Bạch Hải Đường, tên giang hồ lừng danh nhất miền Nam

(Người nổi tiếng) - Sài Gòn là hàng ổ của thế giới giang hồ miền Nam trước năm 1975 với những cái tên khét tiếng như Đại Cathay, Điền Khắc Kim, Sơn “đảo”... Thế nhưng, tên giang hồ lừng danh nhất miền Nam trước năm 1975 lại không xuất thân từ các băng đảng trên đường phố Sài Gòn, mà là ở miền Tây Nam bộ, bên dòng sông Hậu hiền hòa, thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang).

Đó là tên giang hồ Bạch Hải Đường, người được dư luận đồn thổi là có tài xuất quỷ nhập thần, có khả năng bẻ mọi ổ khóa, vượt ngục như làm ảo thuật. Cảnh sát chế độ Sài Gòn gần như bó tay trước khả năng kỳ diệu của Bạch Hải Đường, hắn chỉ thật sự bị thúc thủ trước mạng lưới an ninh nhân dân và sự dũng cảm của các chiến sĩ Công an Nhân dân Việt Nam.

Đây là tên giang hồ duy nhất ở miền Nam mà cuộc đời được viết thành sách, dựng thành phim và tái hiện trên sân khấu cải lương.

Từ sông nước miền Tây hiền hòa

Bạch Hải Đường tên thật là Nguyễn Ngọc Truyện, sinh năm 1950, quê ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Trước khi trở thành tên giang hồ khét tiếng, Nguyễn Ngọc Truyện vốn là đứa trẻ có tuổi thơ đầy gian khó, lam lũ, nhưng rất hiếu thảo với cha mẹ, anh em. Thuở ấy, nơi xóm nghèo của thị xã Long Xuyên, anh Nguyễn Văn Của và chị Lê Thị Huê gặp và kết duyên vợ chồng.

Anh Của làm nghề bốc vác, đẩy xe ở khu vực chợ Long Xuyên, bến xe, còn vợ anh ngày ngày ngồi bên cái thúng bánh mì ở bến xe mời gọi người qua đường ghé mua. Họ sống cực nhọc, nhưng hạnh phúc và hy vọng cho mai sau.

Năm 1950, đứa con trai đầu lòng chào đời, anh đặt tên cho nó là Nguyễn Ngọc Truyện.

Đứa bé khôi ngôi, tuấn tú, trắng trẻo... như làm cho vợ chồng anh Của quên đi cái vất vả, nhọc nhằn, giúp anh có thêm nghị lực trong cuộc sống.

Cuộc sống gia đình cứ lặng lẽ trôi qua trong nghèo khó nhưng tràn đầy hạnh phúc, chị Huê lần lượt sinh thêm bốn đứa con gái, cuộc sống càng thêm nghèo khó trong tiếng cười vui của 5 đứa trẻ nhỏ.

Như bao đứa trẻ cùng trang lứa, Truyện cũng đến trường, nhưng chỉ mới đến lớp bốn là bắt đầu bỏ học, đi chơi với những nhóm trẻ con bên ngoài. Cuộc sống tụ tập, lê la ở những nơi đông đúc, náo nhiệt của những đứa trẻ bụi đời đã hấp dẫn Truyện hơn những lời dạy của thầy cô trong trường.

Truyện ngày càng cứng đầu, lầm lỳ, ít nói, ít cười với cha mẹ và các em. Nó thường lê la đến những quán cà phê, những độ đá gà, đánh bạc... Rồi Truyện bỏ nhà, gia nhập đám trẻ sống bằng nghề lượm ve chai khắp khu chợ, bến đò, bến xe, bến phà, hàng quán.

Vừa lân la lượm ve chai bán cho các chủ vựa kiếm tiền xài, vừa ăn ngủ vật vờ bất cứ đâu, như bao trẻ lang thang khác. Năm Truyện 15 tuổi, ông Của lâm bệnh, ngày càng nặng, nhưng vẫn phải đi làm lơ xe cho những chuyến xe đò từ Long Xuyên đi Sài Gòn để kiếm tiền nuôi gia đình.

