Bác sĩ sốc vì 40 con vật kinh khủng trong ống mật người bệnh

Trong quá trình tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ rất sốc vì trong ống mật của bệnh nhân không có sỏi mà nhung nhúc giun. Sau khi gắp hết giun ra ngoài, các bác sĩ đếm được 40 con.

Bác sĩ sốc vì 40 con vật kinh khủng trong ống mật người bệnh

Cấp cứu vì 40 con giun trong ống mật

Bác sĩ Phạm Thế Thạch, khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai vẫn có nhớ ca bệnh hy hữu mà bệnh viện tiếp nhận cấp cứu năm 2015. Đó là một cô gái trẻ người H’mong, cô bị đau bụng, nôn mửa nên được gia đình đưa vào viện tuyến huyện. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm túi mật cấp do sỏi, chỉ định mổ lấy sỏi ống mật chủ, dẫn lưu Kehr.

Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ đã bị sốc vì trong ống mật của bệnh nhân không có sỏi mà nhung nhúc giun. Sau khi gắp hết giun ra ngoài, các bác sĩ đếm được 40 con. Nhận định đây là ca bệnh nặng, các bác sĩ trực tiếp điều trị đã cho đặt dẫn lưu ống mật chủ và dẫn lưu dưới gan cho bệnh nhân rồi chuyển tiếp xuống BV Bạch Mai.

Tại BV Bạch Mai, các bác sĩ cho bệnh nhân chụp cộng hưởng từ, kết quả cho thấy bệnh nhân đã có áp xe gan, áp xe dưới hoành, nghi ngờ có xác giun trong đường mật. Bệnh nhân lại phải trải qua ca phẫu thuật bơm rửa đường mật, lấy xác giun, dẫn lưu gan và mật.

Theo bác sĩ Phạm Thế Thạch, đây là ca bệnh điển hình gặp biến chứng khi bị giun chui ống mật .

Giun chui ống mật: Nhiều biến chứng nguy hiểm

Giun chui ống mật là một tai biến của việc đường ruột bị nhiễm giun đũa. Khi trong đường ruột có giun, trong một điều kiện nào đó giun từ ruột chui lên tá tràng, qua cơ vòng Oddi để vào trong ống mật chủ và các đường mật trong gan.

Hình ảnh mặt cắt dọc giun đũa (Ảnh: Internet)

Khi giun đi vào các cơ quan nội tạng này mà không gây ra triệu chứng gì, chúng có thể sống trong đó 1 thời gian mới chết hoặc chết ngay. Xác giun không tiêu bị các chất đường mật kết dính sẽ là cơ sở để hình thành sỏi mật, nhiễm trùng đường mật, áp xe gan do giun và các biến chứng của nó .

Trong trường hợp giun chui vào đường mật và làm tắc mật cấp tính sẽ gây ra cho bệnh nhân những cơn đau quặn đột ngột, dữ dội. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được phẫu thuật dẫn lưu đường mật và giải phóng tắc nghẽn.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, hiện tượng giun chui ống mật thể cấp tính tiến triển nhanh thường gặp ở trẻ em, cùng một lúc có thể gặp những tổn thương của cả ống mật, túi mật và gan ở những mức độ khác nhau. Thể mạn tính gặp ở lứa tuổi lớn hơn và ở người lớn, diễn biến chậm hơn và di chứng kéo dài nhiều năm.

Triệu chứng:

Khi xảy ra giun chui ống mật thể cấp tính, triệu chứng rất rầm rộ, đột ngột mà người nhà có thể dễ dàng nhận biết.

Ở trẻ em: Trẻ thường hay đau bụng vùng thượng vị, lệch sang phải, đau dữ dội hoặc từng cơn. Trẻ đau quằn quại thường phải nằm chổng mông hoặc có khi thích người nhà bế vác lên vai và áp bụng vào vai người bế để giảm cơn đau. Kèm theo đó trẻ buồn nôn hoặc nôn, có khi nôn ra giun, sốt cao do giun mang vi khuẩn từ phân lên làm viêm nhiễm đường dẫn mật.

Khám thấy đau vùng dưới sườn phải và điểm dưới mũi ức cách 1,5 – 2cm về phía phải và dưới mũi ức (tương ứng với chỗ chia nhánh của ống gan trái thành ống dưới phân thùy II và III của gan trái rất đau; đặc biệt điểm sườn lưng đau (đau nhói khi ấn vào khối cơ thắt lưng ở góc sườn thứ 12).

Ở người lớn: Triệu chứng giun chui ống mật còn điển hình hơn, biểu hiện ra những cơn đau gan dữ hội kèm nôn. Người bệnh đau vùng dưới sườn phải, đau lan ra sau lưng và đau lan lên bả vai; đau từng cơn, lăn lộn, vật vã, phải xoay người đủ các tư thế để chống lại cơn đau, nhiều khi phải nằm chổng mông, gập người mới đỡ đau.

Khi khám thấy đau vùng dưới sườn phải và điểm dưới mũi ức cách 1,5 – 2cm về phía phải và dưới mũi ức (tương ứng với chỗ chia nhánh của ống gan trái thành ống dưới phân thùy II và III của gan trái rất đau; đặc biệt điểm sườn lưng đau (đau nhói khi ấn vào khối cơ thắt lưng ở góc sườn thứ 12). Tuy nhiên, ở người lớn tình trạng viêm nhiễm ít xảy ra hơn.

Những biến chứng nguy hiểm:

Hiện tượng giun chui ống mật sẽ dẫn đến viêm nhiễm đường mật, áp xe gan, sỏi ống mật, sỏi trong gan, nghiêm trọng hơn nữa là phì đại – xơ hóa gan.

Biến chứng áp xe gan trong bệnh lý giun chui ống mật rất nguy hiểm bởi nó có thể gây tử vong nhanh cho bệnh nhân. Khi áp xe gan vỡ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc toàn thể. Áp xe gan vỡ vào màng phổi gây tràn dịch màng phổi. Người bệnh khó thở, chọc dò hút ra mủ thối, có khi có trứng giun; nuôi cấy có vi trùng đường ruột. Áp xe gan vỡ vào màng ngoài tim khiến trẻ tử vong nhanh…

Hiện tượng bệnh lý này rất nguy hiểm và để lại hậu quả lâu dài, vì vậy điều cần thiết là phải phòng ngừa việc nhiễm giun và giun chui ống mật.

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/bac-si-soc-vi-40-con-vat-kinh-khung-trong-ong-mat-nguoi-benh-20160712113737897.htm