Bài 1: Ba người con với bà Dương Khai Tuệ

Ngày 2.4.2007, người con trai cuối cùng của Chủ tịch Mao Trạch Đông là Mao Ngạn Thanh đã qua đời, thọ 84 tuổi. Đối với rất nhiều người, thông tin này tạo cảm giác vừa quen thuộc lại vừa xa lạ vì tuy mọi người đều biết ông là con của Mao Chủ tịch nhưng lại không nghe nhiều về ông.

Mao Trạch Đông năm 1947, năm Tưởng Giới Thạch điều động 30 vạn quân tấn công Diên An - Ảnh: chinasmack.com

Mao Ngạn Thanh cùng với hai em Lý Mẫn, Lý Nạp là 3 trong gần 10 người con của Mao Trạch Đông được sống trong thời kỳ đất nước Trung Quốc thống nhất. Những người còn lại hoặc bị chết yểu hoặc bị lưu lạc, mất tích trong chiến tranh.

Cả 3 người đều làm công tác nghiên cứu lịch sử, triết học, không dính dáng đến chính trị và rất ít xuất hiện trước công chúng, ngay cả khi Mao Trạch Đông còn tại thế. Từ khi ông Mao qua đời năm 1976 đến nay, người ta chỉ thấy thấp thoáng bóng 3 anh em họ vào những dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của cha họ mà thôi.

Người vợ đầu họ La

Nhiều người nói làm thành viên gia tộc Mao không chỉ có vinh dự mà còn phải chịu nhiều hy sinh, mất mát. Mao Trạch Đông đã cống hiến cho cách mạng Trung Quốc 1 người vợ, 6 người con, 2 người em, 1 người cháu,1 người em họ.

Có thể nói, 4 cuộc hôn nhân của Mao Trạch Đông đều không viên mãn bởi nhiều lý do.

“Mao thị tộc phả” - bộ gia phả họ Mao được chỉnh lý lần thứ 4 hoàn thành vào năm 1940 tại Thiều Sơn (Hồ Nam) có ghi về tình trạng hôn nhân của Mao Trạch Đông thế này: “Nguyên phối (vợ đầu) là La thị, sinh vào giờ sửu ngày 26 tháng 9 năm Ất Sửu, tức năm Quang Tự thứ 15 triều Thanh, từ trần vào giờ dần ngày 13 tháng giêng năm Canh Tuất, tức năm Tuyên Thống thứ 2. Sau đó kết duyên với Dương thị, rồi cưới Hạ thị”.

Năm Quang Tự thứ 15 là năm 1889 còn Tuyên Thống thứ 2 là năm 1910.

La thị xuất thân nông dân, là trưởng nữ của La Hợp Lâu (1871-1943), đồng hương với Mao Trạch Đông. La thị lớn hơn Mao Trạch Đông 4 tuổi, năm 1907 về làm dâu nhà họ Mao, nhưng chỉ 3 năm sau thì qua đời, mới 21 tuổi.

Năm 1936, Mao Trạch Đông có nói về cuộc hôn nhân này như sau: “Thời cuộc nguy cấp như thế, yêu cầu bức thiết như thế, tôi không có thời gian để nói chuyện riêng tư. Tôi không cảm thấy hứng thú với nữ giới. Năm 14 tuổi cha tôi đã cưới về cho tôi một người vợ gần 20 tuổi, song tôi chưa từng cùng cô ấy sống như vợ chồng đúng nghĩa. Tôi không cho rằng cô ấy là vợ tôi và hầu như không hề nhớ đến cô ấy”.

Dương Khai Tuệ và hai con Mao Ngạn Anh, Mao Ngạn Thanh

Dương Khai Tuệ và hai con Mao Ngạn Anh, Mao Ngạn Thanh

Cành dương liễu Dương Khai Tuệ

Trong bài từ Đáp Lý Thục theo điệu Điệp luyến hoa Mao Trạch Đông viết vào năm 1957 có câu: “Ta mất cành dương, người mất liễu/ Dương liễu nhẹ bay thẳng đến mây xanh”. Ý thơ man mác nỗi hoài niệm của Mao Trạch Đông, ký thác tâm sự với linh hồn người vợ, người bạn chiến đấu Dương Khai Tuệ – cành dương liễu trung trinh.