Tình cảm đối với người cha đã trỗi dậy trong lòng thằng con trai bụi đời, Truyện từ bỏ cuộc sống đường phố, trở về nhà thay cha lênh đênh trên những chuyến xe đò của hãng xe Tam Hữu chạy từ Long Xuyên về Sài Gòn.

Bôn ba trên những chuyến xe, bến phà từ Long Xuyên đến Sài Gòn, Truyện có điều kiện tiếp xúc với các “anh chị”, đại ca ở nhiều nơi, làm cho máu giang hồ trong cậu bé càng có điều kiện phát triển. Vừa đi lơ xe, Truyện vừa đi học võ ban đêm ở một võ đường vùng Thốt Nốt (nay thuộc TP.Cần Thơ).

Làm lơ xe được 3 năm, khi bước sang tuổi 18, Truyện trở thành chàng thanh niên mạnh khỏe, giỏi võ, đẹp trai, rồi gá nghĩa vợ chồng với người phụ nữ đầu tiên trong đời tên là Hồ Thị Lãnh. Cô Lãnh đã sinh cho Truyện hai đứa con trai kháu khỉnh.

Ở thị xã Long Xuyên cuộc sống quá khó khăn, Truyện cùng vợ con về quê vợ ở Thốt Nốt, vừa để trốn quân dịch, vừa chạy xe lôi kiếm tiền nuôi vợ con. Truyện lúc đó vẫn là người cha, người chồng có trách nhiệm, chăm lo gia đình.

Nhìn hai đứa con trai lớn lên, vợ chồng Truyện rất hạnh phúc. Nhưng rồi nghề chạy xe lôi của Truyện không đủ nuôi gia đình.

Con cái lại liên tục đau bệnh. Ôm con trên tay, nhìn cảnh đời ngang trái vì con nhà người khác lại được nằm viện, được bác sĩ chăm sóc, Truyện càng thấm thía nỗi nhục của cái sự nghèo khó. Truyện đưa vợ con quay về Long Xuyên sống và vẫn thuê một chiếc xe lôi để chạy kiếm tiền.

Cho đến một ngày đầu năm 1971, đứa con đầu đau nặng, không có tiền mua thuốc, trong khi Truyện phải trốn quân dịch, không thể chạy xe lôi để kiếm tiền. Túng quẩn, Truyện liều lấy trộm một chiếc xe honda người ta dựng ngoài đường, đem bán lấy tiền về mua thuốc cho con.

Chân dung Nguyễn Ngọc Truyện – Bạch Hải Đường.

Con đường trộm cướp của Truyện chính thức bắt đầu từ đó. Vốn không ưa lính Mỹ ngông nghênh khắp đó đây, nên Truyện mở đầu cuộc đời trộm cướp của mình cũng bằng cách nhắm vào người Mỹ.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 1971, Truyện đã đột nhập vào các gia đình người Mỹ sống tại Long Xuyên đến tám lần, lấy được năm cái tivi, năm máy thâu băng, ba cái radio, ba máy ảnh, bốn thùng rượu, hai thùng thuốc lá Mỹ, đem bán lấy tiền về lo cho con trị bệnh.

Bước sang tháng 4 năm 1971, tần suất ra tay của Truyện càng dày đặc, với bảy chiếc xe honda trộm được, mỗi chiếc bán với giá từ 20 đến 25 ngàn đồng.

Qua tháng 5 năm 1971, số chiến lợi phẩm của Truyện là 20 xe honda... Những vụ đột nhập nhà người Mỹ lấy nhiều tài sản có giá trị, chỉ trong mấy tháng mà thành phố Long Xuyên có cả trăm chiếc xe honda bị mất, những điều đó đã làm cho lực lượng cảnh sát thành phố phải đặt trong tình trạng báo động. Một chiến dịch truy quét quy mô được tiến hành, nhiều tên trộm cướp bị bắt, riêng Truyện thì vẫn bình yên và tạm “gác kiếm” một thời gian.

