Bác sĩ Tiin: Những điều cần biết về thuốc tránh thai khẩn cấp

Thuốc tránh thai khẩn cấp không phải tất cả mọi người đều dùng được, thuốc chống chỉ định sử dụng cho người có bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa, bệnh gan, tiểu đường...

Câu hỏi: Chào bác sĩ, em muốn nhờ nhờ bác sĩ tư vấn hộ em:

Một năm em uống 2 lần thuốc tránh thai khẩn cấp thì có ảnh hưởng gì nhiều không bác sĩ? Và bác sĩ có thể nói cho em biết về khoảng thời gian an toàn để uống lần tiếp theo?

E biết thuốc tránh thai khẩn cấp có 2 loại là loại 1 viên và loại 2 viên, vậy thì uống loại nào tốt hơn ạ? Em cảm ơn bác sĩ!.

Ảnh minh họa

Bác sĩ Tiin trả lời:

Chào em. Em đang có nhu cầu tìm hiểu về thuốc tránh thai khẩn cấp, vậy tôi sẽ chia sẻ với em.

Thuốc tránh thai khẩn cấp (TTKC) là loại thuốc tránh thai chỉ có progestin, giống như thuốc tránh thai thông thường loại chỉ có progestin hay dùng cho người đang cho con bú nhưng hàm lượng lớn hơn nhiều (2-4 lần tùy theo loại thuốc tránh thai hàng ngày).

Thuốc TTKC có tác dụng làm đặc quánh chất nhầy cổ tử cung, ngăn cản tinh trùng xâm nhập lên buồng tử cung, làm teo nội mạc tử cung không thích hợp cho trứng làm tổ, ức chế phóng noãn… thuốc ngăn ngừa hầu hết các trường hợp thụ thai.

Tuy nhiên, thuốc TTKC chỉ có tác dụng khoảng 75%, dùng các nhiều hiệu quả càng giảm. Thuốc chỉ có tác dụng tránh thai tại thời điểm sử dụng, không có tác dụng tránh thai thường xuyên, không phòng được các bệnh lây truyền qua đường quan hệ tình dục.

Giống như tên gọi, thuốc TTKC được dùng trong những trường hợp khẩn cấp như: quan hệ tình dục đột xuất (chồng hoặc bạn tình đi công tác xa hoặc lâu ngày mới gặp); dùng biện pháp tránh thai khác bị thất bại (bao cao su bị tuột, rách, thủng; quên uống thuốc tránh thai hàng ngày; không thể xuất tinh ngoài âm đạo theo 'dự định'…), một số trường hợp bị cưỡng hiếp cũng có chỉ định dùng thuốc TTKC.

Giống như thuốc tránh thai thông thường, thuốc TTKC không phải tất cả mọi người đều dùng được.

Thuốc chống chỉ định sử dụng cho người có bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa, bệnh gan, có tiền sử chửa trứng, bệnh nội tiết, béo phì, bệnh lý tử cung, tuyến giáp, tiểu đường. Vì thế không nên tự ý mua thuốc về dùng, phải có thăm khám, chỉ định và kê đơn của bác sĩ sản phụ khoa.

Hiện nay trên thị trường có 2 loại thuốc TTKC: loại 1 viên (Miferitab), loại có 2 viên (Postinor). Cả hai loại có tác dụng như nhau. Cách sử dụng tùy theo loại thuốc. Uống càng sớm sau khi quan hệ tình dục, tác dụng càng cao, thời gian có tác dụng trong 72 giờ.

Nếu là loại 1 viên chỉ uống 1 lần duy nhất. Loại 2 viên, uống viên thứ nhất càng sớm càng tốt, viên thứ hai sau viên thứ nhất 12 giờ.

Tùy theo phản ứng của từng người, khi dùng thuốc TTKC, có thể gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, xuất huyết, rong kinh, rong huyết, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt...

Nếu lạm dụng thuốc TTKC (dùng quà liều chỉ định, dùng trong thời gian dài, coi thuốc TTKC như biện pháp tránh thai thông thường) làm thay đổi nội tiết trong cơ thể, ảnh hưởng chất lượng của trứng, mỏng niêm mạc tử cung, giảm khả năng có thai tự nhiên (khi có nhu cầu), chất lượng quan hệ tình dục, ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan khác (bệnh tim mạch, gan, thận, ung thư vú, tử cung…).

Em tìm hiểu kỹ về thuốc như thế này là rất tốt. Cân nhắc khi quyết định dùng thuốc TTKC, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, dùng thuốc đúng quy định.

Nếu 'nhỡ nhàng' một năm dùng 2 lần thì cũng không đáng ngại lắm. Không có thời gian an toàn cụ thể cho lần dùng thuốc tiếp theo. Chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết thôi.

Nếu đời sống tình dục của em ổn định em nên sử dụng các biện pháp tránh thai khác sao cho ít ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống nhất em ạ. Em nên đến bác sĩ chuyên về sản phụ khoa, bác sĩ sẽ tư vấn cho em kỹ hơn.

Mọi thắc mắc về sức khỏe giới tính, bạn vui lòng gửi câu hỏi trực tiếp TẠI ĐÂY hoặc gửi đến hòm thư bandoc@tiin.vn. Câu hỏi của bạn sẽ được bác sĩ Tiin Hoàng Thúy Hải giải đáp vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. (Nhớ là gửi thư bằng tiếng Việt có dấu bạn nhé!)

PV/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/yeu/bac-si-tiin-nhung-dieu-ban-gai-can-biet-ve-thuoc-tranh-thai-khan-cap.html