Bắc Kạn, vài điểm nhấn đáng nhớ

Ngày 1/1/2017, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân Bắc Kạn long trọng, vui mừng trước thời khắc 20 năm tỉnh này tái lập (1/1/1997 - 1/1/2017).

Nhân sự kiện này, chúng ta cùng nhìn lại một tỉnh Bắc Kạn sau 2 thập kỷ phát triển.

Những quyết định chiến lược

Bắc Kạn có 122 xã, phường, 7 huyện, 1 thành phố, dân số khi mới tái lập tỉnh khoảng 275 nghìn, đến năm 2017 có khoảng 300 nghìn người.

Một góc thành phố Bắc Kạn hôm nay

Nếu năm 1997, Bắc Kạn có tới 16 xã không có đường xe 4 bánh tới trung tâm, 3/8 huyện, thị chỉ có đường cấp phối đến trung tâm huyện, còn 28 xã xe bốn bánh chỉ đến trung tâm xã vào mùa đông, thì nay có 100% số xã và các cụm thôn, bản đều có đường nhựa cho xe ô tô.

Năm 1997 có hơn 70% số lớp học tại Bắc Kạn bằng tranh tre, nứa lá, thì nay kiên cố hóa và ngói hóa cùng với xây tường cứng đạt gần 100%. Các công trình phục vụ dân sinh như trạm y tế, điện lưới, nước sạch sinh hoạt, nước sản xuất… cũng đều tạm bợ, nay Bắc Kạn đã có sự thay đổi cơ bản.

Cùng với hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, các chính sách về khuyến khích phát triển nông, lâm ngư nghiệp và chăn nuôi bền vững đã được Bắc Kạn đặc biệt quan tâm. Một số mặt hàng nông sản, củ quả chủ lực của Bắc Kạn đã có chỗ đứng trên thị trường như cam, quýt, hồng không hạt, miến dong, gạo bao thai, ngô nếp bản địa, cây sợi dài, gỗ công nghiệp…

Để có những kết quả tốt, giúp cho Bắc Kạn tiến nhanh trên con đường hội nhập, ngay từ khi mới tái thành lập 1997, đội ngũ cán bộ chủ chốt của Bắc Kạn đã rất mạnh bạo trong các quyết định có tính chiến lược.

Điển hình nhất, đó là việc thống nhất về quy hoạch những tuyến đường tại trung tâm của tỉnh lỵ Bắc Kạn. Bởi tư duy ngày đó, các đơn vị tư vấn chỉ lập có 14m, còn các tuyến lộ khác chỉ từ 8 đến 10m…

Đơn vị tư vấn lập xong, đã thông qua nhiều cấp ở Trung ương xét duyệt, nhưng vì trách niệm trước dân về tương lai của một trung tâm hành chính của tỉnh sau này, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ đã quyết tâm bác bỏ, đề nghị phải vẽ lại các tuyến phố.

Ông đã chỉ định phải làm trục chính rộng 41m, còn các trục giao lộ khác tối thiểu phải là 36m. Đến khi các tuyến đường được khởi công, cũng là lúc những người chẳng ưa ông được đà chỉ trích là quá rộng, để ai đi, chỉ tổ lãng phí? Thế nhưng, chỉ 5 năm sau nhìn lại, mói thấy ông Ruệ có tầm nhìn.

Không chỉ có tầm nhìn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cá nhân ông Phan Thế Ruệ đã cùng Ban Cán sự đảng UBND tỉnh luôn thống nhất cao, bởi chưa đầy một nhiệm kỳ mà ông đã ký nhiều văn bản có tính chiến lược, giúp dân thoát nghèo qua các chính sách về khuyến nông, khuyến lâm… đến trợ giá cho nông dân tiền mua giống cây trồng, vật nuôi nên khuyến khích nông dân tăng vụ, chấm dứt thiếu đói lương thực, tiến tới giảm nghèo vững chắc…

Nhờ ông mạnh tay, nhìn xa trông rộng thì thành phố Bắc Kạn mới thông thoáng như ngày hôm nay. Nối tiếp các quyết sách vì dân, khi ông Hà Đức Toại giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh, ông đã mạnh tay ký cho doanh nghiệp san phẳng các ngọn núi phía Nam, góp phần mở rộng khu vực trung tâm hành chính tỉnh lỵ, giúp cho TP Bắc Kạn đẹp đẽ như ngày hôm nay.

