Bác sĩ của ngư dân

Đó là tên gọi trìu mến, thân thương các ngư dân dành cho bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm 115, Sở Y tế Đà Nẵng mỗi khi nhắc đến chị.

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng và đồng nghiệp tại Trung tâm 115 tư vấn cho ngư dân cách sơ cứu qua hệ thống Icom. Ảnh: VGP/Minh Trang

Gần 20 năm nay, bác sĩ Ánh Hồng vẫn thường lặng lẽ ra khơi trên những chuyến tàu cứu hộ mỗi khi nhận được tin ngư dân gặp nạn.

Những chuyến biển… nhớ đời

Kể về những chuyến đi ấy, chị vẫn nhớ như in chuyến biển đầu tiên…

Năm 1997, đang trong kíp trực, chị nhận được thông báo cần gấp một đội y bác sĩ đi cùng lực lượng biên phòng ra khơi cứu nạn một tàu nước ngoài. Lần đầu tiên nhận được thông báo như vậy, ban đầu chị cũng lúng túng nhưng nghĩ tới những người bệnh đang lênh đênh trên biển, chị cùng các bác sĩ trong kíp trực vội xách túi nhảy lên tàu cùng các anh biên phòng.

Sau quãng đường đi hết chừng 1 giờ đồng hồ, ai cũng chao đảo vì sóng lớn nhưng khi được báo là tàu của ta đã tiếp cận được tàu bị nạn, hầu hết các anh em ai nấy đều bật dậy, nhanh chóng chuẩn bị tư trang, rồi thoăn thoắt chuyển sang tàu bạn để bắt tay ngay vào việc cứu người.

Khi lên tàu, chị mới biết đó là một tàu Trung Quốc bị chìm, đã có 1 người bị chết và 11 người bị thương.

“Cảnh tượng người bị thương nằm la liệt trên sàn tàu là hình ảnh ám ảnh trong ký ức của tôi. Sau khi làm công tác cứu hộ, đến 7-8h sáng, tàu của ta đã đưa người bị nạn vào đất liền”, chị Hồng kể lại.

Sau này, những chuyến biển với chị trở nên thường xuyên hơn khi Trung tâm 115 phối hợp công tác với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu hộ cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC).

Chị trải lòng: “Nhiều lúc lênh đênh trên những chuyến biển ra khơi xa, lúc biển lặng thì không sao, nhưng khi trời bão, gió giật cấp 8-9 trở lên thì mình cũng cảm thấy lo lắng, biết là cứu người không nề hà gì nhưng lúc ấy cũng không biết tính mạng mình có bảo toàn được không, liệu có trở về được hay không”.

Thế mà chính những lúc giông bão lớn cũng là lúc đội của chị bận rộn nhất, có khi phải đi 2-3 chuyến cứu nạn trong 1 ngày.

Rồi chị kể tiếp về chuyến biển vất vả nhất, xa nhất mà chị vẫn còn thấy sợ mỗi khi nhớ lại, đó là chuyến đi trên hải trình tới hơn 90 hải lý cứu 1 ngư dân người Thăng Bình (Quảng Nam) bị chấn thương sọ não.

“Lúc ấy gió giật cấp 9-10, con tàu SAR 412 cứ chao đảo nhồi lên nhồi xuống, sóng đập mạnh bể cả một bên mạn tàu. Thế mà chạy mãi vẫn chưa tới nơi người bị nạn đang chờ. Nhưng khi đến rồi thì tàu cứu nạn lại không thể nào tiếp cận được tàu cần cứu vì sóng dữ dội quá. Hai con tàu cứ lắc lư trước bão tố như vậy mấy tiếng đồng hồ cho đến khi bớt gió thì các anh tàu trên SAR tranh thủ đưa ngay mình qua tàu bị nạn để cứu chữa nạn nhân. Lúc đưa được bệnh nhân cập cảng và bước lên bờ, mình vẫn chưa hoàn hồn và thở phào vì bệnh nhân được cứu, vì mình… còn sống”, chị Hồng nhớ lại.

“Các bác, các anh trước hết phải tự cứu mình đã”

Từ thực tế những chuyến ra khơi cứu giúp ngư dân, nhận thấy mọi người vẫn còn thiếu những kỹ năng sơ cứu, bác sĩ Hồng nghĩ tới việc mở các lớp tập huấn hướng dẫn ngư dân cách sơ cứu vết thương khẩn cấp trước khi các y, bác sĩ tới nơi. Nghĩ là làm, chị lặn lội đến cảng cá Thọ Quang, gặp chính quyền rồi gặp từng chủ tàu vận động cho ngư dân hiểu để tham gia lớp học với câu nói chân tình: “Các bác, các anh trước hết phải tự cứu mình đã”.

Chị chia sẻ: “Ban đầu mọi chuyện thật không dễ dàng vì còn ít người đến lớp nhưng mình không nản. Thôi thì được người nào hay người ấy, 1 người , 5 người cũng được, mình vẫn dạy để khi hiểu rồi thì mọi người sẽ truyền miệng và vận động nhau vào lớp”.

Cứ thế, nỗ lực của chị được đền đáp, số người tham gia lớp học đông dần nhờ mọi người thấy được tính hiệu quả khi nắm được những kiến thức thiết yếu, được thực hành sơ cứu để có thể tự bảo vệ tính mạng khi có tai nạn xảy ra trên biển. Rồi số điện thoại của bác sĩ Hồng trở nên quen thuộc với những ngư dân trong những chuyến ra khơi, có chuyện gì họ đều gọi chị để được tư vấn từ xa như cách cầm máu thế nào, cách chườm nóng thế nào…

Ngoài những lớp học cho ngư dân, chị còn tham mưu tổ chức tập huấn cho các lực lượng biên phòng, cứu hộ cứu nạn cách sơ cứu ngư dân khi cần thiết.

Chị và đội ngũ y bác sĩ Trung tâm 115 cũng là một trong những lực lượng có nhiều đóng góp trong việc cứu chữa người gặp nạn trong vụ chìm tàu Thảo Vân 2 tại TP. Đà Nẵng vào tháng 6/2016…

Với những nỗ lực trong công tác cứu hộ cứu nạn ngư dân trên biển, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng đã được Cục Hàng hải tuyên dương và vào dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, chị được tặng giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng" do UBND TP. Đà Nẵng trao tặng, một nguồn động viên lớn cho “Bác sĩ của ngư dân”.

Minh Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/nguoi-totviec-tot/bac-si-cua-ngu-dan/299528.vgp