Bạc Liêu: Cụ bà 75 tuổi mòn mỏi chờ đợi thi hành án

Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực, thông báo của TAND tối cao cũng khẳng định nguyên đơn đã thắng trong vụ kiện. Chi cục thi hành án cũng đã có quyết định cưỡng chế đối với bị đơn. Vụ việc tưởng như đã đi đến hồi kết, thế nhưng suốt nhiều năm qua, nguyên đơn là một bà cụ 75 tuổi vẫn chưa lấy lại được mảnh đất của mình.

Bà Tuyết tuổi già sức yếu vẫn mỏi mòn chờ đợi công lý.

Tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng

Bản án phúc thẩm số 122/2011/DS-PT, ngày 29/11/2011 của Tòa án nhân dân (TAND) Bạc Liêu xác định, bà Nguyễn Ánh Tuyết (hiện ngụ phường 2, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) được địa phương cấp một phần đất nông nghiệp có diện tích 10.300m2.

Mảnh đất này nằm ở ấp Mỹ Tường II, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Thời điểm này chồng bà Tuyết đã hi sinh, hộ bà Tuyết có 3 nhân khẩu nhưng không có đất sản xuất. Do không có người lao động nên thời gian đầu bà Tuyết cho người ngụ cùng địa phương thuê hết toàn bộ diện tích và trả lúa hàng năm.

Năm 1989, bà Tuyết cho ông Nguyễn Văn Sinh, ngụ tại địa phương thuê toàn bộ diện tích, đến năm 1995 thì bà lấy lại toàn bộ. Từ đó cho đến năm 2003, bà Tuyết tiếp tục cho anh Tạ Văn Vẹn thuê toàn bộ đất trên. Một năm sau bà Tuyết lấy lại và tiếp tục cho anh Nguyễn Quốc Dân thuê.

Do đều là người trong họ hàng nên việc thuê đất chỉ nói miệng chứ không có giấy tờ chứng nhận. Đến năm 2005, ông Nguyễn Văn Sinh là em rể của bà Tuyết, (cũng là cha anh Vẹn, cha vợ anh Dân) tự ý lấy phần diện tích đất 5.508,8m2 trong tổng diện tích đất của bà Tuyết cho anh Dân thuê.

Trong khi đó, toàn bộ diện tích đất của bà Tuyết đã được cấp quyền sử dụng đất năm 1994, và năm 2007 được cấp đổi lại. Bị người thân tự ý lấy đất, bà Tuyết đâm đơn kiện yêu cầu bà Nguyễn Việt Bình (vợ ông Sinh, lúc này ông Sinh đã mất) và vợ chồng anh Vẹn đang trực tiếp canh tác đất có trách nhiệm trả lại cho bà diện tích đất 5,508,8m2.

Thế nhưng bị đơn là bà Nguyễn Việt Bình trình bày, không đồng ý với yêu cầu trả đất của bà Tuyết. Đồng thời phản tố, yêu cầu bà Tuyết và anh Dân (đang thuê đất của bà Tuyết) giao trả phần đất 5.140m2.

Anh Dân, người đang thuê đất của bà Tuyết trình bày do thuê đất của bà Tuyết nên chỉ trả cho bà này nếu bà muốn lấy lại, chứ không trả cho ai.

Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Phước Long đã quyết định bác yêu cầu khởi kiện của bà Tuyết, chấp nhận phản tố của bà Bình. Sau đó bà Tuyết, và anh Dân đã có kháng cáo không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm.

Hơn 2 tuần sau, Viện KSND huyện Phước Long cũng có kháng nghị số 114/QD/KNPT- DS ngày 28/7/2011 nêu rõ những vi phạm của cấp sơ thẩm. Cụ thể về tố tụng: hồ sơ vụ án không có quyết định phân công Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và thư ký tòa án tiến hành tố tụng; Trong hồ sơ vụ án có hai Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của đương sự, người làm chứng mà không có quyết định phân công cụ thể Thẩm phán nào có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Trong hồ sơ vụ án biên bản xác minh, biên bản ghi lời khai người làm chứng từ bút lục số 174 đến 177 bị tẩy xóa, không đảm bảo khách quan, biển ghi lời khai bị đơn, người liên quan có nhiều trang nhưng không đóng dấu giáp lai là vi phạm Bộ luật tố tụng dân sự; Hồ sơ không thể hiện quyết định thành lập hội đồng định giá tài sản nhưng lại có biên bản đo đạc là vi phạm luật. Như vậy, quá trình phân công người tiến hành tố tụng và thu thập chứng cứ Tòa án đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung, có cơ sở để xác định phần đất diện tích 10.300 mét vuông không phải của vợ chồng bà Bình mà thực chất là của bà Tuyết. Theo thực tế đo đạc thì phần đất nằm tại thửa 284, tờ bản đồ 06, nhưng khi nhận định và tuyên án thì Tòa án lại tuyên phần diện tích đất 10.300 mét vuông nằm tại thửa 248, tờ bản đồ số 06. Quá trình giải quyết vụ án Tòa đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và vi phạm cả về nội dung.

Công lý còn xa vời

Bản án phúc thẩm qua xác minh và hồ sơ đã xác định chính quyền địa phương thời đó có cấp cho bà Tuyết 10.300 mét vuông đất. Lời khai của những người làm chứng phù hợp với biên lai đóng thuế đất từ năm 1981 đến 1984 và phù hợp với thực tế là tại thời điểm được cấp đất, bà Tuyết là hộ gia đình chính sách, chồng bà là liệt sĩ không có đất canh tác.

Ngoài ra, bản thân bà Tuyết cũng là đảng viên lâu năm. Trong thời gian sử dụng đất, bà Tuyết cũng đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất. Tất cả chứng cứ đã chứng tỏ phần đất trên là thuộc quyền quản lý và sử dụng hợp pháp của bà Tuyết.

Vì các lẽ trên, Tòa phúc thẩm đã chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bà Tuyết, yêu cầu kháng cáo của anh Dân và một phần kháng nghị của Viện KSND huyện Phước Long, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Phước Long.

Theo đó, tòa buộc bà Bình, vợ chồng anh Vẹn có trách nhiệm giao trả phần diện tích đất 5,508,8 mét vuông đất cho bà Tuyết. Bản án phúc thẩm có hiệu lực, ngày 5/4/2012, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phước Long đã có quyết định cưỡng chế giao quyền sử dụng đất cho bà Tuyết nhưng bên bị cưỡng chế không đồng ý. Liên tiếp những quyết định cưỡng chế của chi cục thi hành án được ban hành nhiều năm sau đó nhưng gia đình bà Bình, anh Vẹn đều không hợp tác, cố tình né tránh, không ký vào các biên bản.

Vụ việc chưa có hồi kết khi các bị đơn của vụ án kháng cáo yêu cầu giám đốc thẩm lại vụ án. Ban Nội chính tỉnh ủy Bạc Liêu, Công an tỉnh Bạc Liêu cũng đã vào cuộc điều tra xem xét việc chống đối thi hành án của các bị đơn. Thế nhưng cho đến nay, 6 năm sau bản án phúc thẩm vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ. Bà Tuyết ngày càng già yếu, mỏi mòn chờ đợi công lý.

Tỉnh ủy Bạc Liêu đã chỉ đạo những nội dung gì? Việc xác minh hành vi chống đối người thi hành công vụ của công an tỉnh ra sao? Câu chuyện Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyên Việt – Thanh Thủy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-cau/bac-lieu-cu-ba-75-tuoi-mon-moi-cho-doi-thi-hanh-an-320193.html