Bài 1: Đắm mình trong tình nghĩa anh em

Đầu tháng 5, Thủ đô Viên-chăn (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) chào đón chúng tôi trong màu nắng vàng thau. Những câu chào “Xa bai đi” đan xen vào nhau khi Đoàn đại biểu Báo Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam bước chân xuống sân bay quốc tế Wattay, làm cho mọi người được đắm mình trong sự thân thiện, mến khách của đất nước Lào tươi đẹp. Những cái bắt tay, những nụ cười rạng rỡ như hoa Chăm-pa của các bạn Lào, làm chúng tôi thấy như vừa trở về nhà mình. Tình cảm cứ thế quyện vào nhau, đắm say, ngất ngây để chia sẻ, để yêu thương…

Gia đình báo chí quân đội

Buổi trưa đến Viên-chăn, thì ngay buổi chiều Đoàn đại biểu Báo QĐND Việt Nam do Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Báo QĐND Lào. Trên con đường từ Khách sạn Ang-kham đến Bộ Quốc phòng nước bạn, tôi tranh thủ ngắm Thủ đô Viên-chăn sau hơn 20 năm xa cách. Vẫn bình yên êm đềm, vẫn mộc mạc dễ thương, Viên-chăn hôm nay đã có nhiều đổi thay khi những tòa nhà cao tầng mọc lên. Nhiều con đường nhựa rộng, thoáng thay cho những con đường đất đá trước đây. Vẻ hiện đại làm cho thành phố ngày càng tráng lệ, nõn nà, nhưng vẫn đầy dáng vẻ e ấp, thẹn thùng, kín đáo, và chân thật, như một vẻ đẹp giản dị, chan hòa, chất phác của con người và đất nước Lào bao đời nay.

Trung tá Chăn-phêng Duông-xạ-vẳn, Trưởng phòng Quốc tế của Báo QĐND Lào là người gần gũi, hóm hỉnh. Nếu mới gặp lần đầu, ai cũng nghĩ chị là một phụ nữ Việt Nam đang công tác tại Lào. Cùng với Trung tá, Phó tổng biên tập Sổm-chay Chăn-tha-vông, Thiếu tá Su-la-xay của Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng Lào)… chị Chăn-phênh là cầu nối để chúng tôi tiếp xúc, làm việc với các bạn Lào dễ dàng hơn. Chị Chăn-phêng từng là lưu học sinh Lào học tập 10 năm phổ thông tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ trong những năm cuối của kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vì thế, chị biết rất nhiều từ ngữ trong tiếng Việt, kể cả những câu ca dao, những câu bông đùa, ví von hay từ lóng.

Lễ buộc chỉ cổ tay cho Đoàn đại biểu Báo QĐND Việt Nam. Ảnh: Huy Đông

Nhịp nhàng trong điệu Lăm-vông. Ảnh: Huy Đông

Căn phòng dành cho buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Báo QĐND Việt Nam và Báo QĐND Lào tràn ngập nụ cười. Đại tá Khăm-sảo Keo-vi-sệt, Tổng biên tập Báo QĐND Lào giới thiệu về tờ báo của mình bằng những lời tâm sự chân tình. Anh tự hào, tin tưởng khi Báo QĐND Lào luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội Lào giao phó, nhưng cũng trăn trở với những khó khăn, thiếu thốn, vất vả mà tờ báo đang phải nỗ lực khắc phục vượt qua. Anh nhắc lại nhiều kỷ niệm giữa Báo QĐND Lào và Báo QĐND Việt Nam. Những kỷ niệm sâu sắc, ấn tượng không bao giờ quên từ thời Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống, Trung tướng Lê Phúc Nguyên làm Tổng biên tập Báo QĐND Việt Nam khiến ai cũng bồi hồi, xúc động. Đó là những lần thăm hỏi nhau, những lần tổ chức hội thảo, tọa đàm về nghiệp vụ; sự chỉ dẫn, giúp đỡ của các cán bộ, phóng viên Việt Nam đối với Báo QĐND Lào; những buổi giao lưu văn hóa giữa hai tờ báo ở Hà Nội hay Viên-chăn luôn ngập tràn tình nghĩa...

