Bài 1: Gánh nặng năm học mới

QĐND - LTS: Năm học mới 2014-2015 đã cận kề. Đây là năm học có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Vậy làm gì và làm thế nào để thực hiện nhiệm vụ đó trong khi nền giáo dục đang có quá nhiều vấn đề bất cập? Đó là nội dung xuyên suốt của vệt bài do các chuyên gia giáo dục, các nhà giáo và nhà báo tâm huyết thực hiện.

Gánh nặng sách giáo khoa

Trước ngày khai giảng năm học mới 2014-2015, cộng đồng mạng xôn xao bởi lá thư của một em học sinh lớp 12 ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang gửi tới Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Lá thư đã công khai phê phán bộ sách giáo khoa hiện hành với 3 điều khó là: Khó hiểu, khó để tự học và khó để vận dụng vào đời sống thực tế. Chính bộ sách “3 khó” này và kỳ thi “3 chung” đã đẩy học sinh vào xu thế phải học lệch để tối ưu hóa cơ hội đỗ đại học, chấp nhận từ bỏ niềm vui khi khám phá tìm tòi tri thức.

Học sinh trường Tiểu học Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội) đón năm học mới.

Trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã khẳng định, nhận định của em học sinh nói trên là đúng. Chương trình và sách giáo khoa mà chúng ta đang sử dụng được thiết kế và biên soạn theo tư duy là chú trọng truyền thụ kiến thức và khi chúng ta truyền đạt như vậy thì tiêu chí đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông là do vị trí, tầm quan trọng, mức độ phát triển của khoa học quyết định. Cũng do cách thức thiết kế sách giáo khoa theo từng lĩnh vực khoa học, làm cho kiến thức dạy và học trong trường phổ thông mang tính hàn lâm và không gần cuộc sống. Khi đó, việc không dễ hiểu và không tự học là chuyện bình thường. Do vậy, hạn chế tính sáng tạo, tự học của học sinh.

Xây dựng sách giáo khoa mới sẽ là một trong những nhiệm vụ nặng nề của ngành giáo dục trong năm học này. Sách giáo khoa mới sẽ được biên soạn theo triết lý giáo dục mới: Đó là chuyển nền giáo dục từ truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất từng cá nhân học sinh.

Gánh nặng thiếu trường, lớp

Theo báo cáo của các địa phương, ngày khai trường đã cận kề mà ở nhiều nơi bài toán thiếu trường, thiếu lớp vẫn chưa giải được. Kế hoạch tuyển sinh năm học 2014-2015 của Trường Mầm non xã Diễn Thành (huyện Diễn Châu, Nghệ An) được phê duyệt gồm 16 nhóm lớp với số học sinh được huy động là 524 cháu. Do yêu cầu trong công tác phổ cập nên 100% cháu 5 tuổi đều được Trường Mầm non Diễn Thành tuyển sinh, nhận vào học. Riêng các nhóm trẻ từ 2 tuổi đến 4 tuổi, nhà trường chỉ có thể tiếp nhận 359 cháu trên tổng số 677 cháu trong độ tuổi trên địa bàn và nằm trong diện ưu tiên thuộc gia đình chính sách như con thương binh, bệnh binh, hộ nghèo, bộ đội, biên giới, hải đảo có hộ khẩu gốc xã Diễn Thành. Vì vậy, còn 318 cháu dôi ra do nằm ngoài chỉ tiêu tuyển sinh của trường, phụ huynh chỉ còn cách là gửi học tạm tại các trường tư thục, gửi anh em, ông bà trông hộ hoặc để cháu ở nhà.

Việc thiếu lớp học không chỉ diễn ra ở xã Diễn Thành mà nhiều địa phương khác cũng có tình trạng tương tự. Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, cơ sở vật chất trường lớp học trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Riêng cấp học mầm non, hiện còn 570 phòng học tạm, học nhờ, 261 phòng học mượn.

Tại Long An hiện nay có khoảng 14.500 trẻ là con công nhân tại các cụm- khu công nghiệp có nhu cầu đi nhà trẻ và học mầm non. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 3.500 được gửi tại các trường mầm non (cả công lập và tư thục).

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, việc thiếu lớp học, nhất là lớp học ở bậc mầm non công lập trong năm học 2014-2015 vẫn còn khá căng thẳng. Tình trạng lớp học bậc tiểu học, trung học cơ sở có sĩ số hơn 50 vẫn đang là phổ biến ở nhiều trường, trong khi quy định mỗi lớp không quá 40 học sinh.

Triển khai các giải pháp, nâng chất lượng giáo dục

Đó là một trong những nội dung được Bộ GD-ĐT nhấn mạnh trong Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục năm học 2014-2015. Theo đó, năm học này, toàn ngành tập trung triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Về công tác quản lý GD-ĐT, ngành đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, ban hành đồng bộ hệ thống văn bản về quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương; triển khai công tác dự báo, quy hoạch, kế hoạch phát triển GD-ĐT đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Ngành tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ của cơ sở giáo dục; tăng cường thanh tra quản lý nhà nước về GD-ĐT, xử lý nghiêm các sai phạm và thông báo công khai trước công luận.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội để xây dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực gây bức xúc trong nhân dân; bảo đảm an ninh, trật tự trường học; phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh.

Gánh nặng năm học mới 2014-2015 khá nặng đối với ngành giáo dục. Thế nhưng, nếu có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội thì gánh nặng sẽ được san sẻ.

Bài, ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ

Bài 2: Chọn khâu đột phá từ các nhà giáo

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/kinh-te-xa-hoi/bai-1-ganh-nang-nam-hoc-moi/318884.html