Cần cởi mở tư duy

Trải thảm đỏ mời gọi đầu tư vội vã, Bắc Kạn cũng bị trả giá đắt khi nhiều dự án, nhà máy không hiệu quả như: Nhà máy chế biến tinh bột sắn Bắc Kạn, Nhà máy sản xuất xi măng Bắc Kạn, Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Bắc Kạn, Nhà máy Thép Vạn Lợi, Nhà máy Điện phân kẽm chì Ngọc Linh…,

Đó là những nhà máy được các doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng, còn người dân chẳng biết doanh nghiệp xây để làm gì, bởi có nhà máy xây dựng nửa vời rồi bỏ hoang. Có nhà máy xây dựng tốn kém hàng chục tỷ đồng, nhưng chưa sản xuất ngày nào đã hư hỏng, vội bán tháo sắt vụn…

Điển hình nhất của sự vội vã, đó là năm 2008, khi ông Trương Chí Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký các văn bản khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch tại Bắc Kạn, đổi lại là tỉnh “hứa” sẽ ưu tiên cấp các mỏ vàng sa khoáng, theo Chương trình gọi tắt là “đổi vàng lấy du lịch” - có nghĩa là UBND tỉnh Bắc Kạn sẽ ưu tiên cấp phép mỏ vàng cho các doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng các điểm du lịch.

Sau khi ký cấp xong hàng chục địa điểm làm du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn lần lượt ký cấp 2 mỏ vàng sa khoáng tại 2 xã Lương Thượng, huyện Na Rì và xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn. Việc cấp mỏ vàng đã gây bất bình trong dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ngay lập tức Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc, mới phát hiện cách làm này của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn là vi phạm Luật Khoáng sản. Tỉnh ủy Bắc Kạn “phanh gấp” việc cấp mỏ vàng. Thế nhưng, hậu quả của nó đã quá lớn, khi “doanh nghiệp nhẹ dạ cả tin” vội vã vay mượn tiền để đầu tư du lịch, giờ lâm cảnh nợ nần chồng chất, cho đến ngày hôm nay vẫn chưa tìm được lối thoát…

Bắc Kạn vẫn là tỉnh nghèo và trong tốp khó khăn nhất của cả nước, nhưng thủ tục hành chính của Bắc Kạn cũng đang bị chê rườm rà. Bởi khi ông Trương Chí Trung làm Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn (giai đoạn 2008 đến 2010), ông đã áp dụng một cách làm mới, mà tới cả 3 thế hệ Chủ tịch tỉnh tiền nhiệm (gồm các ông Phan Thế Ruệ, Mai Thế Dương, Hà Đức Toại) cũng chẳng nghĩ ra, khiến các doanh nghiệp tại Bắc Kạn thường gọi vui là “chợ văn bản”.

Bởi mỗi khi UBND tỉnh nhận được “đủ mớ” văn bản xin ý kiến, hoặc đề xuất của các tổ chức, cá nhân, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh mới “hội ý”, cho ý kiến từng sự việc cụ thể, sau đó các đồng chí trong Ban Cán sự UBND tỉnh phải cùng ký “đồng ý” vào một Phiếu trình của Văn phòng, rồi người đứng đầu mới giao cho thư ký soạn thảo văn bản để ký trả lời...

Cách làm này có cái lợi cho người yếu kém cũng có thể làm lãnh đạo tốt, vì đã có cả tập thể chịu trách nhiệm thay. Nó chỉ vất vả cho đơn vị, cá nhân nào lỡ gửi văn bản xin ý kiến, lại đúng lúc có một đồng chí trong Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đi vắng, nhất là đi công tác xa, thì chưa biết đến khi nào bản "tấu trình" mới nhận được hồi âm...

Khi được hỏi về những ưu điểm của cách làm này, một đồng chí trong Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Kạn cũng thừa nhận là “không ổn”, nhưng không dám nêu ý kiến xin đổi thay.

Thế là cách giải quyết thủ tục hành chính rườm rà này đã được tới 3 thế hệ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn là các ông Trương Chí Trung, Hoàng Ngọc Đường và Chủ tịch hiện nay là ông Lý Thái Hải cứ... nề nếp làm theo, thì biết bao giờ thủ tục hành chính mới được vận hành nhanh chóng tại tỉnh vùng cao này?!

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/bac-kan-vai-diem-nhan-dang-nho-post183685.html