Trong những năm qua, Báo QĐND Lào luôn chú trọng tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Lào trong lực lượng vũ trang và nhân dân; tuyên truyền hiệu quả cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ huấn luyện giỏi, rèn luyện nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao. Với điều kiện phương tiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng các nhà báo chiến sĩ của bạn vẫn có mặt khắp mọi nơi trên đất nước để chụp ảnh, lấy thông tin, tài liệu viết bài. Có lẽ vì thế mà Báo QĐND Lào đã được bạn đọc cả nước tin tưởng và tìm đọc. Điều mà anh Khăm-sảo trăn trở hiện nay là làm sao tờ báo đến với bạn đọc nhanh hơn với thông tin cập nhật và phong phú hơn trên cả báo in và báo điện tử, có được công nghệ làm báo hiện đại hơn.

Báo QĐND Việt Nam với bề dày 67 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, tờ báo được Bác Hồ đặt tên và được phong tặng danh hiệu anh hùng 2 lần cũng đang nỗ lực để hiện đại hóa theo hướng truyền thông đa phương tiện. Nhiệm vụ xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý giỏi để nâng cao chất lượng tuyên truyền, cùng việc trang bị nhiều phương tiện làm báo hiện đại đang là mục tiêu hàng đầu của Báo QĐND Việt Nam. Thiếu tướng Phạm Văn Huấn rất muốn sự phối hợp tuyên truyền, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là công việc làm báo, quản lý báo chí, phòng, chống “Diễn biễn hòa bình”, “Tự chuyển biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ giữa hai tờ báo ngày càng khăng khít, hiệu quả hơn. Sau khi đi thăm và tìm hiểu công tác làm báo của bạn, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn lại càng mong mỏi sự phối hợp, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai tờ báo cần được xúc tiến nhanh hơn trong thời gian tới.

Đánh giá cao hoạt động phối hợp giữa hai tờ báo quân đội của hai nước, Thiếu tướng Vanthong Kongmane, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Lào trong buổi tiếp chúng tôi, tâm đắc: “Những hoạt động phối hợp giữa hai tờ báo trong hàng chục năm qua, là một việc làm rất ý nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, thì sự phối hợp ấy lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Tôi mong các đồng chí sẽ làm tốt những gì đã bàn bạc, thỏa thuận, để tờ báo quân đội của hai nước luôn có uy tín cao trong nền báo chí cách mạng của chúng ta”.

Điệu Lăm-vông thương nhau

Tôi đã từng dự Lễ buộc chỉ cổ tay của người Lào, nhưng buổi lễ do Báo QĐND Lào tổ chức tối nay hình như chứa đựng nhiều tình cảm quý trọng, yêu thương hơn. Lễ buộc chỉ cổ tay được tiến hành vào các dịp Tết Bunpimay (Tết truyền thống của Lào), vào dịp cưới xin, dịp tiễn người đi xa hoặc trở lại nhà sau thời gian xa cách… Phong tục này đặc biệt còn dành cho bạn bè thân thiết với gia chủ. Tục lệ buộc chỉ cổ tay là nét văn hóa độc đáo, thể hiện lòng mến khách đối với bạn bè của người Lào. Buộc chỉ cổ tay kèm với những lời chúc bình an, may mắn là một thông điệp mà mỗi người dân nơi đây dành cho mọi người xung quanh, bạn bè quốc tế rằng chúng tôi yêu mến các bạn.

