Bắc Kinh không còn hào phóng

Một quan chức Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang ngày càng lúng túng trước những dự án tài trợ ở nước ngoài không đem lại hiệu quả và những rủi ro thì ngày càng tăng lên.

Khi Trung Quốc đặt bút ký vào dự án xây dựng đường sắt Tinaco – Anaco ở Venezuela năm 2009, sự kiện này được coi là bằng chứng về sự hợp tác sắt son giữa hai nước cùng đi theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Những con tàu bóng nhoáng của Trung Quốc được đưa tới Venezuela, vận chuyển lượng lớn hàng hóa và hành khách đi dọc miền đất nước với tốc độ 137 dặm/giờ.

Cố Tổng thống Hugo Chavez gọi dự án 800 triệu USD là “chủ nghĩa xã hội trên đường ray”, vì cả người giàu và người nghèo đều được ngồi trên những khoang tàu mát lạnh. Tuy nhiên, người dân địa phương lại gọi đây là biểu tượng của khủng hoảng kinh tế ở Venezuela. Dự án đã bị ngừng lại vô thời hạn vì thiếu vốn.

Còn đối với Trung Quốc, dự án này cũng là biểu tượng của một giấc mơ đã hóa thành cát bụi. Trong suốt thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã tự chuyển mình, trở thành một người chơi chính trên sân chơi rót vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng quốc tế. Trung Quốc có danh mục cho vay lớn hơn cả số tiền mà 6 tổ chức đa phương quốc tế cộng lại. Hai ngân hàng chính sách và 13 quỹ đầu tư địa phương là nguồn rót vốn chính.

Cổng vào công trường dự án đường sắt ở Venezuela có khẩu hiệu “Tiến lên phía trước” viết bằng chữ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình “tiến lên phía trước’, các ngân hàng Trung Quốc đã làm nổi lên những nguy cơ ở một số nước mất ổn định nhiều nhất trên khắp các châu lục, từ Mỹ Latinh, châu Phi đến châu Á.

“Khi giá hàng hóa ở mức cao, các ngân hàng chính sách Trung Quốc coi việc tài trợ cho các dự án ở nước ngoài là phương tiện để doanh nghiệp Trung Quốc vươn ra toàn cầu, đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và cũng là một phần của chính sách ngoại giao”, Kevin Gallagher – giáo sư ĐH Boston nói. “Giờ đây chúng lại biến thành những rủi ro”.

Một quan chức Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang ngày càng lúng túng trước những dự án không đem lại hiệu quả và những rủi ro thì ngày càng tăng lên.

“Trung Quốc không có lựa chọn nào mà buộc phải cho các quốc gia đầy rủi ro này vay tiền. Họ có hàng hóa mà Trung Quốc cần đồng thời đây là những quốc gia mà các tổ chức quốc tế do phương Tây hậu thuẫn chưa động đến”.

Bắc Kinh và Caracas

Khi bắt đầu tài trợ cho Chính phủ của ông Chavez năm 2007, Trung Quốc đặt cược rằng một quốc gia với mức xếp hạng “rác” đã từng vỡ nợ trái phiếu quốc tế 4 lần trong 30 năm qua chắc hẳn sẽ cẩn trọng hơn về tài chính. Hơn nữa đây còn là một trong những nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Kết quả là Venezuela trở thành khách hàng lớn nhất của Trung Quốc. Kể từ năm 2007 đến nay Trung Quốc đã đầu tư 65 tỷ USD vào Venezuela, tài trợ cho 17 dự án khổng lồ trong các ngành lọc dầu, khai thác vàng, logistics, thương mại, đường sắt và nhiều thứ khác. Để dễ so sánh, kể từ năm 1945 đến nay World Bank chưa bao giờ cho nước nào vay nhiều tiền đến vậy (trừ Ấn Độ).

Tháng 5 vừa qua, Caracas đạt được thỏa thuận vỡ nợ với Trung Quốc. Trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát đã lên tới 800%, thiếu hụt thực phẩm thuốc men và Chính phủ Venezuela không có tiền trả lương cho công chức, Bắc Kinh đã đồng ý cho Venezuela hoãn trả nợ gốc. Venezuela sẽ chỉ phải trả tiền lãi trên số nợ 20 – 24 tỷ USD để có thể được vay thêm 5 tỷ USD trong 2 năm.