Chính thức bước vào thế giới giang hồ, Nguyễn Ngọc Truyện sớm nổi danh là Truyện “xăm mình” vì khắp mình mẫy của y được xăm những dòng chữ, hình ảnh khác người. Những tình cảm tuổi thơ, những đau đớn trong tình yêu, thất vọng trong cuộc sống... đã được Truyện thể hiện trên cơ thể mình bằng kim nhọn và mực Tàu.

Thuở ấy ở Long Xuyên có một “nghệ sĩ” rất khéo tay, xăm hình rất đẹp, Truyện đã là khách hàng thường xuyên của người “nghệ sĩ” này.

Đầu tiên là hình Đức Phật được Truyện xăm ngay giữa ngực, như muốn nói rằng anh ta vốn xuất thân từ lương thiện, từ bi.

Quả thực, trong suốt cuộc đời tội lỗi của mình, Truyện không hề nổ một phát súng nào, không đụng đến mạng người, mà chủ yếu dùng tài năng xuất quỷ nhập thần, võ nghệ cao cường để cướp đoạt, trốn tránh pháp luật.

Là một kẻ từng rất thương yêu mẹ cha, nên phía trên hình Đức Phật trên ngực Truyện là dòng chữ “Phụ mẫu tri ân”. Không chỉ vậy, trên bắp chân rắn chắc của mình, Nguyễn Ngọc Truyện xăm dòng chữ để tỏ lòng thương mẹ: “Xa quê hương, nhớ mẹ hiền”.

Sau lưng mình Truyện cho xăm con đại bàng xòe cánh, đạp lên quả địa cầu với dòng chữ “Vượt trùng dương ra hải đảo”. Vốn rất tôn trọng “luật giang hồ”, sống chết với chiến hữu, nên trên cánh tay trái của Truyện xăm dòng chữ “Kiếp giang hồ tìm bạn bốn phương”.

Tên tướng cướp gây bao đau khổ cho mọi người, hắn cũng biết kêu khổ với dòng chữ trên cánh tay phải: “Tạo hóa ơi, bao giờ con hết khổ?”. Từng bị cay đắng trong tình trường, ngập ngụa trong trụy lạc, Truyện thể hiện bằng hình xăm lên bụng: một cô gái lõa thể và dòng chữ “Thương người chung thủy - hận kẻ bạc tình”, kề bên là con dao găm đâm vào quả tim đang ứa máu...

Xuất quỷ nhập thần

Trong những năm cuối cùng trước khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cái tên Bạch Hải Đường bỗng nổi bật trong giới tội phạm, lấn át hết những cái tên có “số má” khác ở Sài Gòn.

Nhiều giai thoại được đồn thổi rất ly kỳ xung quanh tên cướp, người ta thêu dệt hắn là một tay giang hồ hào hiệp - chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo, chuyên trả thù bằng cách dùng tài nhập nha thần kỳ để trộm vợ của những cố vấn Mỹ và các sĩ quan cảnh sát, quân đội cao cấp chế độ cũ.

Rồi những cuốn sách, kịch bản điện ảnh, sân khấu cải lương đã được xây dựng nhân vật từ những tình tiết hư cấu này, làm Bạch Hải Đường càng thêm nổi tiếng.

Vụ cướp gây tiếng vang đầu tiên của Nguyễn Ngọc Truyện, làm cho y có biệt danh là Bạch Hải Đường, đó là vụ đột nhập vào nhà của dân biểu L.P.S và tư dinh của đại úy Triệu, sếp phó của lực lượng cảnh sát Long Xuyên vào năm 1971.

Một người đẹp tên Lệ là nhân tình của Nguyễn Ngọc Truyện vì quá ghen tuông nên đã báo tin cho đại úy Triệu đến bắt Bạch Hải Đường tại một nơi bí mật.

Truyện bị bắt và bị đại úy Triệu đánh đập dã man, xong cho 2 viên quân cảnh lực lưỡng áp giải về trại giam. Bị còng tay, nhưng khi xe đang chạy, Truyện đã dùng hai cùi chỏ đánh gục hai quân cảnh và phi cú đá như trời giáng vào đầu lái xe rồi lao xuống đường tẩu thoát.

