Bác sĩ kể chuyện: 1001 kiểu hành xử khó đỡ của bệnh nhân

Từ cổ chí kim, không nhân viên y tế nào có lợi hay cảm thấy vui vẻ khi bệnh nhân của mình trở nặng hay tử vong cả.

Vừa là công việc, và với không ít người đó còn là sứ mệnh, nhân viên y tế chỉ muốn bệnh nhân có tiến triển tốt, khả quan, phục hồi sức khỏe để trở về với vui hưởng cuộc sống. Từ cổ chí kim, không nhân viên y tế nào có lợi hay cảm thấy vui vẻ khi bệnh nhân của mình trở nặng hay tử vong cả.

Ảnh minh họa.

Vậy nhưng trong thực tế khám chữa bệnh của mình, tôi nhận thấy gần đây có một số bệnh nhân và người nhà mang những cách suy nghĩ và hành xử đối với nhân viên y tế rất khó đỡ.

Sau đây xin điểm lại một số cách hành xử đó:

Tâm lý Tào Tháo

Dạng bệnh nhân này mang tâm lý nghi ngờ mọi thứ, cái gì cũng muốn giải thích cho rõ, nhưng lại chẳng chịu tin vào những lời giải thích của thầy thuốc.

Có lần một bệnh nhân nọ vặn vẹo tôi: "Các anh truyền máu cho tôi lấy nguồn gốc từ đâu? Tôi muốn xem hóa đơn chứng từ nguồn gốc, không thôi các anh mua máu ngoài chợ đen bậy bạ về truyền cho tôi thì sao?"

Tôi giải thích: quy trình chuyên môn xin mua máu và các chế phẩm máu rất chặt chẽ và chỉ có một số cơ sở y tế chuyên sâu như Bệnh viện Truyền máu và Huyết học mới có ngân hàng máu, là nguồn cung cấp máu cho các cơ sở y tế. Theo quy định chỉ có các cơ sở y tế được phép truyền máu thì mới được liên hệ để mua máu chứ không phải muốn mua ở đâu thì mua và ai muốn mua cũng được.

Thế nhưng nghe đã đời xong bệnh nhân buông một câu: "Chợ đen thì thứ gì chẳng có, thứ gì mua chẳng được".

Bắt đền bác sĩ

Cơ thể sống của con người không phải như cái máy cơ khí, cứ tháo lắp phụ tùng là ngon. Mà ngay cả đến máy móc cơ khí, nhiều khi lắp phụ tùng ngon vào rồi cũng vẫn trục trặc như thường.

Ấy thế mà khi vào viện, họ đòi phải chữa hết bệnh ngay tức thì, ngay lập tức, không được như vậy thì bắt đền bác sĩ rồi chửi.

Có bà mẹ đưa con đi khám bệnh thấy uống thuốc thì hạ sốt, nhưng lát nữa lại sốt trở lại thì sốt ruột, lại đi viện khác, đi khám bác sĩ khác rồi phàn nàn rằng đã đi đủ thầy đủ thuốc hết rồi mà sao con tôi vẫn còn sốt.

Bác sĩ đã giải thích là trẻ em thường bị nhiễm siêu vi, vì đa số nhiễm siêu vi không có thuốc đặc trị nên trẻ sốt cao liên tục trong 3-4 ngày đầu và chỉ dùng thuốc hạ sốt cho trẻ. Vì thuốc hạ sốt chỉ có thời gian tác dụng khoảng 4h nên khi thuốc bị đào thải hết, trẻ sẽ sốt lại và cần cho trẻ uống tiếp liều thuốc kế tiếp nữa để duy trì hạ sốt. Nhưng bà mẹ vẫn không chịu, khăng khăng bắt đền bác sĩ.

Lại có mẹ do chưa có kinh nghiệm nuôi trẻ, khi thấy trẻ hết sốt phát ban rồi lại nhiễm siêu vi đường hô hấp thì cứ tìm bác sĩ bắt đền. Họ bảo chỉ có một bệnh mà trị hoài mà không hết, tại sao vậy?

Thực tế là trẻ bị nhiễm nhiều đợt siêu vi gần nhau, chứ không phải là uống thuốc này sinh bệnh kia hay một bệnh trị hoài không hết.

Nhưng bà mẹ trẻ vẫn không chịu, ẵm con đến phòng khám quậy tưng bừng, đòi phải có chế độ điều trị cao cấp hơn nữa mới được, tức là phải nhập viện. Bác sĩ phòng khám ngán ngẩm quá đành giải quyết cho nhập viện để yên thân, mặc dù bệnh tình của trẻ chưa đến mức phải nằm viện, nhưng bà mẹ cứ bắt đền hoài làm sao chịu nổi.