Lễ buộc chỉ cổ tay được các đồng chí Báo QĐND Lào chuẩn bị rất chu đáo. Một mâm lễ cho buổi lễ (gọi là mâm Khoẳn) gồm có rượu, hoa, trứng, gà, xôi nếp, nước và chỉ đủ màu sắc trang trí thành một hình tháp và trên đỉnh sẽ cắm một cây nến vàng. Bắt đầu vào buổi lễ, chúng tôi và các bạn Lào ngồi xung quanh mâm Khoẳn. Chủ lễ châm cây nến trên đỉnh của mâm Khoẳn và khấn vái. Mọi người xung quanh tay trái cầm sợi chỉ, tay phải chạm nhẹ vào mâm. Những người ngồi xa, không với tới mâm thì vẫn chắp tay trái trước ngực, tay phải chạm nhẹ vào khuỷu tay của người ngồi phía trước để truyền lời nguyện tới tất cả các thành viên tham dự và tăng thêm sự gắn kết, tình đoàn kết giữa các thành viên dự lễ.

Sau những câu khấn vái của chủ buổi lễ, chúng tôi được các bạn Lào thay nhau buộc chỉ vào cổ tay, cùng với những câu chúc: “Chúc cho anh sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống nhé”. Có người lại nói với tôi khi buộc chỉ: “Nào, những điều xấu, điều không hay đi hết ra, mọi thành công, hạnh phúc, thịnh vượng chạy vào đây”. Hai cổ tay của chúng tôi các vòng chỉ đủ màu ngày càng dày thêm. Nhận mỗi vòng chỉ, chúng tôi phải ăn một miếng trứng luộc, hay một nắm xôi và uống một ngụm rượu. Chỉ sau ít phút, ai cũng lâng lâng, ngất ngây trong tiếng nói, tiếng cười và những điệu nhạc.

Buổi tiệc diễn ra, cùng với những câu chuyện râm ran khiến căn phòng tràn ngập tình yêu thương. Rất nhiều cán bộ, phóng viên của Báo Nhân dân, Báo QĐND Lào và các cơ quan báo chí khác, của các bạn trong Cục đối ngoại-Bộ Quốc phòng Lào đã từng học tập, nghiên cứu ở nước ta, kể cho chúng tôi nghe biết bao kỷ niệm ấn tượng về đất nước Việt Nam anh hùng, tươi đẹp, nghĩa tình và thủy chung. Không ít người đã là con nuôi của các gia đình Việt, họ nhớ những người thầy đã dốc lòng truyền đạt kiến thức, dạy dỗ mình nên người. Một số khác lại nhớ về những mối tình sâu nặng không thể nào quên. Câu chuyện của các bạn Lào lôi cuốn chúng tôi ra những điệu múa Lăm-vông lúc nào không hay.

Múa Lăm-vông không chỉ là nét sinh hoạt văn hóa tập thể độc đáo của người Lào, mà nó còn thể hiện tình hữu nghị quốc tế. Chúng tôi nhún chân, xòa tay theo điệu nhạc. Những người chưa quen với Lăm-vông sẽ được các bạn Lào hướng dẫn ngay. Và cũng chỉ cần vài phút, ai cũng có thể đắm chìm vào vòng Lăm-vông đằm thắm. Bước chân của tôi lâng lâng, bàn tay của tôi uốn lượn. Tôi không bị say men rượu, mà say bởi dáng điệu và ánh mắt đưa tình của những thiếu nữ Lào. Câu hát trong bài “Thắm tình hữu nghị Việt-Lào” làm bước chân tôi nhẹ tênh, cảm giác như được bay lên, bồng bềnh trong chan hòa yêu thương “Về nơi đây dưới trời Thủ đô, Hà Nội-Viên Chăn xanh ngát xanh hòa bình. Thắm tình hữu nghị bên nhau, Việt-Lào mãi mãi bền lâu. Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Viên Chăn-TP Hồ Chí Minh, Tháng 5-2017

LÊ PHI HÙNG

(Còn nữa)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/bai-1-dam-minh-trong-tinh-nghia-anh-em-508129