Lực lượng ứng cứu chạy tới kịp thời, nhưng chỉ để cứu 3 quân cảnh đang kêu la vì những vết thương làm ê ẩm mình mẩy.

Sau vụ đó, giới giang hồ Long Xuyên đặt cho truyện biệt danh “Tướng cướp Bạch Hải Đường”, vì nó giống với câu chuyện tên tướng cướp trong tiểu thuyết và bộ phim Đài Loan đang rất thịnh hành khi đó là “Phi tặc Hải Đường Hồng” .

Cho đến ngày nằm trong trại giam Long Xuyên vào năm 1983, biết không qua khỏi vì bệnh tật, Bạch Hải Đường đã xin cán bộ trại giam giấy viết để tường thuật về những vụ trộm cướp đáng kể trong cuộc đời của mình.

Trong bản tự khai, Bạch Hải Đường kể lại hơn 40 vụ đột nhập nhà của các dân biểu Sài Gòn, doanh nhân người Mỹ, cố vấn quân sự Mỹ, nhân viên ngoại giao, cảnh sát, quân cảnh của chế độ cũ...

Hầu hết những căn nhà của họ đều rất kiên cố, có lính canh gác 24/24, nhưng Bạch Hải Đường luôn ra vào trót lọt, chưa bao giờ bị phát hiện? "Trong thời gian đi lấy trộm đồ, tôi toàn vô nhà của người giàu có, nhà của người nước ngoài, nhất là người Mỹ", Bạch Hải Đường viết.

Một lần, Bạch Hải Đường vào nhà ông chủ tên Chuẩn chuyên cho bác sĩ nước ngoài ở thuê. Do bên dưới có lính canh nên Bạch Hải Đường leo lên vách tường nhà chùa rồi leo qua nóc nhà của bác sĩ Chuẩn, "trổ" mái nhà chui xuống ngay phòng của một bác sĩ người Úc đang ngủ.

Trong căn phòng chật hẹp, y đã "dọn" quần áo, đồng hồ đeo tay, một cái rương lớn, quạt máy, máy “thâu băng”... ra khỏi phòng mà ông bác sĩ Úc vẫn rất ngon giấc. Mãi sáng hôm sau thức dậy, nhìn mái nhà có lỗ thủng, bác sĩ này chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Ông chủ nhà tên Chuẩn đã huy động lực lượng để tăng cường công tác bảo vệ an toàn cho khu nhà.

Thế nhưng, chỉ một tuần sau, Bạch Hải Đường lại "viếng thăm" khu nhà một lần nữa, vào phòng của một bác sĩ người Mỹ dọn sạch tất cả đồ đạc có giá trị, kể cả vàng và đô la, chỉ để lại cho gia chủ khẩu súng trong ngăn kéo.

Nhân viên, bác sĩ làm việc trong tòa nhà này sau đó đã dọn đi vì không tin cảnh sát sẽ đảm bảo cho tài sản của họ được an toàn. Có người còn nghi ngờ hai vụ mất trộm do nội bộ thực hiện, bởi lúc nào lính cũng gác rất chặt ở cửa.

Tiếp theo Bạch Hải Đường đột nhập nhà ông Nguyễn Đắc Dần ở đường Gia Long, thị xã Long Xuyên, cho mấy kỹ sư người Mỹ thuê. Lọt vào nhà, y thấy hai người Mỹ đang ngủ say sưa. Bạch Hải Đường lấy hai cái rương lớn cho tất cả những thứ cần lấy vào.

Chưa vội rời khỏi hiện trường, Bạch Hải Đường còn lân la xuống nhà bếp, mở tủ lạnh... Hắn lôi rượu thịt đem ra bàn, ngồi chén say sưa, đến gần hết chai rượu vang đỏ mới chịu vác 2 va ly đồ đu dây qua cửa số thoát xuống đất. Sáng hôm sau, 2 kỹ sư Mỹ đã khiếp vía trước hiện trường để lại, họ vội vã dọn đồ đi nơi khác.

