Bắc Triều Tiên: Nhân tố bí ẩn cho kỷ nguyên vàng của bóng đá Cuba

Huấn luyện tập trung trước một giải đấu lớn từ lâu đã là một phần không thể thiếu của các đội bóng đá. Điều này quen thuộc đến nỗi ngay cả một đội bóng tí hon như Cuba trước khi tham dự Thế vận hội khu vực Trung và Bắc Mỹ (CAC Games) cũng áp dụng. Điều đáng chú ý là điểm đến của họ: Bắc Triều Tiên.

Che Guevara bắt tay Cố Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành (Ảnh: nate-thayer.com)

Khoảng cách từ Havana đến Bình Nhưỡng là 7.800 dặm, tương đương 12.553 km, nhưng Cuba và Bắc Triều Tiên lại rất thân thiết. Hai quốc gia này đã thiết lập mối liên minh kể từ sau sự kiện Vịnh Con lợn năm 1961 (Khi đó Mỹ định đem quân đổ bộ vào Cuba nhằm lật đổ Chính phủ Fidel Castro nhưng không thành công), và đặt trụ sở Đại sứ quán ngay tại thủ đô mỗi nước. Che Guevara – biểu tượng của Cách mạng Cuba cũng từng đến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 12/1960.

Trong những năm tháng đó, cựu Thủ tướng Fidel Castro luôn kỳ vọng đất nước mình sẽ đánh bại Mỹ trong một trận đấu bóng đá sau hàng loạt thất bại ở những môn khác như bóng chày hay đấm bốc. Rất nhiều trường thể thao năng khiếu đã được Chính quyền Cuba dựng lên ngay từ năm 1961 để phát hiện và đào tạo ra những nhân tài thể thao, bóng đá cũng không ngoại lệ.

Mặc dù được đầu tư rất mạnh, nhưng bóng đá Cuba trong thập niên 60 không có nhiều thành tựu. Vị trí thứ ba tại CAC Games 1966 chỉ là thành tích nhất thời, và nó nhanh chóng bị che mờ bởi kết quả kém cỏi tại vòng loại World Cup diễn ra cùng năm đó. Cuba đứng cuối bảng đấu có Jamaica và Tây Ấn Hà Lan (Một quốc gia thuộc quyền kiểm soát của Vương quốc Hà Lan cũ, sau đó tách ra thành nhiều quốc đảo như Aruba, Curacao, Bonaire và Sint Maarten…), kế hoạch tìm đường trở lại kể từ sau World Cup 1938 thất bại thảm hại.

Thế rồi năm 1969, họ đi theo đường lối của mọi ĐTQG đang gặp khó khăn: Thuê một chuyên gia nước ngoài. Người này có trách nhiệm đào tạo và hướng dẫn những cầu thủ trẻ để họ đủ sức chơi cho ĐTQG. Vị chuyên gia đó là Kim Yong-Ha, người Triều Tiên, và việc đầu tiên ông làm là đưa những chàng trai được tuyển chọn kỹ lưỡng sang đất nước của ông để đào tạo tập trung.

Cựu Tổng thống Fidel Castro cũng là người rất thích bóng đá (Ảnh: Bettmann/Corbis)

Đó thực sự là một chuyến đi bão táp với 27 thanh niên trẻ. Họ chưa từng rời khỏi Cuba, cũng chưa biết đến nền khí hậu nào khác ngoài xứ nhiệt đới Caribbean. Và chuyến đi này kéo dài đến 6 tháng, cùng với đó là những bài tập thể lực khắc nghiệt và chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Dấu hiệu bất ổn xuất hiện ngay từ những ngày đầu tiên. Phong tục tập quán lạ lẫm và nỗi nhớ nhà dai dẳng không ngừng ám ảnh các cầu thủ. Andres Roldan – ngôi sao của ĐT Cuba sau này đã mô tả: “Chúng tôi không biết gì về Triều Tiên, cộng với việc không hiểu ngôn ngữ và phải đi một thời gian quá dài khiến tinh thần của cả đội sa sút nghiêm trọng.”

Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi lần lượt 3 cầu thủ buộc phải trở về nước: Hậu vệ phải Rafael Rodriguez Arguelles bị ốm nặng, tiền đạo Jorge Masso bị gãy ngón chân và phải phẫu thuật, và nặng nhất là đội trưởng Gregorio “Goyo” Dalmau bị suy nhược thần kinh. Khi đó, chính Raldan – một cầu thủ 19 tuổi được trao chức đội trưởng và giúp những người còn lại phần nào ổn định tâm lý.

HLV Kim Yong-Ha đã bỏ ra rất nhiều công sức trong trại huấn luyện, nhưng ông không thể làm tốt nếu không có sự giúp đỡ của người trợ lý Sergio Padron Moreno. Anh là một cựu tuyển thủ Cuba đã có hơn 10 năm khoác áo ĐTQG, bởi vậy tầm hiểu biết về bóng đá của anh vượt xa các quan chức Chính phủ đang nắm quyền điều hành thể thao của cả nước. Chính Moreno là người đã động viên các cầu thủ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Điều đáng ngạc nhiên là mối quan hệ giữa Moreno và ông Kim Yong-Ha cực kỳ tốt đẹp, mặc dù ông Kim chỉ bập bõm một ít tiếng Tây Ban Nha còn Moreno không biết đến một từ tiếng Triều Tiên. Moreno đã mô tả HLV của mình như sau: “Ông Kim là HLV ngoại xuất sắc nhất từng dẫn dắt ĐTQG Cuba. Ông ấy có hiểu biết rất rộng về kỹ thuật và chiến thuật bóng đá, đồng thời đòi hỏi tính kỷ luật rất cao. 6 tháng tập huấn gian khổ đó đã cho ra quả ngọt.”

Một trong những cầu thủ tham gia khóa huấn luyện gian khổ đó cũng phải thừa nhận: “Ông Kim có tầm nhìn bóng đá cỡ quốc tế. Ông ấy rất yêu thích bóng đá Latin và nhanh chóng đem lại sự tự tin cho các cầu thủ sau thời gian đầu khó khăn.” Sự tự tin đó được thể hiện bằng những chiến thắng liên tiếp trong thời gian tập huấn.

Sau khi rời Triều Tiên, ĐT Cuba đã đến Việt Nam – khi đó vẫn còn đang trong khói lửa chiến tranh. Moreno hồi tưởng: “Chúng tôi đến Việt Nam khi chiến tranh vẫn còn rất ác liệt. Thế nhưng người dân ở đó đón mừng chúng tôi với tình cảm nồng ấm. Chúng tôi đã đến thăm và chơi bóng tại 7 hay 8 thành phố ở phía Bắc Việt Nam.”

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi đến Việt Nam của vị trợ lý này là khi đội bóng đang nghỉ ngơi trước khi đấu giao hữu với một đội bóng địa phương, đột nhiên chuông báo động vang lên báo hiệu một tốp máy bay B-52 của Mỹ đang tiếp cận. Ngay lập tức, cả đội phải di chuyển vào hầm trú ẩn. Cuộc ném bom kéo dài đến vài tiếng đồng hồ và rất may mọi người đều lành lặn trở về Cuba.

Trận ĐT Cuba 2-3 Thể Công (Ảnh: Nhân dân)

Tập luyện gian khổ và tinh thần hy sinh của các cầu thủ đã đem về huy chương vàng môn bóng đá CAC Games năm 1970 sau 40 năm chờ đợi. Trong trận đầu tiên, họ thất bại trước Colombia với tỉ số 1-2. Trận thứ hai, Cuba bị đội chủ nhà Panama dẫn trước 0-3 ngay trong hiệp một, tuy nhiên tinh thần bất khuất được trui rèn ở Triều Tiên đã giúp họ có cuộc lội ngược dòng không tưởng và giành chiến thắng chung cuộc 4-3. Trận đấu cuối cùng với Nicaragua, Cuba dễ dàng giành chiến thắng với tỉ số 4-0 và lọt vào vòng tứ kết.