Tuy nhiên điều tồi tệ nhất chưa đến với Trung Quốc. Nguy cơ Caracas vỡ nợ trái phiếu quốc tế ngày càng lớn và trong trường hợp xấu nhất các tài sản của chủ nợ Trung Quốc ở Venezuela sẽ bị tịch thu. Thêm nữa, hoạt động khai thác dầu khí có thể gián đoạn, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp dầu mà Caracas đang sử dụng để trả nợ cho Trung Quốc.

Dự án đường sắt bị bỏ hoang.

Tất cả những điều này nằm ngoài dự tính của các lãnh đạo Trung Quốc 4 năm trước. Liu Kegu – phó giám đốc Ngân hàng phát triển Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Venezuela – giải thích rằng những khoản vay đã được đảm bảo bằng nguồn dự trữ dầu khổng lồ của Caracas. “Khai thác dầu ở đây rất dễ, chỉ cần khoan một lỗ, đặt đường ống xuống là bạn đã có dầu, sau đó chuyển về Trung Quốc. Khả năng trả nợ của Venezuela rất tốt”, ông Liu đã nói như vậy năm 2012.

Hoạt động của Trung Quốc ở Venezuela không chỉ dừng lại ở con số 65 tỷ USD của các khoản vay cấp nhà nước. Nhiều công ty Trung Quốc cũng tới đây. CITC Group xây dựng đường sắt và nhà ở, Sinohydro Group phát triển nhà máy điện, mạng di động ở Venezuela được cung cấp bởi ZTE trong khi các nhà máy lọc dầu và ống dẫn được xây dựng bởi Sinopec và PetroChina.

Ở bên ngoài, Bắc Kinh tỏ ra khá bình thản và không hề lo lắng. Tuy nhiên giới phân tích nhận định không khí của các buổi thảo luận riêng tư khá căng thẳng. Giới chức Trung Quốc cũng chính thức làm việc với lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela.

“Chúng tôi nhìn về tương lai”

Venezuela là một trường hợp cá biệt, nhưng cũng đáng để gióng lên hồi chuông báo động về rủi ro của các khoản vay này.

6 trong số 10 quốc gia đứng đầu danh sách con nợ của Trung Quốc từ năm 2013 đến 2015 có mức xếp hạng tín nhiệm rác giống như Venezuela và được OECD xếp vào nhóm có rủi ro vỡ nợ cao nhất. Ngược lại, trong 10 nước đứng đầu danh sách của World Bank chỉ có 2.

Quan chức của một ngân hàng chính sách Trung Quốc từng nói rằng nguyên nhân gây nên sự chênh lệch này là do phương pháp đánh giá rủi ro khác nhau. “Chúng tôi nhìn vào tiềm năng phát triển của một quốc gia, nhìn vào cả quá khứ và tương lai. Chúng tôi quan niệm có lẽ điều họ cần là cơ sở hạ tầng, chỉ cần xây dựng cơ sở hạ tầng cho họ là nền kinh tế sẽ tăng trưởng tốt”.

Thế nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh (vốn cũng đang đau đầu với gánh nợ khổng lồ và sự trì trệ của các doanh nghiệp nhà nước) đang bắt đầu sử dụng phương pháp đánh giá chặt chẽ và khắt khe hơn đối với các dự án đầu tư phát triển ở nước ngoài. Ở cấp nhà nước, hạn mức tín dụng giảm xuống trong khi ở cấp dự án phía Trung Quốc đòi hỏi nhiều hơn để đảm bảo chắc chắn sẽ thu về lợi nhuận.

Một quan chức Nga giấu tên dự đoán số tiền Trung Quốc cho Nga vay sẽ giảm xuống trong những năm tới. “Họ phải giữ lại nguồn lực cho nhu cầu nội địa và cũng không nhìn thấy nhiều cơ hội hấp dẫn ở Nga’. Từ năm 2013 đến 2015, Trung Quốc cũng cam kết cho Nga vay 15,7 tỷ USD.

Hồi tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng lệnh trừng phạt của phương Tây không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Nga. Tuy nhiên các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã lớn tiếng phàn nàn về những khó khăn khi hoạt động ở Nga. Thậm chí những dự án dầu khí quy mô lớn cấp nhà nước cũng được bàn bạc rất kỹ lưỡng trước khi ký hợp đồng chính thức. Đồng rúp Nga suy yếu cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận mà Trung Quốc thu được.

Tình hình ở Zimbabwe và Sudan cũng tương tự.

Thu Hương

Theo InfoNet/FT

Nguồn CafeF: http://cafef.vn/bac-kinh-khong-con-hao-phong-20161015205810997.chn