Cũng tại ngôi nhà này, vài tháng sau Bạch Hải Đường đột nhập vào nhà hai người Nhật, lấy nhiều tài sản có giá trị. Trong một lần khác, BHĐ lại ngông nghênh quá mức khi vào nhà một nữ bác sĩ lấy đồ, đưa đồ ra ngoài rồi y lại vào tìm chìa khóa nhà để mở két sắt.

Nhưng chưa tìm ra chìa khóa thì một ông người Mỹ khác phát hiện và đã bắn nhiều phát. Bạch Hải Đường vừa tránh đạn vừa vác bao đồ bỏ chạy.

Sau đó vài tuần, Bạch Hải Đường đột nhập vào căn cứ hải quân của Mỹ ở gần kho xăng Quản Trung Hòa.

Mấy ngày sau, y lại mò đến căn cứ Mỹ phía sau ngân hàng Tín Nghĩa, vào nhà một sĩ quan lấy được một tivi, quần áo, ba cái gương, một ít tiền đôla Mỹ... Không chỉ vào nhà của những đại gia, sĩ quan ở Long Xuyên, mà mỗi lần đi thăm "bạn bè" ở tỉnh nào đó, đêm đến, y thường "tranh thủ" làm vài vụ.

Trong một lần qua nhà người bạn tên Phước Hùng ở Rạch Giá, Kiên Giang, Bạch Hải Đường cũng đã vào nhà người nước ngoài hai lần. Tại Cần Thơ, y cắt kẽm gai chui vào khu nhà của một trung tá Mỹ lấy một bao đồ, máy chụp hình, tivi, và một số tiền.

“Tôi leo lên lầu nhà này thì thấy một chiếc trực thăng đậu trên đó. Tôi có leo vào trực thăng kiếm đồ nhưng chỉ lấy được một nón phi công, một đôi bao tay, một bao đồ và một xấp giấy tờ. Tôi mang giấy tờ ra xem thì mới biết đó là nhà của trung tá không quân", Bạch Hải Đường kể.

Khi thông tin vụ đột nhập này được tiết lộ ra ngoài, lực lượng quân cảnh, cảnh sát chế độ cũ lại được một phen... náo loạn vì chiến dịch truy bắt kẻ đột nhập.

Sở dĩ Bạch Hải Đường dám “liều mạng” vào nhà của phi công này là vì có một lời thách thức từ nhóm giang hồ ở Cần Thơ: Nếu ai vào được nhà của phi công trên, vào được máy bay, mang được cả nón phi công ra thì sẽ được tất cả giới giang hồ ở Tây Đô tôn làm "đại ca", chính thức thống lĩnh toàn bộ thế giới giang hồ ở miền Tây.

Khả năng kỳ lạ

Ngoài khả năng đột nhập vào bất kỳ ngôi nhà nào nếu muốn, Bạch Hải Đường còn chứng tỏ 2 khả năng kỳ lạ khác, đó là: sực chịu đựng (đòn đánh và súng đạn) và trình độ vượt ngục. Khi đã bị bắn 3 – 4 phát đạn vào chân mà y vẫn đủ sức đánh trả lại 3 – 4 chiến sĩ công an, phá vòng vây chạy thoát. Hầu như mọi buồng giam đều không có ý nghĩa đối với Bạch Hải Đường, chuyện vượt ngục đối với y dễ dàng như trở bàn tay.

Ngày miền Nam được giải phóng, Bạch Hải Đường đang ngồi trong trại giam. Một ngày sau, lợi dụng tình hình “tranh tối tranh sáng”, hắn đã trốn trại, sau khi để lại dòng chữ trên tường: “Bạch Hải Đường sinh ra không phải để ở tù”.