Sau đó, Cuba tiếp tục thể hiện phong độ xuất sắc khi giành liên tiếp hai chiến thắng trước Tây Ấn Hà Lan ở vòng tứ kết và Venezuela trong trận chung kết (đối thủ ở trận bán kết là Colombia bị loại khỏi giải do sử dụng cầu thủ không được đăng ký). Đây là danh hiệu đầu tiên của bóng đá Cuba dưới thời của Tổng thống Fidel Castro. Sau giải đấu này, HLV Kim Yong-Ha trở thành người hùng của nhân dân Cuba khi đã mở ra thập niên thành công nhất trong lịch sử bóng đá nước này. ĐT Cuba sau đó còn giành thêm huy chương đồng Pan American Games năm 1971. Khi HLV Kim Yong-Ha về nước, trợ lý Sergio Padron Moreno trở thành HLV trưởng ĐTQG, hoàn thành nốt những gì mà vị HLV người Triều Tiên con dang dở.

Cựu đội trưởng ĐT Cuba – Andres Roldan (bên phải) trong trận đấu với ĐT Zambia tại Olympic 1980 (Ảnh: redeangola.info)

Dưới sự dẫn dắt của Moreno, ĐT Cuba tiếp tục giành được hai chiếc huy chương vàng ở hai kỳ CAC Games tiếp theo tại các năm 1974 và 1978, đồng thời giành vé dự Olympic 1976 được tổ chức tại Montreal. Mặc dù bị loại ở ngay vòng bảng nhưng ĐT Cuba vẫn kịp ghi dấu bằng trận hòa không bàn thắng với đội bóng hạng Ba World Cup 1974 là Ba Lan. Thậm chí trong trận thứ hai với Iran, họ còn bị từ chối một bàn thắng hợp lệ. Kỳ Olympic tiếp theo, Cuba còn gặt hái được thành công lớn hơn khi vào đến trận bán kết, và đây cũng là giải đấu lớn cuối cùng của Moreno với tư cách HLV ĐT Cuba.

Kỷ nguyên vàng son của Kim Yong-Ha và Moreno đã trở thành kim chỉ nam cho các đời HLV sau này, tuy nhiên chưa ai có thể lặp lại thành công mà vị HLV người Triều Tiên này đã làm được. Năm 1985, một chuyến tập huấn Triều Tiên nữa được tân HLV Roberto “Nene” Hernandez đứng ra tổ chức, và nó cũng gặt hái được những thành công nhất định khi ĐT Cuba giành huy chương vàng tại kỳ CAC Games diễn ra cùng năm đó.

Tuy nhiên đó là tất cả những gì mà họ làm được, và đến nay họ vẫn đang tìm lại cái bóng thành công của những năm 70. Ngôi sao sáng giá nhất, đồng thời cũng là ĐT của Cuba – Andres Roldan đã giải thích nguyên nhân dẫn đến thành công của Cuba năm 1976: “Sau khi giành hai chiến thắng liên tiếp trước Panama và Cộng hòa Dominican (CAC Games 1974), chúng tôi trở thành một tập thể khao khát chiến thắng và sẵn sàng đối mặt với mọi địch thủ, kể cả với Ba Lan – một trong những đội bóng hàng đầu thế giới khi đó.”

Tuy nhiên cựu HLV Moreno cho rằng lời giải thích duy nhất cho thời kỳ vàng son những năm 70 chính là chuyến tập huấn tại Triều Tiên và Việt Nam. “Ngoài việc giúp chúng tôi liên tục giành vinh quang tại CAC Games trong thập niên 70,” Moreno giải thích. “Chuyến tập huấn đó đã đặt viên gạch đầu tiên trong việc huấn luyện một tập thể giàu tính chiến đấu, đó là yếu tố căn bản để chúng tôi nối dài mạch chiến thắng.”

Theo Thành Đỗ (4231.vn, dịch từ bài viết của tác giả Euan McTear trên These Football Times)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/the-thao/bac-trieu-tien-nhan-to-bi-an-cho-ky-nguyen-vang-cua-bong-da-cuba-137343