được”. Bởi như Singapore, sau khi cố Thủ tướng Lý Quang Diệu có ý tưởng đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2, phải mất 38 năm sau, đất nước này mới đạt được mức độ trung bình trong việc sử dụng tiếng Anh. Vì vậy, mục tiêu của Việt Nam không thể đạt được trong vòng 10-20 năm tới nhưng cần sự chuẩn bị từ bây giờ.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, để nâng cao được trình độ tiếng Anh, phổ cập tiếng Anh, sẽ rất tốn kém. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ dựa vào ngân sách thì sẽ thất bại ngay từ đầu. Chủ trương của Bộ GDĐT là không đầu tư dàn trải, phân tán dẫn đến lãng phí, mà tập trung vào những vấn đề cốt lõi. Vấn đề quan trọng nhất là hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, cần trông cậy vào xã hội hóa. Khi xã hội thấy hiệu quả của việc học ngoại ngữ, mọi người sẽ tự học.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, không nên xem Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 sẽ giải quyết được mọi tham vọng về thành thạo ngoại ngữ. Do đó, trước mắt, ngành sẽ tập trung vào 2 vấn đề lớn: Thứ nhất, Bộ sẽ chịu trách nhiệm xây dựng chuẩn/quy chuẩn và đào tạo bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh cho tốt. Cách làm trước đây là chia về cho từng địa phương, nên mới có chuyện đầu tư không “trúng”. “Bây giờ, Bộ sẽ tập trung về các đầu mối là trung tâm ngoại ngữ của các trường ĐH ngoại ngữ, họ sẽ xây dựng chuẩn/quy chuẩn, nội dung chương trình. Căn cứ vào đó, họ “đo” giáo viên đang có để đào tạo lại theo chuẩn. Bộ sẽ chỉ đạo tăng cường công nghệ thông tin để có thể đào tạo trực tuyến. Thứ hai, ngành Giáo dục sẽ tập trung giải quyết vấn đề khảo thí. Khảo thí sẽ làm theo hướng chuẩn, xã hội hóa và kéo các tổ chức khảo thí quốc tế vào. Bộ sẽ chia ra làm 2 khu vực. Đối với bậc phổ thông hoặc với những người không đi nước ngoài, sẽ dùng chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu. Đối với những người có nhu cầu cao hơn, sẽ dùng luôn các chứng chỉ quốc tế như TOEFL, IELTS”- Bộ trưởng Nhạ cho hay.

Mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ

Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành (từ lớp 6 đến hết lớp 12); triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông, đến năm học 2020 - 2021, 100% số học sinh lớp 3,70% lớp 6 và 60% lớp 10 được học chương trình mới (10 năm). Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp. - Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp.

Đến năm 2020, 60% số học sinh trường trung cấp, 100% số sinh viên trường CĐ và tới năm 2025, 90% số học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc VN và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm.

Đến năm 2018 - 2019, 100% các trường ĐH triển khai đào tạo chương trình tiếng Anh tăng cường; 100% số sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn (bậc 5). Đến năm 2020, 70% số sinh viên ĐH không chuyên ngữ và đến năm 2025, 100% số sinh viên ĐH không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp (bậc 3). Tiếp tục đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu người học.

Đến năm 2020, 50% số người học đạt chuẩn đầu ra. Đến năm 2025, 100% số người học đạt chuẩn đầu ra phù hợp với mục tiêu của từng khóa học. - Phấn đấu vào năm 2020: 40% số cán bộ, công chức, viên chức nói chung có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3. Đến năm 2025, đạt tỉ lệ tương ứng là 60% và 40%.

Bài 2: Cần cú hích để tạo động lực Hữu Thành

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bai-1-hoc-chua-di-doi-voi-hanh-42512.html