Dương Khai Tuệ sinh ngày 6.11.1901 tại Bản Thương, Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) trong một gia đình trí thức tiến bộ. Năm 1921 cô gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Hai người quen nhau và tiến đến hôn nhân.

Dương Khai Tuệ theo sát bên chồng hoạt động, chịu mọi vất vả, làm công tác cơ yếu, dân vận, liên lạc. Ngày 24.10.1922, Dương Khai Tuệ sinh con trai đầu là Mao Ngạn Anh, năm sau sinh con trai thứ hai là Mao Ngạn Thanh, tiếp đó là con thứ ba Mao Ngạn Long.

Lúc này Quốc dân đảng đàn áp khốc liệt, cách mạng gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1927, lần hợp tác đầu tiên giữa Quốc dân đảng và Cộng sản đảng thất bại, cuộc vận động nổi dậy của nông dân Hồ Nam chìm trong bể máu.

Mao Trạch Đông giã biệt vợ con ra vùng biên giới Tương Cám tổ chức khởi nghĩa Thu Thâu, không ngờ đó là lần vĩnh biệt vợ và biệt tích các con.

Sau khi đại cách mạng thất bại, Quốc dân đảng thực hiện khủng bố trắng nhưng Dương Khai Tuệ vẫn ôm con trở về Bản Thương tiếp tục đấu tranh. Dù bị mất liên lạc với tổ chức cấp trên, cô vẫn tham gia và lãnh đạo đấu tranh vũ trang ở Trường Sa, Bình Giang suốt 3 năm.

Mao Trạch Đông với vợ chồng Mao Ngạn Anh

Tháng 10.1930, Dương Khai Tuệ bị bắt, bị đưa về “đội diệt cộng” của bộ tư lệnh cảnh sát Trường Sa khét tiếng của Quốc dân đảng.

Chịu đựng mọi nhục hình, Dương Khai Tuệ kiên trinh bất khuất nói: “Các ngươi muốn đánh, muốn giết tùy ý nhưng đừng hòng moi được điều gì ở ta”; “Chém đầu cũng như gió thoảng qua, chỉ dọa bọn tiểu quỷ nhát gan, không thể làm nao núng người đảng viên cộng sản”.

Cảnh sát Quốc dân đảng đưa ra điều kiện: Chỉ cần công khai tuyên bố chấm dứt quan hệ vợ chồng với Mao Trạch Đông là sẽ thả ra ngay. Khai Tuệ cười rằng: “Muốn ta cắt đứt quan hệ với Mao Trạch Đông, trừ phi biển cạn non mòn”. Ngày 14.11.1930, Dương Khai Tuệ bị xử tử ở núi Thức Tự, Lưu Dương, năm ấy cô mới 29 tuổi.

Ba người con họ Mao lưu lạc

Mẹ bị giết, cha biệt tăm, ba đứa con họ Mao không nơi nương tựa. Sau đó chú là Mao Trạch Dân, em trai Mao Trạch Đông, bí mật đưa ba anh em lên Thượng Hải, đổi tên thành Dương Vĩnh Phúc, Dương Vĩnh Thọ và Dương Vĩnh Thái.

Không lâu sau thì Mao Ngạn Long bị bệnh lỵ qua đời. Tiếp đó tổ chức đảng ở Thượng Hải bị vỡ, Mao Ngạn Anh lúc ấy 9 tuổi và em Mao Ngạn Thanh 8 tuổi tiếp tục lưu lạc đầu đường xó chợ, làm đủ mọi chuyện như quét rác, đẩy xe, bán báo…

Nhờ bán báo, hai anh em biết được ít nhiều tin tức của cha và đảng Cộng sản trong mục mà báo chí Quốc dân đảng gọi khinh miệt là “tổ phỉ”.

Mãi đến năm 1936, lúc này Mao Trạch Đông và Hồng quân đã thực hiện xong cuộc “vạn lý trường chinh” lịch sử. Tổ chức đảng ở Thượng Hải cuối cùng đã tìm được tung tích Ngạn Anh và Ngạn Thanh, nhưng hai anh em vẫn không được gặp cha.