Ai dè, khi vào viện, bà mẹ trẻ tá hỏa khi thấy nhập viện điều trị nội trú toàn là những bệnh nặng đến rất nặng như viêm phổi … chứ đâu phải nhập viện nội trú là chế độ điều trị "đặc biệt". Vậy là

nằng nặc đòi ký hồ sơ ra viện về nhà ngay cho bằng được, và cũng không quên đòi toa thuốc khi ra viện để có cơ sở quay lại bắt đền bác sĩ tiếp!

Do không tuân thủ điều trị, vừa đòi vào viện lại ký giấy đòi ra, cam đoan chịu hoàn toàn trách nhiệm để được ra viện không theo chỉ định nên bác sĩ không cấp toa thuốc về được.

Bí quá vì không còn cơ sở nào đều quay lại bắt đền, bà mẹ trẻ nọ lên mạng chửi … y đức ngành y tế!

Tâm lý bắt vạ

Thuốc uống cũng như ăn cơm vậy, chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nào đó thôi và sẽ hoàn toàn bị thải hết ra khỏi cơ thể. Không có món gì ăn một lần no cả đời, cũng không có thuốc gì hễ uống hay tiêm vào là tác dụng kéo dài cả đời hết.

Thế nhưng có những bệnh nhân luôn luôn có khuynh hướng đổ tất cả các bệnh tình hay biến cố xảy ra cho thuốc men hay can thiệp của ngành y tế từ trước đó rất lâu.

Ví dụ, có có người lên mạng xã hội đổ tội là do bác sĩ tiêm mũi thuốc dưỡng thai … 2 tuần trước khiến vợ ảnh sinh khó. (anh Lả giải thích thêm giúp em vụ này nha. Mũi dưỡng thai bao lâu thì đào thải ạ?)

Một trường hợp trước đây cũng gây ồn ào trên mạng: cháu bé sáng đi tiêm ngừa, đến chiều tối sốt cao rồi suy hô hấp, ngay lập tức người ta hô hoán là sốc phản vệ do vắc-xin.

Ngành y tế có giải thích gì người ta cũng không chịu nghe.

Trên thực tế, sau khi tiêm vắc-xin, theo quy định, người được tiêm sẽ được lưu lại theo dõi trong 30 phút để phòng ngừa và xử trí kịp thời sốc phản vệ nếu có xảy ra. Sau thời gian đó coi như không phải là sốc phản vệ, những bệnh lý phát sinh sau đó chỉ là ngẫu nhiên trùng hợp

Người ta hay nói về công việc của ngành y bằng câu "Còn nước còn tát". Nghĩa là thuyền đã bị thủng, nhân viên y tế phải nỗ lực đến chừng nào hay chừng nấy để mong cứu vãn tình hình, tát nước ra để thuyền không bị chìm hay chậm bị đắm, chứ đâu có ai tốn công tốn sức tát nước để làm cho thuyền chìm nhanh hơn làm gì?

Ấy thế nhưng vẫn có những người đổ lỗi cho mọi can thiệp của ngành y tế. Mặc dù không có cơ sở, họ vẫn cứ khăng cho rằng nhân viên y tế là nguyên nhân gây ra vấn đề về sức khỏe cho người nhà họ.

Tâm lý hoạnh họe

Có những bệnh nhân luôn tìm cách bắt bẻ mọi thứ, mọi vấn đề khi vào bệnh viện. Họ bắt bẻ từ thái độ, lời nói, cử chỉ, điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện để phàn nàn, khiếu nại nhiều thứ rất tủn mủn vụn vặt.

Nghịch lý là những người này thường ít khi hoạnh họe trong các cơ sở y tế công, nơi điều kiện vật chất thiếu tiện nghi mà lại thể hiện rất rõ khi họ vào các cơ sở y tế tư nhân có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, điều kiện chăm sóc cao hơn! Họ thường vin vào câu "Khách hàng là Thượng Đế" để có quyền đòi hỏi bắt bẻ những yêu cầu phi lý đến mức không tưởng.

Đã có trường hợp bệnh nhân đi khám bệnh vì tiểu ra máu, thầy thuốc phát hiện tình trạng bệnh nhân này cần phải nhập vào cấp cứu để làm một số xét nghiệm cận lâm sàng và quan trọng hơn, để tiêm các thuốc đặc trị để cầm máu.

