Bắc Trung bộ: Gỡ khó cho cây cao su

Chịu ảnh hưởng liên tục các trận bão, nhiều diện tích cao su tại các tỉnh Bắc Trung bộ đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Mà một trong những nguyên nhân lại đến từ việc người dân trồng cao su một cách tự phát, vỡ quy hoạch, nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây. Vấn đề phát triển cây cao su bền vững đang trở nên cấp thiết.

Phát triển tràn lan

Nhận định về những thiệt hại do 2 cơn bão vừa qua gây ra, ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT cho biết: Đã có 215.000 ha cao su bị tàn phá, trong đó 13.000 ha diện tích cây cao su bị mất trắng ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, hàng nghìn tỷ đồng cũng bị cuốn theo bão.

Rõ ràng, dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng người trồng cao su khu vực Bắc Trung bộ cũng luôn đối diện nhiều hiểm họa do thiên tai. Điều đáng buồn là một trong những nguyên nhân dẫn tới thiệt hại to lớn này lại do chính người dân, khi mải chạy theo lợi ích kinh tế, dẫn tới xuất hiện nhiều diện tích cao su tự phát, thiếu quy hoạch, không tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật.

Vẫn theo ông Phạm Đồng Quảng, năm 2009, quy hoạch trồng cao su ở khu vực Bắc Trung bộ đã được điều chỉnh lên 82.000 ha từ mức 42.000 ha năm 1996, chủ yếu trên đất nông nghiệp kém hiệu quả. Do cây cao su chịu được khô hạn, ưu thế hơn những cây trồng khác, chi phí đầu tư, lao động lại thấp, nên thu hút đông đảo người dân. Những năm 2009 - 2011, giá cao su cao nên diện tích trồng ngày một gia tăng.

Còn Lê Tiến Dũng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cho biết: Cây cao su có mặt ở tỉnh này từ những năm 1948, tồn tại và phát triển qua cả những năm chiến tranh ác liệt hay siêu bão 1985. Ban đầu, chủ trương chỉ là chuyển từ rừng nghèo kiệt sang rừng cao su. Tuy nhiên, do lợi tức lớn nên người dân đã tự ý mở rộng, chuyển đổi từ đất cây trồng bình thường sang trồng cao su. Dù địa phương đã phát hiện và nhắc nhở nhưng do lợi tức quá lớn nên người dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích. Chính điều đó đã gây thiệt hại lớn khi bão tràn vào.

Hướng tới phát triển bền vững

Để hỗ trợ người dân trồng cao su sau mưa bão, ông Lê Tiến Dũng cho biết: Địa phương đã huy động lực lượng vũ trang giúp người dân chống lại cây xô nghiêng, vun đất vào gốc ở những vườn có tỷ lệ gãy đổ thấp. Với những vườn gãy đổ 70% trở lên, chiều dài thân dưới 2m, hướng dẫn người dân khai thác tận thu bán gỗ. Cùng với đó, trước mắt, Tập đoàn Cao su Việt Nam sẽ hỗ trợ người dân kỹ thuật, giống để trồng mới những diện tích đã thiệt hại. Kết hợp tận dụng diện tích đất trống trồng cây ngắn ngày và phân bổ giống hỗ trợ như ngô, rau…

Ông Phạm Hồng Sơn (Ngân hàng Agribank) cho biết: Ngân hàng đã tiến hành giảm lãi, cơ cấu lại nợ, bao gồm giãn nợ, gia hạn nợ cho những hộ dân thiệt hại trong bão. Những hộ thiệt hại nặng hoặc mất trắng đề xuất cho xóa nợ.

Song, đây vẫn chỉ là những giải pháp khắc phục mang tính tình thế. Trong dài hạn, các chuyên gia đều cho rằng: Vấn đề cốt lõi vẫn là cần một chiến lược, chính sách tổng thể căn cơ để cây cao su có thể phát triển bền vững hơn.

GS. TSKH Nguyễn Ngọc Lung (Viện Quản lý Rừng bền vững và chứng chỉ rừng) cũng khuyến cáo: Người dân cần tránh trồng cao su theo phong trào. Những vùng trồng cao su luôn có đặc thù riêng. Đặc biệt, hiện cao su đang phụ thuộc quá lớn vào giá và thị trường xuất khẩu. Nếu giá rớt thì người nông dân chắc chắn bị ảnh hưởng nặng nề.

Thế nhưng, việc thu hẹp diện tích cho phù hợp quy hoạch không phải chuyện dễ, do "sổ đỏ” đã bàn giao cho người dân nên việc can thiệp bằng biện pháp hành chính gặp nhiều rào cản.

Vũ Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=71554&menu=1372&style=1