Bài 1: Cấp thiết cho TPHCM cơ chế phù hợp

Xung quanh phương án giảm tỷ lệ thu ngân sách TPHCM được giữ lại từ 23% còn 18%, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức đề nghị TPHCM chia sẻ khó khăn với Trung ương. Rõ ràng, đây là một lời đề nghị “khó từ chối”. Trong bối cảnh ấy, TPHCM cần điều gì để có động lực phát triển?

Được quyền chủ động hơn nữa

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng 474 chung cư cũ cần được kiểm định, đánh giá chất lượng. Trong đó có đến 106 chung cư đã xuống cấp nặng nề mà “mắt thường” cũng nhìn thấy như chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5), chung cư Cô Giang (quận 1)…

Nhiều năm nay, TPHCM đã lên kế hoạch xây dựng mới các chung cư cũ này nhưng tiến độ thực hiện rất chậm. Theo ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, cản ngại lớn nhất là cơ chế. Nếu xây mới mà làm theo quy mô cũ thì chẳng hấp dẫn nhà đầu tư bởi những người dân tại các chung cư cũ sẽ được tái định cư tại đây sau khi công trình xây dựng xong.

Không thể kinh doanh thêm nhiều từ chung cư mới, hầu như chẳng có nhà đầu tư nào muốn làm. TPHCM muốn “cho” thêm tầng cao, tăng mật độ sử dụng đất để hấp dẫn nhà đầu tư, lại vướng rất nhiều quy định của các bộ ngành trung ương. Theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, tất cả các công trình nhà ở cao tầng cấp 1 (từ 22 tầng trở lên) phải trình Bộ Xây dựng xem xét, quyết định. Phải “lo” thủ tục đầu tư từ TPHCM tới các bộ ngành, rất nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc vì mất quá nhiều thời gian và chi phí.

“Điều mà TPHCM cần nhất trong lúc này là được chủ động hơn nữa trong các quyết định đầu tư phát triển TP mà câu chuyện về việc sửa chữa, xây dựng mới chung cư cũ là một trong những điển hình về những thủ tục đang ràng buộc TP.

Với mật độ dân số cao, mỗi năm, chỉ tính riêng số người nhập cư mới vào TP đã lên tới con số hàng chục ngàn người. TPHCM đang rất cần có các cao ốc mới để giải quyết chỗ ở cho người dân mà cứ mỗi cao ốc vượt quá 22 tầng phải ra Bộ Xây dựng xin là điều không hợp lý. Nếu TPHCM có được cơ chế tự chủ hơn nữa, xét thấy nhu cầu cần thiết phải có nhà mới cho dân, thành phố quyết ngay, thì đến nay tiến độ xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ không đến nỗi chậm chạp như vậy.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đưa vào đầu tư của TPHCM khoảng 200.000 tỷ đồng, nhưng trong đó vốn ngân sách chỉ hơn 12.000 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của TPHCM đối với nhà đầu tư rất lớn. Chắc chắn rằng, nếu giảm được thủ tục hành chính, Trung ương mạnh mẽ giao quyền cho TPHCM được quyết sớm, sẽ còn nhiều nhà đầu tư với nhiều nguồn vốn lớn đổ vào thành phố”, ông Nguyễn Thành Tài phân tích.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Tài, hiện nay về cơ bản, ngân sách Trung ương giao cho TP với nhiều quy định cụ thể đến từng dự án. Việc này làm cho TP không chủ động phân bổ được nguồn vốn vào những nơi cấp thiết. Nên chăng, Trung ương giao ngân sách và TPHCM được chủ động sử dụng nguồn vốn này. Hiệu quả đầu tư sẽ là chỉ tiêu để Trung ương đánh giá công tác đầu tư của TP. Trong công tác tổ chức bộ máy cũng vậy.

Hiện Trung ương giao chỉ tiêu giáo dục cho TPHCM trên cơ sở những người có hộ khẩu thực tế ở TP. Tuy nhiên, là trung tâm kinh tế của cả nước, TPHCM đang thu hút rất nhiều người lao động ở các tỉnh đến sinh sống và làm việc. Họ có gia đình và con cái họ có nhu cầu đi học.

Kết quả, TPHCM lại phải “đi xin” thêm chỉ tiêu giáo dục để giải quyết nhu cầu đi học của con em những người nhập cư. Hay như một chuyện nhỏ hơn: Tại sao TPHCM không thể xử lý những người cố tình câu cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè? Bởi vì không có quy định nào để xử phạt hành vi này. Nếu TPHCM được chủ động ban hành một số quy định về chế tài liên quan đến các hành vi như vậy, có lẽ tình trạng này đã được hạn chế.

Tạo vốn cho khởi nghiệp

Theo một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, hầu hết doanh nghiệp (DN) Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ. Chính sự nhỏ bé, yếu ớt này (cùng một số nguyên nhân khác) mà nhiều lúc nước ta đã phải chấp nhận cho đầu tư nước ngoài vào với công nghệ lạc hậu. Nếu DN trong nước lớn mạnh, nước ta sẽ có thêm điều kiện để “mặc cả” với các nhà đầu tư nước ngoài, buộc họ phải đầu tư công nghệ tiên tiến nếu muốn vào Việt Nam.

DN trong nước lớn mạnh sẽ tạo ra được việc làm và sẽ có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho Nhà nước. Chính phủ đang kêu gọi tinh thần khởi nghiệp của người dân. TPHCM với vai trò là trung tâm kinh tế của cả nước, chắc chắn sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những mầm ươm khởi nghiệp. Vậy nên chăng Chính phủ tạo điều kiện đặc biệt hơn nữa cho phong trào khởi nghiệp ở TPHCM? Có thể Chính phủ cho phép TPHCM chủ động hơn trong việc tạo vốn vay ban đầu với lãi suất ưu đãi và ban hành một số cơ chế khuyến khích người khởi nghiệp?

Ngoài ra, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong xóa đói, giảm nghèo nhưng số hộ thuộc diện nghèo ở TP vẫn còn. Trong khi giảm tỷ lệ thu ngân sách TPHCM được giữ lại, nếu được tự chủ hơn, TPHCM sẽ xây dựng thêm được nhiều “kênh” thu hút vốn cho công tác giảm nghèo. Chính phủ sẽ ưu tiên bổ sung thêm một số nguồn vốn ODA cho TPHCM. Đây là quyết định đúng đắn nhưng nếu có được cơ chế chủ động hơn, TPHCM có thể tùy nhu cầu, năng lực tìm kiếm thêm các nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài mà không cần chờ Chính phủ rót xuống.

Là trung tâm kinh tế của cả nước, sức hấp dẫn của TPHCM đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất lớn. Chỉ cần khơi thông được cơ chế, giảm được thủ tục đầu tư thì TPHCM có thể thu hút được những nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Trong khi tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại từ 23% còn 18%, TPHCM rất cần một cơ chế thông thoáng hơn, đặc biệt hơn, phù hợp hơn để phát triển. “Chỉ cần có cơ chế phù hợp là TPHCM có sự thay đổi tốt hơn”, ông Nguyễn Thành Tài khẳng định.

NGUYỄN KHOA

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161104/bai-1-cap-thiet-cho-tphcm-co-che-phu-hop.aspx