Nhưng ít lâu sau, Bạch Hải Đường lại bị bắt vì đột nhập vào khách sạn ở Long Xuyên trộm cướp. Tháng 8.1975, Bạch Hải Đường lại trốn trại, để lại một lá thư: “Xin Cách mạng thông cảm và tha lỗi cho tôi. Vì hoàn cảnh gia đình nên tôi mới trốn, và tôi hứa là về sẽ tăng gia sản xuất để sống. Tôi không phạm tội nữa. Ký tên: Bạch Hải Đường”.

Thế nhưng, tên cướp này không giữ đúng lời hứa – hắn không về quê sản xuất để sống, mà trở lại con đường trộm cướp như đã ăn sâu vào máu của hắn. Ngày 21.3.1980, Bạch Hải Đường sau khi cướp được 100 cây vàng ở vùng biên giới Châu Đốc, đã trở về ẩn náu bí mật ở Long Xuyên.

Ngày 22-3-1980, nguồn tin từ cơ sở báo về Công an tỉnh An Giang cho biết Bạch Hải Đường vừa thực hiện một vụ cướp tiệm vàng tại biên giới và đang trên đường về ăn mừng chiến thắng tại thị xã Long Xuyên.

Nơi ăn mừng chiến thắng vừa cướp tiệm vàng tại nhà của một đối tượng tên là Cùi Cang trong hẻm Ba Lâu, đường Thoại Ngọc Hầu (khóm 6 phường Mỹ Long, thị xã Long Xuyên).

Khoảng 19 giờ tối 22-3-1980, khi Bạch Hải Đường và bốn tên khác đang nâng những ly rượu mừng thì ba họng súng đen ngòm chỉa thẳng vào làm tất cả im phăng phắc.

Khi tất cả chưa kịp hoàn hồn, Bạch Hải Đường đã bật ngửa ra phía sau bằng một thế võ điệu nghệ, phi ra cánh cửa sau nhà rồi lao xuống con rạch đầy bùn lầy tẩu thoát.

Sau nhiều tiếng ra lệnh nhưng hắn không dừng lại, ba tiếng nổ chát chúa xé tan màn đêm, cả 3 viên đạn bắn ở cự ly gần đều trúng vào bắp chân y.

Nhưng thật kinh khủng, Bạch Hải Đường chỉ khựng lại bước chân trong giây lát, rồi tiếp tục chạy băng băng quanh co trong những con hẻm chằng chịt.

Ra tới đầu hẻm, hắn bị 1 tổ chiến đấu chắn bắt. Với đôi chân đang bị thương nặng, Bạch Hải Đường đánh trả 4 chiến sĩ công an và chạy tiếp vào một con hẻm. Thế nhưng, cả 2 đầu hẻm đều bị khóa chặt bởi hàng chục chiến sĩ công an, như 2 gọng kềm.

Tuy vậy, hắn cũng quần nhau một lúc với các chiến sĩ, cho tới khi kiệt sức vì mất nhiều máu, mới chịu thúc thủ. Thế nhưng, khi vết thương chưa kịp lành, giữa tháng 5.1980, Bạch Hải Đường lại tự tháo còng, đục thủng tường trại giam và để lại dòng chữ: “Nơi đây không phải chốn dừng bước giang hồ của Bạch Hải Đường”.

Một lần nữa, tên giang hồ khét tiếng đã đào thoát khỏi vòng vây pháp luật và một cuộc truy bắt lại bắt đầu.

Thời gian đã trôi qua hơn hai tháng, Bạch Hải Đường vẫn bặt tăm, có ý kiến cho rằng hắn đã chết do những vết thương bị bắn. Thế nhưng, một nguồn tin ở Sóc Trăng cho hay Bạch Hải Đường đang lẫn trốn ở đó.

Ngày 25-7-1980, tổ công tác đặc biệt của Công an tỉnh An Giang lên đường, hướng về thị xã Sóc Trăng - nơi mà Bạch Hải Đường đã ẩn trú trong nhà một người thân. Bạch Hải Đường đang ngồi “lai rai” với một bạn tù cũ trong một quán cóc ven đường.