Năm 1937, một thuộc hạ của tướng quân Trương Học Lương đưa Ngạn Anh và Ngạn Thanh sang Liên Xô gửi vào học tập ở Học viện Thiếu nhi quốc tế. Mãi đến tháng 12.1945, Mao Ngạn Anh đã trở thành một sĩ quan quân đội cấp trung úy, mới được trở về Diên An để gặp cha sau gần 20 năm lưu lạc.

Cha con gặp nhau chỉ mấy ngày, Mao Trạch Đông đã yêu cầu Ngạn Anh xuống vùng thôn quê lao động, sinh hoạt cùng nông dân.

Mao Trạch Đông với vợ chồng Mao Ngạn Thanh

Mao Ngạn Anh hy sinh, Mao Ngạn Thanh về nước

Năm 1947, Tưởng Giới Thạch điều động 30 vạn quân tấn công Diên An. Tháng 3 năm ấy, dân chúng bắt đầu di tản, Mao Trạch Đông và cơ quan trung ương đảng rút sau cùng, nhưng trong đội ngũ gia quyến của các lãnh đạo trung ương không thấy bóng dáng Mao Ngạn Anh vì lúc này anh đã được điều sang công tác ở Bộ Tuyên truyền.

Năm 1948, Mao Ngạn Anh quen với Lưu Tư Tề, con gái của liệt sĩ Lưu Khiêm Sơ và xin tiến tới kết hôn. Mao Trạch Đông kiên quyết phản đối vì Lưu Tư Tề chưa tròn 18 tuổi, mặc cho Ngạn Anh khóc xin.

Ngày 15.10.1949, Mao Trạch Đông mới cho tổ chức tiệc đơn giản tại Trung Nam Hải để làm lễ tuyên hôn cho Ngạn Anh và Tư Tề. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ 1 năm sau, tháng 11.1950, Mao Ngạn Anh tham gia chiến trường Triều Tiên bị máy bay Mỹ tập kích hy sinh, năm ấy mới 28 tuổi.

Mao Trạch Đông vô cùng đau đớn, ngã bệnh, nhưng ông giấu tin này đến 2 năm sau mới cho con dâu biết và khuyên nên cải giá, lại giới thiệu đối tượng, nhưng Lưu Tư Tề không đồng ý.

Riêng Mao Ngạn Thanh đến năm 1948 mới từ Liên Xô trở về Trung Quốc. Do di chứng vết thương ở đầu bị cảnh sát đánh khi lưu lạc ở Thượng Hải hành hạ, anh phải đi điều trị liên tục, đến năm 37 tuổi vẫn còn độc thân.

Bà Lưu Tư Tề – con dâu của Mao Trạch Đông

Theo lời kể của Trương Thế Bảo, Trưởng ban Cảnh vệ Cục Công an Đại Liên, Mao Ngạn Thanh thường xuyên bị bệnh, tính tình nội hướng, không thích nói chuyện. Sau nhờ Lưu Tư Tề giới thiệu em cùng mẹ khác cha của mình là Thiệu Hoa, năm 1960 Mao Ngạn Thanh và Thiệu Hoa nên duyên chồng vợ.

Lễ cưới chỉ là bàn tiệc nhỏ, Mao Trạch Đông không đến dự, chỉ gửi tặng 1 chiếc đồng hồ và 1 máy radio. Mao Ngạn Thanh không tham gia chính trị, quân đội, chỉ làm công tác phiên dịch các tác phẩm của Mác-Lênin từ tiếng Nga sang tiếng Trung.

Theo tiết lộ của ông Ngô Liên Đăng, nhân viên công tác bên Mao Trạch Đông từ những năm 1960 đến 1970, ở những năm tháng cuối đời, Mao Trạch Đông vẫn rất ít khi gặp con trai Mao Ngạn Thanh.

Thượng Văn

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ho-so-c-122/bai-1-ba-nguoi-con-voi-ba-duong-khai-tue-44920.html