Sau khi đã được giải thích tình trạng bệnh, bệnh nhân nọ đồng ý và được nhập cấp cứu để tiêm thuốc và theo dõi sau tiêm đến khi tình trạng ổn mới xuất viện tiếp tục điều trị ngoại trú theo toa.

Thế nhưng khi thanh toán viện phí, ông ta nhất quyết không chịu thanh toán 75.000đ tiền giường nằm tiêm thuốc và theo dõi ở khoa cấp cứu.

Ông bắt bẻ: Tại sao bắt tôi nằm trên giường để tiêm thuốc làm gì rồi tính tiền giường của tôi? Tại sao không để tôi ngồi ghế tiêm hay đứng để tiêm thuốc?

Tâm lý trút hận

Bệnh nhân vào viện vì rất nhiều lý do, có người do bệnh nặng bất ngờ, có người vào viện vì thương tích do tai nạn, bất cẩn của người thân.

Ở trường hợp sau, thay vì tích cực hợp tác với nhân viên y tế để cứu chữa cho người nhà của mình, có người lại trút hết nỗi ân hận ra và tìm cách "lấy công chuộc tội" bằng cách thét lác, gây áp lực, chửi rủa nhân viên y tế như thể chính nhân viên y tế gây ra tai họa cho chính người nhà họ vậy.

Nạn nhân bị tai nạn giao thông thì nguyên nhân gây thương tích chính là do tai nạn giao thông và ngành y tế phải nỗ lực cố gắng khắc phục và giải quyết thảm họa đó. Đôi khi ngành y tế thành công, đôi khi họ không thành công, và nguyên nhân thương tích hay tử vong chính là do bản chất tai nạn chứ không phải do nỗ lực cứu chữa của nhân viên y tế.

Nhiều người, thay vì tỉnh táo hiểu được việc này thì lại ngay lập tức quy kết ngay trách nhiệm của ngành y tế đã gây ra thương tật hay tử vong cho người nhà họ. Họ quên mất trách nhiệm của người gây ra tai nạn và nguyên nhân tai nạn mà chỉ trút căm hận lên thầy thuốc, những người đã nỗ lực cứu chữa người thân họ.

Tâm lý Google

Thời của internet và mạng xã hội bùng nổ, người ta có thể dễ dàng tìm được nhiều thông tin trên mạng, kể cả các thông tin về sức khỏe. Thế nhưng không phải ai cũng có đủ kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn để phân biệt đúng sai.

Mặc dù không có cơ sở khoa học nào nhưng nhiều người lại tin, làm theo và truyền bá cho người khác như Niệu liệu pháp trước đây, và bây giờ là hằng hà sa số thông tin sai như trích máu ở dái tai điều trị đột quỵ hay đắp lá cây chữa các loại u bướu chẳng hạn

Do không có kiến thức chuyên môn, lại chỉ thích nghe những thông tin hời hợt dễ dãi cảm tính nên nhiều người thích các lời khuyên trên mạng hơn là lời tư vấn của thầy thuốc.

Có trường hợp một bà mẹ nằng nặc đưa con đi khám chuyên khoa mắt khắp nơi chỉ vì một lý do duy nhất là khi chụp ảnh, thấy em bé có hiện tượng "mắt đỏ" trên ảnh khi chụp ảnh cả nhà bằng smartphone!

Đây là một hiện tượng quang học bình thường mà bất cứ nhiếp ảnh gia nào cũng biết nguyên lý và cách phòng tránh lỗi này khi chụp ảnh. Thế nhưng theo các thông tin mà bà mẹ bỉm sữa này thu thập được trên mạng thì đây là triệu chứng sớm của ung thư nguyên bào võng mạch mắt!

Các triệu chứng bệnh thiên hình vạn trạng và kiến thức chuyên môn ngành y tế phải bồi đắp dần qua học tập, thực hành, nghiên cứu và không thể có được kiến thức theo kiểu "mì ăn liền" trong ngành y được.

Nhân viên y tế, công việc vốn đầy căng thẳng và áp lực. Nếu được làm việc trong một môi trường thông cảm và tôn trọng để họ được làm việc hết sức mình, thì bệnh nhân và xã hội chỉ được lợi mà thôi.

BS Đặng Thanh Huy (Theo Soha/Tri Thức Trẻ)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/bac-si-ke-chuyen-1001-kieu-hanh-xu-kho-do-cua-benh-nhan-90977/