Bất ngờ, bằng linh tính của một tên cướp lừng danh, hắn nhận ra hai bóng người đi bộ bên kia đường có điều gì đó khác thường. Hắn thay đổi thế ngồi nhìn quanh quan sát, như chuẩn bị thoát thân.

Từ bên kia đường, ánh mắt nhà nghề của thượng úy Phạm Thanh Sơn (người chịu trách nhiệm chính trong vụ truy lùng Bạch Hải Đường) cũng chợt nhận ra sự bất thường của Bạch Hải Đường nên nháy mắt ra hiệu cho đồng đội lao thẳng vào quán.

Một cuộc đấu võ và đấu trí đã diễn ra giữa 2 sĩ quan công an dày dạn trận mạc với tướng cướp Bạch Hải Đường, cuối cùng hắn đã bị thúc thủ sau khi bị trúng đạn.

Lần này, tỉnh An Giang cử hẳn một trung tá công an là Trần Thanh Tình canh giữ nghiêm ngặt tên giang hồ khét tiếng này. Chính thời gian “cùng ăn, cùng ở” với tên “tướng cướp” này trong trại giam, đồng chí Tình phần nào hiểu được vì sao tên cướp khét tiếng này đã khiến cho lực lượng giữ gìn trật tự của chế độ cũ phải vô cùng vất vả.

Hắn bị ngồi trong nhà giam với cả còng tay, còng chân, chỉ được di chuyển trong một không gian hạn hẹp.

Thế nhưng, trong một buổi trưa, sau khi ăn cơm trưa cùng một số đồng chí và chuẩn bị nghỉ trưa thì từ bên phòng mình, đồng chí Tình nghe được những tiếng lộc cộc khả nghi phát ra từ căn phòng giam sát bên bức tường.

Khi nhìn qua cửa thì đồng chí hoảng hốt vì nền nhà giam hoàn toàn trống rỗng, chỉ còn lại mấy cái còng.

Khi mở cửa phòng giam để vào, đồng chí Tình không thể ngờ rằng, Bạch Hải Đường đang đu người như một con vượn trên trần nhà giam để hòng tháo lưới chui ra ngoài, dù vết thương vẫn còn rất nặng trên chân của hắn.

Đó không phải là lần duy nhất Bạch Hải Đường đã tháo được ổ khóa, tháo còng để đào thoát. Hầu như tất cả ổ khóa dùng để khóa còng chân đều không thể “khóa” được y.

Sau nhiều lần như thế, đồng chí Tình đã nghĩ ra cách để khống chế được tên cướp vốn có tài “ra khỏi nhà giam” này: Cùm chân được lồng vào một cây sắt to và dài, luồn qua tận bên phòng của đồng chí Tình và làm móc khóa ở đó. Thế là Bạch Hải Đường không còn cơ hội bẻ khóa nữa. Hắn chỉ biết ngồi một chỗ và gầm rú như một con thú dữ cho đến ngày hắn không còn nữa.

Do nhiều lần bị thương, không chịu chữa trị, xem thường tính mạng, nên bệnh tật của Bạch Hải Đường ngày càng nặng. Dù đã được cán bộ quản giáo tận tình chữa trị, lo thuốc men, nhưng Bạch Hải Đường không thoát khỏi số phận ở tuổi 33.

Hắn bình thản nhắm mắt sau khi chân thành cảm ơn các cán bộ quản giáo và sau khi kể lại toàn bộ tội lỗi của mình trong 13 năm làm “tướng cướp”! Cái chết của Bạch Hải Đường không chỉ chấm dứt huyền thoại về y, mà còn kết thúc những câu chuyện đầy thêu dệt của giới giang hồ miền Nam, hậu quả của một xã hội bệ rạc trước năm 1975 ở Sài Gòn.

Kể từ đó, giang hồ Sài Gòn biến mất dần, mãi cho tới khi Năm Cam xuất hiện trở lại hơn 10 năm sau.

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/blog-nguoi-noi-tieng/nguoi-noi-tieng/201204/Bach-Hai-duong-ten-giang-ho-lung-danh-nhat-mien-Nam-2148131/